CHỌN LỰA HẠNH PHÚC

0
474

Paul Bằng – Học viện Ngôi Lời

Khi nói đến hạnh phúc, mỗi người sẽ có những định nghĩa khác nhau cho riêng mình. Một trăm người sẽ có một trăm lẻ một quan niệm về hạnh phúc. Quả thế, hạnh phúc không phải là một dạng vật chất trao ban, cũng không hẳn là một công thức chung mà mọi người cần áp dụng, cũng không thể là hàng hóa trao đổi giữa người này với người khác. Hạnh phúc là một sự cảm nhận cách cá vị của mỗi người. Riêng bản thân tôi, sau ba tháng giúp hè tại cộng đoàn Mân Côi, tôi cũng có được khái niệm cho riêng mình về hạnh phúc, với tôi hạnh phúc là biết buông bỏ, chấp nhận và sống biết ơn.

Tạm gác lại các con chữ, những tư tưởng triết học trên ghế giảng đường học viện, tôi cùng với anh em bắt đầu sứ vụ hè nơi mảnh đất cao nguyên vào những ngày trung tuần tháng sáu. Một sứ vụ hè đặc biệt giữa mùa đại dịch Covid-19. Riêng tôi, điểm đến mùa hè này là mảnh đất Làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, nơi có sự hiện diện của Cộng đoàn Mân Côi và đồng bào sắc tộc Gia Rai. Cộng đoàn Mân Côi thuộc tỉnh dòng Ngôi Lời Việt Nam, gồm ba thành viên đang hiện diện là Cha Micae Trần Phúc Ca, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thuật và Cha Giuse Nguyễn Văn Linh. Cộng đoàn tọa lạc trên khu đất rộng gần 3,5 hecta, cách thị trấn Chư Sê khoảng 12km, được bao bọc chung quanh bởi nương rẫy của người dân vùng kinh tế mới Nam Định và các bản làng của đồng bào Gia Rai. Cộng đoàn bắt đầu hiện diện nơi đây từ năm 2016 với sứ vụ truyền giáo cho đồng bào Gia Rai, phụ trách giáo xứ Vinh Sơn và canh tác trên phần đất rẫy 3 hecta. Vì thế, sứ vụ hè của tôi năm nay được gắn liền với các hoạt động chính là cùng với anh em trong cộng đoàn vào dâng lễ cho đồng bào trong các bản làng, tập hát và làm vườn. Những công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa và tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi được hiện diện ở nơi này. Bởi đó, tôi càng xác tín hơn với quan niệm về hạnh phúc cho riêng mình, hạnh phúc là buông bỏ, chấp nhận và sống lòng biết ơn.

Trước hết hạnh phúc là buông bỏ. Cuộc sống luôn đặt chúng ta trước những chọn lựa, có những chọn lựa dễ dàng nhưng có những chọn lựa vô cùng khó khăn. Đặc biệt, khi đứng giữa hai điều tốt, sự chọn lựa sẽ đồng nghĩa với việc ta phải bỏ đi một điều tốt mà chọn điều tốt hơn, có khi đó không phải là tốt hơn cho mình nhưng là tốt hơn cho nhiều người. Sứ vụ hè năm nay, tôi đã thực hiện một cuộc buông bỏ thực sự. Tôi bỏ lại những ồn ào, náo nhiệt, văn minh của thị thành để chọn một vùng đất hoang sơ, quê mùa, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, là nơi sinh sống chủ yếu của anh em đồng bào. Tôi gạt sang một bên những tính toán riêng tư của mình để đón nhận những dự định chung của bề trên. Tôi loại ra khỏi bản thân những đòi hỏi, suy tính, cân đo đong đếm thiệt hơn để đón nhận sứ vụ một cách vui vẻ và tràn đầy hi vọng. Đặc biệt, bước theo tiếng gọi của Đức Kitô trong ơn gọi truyền giáo, tôi sẵn sàng trút bỏ mọi thứ lỉnh kỉnh ngáng đường mà bước đi một cách nhẹ nhàng tiến đến vùng đất mới, với những con người mới và văn hóa mới. Những sự gạt bỏ này đối với nhiều người tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực tế nó là một chọn lựa khó khăn bởi cuộc sống ai chả muốn khỏe mạnh, an nhàn, thảnh thơi và tiện nghi đầy đủ. Nhưng khi dám từ bỏ những cái tốt đó để chọn cái tốt hơn là lúc tôi đang bước đi trong hạnh phúc của chính mình. Với tôi, sự buông bỏ những tiện nghi đang có để đón nhận những trải nghiệm quý giá nơi vùng đất truyền giáo quả là chọn lựa đầy tràn hạnh phúc.

Thứ hai, hạnh phúc chính là biết chấp nhận. Sự thường là thế, khi ta chấp nhận một hướng đi cho mình thì cũng đồng nghĩa với việc ta dồn hết mọi khả năng để kiến tạo hạnh phúc cho hành trình ấy. Về với mảnh đất Gia Lai, tôi đang chấp nhận một hành trình như thế, dù biết ở nơi đây tôi sẽ phải trải qua những trải nghiệm rất mới và khó khăn. Một vùng đất được mô tả đầy nắng và gió trong thi ca. Một vùng truyền giáo với đầy đủ vẻ bi ai và kiêu hùng mà tôi được cảm nhận qua những dòng hồi kí trong “Dân làng Hồ” của linh mục P. Dourisboure. Một miền truyền giáo mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên, với con người, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục và cả những cung cách sống hoàn toàn xa lạ với tôi. Tuy nhiên, mọi thứ tưởng chừng như khó khăn đó bỗng trở nên thứ yếu khi tôi chấp nhận xách balô lên đường để đến với nơi này. Tôi chấp nhận cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải nỗ lực để tìm được hạnh phúc cho mình ở nơi đây. Vì thế, những vùng đất tôi đi qua, những địa danh tôi bước tới, những con người tôi gặp gỡ và cả những công việc nhỏ bé hằng ngày, tôi luôn cố gắng để tạo ra hạnh phúc cho mình và làm lan tỏa đến với người khác. Tôi hạnh phúc vì mỗi sáng được ra thăm vườn, được nhặt những trái sầu riêng thơm lừng. Tôi vui vì được làm những công việc của một người nông dân thực sự như cắt cỏ cà phê, trồng cây, trỉa bắp, trồng đậu, bón phân… Tôi cũng hạnh phúc khi được chăm sóc những con gà, con vịt, con ngỗng, con heo, con thỏ, con khỉ. Đặc biệt, tôi cảm thấy nhiều động lực khi được đến với anh em đồng bào vào mỗi thánh lễ trong các bản làng, được tham dự thánh lễ với ngôn ngữ của họ, được chia sẻ niềm vui gặp gỡ và được hòa mình vào những phong tục của họ. Tất cả những công việc đó tưởng chừng như bình thường với nhiều người, nhưng nó thực sự ý nghĩa với tôi. Nó giúp tôi cảm nhận thực tế hơn nỗi vất vả của người nông dân và hơn hết tôi đã làm tất cả với tình yêu và nhiệt huyết nơi Đức Giêsu.

Thứ ba, hạnh phúc chính là sống thái độ biết ơn. Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà xã hội học Henry Ward Beecher “Trái tim không biết ơn sẽ không tìm được hạnh phúc. Khi chúng ta có lòng biết ơn, sẽ tìm thấy hạnh phúc trong từng giờ”. Tôi càng được đánh động nhiều hơn với tư tưởng này trong những ngày thực hiện sứ vụ tại cộng đoàn Mân Côi. Niềm hạnh phúc ấy tôi cảm nhận được khi anh em trong cộng đoàn mở rộng vòng tay đón chào tôi như một người em về với gia đình. Những tháng ngày sống với các anh trong cộng đoàn, tôi càng cảm nhận rõ hơn tình cảm của một gia đình thực sự, một cộng đoàn đầy sức sống và chứa chan tình huynh đệ. Sự quan tâm, chia sẻ, nâng đỡ dành cho nhau trong từng bữa ăn và mỗi công việc. Những kinh nghiệm được chia sẻ qua câu chuyện bên li café mỗi sáng, những phút trải lòng trong hành trình truyền giáo đầy khó khăn, những thao thức được chia sẻ trong những chuyến mục vụ, tất cả là bài học quý giá mà các anh, những thế hệ đi trước đang muốn nhắn gửi và truyền lửa cho tôi trong hành trình ơn gọi của mình. Tôi cũng biết ơn những người giáo dân mà tôi may mắn được gặp gỡ. Họ luôn dành cho tôi sự trân trọng và tình cảm sâu đậm nhất. Đặc biệt, tôi biết ơn những anh em đồng bào Gia Rai. Họ đã cho tôi có được những cảm nhận tuyệt vời về một Đức tin sống động, sự phó thác và lòng trung thành tuyệt đối vào Chúa. Tôi được gặp gỡ họ trong các thánh lễ, các buổi tập hát và các chuyến từ thiện. Qua cuộc sống của họ, tôi được đụng chạm đến tận cùng của những khó khăn và tôi cảm nghiệm rõ hơn thế nào là một cuộc sống giản đơn nhưng đầy tình người.

Rời cộng đoàn sau những tháng ngày được sống trong gia đình đầy hạnh phúc, tôi trở về lại Sài Gòn để tiếp tục sứ vụ học hành. Tạm biệt cộng đoàn, tạm biệt mảnh đất Gia Lai thân thương, tạm biệt các anh và tạm biệt những người tôi đã may mắn được gặp gỡ trong sứ vụ của mình. Tôi về lại học viện nhưng trong tâm trí và con tim vẫn đang chung nhịp đập của niềm hạnh phúc và cả lòng biết ơn. Xa mảnh đất ấy về thể lí, nhưng con tim tôi vẫn luôn hướng về nơi đó như một phần máu thịt trong cuộc đời của mình. Nguyện chúc các anh và mọi người luôn được nhiều ân sủng và bình an của Chúa. Hẹn một ngày gần nhất được trở lại với mảnh đất đầy ắp tình người này.

Bài trướcSỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
Bài tiếp theoChương trình viếng thăm Iraq của Đức Thánh Cha Phanxicô