Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD (chuyển ngữ)
Lm. Hermann Fischer, SVD (tác giả)**
Tiếp nối câu chuyện về cuộc đời của vị thánh sáng lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, bài này (phần 2) cho thấy ngài thực sự là chứng nhân của Hội Tông đồ Cầu nguyện trong thực hành thiêng liêng…
—O—
Arnold bắt đầu hành động. Không đặt chỗ trước, ngài đã xin phép thông qua các lá thư và thực hiện nhiều chuyến đi vất vả để cử hành Thánh Lễ hằng ngày ở mộ phần của thánh Boniface ở Fulda để cầu nguyện cho sự trở lại của những người Tin Lành. Suốt bốn năm rưỡi, ngài đã tự quản chi phí cho những Thánh Lễ như vậy. Ngài cũng để lại bổng lễ với cùng những ý hướng cho những chuyến đi giữa Đức và Áo. Nhờ di chuyển tới lui, ngài đã tỏ ý định của mình và xin tất cả các nhóm trợ giúp ngài thông qua việc cầu nguyện. Các linh mục thì dâng Lễ, giáo dân thì giúp lần chuỗi Mân Côi, bởi vì đây cũng là nguồn lực mạnh mẽ giúp cho Giáo hội thuở sơ khai. Ngài chọn lời cầu nguyện từ phụng vụ của thánh Gioan Chrysostom để gửi ra và mong rằng, nếu có anh chị em nào đã tách biệt mà hối tiếc vì sự ly giáo giữa chúng ta, thì đừng ngần ngại tham gia vào việc cầu nguyện chung cho ý hướng đó. Ngài đã có kế hoạch viết thư cho Đức giáo hoàng để xin thêm sự xá giải (xá tội). Arnold viết: “Tôi đã cam kết thường xuyên với những hành trình dài, tự làm khó chính mình bằng nhiều mối tương quan và nài xin Thiên Chúa cho mọi người, nhất là đối với những ai bị ảnh hưởng nhiều, để họ hiểu và nắm bắt thực sự rằng: lúc ngoại thường này đòi hỏi sự trợ giúp ngoại thường bằng cầu nguyện. Việc thực hiện [cầu nguyện] vô cùng quan trọng và những tội lỗi quá khứ của chúng ta trầm trọng. Chỉ khi Thiên Chúa tốt lành gieo rắc tinh thần cầu nguyện và ân sủng ngày càng nhiều khắp trần gian, bằng không thì tất cả hy vọng của chúng ta sẽ vô ích hoặc chẳng có gì.”
Bên cạnh những ý tưởng để tái hợp nhất những Kitô hữu ly khai ở Đức, lý tưởng tông đồ của ngài còn đi theo hướng khác là thành lập một ngôi nhà cho những sứ vụ truyền giáo ở Đức. Không phải chỉ có một nhà ở Đức, Áo, hoặc Hà Lan. Ý tưởng này còn đi xa hơn về tầm quan trọng của nó trong suy nghĩ của ngài cho đến khi nó xâm chiếm ngài hoàn toàn sau khi xung đột Kulturkampf[1] đã làm tiêu tan mọi triển vọng để thuyết phục lại (thắng) những người Tin Lành. Ngài đã cố gắng khấy động sở thích vì ý tưởng này bất cứ khi nào có thể, đặc biệt là thông qua tạp chí The Little Messenger of the Sacred Heart (Sứ Giả Nhỏ của Thánh Tâm) được thành lập năm 1874. Nhắc lại, phương thế quan trọng nhất để hỗ trợ cho việc làm khó khăn này chính là cầu nguyện. Arnold viết: “Đối với việc này, sự chúc phúc của Thiên Chúa đặc biệt quan trọng, và để có được ơn cần thiết, tôi tha thiết xin các độc giả, các linh mục, giáo dân, hãy dâng việc rước lễ kế tiếp cho Thánh Tâm Chúa vì mục đích này.” Mỗi số tạp chí, trước khi đóng lại trang cuối, đều có một lời cầu nguyện cho những vùng đất truyền giáo. Ngài xin các độc giả đừng đặt quyển tạp chí xuống mà chưa thực sự cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Khi Đức giáo hoàng Pius IX quyết định ngày 16/6/1875 là ngày tổ chức kỷ niệm 200 năm về những mạc khải của Thánh Tâm cho thánh nữ Margaret Mary và đã loan truyền một sự thánh hiến đặc biệt thế giới Công giáo cho Thánh Tâm Chúa, thì cha Arnold đã in phát hành đi 12.000 lời cầu nguyện thánh thiến đến các độc giả của tạp chí Sứ Giả Nhỏ của Thánh Tâm để họ có thể cùng tham gia vào việc thánh hiến.
Chính cha Arnold đã rất sùng kính Thánh Tâm và mạnh mẽ khuyến khích những người khác thực hành. Việc này xác thực vì sau tháng 10/1873, ngài đã ngừng làm tuyên úy cho các nữ tu Ursuline ở Kempen, Rhineland để có thể toàn tâm toàn ý cho việc tông đồ của ngài. Năm mươi năm sau, các nữ tu Eustellan và Michaela kể lại: “Cha trưởng Janssen rất nhiệt thành. Ngài ít ngủ, ngủ trễ mà dậy sớm. Sau đó, ngài đi vào thành phố và đã tham dự vài Thánh Lễ trước khi ngài về cử hành Thánh Lễ tại nhà nguyện của chúng tôi. Mỗi ngày, ngài đi Đàng Thánh Giá thường hơn một lần. Ngài đã dang tay ra như thánh giá rồi quỳ để đi từ chặng này đến chặng kia bằng đầu gối. Ngài hay ăn chay.” Nữ tu Eva, người phục vụ bữa ăn cho cha Janssen, đã phàn nàn lớn tiếng: “Cha trưởng Janssen lại chẳng ăn gì cả!” Ngay cả trẻ em ở trường cũng để ý thấy cha thường xuyên ăn chay. Người thợ mộc ở tu viện cũng quan sát thấy rằng cha tự đánh chính mình [để sám hối].[2] Ngài đã để đầu trần khi làm vườn trong tu viện cũng như khi đi dự lễ sớm trong thành phố vào mùa đông. Ngài sống rất thanh đạm khi di chuyển và mang theo các đồ dự phòng ngay cả trong những chuyến hành trình dài.
Một nữ tu khác (khi chị vẫn còn là bé gái sống bên nhà láng giềng) nhớ lại: “Từ vườn nhà cha mẹ tôi, chúng tôi có thể thấy qua cửa sổ phòng cha Janssen. Khi ngài quên đóng cửa sổ sau khi tắt đèn, chúng tôi vẫn có thể thấy ngài. Có lần cha của chúng tôi gọi chúng tôi ra vườn và nói: ‘Các con ơi! Ra vườn, cha sẽ chỉ cho các con thấy một vị thánh cầu nguyện.’ Chúng tôi thấy cha Arnold đang quỳ như tượng một vị thánh, bất động, chăm chú nhìn lên Chúa và cầu nguyện. Ngài giữ tư thế này nhiều giờ và đã để lại ấn tượng mạnh cho chúng tôi.”
Đây là tâm thái khi ngài đảm nhận công việc cuộc đời. Ngài sống nghèo về vật chất, thiếu tài năng con người cách đặc biệt; ngài đầu tư chỉ vào sự tận hiến tông đồ với ý chí cao quý cho những quan tâm lợi ích của Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện, tha thiết sám hối, và tin vô hạn vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Thần tượng của ngài chính là Trái Tim quảng đại bao dung của Đấng Cứu Thế. Arnold mong ước nuôi dưỡng và ấp ủ những ý hướng giống như thánh ý của Trái Tim Đức Kitô. Ắt hẳn, Ba Ngôi Chí Thánh sống và ngự trị trong tâm hồn ngài và sở hữu ngài hoàn toàn.
(Còn nữa)
Đón đọc: ARNOLD JANSSEN VÀO LÚC THÀNH TỰU
_____
[*] Tựa đề bài viết do người dịch đặt.
[**] Trích dịch sang tiếng Việt từ tác phẩm của Hermann Fischer, You Are the Temple of the Holy Spirit. Người dịch chuyển ngữ dựa theo bản dịch tiếng Anh của linh mục Paul LaForge, SVD (Manila, Philippines: Logos Publications Inc., 1996, 1999), trang 14-16.
_____
Liên kết nhanh đến các bài trước:
Bài 5: Cha Arnold với Hội Tông đồ Cầu nguyện: Bén duyên: https://ngoiloivn.net/pin_post/arnold-janssen-voi-hoi-tong-do-cau-nguyen-duyen-cau-nguyen/
Bài 4. Người linh mục trẻ Arnold: https://ngoiloivn.net/pin_post/nguoi-linh-muc-tre-arnold-janssen/
Bài 3. Con đường học vấn của cha Arnold: https://ngoiloivn.net/uncategorized/thieu-nien-arnold-janssen-con-duong-hoc-van/
Bài 2. Thân mẫu Cha Arnold: https://ngoiloivn.net/pin_post/than-mau-cua-cha-thanh-arnold-janssen-chung-nhan-cau-nguyen/
Bài 1. “Ảnh hưởng của thân phụ…”: https://ngoiloivn.net/pin_post/anh-huong-cua-than-phu-den-linh-dao-cua-cha-thanh-arnold-janssen/
[1] Cuộc xung đột văn hóa giữa chính phủ Vương quốc Prussia với Giáo hội Công giáo Rôma (1871-1878) [Chú thích của người dịch]
[2] Tập tục đánh tội để tỏ lòng sám hối hoặc thanh luyện thân xác của các đan sĩ trong các đan viện thời xưa. [Chú thích của người dịch]