LÁ RỤNG VỀ CỘI… CỘI Ở ĐÂU?

0
674

Tản văn

Phêrô Lê Việt Tân

Nhà tôi trên bến sông. À không! Nhà tôi có một cây bồ đề. Thường thì bồ đề chỉ được trồng ở sân chùa. Kể cũng lạ, gần đây có một ngôi chùa to lớn, nhưng không có bóng dáng của cây bồ đề, một tu viện Công giáo như chúng tôi lại trồng nó. Không biết cây chọn đất hay là đất chọn cây? Nhưng đó cũng là một cái duyên. Đất lành cây mọc. Nó lớn nhanh lắm, chỉ mới rời nó đi có mấy năm, nhìn lại, tôi bỗng giật mình, gần bằng tòa nhà 5 tầng rồi. Thời gian làm cho cây “lớn lên” và “già đi” cũng nhanh như với con người vậy. Lần đầu tiên tôi gặp nó, tôi chỉ mới là một người tò mò thử xem “Đi tu là gì?”; thấm thoát đã 7 năm, qua 3 giai đoạn, đổi 5 chỗ ở, rồi quay lại từ nơi “bắt đầu”.

Nhớ ngày trước, cái cây này vừa là nỗi khổ mà cũng là niềm vui của chúng tôi. Khổ vì nó rụng lá nhiều quá. Cây xanh. Cây tốt. Cây rụng đầy lá. Ngày nào chúng tôi cũng quét lá cây. Tháng nào cũng cắt cành. Rồi tới một thời điểm, nó ra hoa. Nó ra trái. Trái nó sai như cát ngoài biển, rụng trạc đất, quét gom một đống. Có khi đang cầm ly cà phê sữa, cười cười nói nói, chợt nhìn lại, được khuyến mãi thêm mấy viên “trân châu”.

Nó cũng mang lại nhiều niềm vui lắm! Ngày nào anh em chúng tôi cũng ngồi dưới cái bàn tròn được đặt dưới tán cây, uống cà phê, uống trà, chia sẻ cho nhau những điều thú vị. Thời sinh viên cũng chỉ có vài ba chủ đề chính: chuyện đi học, chuyện trên mạng, chuyện ngủ không chịu dậy… nhưng đem ra “chém gió” cũng thấy nó vui vui.

Những dịp lễ lớn, gốc cây tự nhiên trở nên quan trọng hẳn. Nó trở thành nơi làm lễ, nơi tiếp khách, sau đó trở thành sân khấu. Tán cây trở nên lấp lánh ánh đèn nhấp nhấp nháy nháy vui con mắt. Chúng tôi, nhiều niềm vui, lắm lo toan, bận bịu chuẩn bị cho những lễ hội, mọi công việc cũng chỉ luẩn quẩn bên dưới gốc cây này. Bóng cây chứa đựng kỷ niệm của một thời “thanh tu”[1]. Nhiều người từng ở ngoài, rồi vào nội trú tại đây; nhiều người vào đây khi mới xong trung học; nhiều người tuần ghé qua chút chút, rồi lại đi đi về về. Thấm thoát, cây cũng lớn, người cũng lớn. Tất cả có chung chỉ là những kỷ niệm. Giờ trở về dưới bóng cây, thân cũng khác, phận cũng khác. Nhanh thật!

Từ đó, vâng từ đó…Từ đây, vâng từ đây…[2] Những con người đã từng ngồi dưới bóng cây bồ đề này giờ đã ra đi khắp bốn phương trời. Có người đã trở về. Có người vẫn chưa về. Có người đi rồi về rồi, rồi sẽ đi tiếp nữa. Có người vẫn chưa được đi. Cũng có người giờ “con đàn cháu đống”, chăn êm nệm ấm với gia đình, nhưng cũng lắm kẻ phải vất vả loay hoay trong cơn lốc xoáy của cuộc sống hiện đại. Không biết có ai đã giác ngộ dưới gốc bồ đề không nữa? Nói tới đây, tự nhiên nhớ đến một điều đau lòng. Có người anh em, cũng từng ngồi hàn huyên dưới gốc cây, giờ “lá rụng về cội” mất tiêu tồi. Đúng là “Trải qua một cuộc bể dâu / những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Tôi chợt nghĩ, “ Lá rụng về cội” là quy luật của những chiếc lá vàng. Nhưng tại sao lại trở thành Thành Ngữ Việt Nam? Thật vậy, con người chúng ta quanh đi quẩn lại cũng chỉ muốn về lại nơi mình sinh ra, sống hết những ngày cuối đời. Có những người yêu thích sự mới mẻ, muốn thử thoát ly quê nhà tìm đến một lần với cuộc sống phồn hoa. Lại có những người vì nghiệp mưu sinh nặng gánh nên buộc phải xa quê cha đất tổ, tha phương cầu thực. Nhưng gần cuối đời, ai cũng mong về lại quê nhà [3]. Nó đã trở nên “tâm thức” chung của người Việt Nam. Nó còn ảnh hưởng, đang ảnh hưởng, và sẽ ảnh hưởng trong một thời gian dài, dẫu cho giới trẻ bây giờ có chút thay đổi về nhận thức. “Lá rụng về cội”, tôi chợt nghĩ, đã rụng thì ở đâu cũng được, rụng ở cội khác gì rụng ở chỗ khác đâu?

Có lẽ tôi còn trẻ, có lẽ tôi chưa cảm nếm được mùi vị của đất khách quê người. Nhưng theo tôi, cần phải gây một ý thức khác, ngay từ bây giờ, đặc biệt là những người trẻ từ thế hệ 8X trở về sau. Đặc biệt hơn nữa là đối với những người sẽ ra đi truyền giáo như chúng tôi. Cần nhìn lại một chút để biết “cội nguồn” đã truyền giáo như thế nào? “Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”[4]. Ngày xưa, các vị Thừa sai đến Việt Nam mang một tâm thức hoàn toàn khác. Họ xem vùng đất này là quê hương thứ hai của mình. Họ đã nhận mệnh lệnh truyền giáo thì không bao giờ có chuyện than thở “Khí ta thở chẳng vương mùi đất mẹ / Sóng vỗ trên thân tàu đâu phải sóng quê hương”[5]. Bằng chứng là biết bao vị thừa sai đã cống hiến cả đời, gửi thân xác lại trên mảnh đất này, gầy dựng cho ta một Giáo hội Việt Nam đông đảo. Có người chấp nhận chịu khổ hình và cái chết để bảo vệ và làm nảy sinh “hạt giống” Đức Tin.

Tôi có lần đọc được tấm gương của những người “đặc biệt”, sống trong thời đại này,  giữa cái đất Sài Gòn này, đó là những Tiểu đệ Chúa Giêsu. Họ dấn thân giữa đời, không danh, không lợi, không tu phục, không chọn nghề cao sang. Họ sống ẩn dật như Đức Giêsu trong 30 năm đầu đời. Chính họ chia sẻ “chọn Việt Nam làm điểm dừng chân, đơn giản vì đã chọn Chúa làm gia nghiệp, thì ở đâu anh em chung quanh cũng đều là người thân của mình” [6]. Thế mà thấm thoát họ đã ở Việt Nam hơn 50 năm rồi, và chỉ về quê hương có đúng một lần, mà đó lại là chuyện của vài chục năm trước. Có một Tiểu đệ mới nằm xuống trên mảnh đất này. Đáng nể phục! Đó mới thực sự là “Nhà Truyền Giáo”.

Giáo Hội Việt Nam, tuy chưa có thể gọi là vững mạnh, nhưng có cũng được xây dựng trên khá nhiều mồ hôi, máu và nước mắt của tiền nhân. Đã gần 500 thụ hưởng ơn nghĩa của những nhà truyền giáo, cũng đã đến lúc, chúng ta phải trả lại cái ơn ấy bằng việc phải ra đi truyền giáo. Những ngày cuối của Tháng Mười, cây bồ đề trước sân chuyển rất nhiều lá vàng, tôi nghĩ đến những người anh em đi trước. Ngày nào khi mới chịu chức, tóc họ vẫn còn đen, dáng vẫn còn khỏe, tâm vẫn còn bừng cháy lên những khao khát phục vụ; giờ đây, mười mấy năm trên “đất khách quê người”, tóc đã bạc, dáng đã gầy hao đi đôi chút, khuôn mặt đã in những dấu vết của thời gian, nhưng trái tim và ánh mắt vẫn còn bừng lên khí chất của một nhà truyền giáo. Có rất nhiều người anh em đang làm “thợ gặt” ở những nơi xa xôi trên trái đất này, hy vọng họ vẫn luôn cháy sáng ngọn lửa nhiệt huyết, để báo đáp ân tình của tiền nhân, và cũng để làm gương cho chúng tôi, những “chiếc lá non trên cành”.

Nhìn những lá bồ đề rơi rụng, tôi cũng suy nghĩ cho tương lai của chính mình. Nhiêu khê quá! Ba chữ “ Nhà Truyền Giáo” là một trọng trách khá lớn. Nó buộc chính tôi phải “lột xác”, nghĩa là lột bớt tất cả những gì không nên là của tôi, sao cho chỉ còn lại một mình tôi và Đức Giêsu ở trong tôi, có thể phải “lột bỏ” luôn cả “nguồn cội”. Bởi lẽ, chính Đức Giêsu cũng sống cảnh “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” (x. Mt 8, 20). Trong tất cả các động từ có chữ lột thì e chỉ có “lột xác” là khó nhất, lâu nhất.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận xét “Trong mỗi người Việt Nam, có một người nhà quê”. Lúc trước tôi không hiểu, nhưng sau này mới hiểu. Quả thật, “thằng nhà quê” trong chúng ta luôn luôn đòi đi về nhà, luôn luôn đòi hỏi “canh rau muống, cà dầm tương”, luôn luôn nhớ về những thứ “cơm quê mẹ nấu”, “ bánh tráng nhà làm”. Tôi cũng không biết sau này có thể trở thành một nhà truyền giáo thực thụ hay không, có làm được như những người anh em đi trước, hay noi theo những tấm gương sống động của các Thừa sai hay không? Nhưng chí ít, trước tiên, tôi biết mình cần phải thay đổi cái quan niệm đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người Việt kia, phải đuổi cái “thằng nhà quê” trong con người của mình ra, và để cho lý tưởng Giêsu thấm nhập vào.

Có những chiếc lá, để mặc cho gió cuốn đi; có những con người, để cho mặc cho thần khí dẫn dắt. Gió muốn thổi đâu thì thổi. Hy vọng dưới tán cây bồ đề này, sẽ có nhiều nhà truyền giáo lỗi lạc. Cây ngày càng cao, người cũng phải càng “cao”, rễ cây càng đâm sâu, người cũng “bén rễ sâu” trong Đức Kitô. Khởi duyên tại trời, giữ duyên tại người. Thiên Chúa đã khởi duyên khi chính Ngài chọn gọi một người, nhưng chính họ phải không ngừng nỗ lực để đi đến cuối con đường. Đức Kitô mới chính là cội nguồn thực sự mà mỗi người phải đạt tới sau cuộc lữ hành trần gian, mà cái “cội” này thì không biết đặt ở nơi đâu cả.

                                    Tôi vui chơi giữa đời / ối a biết đâu nguồn cội,

Tôi thu tôi bé lại làm mưa / tan giữa đời. [7]

CHÚ THÍCH

  1. Từ “thanh-tu” do tôi ghép hai từ thanh xuântu tập lại mà thành, có thể hiểu đó là quãng thanh xuân của đời tu, cũng có thể hiểu là thời thanh lọc để tu tập. Nhưng thiết nghĩ không nên dùng nhiều lối kết hợp này dẫn đến mất đi sự trong sáng và rõ ràng của Tiếng Việt.
  2. Lời bài hát Giao Ước của Ánh Đăng.
  3. Phạm Kim Thoa, Thành ngữ “Lá rụng về cội”, Theo https://gotiengviet.com.vn/thanh-ngu-la-rung-ve-coi/
  4. Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
  5. Phóng tác từ bài thơ “Người Đi Tìm Hình của Nước” của Chế Lan Viên.
  6. Đình Quý, “Những người em nhỏ” của Chúa Giêsu, theo http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/nhung-nguoi-em-nho-cua-chua-giesu_a5593
  7. Lời bài hát “ Biết Đâu Nguồn Cội” của Trịnh Công Sơn.

 

Bài trướcARNOLD JANSSEN VỚI HỘI TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN: CHỨNG NHÂN*
Bài tiếp theoCƠN BÃO TÌNH NGƯỜI ĐANG HƯỚNG VỀ MIỀN TRUNG