LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 29 TN)

0
1245

Tin Mừng: Lc 12,39-48

39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?

43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.

45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.

—– o0o —–

Suy niệm

TRUNG TÍN (Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD)

Trong cuộc sống, trước khi tham dự một cuộc thi hay một tổ chức, người ta phải được phỏng vấn xem có đủ tư cách hay không. Quy luật của cuộc sống là loại bỏ những gì không có giá trị và trọng dụng những thứ có giá trị hơn. Bài Tin Mừng hôm nay cũng thế, Đức Giêsu thông qua hình ảnh của một người quản lý ngầm nhắc nhở cho chúng ta quy luật ấy, nhưng dưới cái nhìn phổ quát hơn.

Chúng ta sinh ra trong cuộc đời đồng nghĩa với việc trở thành một người quản lý. Đầu tiên, chính “Tôi” quản lý cuộc sống của “Tôi”. Cùng với thời gian tôi quản lý một gia đình, cơ quan và thậm chí là cả một quốc gia; đối với một tu sĩ, đó có thể là một cộng đoàn, một giáo xứ hay một dòng tu. Bất kể vị trí nào, Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi chúng ta một điều, đó là trung tín.

Trung tín đối với một con người nghĩa là chu toàn ba chiều kích: với Thiên Chúa, với chính mình, và với những người mình được giao phó. Xã hội hôm nay khiến chúng ta dễ dàng đánh mất đi sự chu toàn trong ba điều đó. Vì thế, nó dễ gây ra những ngộ nhận và hậu quả không đáng có. Một là con người coi mình là ông chủ; hai là coi rẻ thân xác hay là quá xem trọng thân xác và ba là không có trách nhiệm với những người mình được giao phó. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở chúng ta rằng phải luôn tỉnh thức để biết Chúa, biết mình và có trách nhiệm với những người xung quanh. “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”. (Lc 12,48)

Lạy Chúa, xin cho con biết mình chỉ là người quản lý trong công trình của Người, để con luôn trung thành và biết khiêm nhường phục vụ tha nhân. Amen.


 

QUẢN GIA TỈNH THỨC (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

TRUNG TÍN HAY BẤT TRUNG (Tu sĩ Giuse Đinh Ngọc Hiển, SVD)

Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra hai hình ảnh về người đầy tớ trung tín và đầy tớ bất trung. Qua đó, Người nhắc nhở các môn đệ phải biết sống tỉnh thức và sẵn sàng để đón chờ Người đến.

Người đầy tớ trung tín được Đức Giêsu nói đến là một người làm việc hết mình, luôn trong tư thế sẵn sàng để nghênh đón chủ, coi công việc của chủ là của mình. Ngược lại, tên đầy tớ bất trung là kẻ lười biếng, chỉ biết ăn chơi, tranh thủ khi chủ không ở nhà để đánh đập tôi trai tớ gái, chè chén say sưa… Điều đó cho chúng ta thấy có hai thái độ sống hoàn toàn trái ngược nhau. Như vậy, nếu chọn sống trung tín thì phải loại bỏ lối sống bất trung. Còn nếu chọn lối sống bất trung thì sẽ không thể là một người đầy tớ trung tín.

Như vậy, chúng ta không thể vừa là một đầy tớ trung tín của Chúa mà vừa lại là một đầy tớ của những đam mê, của cải, vật chất và tiền bạc. Giữa hai lựa chọn đó, nếu muốn trở thành đầy tớ trung tín của Chúa, chúng ta sẽ bị thiệt thòi hơn về cuộc sống ở thế gian so với kẻ bất trung. Ngược lại, nếu chọn là kẻ bất trung, chúng ta có thể có được vinh hoa phú quý ở đời này, nhưng lại mất đi sự sống đời sau. Hơn nữa, sự sống đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua còn sự sống đời sau là sự sống vĩnh cửu, sự sống đích thực mà mỗi người chúng ta hướng đến.

Lạy Chúa, muốn trở thành đầy tớ trung tín của Chúa đòi hỏi chúng con phải thay đổi chính mình để bớt đi tính kiêu căng, những thú vui, những gì không tốt. Xin Chúa ban cho chúng con lòng trung thành, ơn khôn ngoan và lòng can đảm để chúng con luôn sống trung tín với Chúa. Amen.


 

TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG (Tu sĩ Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Cuộc đời của mỗi người giống như một trò chơi. Hết giờ, trọng tài sẽ thổi còi kết thúc trận đấu. Đến một lúc nào đó Thiên Chúa cũng nói với chúng ta: hết giờ rồi. Một khi Thiên Chúa đã nói: Hết giờ! Thì không ai có thể kéo dài sự sống mình thêm được một giây nào. Chúng ta cũng không thể xin sống thêm hay từ chối vì vận mạng chúng ta nằm trong tay Chúa. Chúng ta có thể quyết định được ngày sinh tháng đẻ nhưng ngày chết thì không.

Tỉnh thức là thái độ cần có của những người khôn ngoan, vì Chúa đến thật bất ngờ và không báo trước giống như một tên trộm. Chúa đến và gọi ta không phân biệt là giàu hay nghèo, trẻ hoặc già, khỏe hay yếu…. Chúa đến không hẹn mình ở đâu, giờ nào, ngày nào nhưng chắc chắn là có hẹn. Sống tỉnh thức và trung thành với bổn phận là một sự đòi hỏi đầy cam go và thử thách, buộc chúng ta phải tích cực chu toàn như người đầy tớ luôn làm theo ý chủ trong khi đợi chủ về.

Lời Chúa hôm nay không chỉ dạy các môn đệ ngày xưa mà còn là tiếng chuông cảnh báo mỗi người chúng ta. Ngày nay, người ta rất “tỉnh” và sẵn sàng đối phó với nền kinh tế thị trường; người ta nhạy bén với giá cả của tiền tệ nhưng thử hỏi, có mấy ai nhạy bén với đời sống tâm linh, có mấy ai nhạy bén với chân giá trị làm người như: công bằng, bác ái, tha thứ, hiền hòa, nhân hậu,…? Những chân giá trị đó người tín hữu của Chúa cần phải thắp sáng để “chờ đợi ngày chủ về gõ cửa thì mở ngay.”

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sẵn sàng, trung thành chờ đợi Chúa đến. Xin cũng giúp chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng như lời nguyện cầu trong giờ Kinh Tối: “Lạy Chúa lúc chúng con còn thức, xin Ngài cứu vớt cho; khi chúng con đã ngủ, xin Chúa cũng giữ gìn; để cùng thức tỉnh với Đức Kitô, và nghỉ ngơi an bình.” Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 29 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 29 TN)