Tin Mừng: Lc 4,31-37
Người xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
Suy niệm
LỜI CÓ UY QUYỀN (Tu sĩ Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD)
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta sức mạnh và uy quyền của Lời Chúa. Trước lời giảng dạy của Chúa Giêsu, dân chúng kinh ngạc về giáo huấn khác thường của Ngài. Cũng chính từ Lời Ngài có sức mạnh khiến thần ô uế phải xuất ra khỏi bệnh nhân. Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Lời của Ngài có sức mạnh và uy quyền.
Chúa Giêsu dùng uy quyền để trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng “Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này.” Lời uy quyền của Chúa khiến thần ô uế phải xuất ra. “Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.” Mọi người trong hội đường trầm trồ và kinh ngạc, vì họ thấy uy quyền của Thiên Chúa và uy lực nơi Lời từ miệng Chúa phát ra. Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Đời sống của Kitô hữu hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi nhiều thứ ô uế của thời đại. Phép lạ của Chúa Giêsu chữa người bị ô uế hôm nay là một lời giáo huấn chúng ta. Quả thật, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng và cứu độ con người. Phép lạ cho người ô uế được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt với chúng ta. Chúa Giêsu giải phóng con người khỏi xiềng xích của tội lỗi. Lời Chúa có sức mạnh giải thoát chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa, hãy để sức mạnh của Lời Chúa giải thoát chúng ta. Hãy để cho ánh sáng Lời Chúa soi sáng chỉ đường cho chúng ta đi. Hãy để cho uy quyền của Lời Chúa kiến tạo sự bình an cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa khiến thần ô uế phải khiếp sợ, khuất phục và xuất khỏi con bệnh. Lời Chúa hôm nay vẫn tiếp tục đem sức mạnh cho Giáo Hội, hoán cải các tâm hồn lầm lạc, chỉ đường dẫn lối cho những người thiện tâm. Xin cho chúng con biết cởi mở tâm hồn đón nhận Lời Hằng Sống, để sinh lực của Chúa luôn tuôn tràn trong chúng con. Amen.
SỨC MẠNH CỦA LỜI (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Cương, SVD)
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu giảng dạy tại Caphácnaum và chữa lành một người bị quỷ ám. Qua việc giảng dạy và chữa lành, Đức Giêsu cho thấy Người có lời quyền năng. Lời quyền năng đó được biểu lộ qua sự tuân phục của thần ô uế và qua phản ứng của dân chúng.
Đối với thần ô uế, Đức Giêsu quát mắng và ra lệnh cho nó: “câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Thần ô uế phải tuân lệnh Đức Giêsu tức thì và vô điều kiện: “Quỷ vật người ấy ngã xuống hội đường, rồi xuất khỏi anh ta”. Đối với dân chúng, Đức Giêsu giảng dạy và chữa lành cho họ. Người đã cho họ “món ăn tinh thần” là Lời Chúa. Hơn nữa, Người đã dùng lời quyền năng mà giải thoát người đàn ông khỏi sự trói buộc của thần ô uế. Kết quả là, khi nghe Đức Giêsu giảng dạy, dân chúng “sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền”. Khi chứng kiến việc Đức Giêsu chữa lành cho người bị thần ô uế nhập, dân chúng rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực nào mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất”. Họ đã loan truyền Đức Giêsu cho người khác, và “tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng”.
Người Kitô hữu chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có tin vào Đức Giêsu, tin vào lời quyền năng của Người hay không? Đức Giêsu vừa có lời quyền năng vừa chính là Lời, Ngôi Lời Thiên Chúa. Lời của Đức Giêsu là lời giải thoát, lời đem lại bình an và sự sống vĩnh cửu. Vậy, hãy để cho Lời làm chúng ta ngạc nhiên, sửng sốt; hãy để cho Lời thấm nhập và giải thoát chúng ta khỏi những nhơ uế trong tâm hồn. Học theo người dân Caphácnaum, chúng ta cũng hãy loan báo Lời cho những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.
Lạy Chúa, “Chúa có lời ban sự sống đời đời”, xin hãy đến giải thoát chúng con khỏi nhơ uế tội lỗi, và dẫn lối để chúng con luôn bước đi trong ánh sáng của Lời. Amen.
ĐẶC ĐIỂM CỦA MA QUỶ (Suy niệm của Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
LỜI ẤY LÀ THẾ NÀO? (Philipphê Trương H. Trung Nguyên, SVD)
Dẫu biết con người đạt nhiều thành tựu trong việc khám phá thế giới, thế nhưng, vẫn còn những điều kỳ diệu làm con người ngạc nhiên, đặc biệt những điều được xem như mầu nhiệm. Cũng vậy, ngạc nhiên là thái độ cần có đối với mầu nhiệm Lời Chúa.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: “Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” (Lc 4, 36). Dân chúng ngạc nhiên vì thấy được “uy quyền” trong lời nói của Đức Giêsu đến nỗi quỷ thần ô uế phải tuân lệnh. Nơi Người, họ thấy một niềm tin và niềm hy vọng mới vì trước đó chẳng ai làm được những điều kỳ diệu như vậy.
Tương tự, để hiểu biết, tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa, chúng ta cũng cần “sự ngạc nhiên của đức tin”, bởi mầu nhiệm về Thiên Chúa thì khôn dò khôn thấu. Chính sự ngạc nhiên thôi thúc chúng ta nhìn nhận sự hạn hẹp của bản thân để chấp nhận sự-không-thể-hiểu-hết về Người. Bên cạnh đó, qua những thử thách trong đời sống thiêng liêng, chúng ta sẽ ngạc nhiên mà khám phá ra những điều mới lạ của Thiên Chúa. Những điều này không thể có được ngay lập tức nhưng nhờ vào thái độ ngạc nhiên để cởi mở trước cái mới. Từ đó, niềm tin của chúng ta sẽ được làm mới lại và trở nên sống động hơn để chúng ta không ngại xác tín Lời ấy là Ngôi Lời Thiên Chúa và là Lời có sức chữa lành và cứu độ. Cho nên, Đức Giêsu mời gọi chúng ta tự vấn lại chính mình: Đâu là thái độ của mình trước Lời Chúa?
Lạy Chúa, hành trình đức tin luôn đòi hỏi con ngạc nhiên trước mọi sự Chúa làm. Xin cho con biết khiêm nhường và cởi mở để Lời Chúa biến đổi cuộc sống của con. Amen.
QUỶ THẦN Ô UẾ (Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)
Có hai thế lực tồn tại song hành với nhau, đó là thế lực thần thiêng và ma quỷ. Những gì thuộc thần thiêng thì hướng thiện, hướng con người làm lành và lánh dữ. Ngược lại, thế lực ma quỷ xui khiến ta làm những việc xấu xa.
Bài Tin Mừng hôm nay miêu tả việc quỷ thần ô uế ám vào một người và điều khiển mọi hoạt động của người này. Bị quỷ thần nhập, người này chửi rủa, quằn quại, đau đớn thể xác. Quỷ ma là thế lực gian tà và độc ác. Chúng chuyên rình rập để làm hại con người. Chúng đẩy ta vào chỗ tối tăm u ám và sự chết, lôi kéo ta xa cách Thiên Chúa là sự sáng và sự sống vĩnh cửu. Hành động của chúng trái ngược với các thiên thần, các đấng thánh lành thiện của Thiên Chúa là soi sáng và yểm trợ con người.
Ma quỷ cám dỗ ta với nhiều cách thức. Chúng làm cho ta vơi đi lòng trắc ẩn, lòng thương xót với đồng loại, làm ta dễ dàng thờ ơ với việc kinh nguyện; thỏa mãn với quyền lực vật chất, ganh đua cũng là cám dỗ của thần dữ. Quỷ thần ô uế là một thế lực nguy hiểm đối với con người chúng ta. Để cho tâm thái được an hòa, lòng đầy thiện lương, chúng ta cần có một tiến trình tu dưỡng hằng ngày, sống cầu nguyện tỉnh thức và gắn bó với Thiên Chúa. Ta góp nhặt những điều hay lẽ phải để bồi bổ cái tâm. Chúng ta hãy làm chủ ngũ quan, loại bỏ dần những suy tưởng ô uế từ trong tâm ta. Sáng suốt ngăn ngừa cạm bẫy, cám dỗ của ma quỷ từ bên ngoài xâm nhập vào lòng ta. Một phương pháp hữu hiệu để chống lại quỷ thần là để cho Lời Chúa hướng dẫn. Hãy để Đấng Thánh của Thiên Chúa chiếm lĩnh tư tưởng và hành động của ta.
Lạy Chúa, xin dùng uy quyền của Ngài mà xua tan những ô uế trong tâm hồn con. Xin làm cho con trở thành một người sốt sắng và thiện lương. Amen.