LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 29 TN)

0
402
Photo:legiomariaevn.com

Tin Mừng: Lc 12,49-53

Khi ấy, Đức Giêsu nói  với  các  môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! “Anh em tưởng rằng Thầy đến để  ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

 —– o0o —–

Suy niệm

NÉM LỬA (Tu sĩ Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)

“Lửa” là hình ảnh rất quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của con người và cũng là một biểu tượng sống động, phong phú và giàu ý nghĩa cả trong đời thường và đời sống tâm linh. Bởi thế, Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước đều sử dụng hình ảnh “lửa” để diễn tả nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc cho con người.

Cụ thể trong bản văn Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu đã sử dụng động từ “ném lửa”: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Như thế, thử hỏi “lửa” mà Đức Giêsu ném vào trần gian mang ý nghĩa gì? Trước hết, Chúa Giêsu nói điều này với các môn đệ trong bối cảnh là Ngài chuẩn bị đi lên Giêrusalem để hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha. Do đó, “lửa” ở đây cũng có thể hiểu là cuộc thương khó mà Đức Giêsu sẽ phải chịu để thanh luyện con cái Ítraen. Thứ đến, “lửa” trong bối cảnh này cũng có nghĩa là phép rửa trong Thánh Thần để thanh tẩy và đổi mới đời sống con người chúng ta. Được thanh tẩy bởi nước và “lửa” có nghĩa là bởi nước và Thần Khí làm cho ta trở nên thụ tạo mới, con người mới và sống một đời sống mới. Cuối cùng, “lửa” cũng là biểu tượng của tình yêu. Ném “lửa” vào thế gian, nghĩa là Đức Giêsu đem đến cho thế gian ngọn lửa tình yêu và Ngài ước mong ngọn lửa ấy bùng cháy lên, lan toả khắp, ngự trị trong mỗi tâm hồn và giúp mỗi người cảm thấu và nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình ngay trong cuộc sống.

Nhìn vào đời sống thực tế hôm nay, chúng ta thường ví “lửa” là tình yêu, là sức mạnh của trái tim, là lòng hăng say nhiệt huyết của con người trong đời sống và sứ vụ. Nếu cuộc sống thiếu lửa của tình yêu, lửa của lòng nhiệt huyết thì đời sống trở nên tẻ nhạt, vô nghĩa và buồn chán.

Lạy Chúa, xin ném lửa tình yêu, lửa của sự thanh luyện, lửa của lòng nhiệt huyết vào trong tâm hồn và đời sống chúng con, để chúng con biết thắp lên ngọn lửa tình yêu Chúa trong bản thân và cho tha nhân. Amen.


CHIA RẼ (Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD)

Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? … không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ (Lc 12,51). Những lời của Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay dường như gây hoang mang và làm lung lay đức tin những người đang muốn tìm kiếm sự bình an và tình yêu phát xuất từ nơi Người. Tại sao Đức Giêsu đến thế gian lại để gây chia rẽ? Phải chăng Đức Giêsu đang đi ngược lại với bản chất tình yêu và hiệp nhất nơi Người?

Quả vậy, đối với những ai chưa tin hoặc niềm tin còn non yếu, những lời của Đức Giêsu có thể khiến họ hoang mang, thất vọng và nghi ngờ về Thiên Chúa Tình Yêu. Tuy nhiên, đối với những người tin thật sự, họ sẽ tìm được bình an vì biết rằng Đức Giêsu, Đấng yêu thương họ, đã chịu chết trên thập giá để cứu độ con người khỏi diệt vong. Thiên Chúa là tình yêu và Đức Giêsu không đi ngược lại với bản chất tình yêu của mình. Người vẫn hằng yêu thương và yêu thương đến cùng. Sự hiện diện của Đức Giêsu không nhằm mang đến sự bất hòa, chia rẽ. Trái lại, Đức Giêsu mang đến cho nhân loại sự bình an nhưng không theo kiểu thế gian. Thế gian mong đợi một sự bình an theo ý riêng của mình, còn bình an của Thiên Chúa được xây dựng trên các giá trị Tin Mừng, là sự bình an mà người ta chỉ đạt được nhờ thập giá. Chúng ta cũng cần hiểu rằng sự chia rẽ trong câu nói của Đức Giêsu gợi lên sự đối chọi giữa ánh sáng và bóng tối, sự thánh thiện và tội lỗi, đặc biệt là giữa người tin với người không tin. Sự phân chia hai thái cực như thế sẽ dẫn đến sự chia rẽ và mâu thuẫn. Thế nhưng, những ai tìm kiếm và yêu mến, dám sống và hành động theo ý muốn của Thiên Chúa ắt hẳn sẽ cảm nghiệm được bổn phận phải bất tuân với điều xấu, tội lỗi và sẵn sàng chia rẽ với những gì cản trở mình nên thánh.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con can đảm sống, thực thi Lời Chúa ngang qua đời sống của chúng con và sẵn sàng làm chứng cho Ngài dẫu phải đối diện với những chia rẽ trong cuộc sống. Amen.


 

NÉM LỬA TIN MỪNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

ƯỚC MƠ (Tu sĩ Giuse Trần Văn Hiếu, SVD)

Người đời thường nói: “Không ai có thể đánh thuế giấc mơ”. Câu nói trên có ý muốn nói: trong cuộc sống mọi người có quyền ước mơ những điều tốt đẹp đến với mình và người thân. Đức Giêsu cũng vậy, khi đến với thế gian, trong thân phận con người, Người cũng hằng ước mong mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người.

Sự xuất hiện của Đức Giêsu cùng các giáo huấn tốt đẹp và phép lạ kèm theo như ngọn lửa làm bừng sáng và soi tỏ những mảng tối nơi thế gian và nơi sâu thẳm tâm hồn của mỗi người. Chính vì làm tỏ lộ những gì thế gian đang muốn che đậy nên Người và những kẻ theo Người sẽ bị thế gian thù ghét và bách hại: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc 12,50).

Thực tế cuộc sống từ xưa tới nay đã chứng minh cho chúng ta thấy điều Đức Giêsu cảnh báo là đúng. Sống theo giáo huấn của Người luôn mang đến các xung đột vì nó chống lại thế gian: Trong một gia đình có người tin Chúa người không, trước những lợi ích vật chất, người thực hành theo Lời Chúa dạy thường bị người đời chống đối và lên án vì chạm đến lợi ích bản thân họ hoặc đi ngược lại với lối sống không trong sáng của họ (x. Lc 12,51-53).

Là người Kitô hữu bước theo Đức Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi tiếp tục thực hiện mong ước của Người: “Thầy đến ném lửa vào trần gian và Thầy ước mong lửa ấy bùng lên.” (Lc 12,49) Chúng ta có bổn phận làm cho ngọn lửa tình yêu, lửa Lời Chúa bùng lên và lan tỏa đến hết tất cả mọi người xung quanh.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm sức mạnh và lòng mến để chúng con có thể thực hiện mong ước của Chúa là làm cho ngọn lửa của tình yêu và Lời Chúa được bùng lên khắp thế gian và đi vào trong tâm hồn từng người. Amen.


 

NGÃ RẼ TÌNH YÊU (Tu sĩ G.B. Cao Xuân Tiến, SVD)

Thế giới hôm nay lạnh lẽo, cô đơn, khi con người sống lạc xa con đường đích thật. Lối sống duy lý, duy khoa học đã thống trị và đẻ ra một thế giới “đuổi hình bắt bóng”, vứt bỏ cội nguồn suy tư, khủng hoảng các giá trị, nghèo nàn, nhạt nhòa đời sống tâm linh. Hơn bao giờ hết, con người cần một ngã rẽ.

Đó là ngã rẽ tình yêu, là nơi con người trở về với Cội Nguồn sung mãn đích thật là ánh sáng giúp khai mở và cứu vớt con người thời đại. Cội nguồn ấy chính là Đức Kitô, Đấng tuyên bố: “Ta là đường là sự thật và là sự sống.” Chính Người đã đến ném lửa vào mặt đất và những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên (Lc 12, 49). Bước vào ngã rẽ tình yêu mời gọi con người hiệp thông, chia sẻ và đón nhận nhau như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “tự bản chất, tình yêu là truyền thông; tình yêu dẫn đến, mở ra và chia sẻ”. Trái lại, lạc xa ngã rẽ tình yêu, thì “tha nhân là hỏa ngục” (J.P.Sartre), và “người với người là lang sói” (Schopenhauer) và khiến cho sa mạc khô cứng, đóng kín và lạnh lùng của lòng người lan rộng. Hơn bao giờ hết, tình yêu cần được thắp lên, đốt nóng, làm tan chảy mỗi con tim, để mở ra tương giao đích thực với tha nhân, chia sẻ cho nhau những nỗi niềm của phận người trơ trọc.

Mỗi người hãy bắt chước Đức Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể, vì yêu mà đã chung chia phận người với chúng ta, và yêu đến tận cùng mà chịu chết trên thập giá vì nhân loại. Một lời chứng hùng hồn cho tình yêu vô hạn của Thiên Chúa dành cho mỗi người và là lời mời gọi tột đỉnh cho ta. Ngã rẽ tình yêu được Thầy Giêsu in dấu trên mặt đất, và giờ đây mời gọi mỗi người bước theo lối rẽ ấy để đốt nóng và sưởi ấm cho nhân gian.

Lạy Chúa, xin thắp lên niềm tin, tình yêu và hy vọng trong lòng chúng con và mọi người. Amen.

Bài trước10 NĂM CĐ. NGÔI LỜI KIM LÂM & HỘI NGỘ CTV GIÁO DÂN NGÔI LỜI
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 29 TN)