Tin mừng: Mc 9,30-37
30Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê.
Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”
32Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.
35Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”
36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
Suy niệm
AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (Tu sĩ Phêrô Trần Quốc Tuấn, SVD)
Làm người ai cũng muốn được thành công, được nhiều người yêu mến, nể phục. Thậm chí, nhiều người còn muốn được phục vụ thay vì phải phục vụ. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng không ngoại lệ. Chính vì lẽ đó mà trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giúp họ nhận ra đâu là giá trị thật của người làm lớn.
Theo Chúa Giêsu hơn hai năm mà các ông vẫn chưa thấm nhuần tinh thần của Thầy mình. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với họ về cái chết và phục sinh của Người. Thế nhưng, các ông không hiểu. Bởi vì theo suy nghĩ của họ, Chúa Giêsu chính là người sẽ giải phóng Israel khỏi ách thống trị của ngoại bang và sẽ lập một vương quốc mới. Trong vương quốc ấy, Người sẽ giữ vị trí quan trọng và các ông cũng sẽ được dự phần. Đó là lý do mà họ tranh luật với nhau xem ai là người lớn nhất trong số họ. Trước suy nghĩ lệch lạc của các môn đệ, Chúa Giêsu đã dạy bảo họ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Chúng ta không khác nhiều so với các môn đệ của Chúa Giêsu. Nhiều lúc chúng ta còn thiếu khiêm nhường trong lời nói cũng như hành động. Là một Kitô hữu, chúng ta phải phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Vì phục vụ là một trong những cách tốt nhất để làm chứng cho tình yêu của chúng ta đối với Chúa và với nhau.
Dẫu biết rằng bản thân nên khiêm nhường – phục vụ nhưng luôn có một chướng ngại mà chúng ta khó chinh phục đó chính là lòng kiêu hãnh. Thánh Francis de Sales nói: “Sự kiêu ngạo, lòng kiêu hãnh của con người chết đi mười lăm phút sau cái chết của chính bạn”.
Xin cho chúng ta biết dẹp tính kiêu căng, xét đoán, để có thể phục vụ Chúa và anh chị em tốt hơn. Để chúng ta có thể nói như Rabindranath Tagore: “Tôi ngủ và mơ rằng cuộc sống chỉ là niềm vui. Tôi tỉnh giấc thấy rằng cuộc sống chỉ là phục vụ. Tôi phục vụ và thấy rằng được phục vụ là niềm vui ”. Nếu chúng ta luôn biết khiêm nhường, yêu thương, phục vụ thì chúng ta là người lớn nhất vậy. Amen.
AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (Tu sĩ Antôn Hoàng Sỹ Khánh, SVD)
Tranh giành địa vị là một vấn nạn không chỉ trong thời đại chúng ta mà còn trong suốt lịch sử loài người. Trong thời đại của Chúa Giêsu, vấn nạn này cũng đã xuất hiện. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại: Các môn đệ đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.
Việc phân quyền trong nhóm theo lẽ thường là một điều không sai, vì với sự phân quyền như thế sẽ giúp nhóm đi vào sự ổn định, sống và làm việc có quy củ hơn. Tuy nhiên, liệu rằng các môn đệ có dừng lại ở việc phân quyền vị thế lớn – nhỏ hay sẽ vượt quá giới hạn mà đâm ra chia rẽ, xâu xé lẫn nhau? Rõ ràng, Chúa Giêsu không hề tán thành tư tưởng phân quyền của các ông. Người không trực tiếp hướng dẫn hay chỉ định bất cứ ai trong số các ông cho từng vị trí hay cấp bậc. Điều ngược lại, Người nói với họ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Rồi Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông làm minh chứng. Việc làm này chẳng phải là một việc không chủ ý. Nhưng qua đó, Ngài muốn dạy các môn đệ về thái độ khiêm nhường, tự hạ, sống vì người khác. Thay vì phải tranh giành chức vị làm mất tình huynh đệ thì có một tâm hồn luôn đơn sơ vui vẻ, sống chẳng để bụng như em nhỏ thật là một cách sống tuyệt vời. Đối với chúng ta, mỗi ngày là một cuộc vươn lên đầy khó khăn để sống và tồn tại. Thực vậy, sống là phải biết đặt mục tiêu cho đời mình, phải thành công, phải vươn xa. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận biết giới hạn của từng việc mình làm. Đừng để bản thân chạy theo những ước vọng vô tận mà quên mất tinh thần sống như Chúa đã dạy.
Lạy Chúa, Chúa đã vì chúng con mà hạ mình trở nên người phàm. Xin cho chúng con biết học đòi nơi Chúa tinh thần hy sinh, phục vụ để chúng con trở nên chứng tá cho tình yêu hiệp nhất và bình an của Chúa nơi trần thế. Amen.
ẢO MỘNG CÔNG DANH (Tu sĩ Tôma Nguyễn Siêu Quốc, SVD)
“Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Bằng hai câu thơ ngắn trong bài thơ “Đi Thi Tự Vịnh”, Nguyễn Công Trứ đã nói lên nỗi niềm khát khao về giấc mộng công danh. Theo lẽ tự nhiên, ai mà không muốn được làm lớn, ai mà không muốn được người khác tôn trọng, kính phục. Đôi khi, ta theo Chúa cũng chỉ để theo đuổi một thứ danh vọng cao sang mà người đời không bao giờ có được.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại cho ta thấy một cuộc tranh cãi về danh vọng, quyền thế. Các môn đệ theo Chúa nhưng vẫn luôn ấp ủ trong lòng nhiều dự phóng, thậm chí còn tranh giành nhau để được làm lớn trong Nước Trời. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ thấy rằng thứ danh vọng ấy không thuộc về Nước Trời và người làm lớn trong Nước Trời phải là người có tinh thần khiêm tốn, hy sinh và phục vụ.
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Lời này có lẽ vừa làm cho các môn đệ “ngượng chín cả mặt”, vừa đập tan chiếc lăng kính ảo tưởng về danh vọng. Bởi lẽ, người đứng đầu mà phải sống như người đứng cuối, thì liệu còn ai muốn đứng đầu nữa hay ai dám đảm đương, gánh vác trách nhiệm của vị trí người đứng đầu. Qua đó, ta mới thấy rằng không phải xã hội đang thiếu những người đứng đầu mà xã hội đang thiếu những người đứng đầu có tinh thần phục vụ như Chúa Giêsu. Nếu phải theo đuổi danh vọng thì ta nên theo đuổi danh vọng của sự phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, là Vua muôn vua nhưng Ngài không đến trần gian để làm bá chủ, mà đến để hiến thân phục vụ và làm giá chuộc con người. Xin dạy chúng con biết sống tâm tình khiêm tốn, hy sinh và phục vụ. Amen.