Tin mừng: Mc 7, 14-23
14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16 Ai có tai nghe thì nghe!”
17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.
18 Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao ? Anh em không hiểu sao ? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài ?”
Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.
21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.
23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”
SUY NIỆM
TÂM HỒN THANH SẠCH (Tu sĩ G.B. Hồ Văn Sơn, SVD)
Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án nhóm biệt phái và luật sĩ vì lối sống giả hình của họ. Họ chưa hiểu rõ về bản chất đúng của luật lệ. Cũng thế, với nhiều người, có một sự nhầm lẫn đáng tiếc là người ta thường xem trọng những thứ bề ngoài hơn là giá trị của một tâm hồn, đề cao vật chất hơn là giá trị tinh thần.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng những gì từ bên ngoài vào sẽ không thể ô uế, nhưng chính những cái bên trong con người mới làm cho họ ra ô uế. Quả thế, lời khẳng định của Chúa Giêsu dạy cho mỗi người chúng ta biết nhìn nhận thực tế vào chính bản thân mình. Không phải hình thức bề ngoài mới kiến tạo nên con người, nhưng tâm hồn mới là thứ chính yếu mà chúng ta phải coi trọng. Bởi lẽ con người chúng ta có tốt hay xấu cũng đều phát xuất từ nơi tâm hồn.
Đi vào trong đời sống thường ngày, chúng ta thấy rõ để giữ tâm hồn thánh thiện là điều chưa bao giờ dễ dàng. Ý hướng của chúng ta luôn khát khao đạt tới cốt lõi của một con người là sự thiện hảo như Chúa Giêsu. Tuy nhiên, tâm hồn con người luôn bị chi phối bởi những dục vọng và ý hướng xấu. Chúng ta chưa thực sự sống đúng với giá trị của tâm hồn là thánh thiện và bác ái. Chúng ta còn sống giả hình với mọi người, “ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa bồ dao găm”. Có thể sau vỏ bọc bóng loáng ấy là con người hoàn trái ngược, đầy tội lỗi và tà ý. Dưới ánh sáng lời Chúa hôm nay, chúng ta ý thức tâm hồn là nơi họa lại hình ảnh của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa không có ghen ghét, đố kỵ, tham lam, giận hờn… Nhưng nơi đó chỉ có tình yêu và lòng bao dung.
Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải biết xây dựng và trang hoàng cho tâm hồn, nhưng tâm hồn chúng con còn đầy dẫy những điều xấu xa. Xin Chúa giúp chúng con biết gột rửa tâm hồn mình mỗi ngày, để đời sống chúng con ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Amen.
TÂM AN (Tu sĩ G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)
“Tâm sạch dĩ an, tâm chấp dĩ vong”. Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại việc người Pharisêu trách các môn đệ Đức Giêsu không giữ truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa. Qua đó, Đức Giêsu dùng lời ngôn sứ Isaia (29,13) để chống lại họ và đả kích thứ tôn giáo vụ hình thức bên ngoài của họ. Và Đức Giêsu khẳng khái kết luận rằng: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,20).
Theo đó, Chúa Giêsu công bố ý nghĩa đích thật của các nguyên tắc luân lý và làm cho rõ ràng rằng, con người chúng ta phải trả lẽ trước Thiên Chúa bởi những hành động của mình. Sự sai lầm của các Kinh sư chủ yếu là tập trung vào những cái bên ngoài (thức ăn, quần áo, đụng chạm với người tội lỗi,…), chứ không quan tâm đến sự thanh sạch bên trong của tâm hồn. Ví dụ, họ lấy việc đọc kinh thật nhiều hơn là nâng hồn lên với Chúa (x. Mt 6,5-6). Từ đây, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy nghĩ về tâm hồn của mình, nó đang bình an trong sự thanh sạch, hay đầy những vết hằn của tội lỗi.
Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy thời đại này đa phần con người thật yếu đuối, cả về thể xác và tinh thần. Thời đại hôm nay thức ăn quần áo dư thừa, các hình thức giải trí dễ dàng được tìm thấy trong lòng bàn tay, cơ hội việc làm và các hình thức kinh doanh nhiều vô số kể. Nhưng! Có một cái, đó là môi trường sống bị hủy hoại, thức ăn nhiễm độc hóa chất, bầu không khí, nguồn nước và nguồn đất ô nhiễm. Nó bởi đâu mà ra? Nó đến từ chính tâm trí của chúng ta, từ bên trong nơi tâm hồn ta bị vấy bẩn bởi những khuynh hướng lợi ích cá nhân, tiền tài, danh vọng, quyền lực,… Tâm ta không sạch thì làm sao có bình an, hạnh phúc và yên vui được.
Lay Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn ý thức rằng, toàn thể con người chúng con là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, và là cung thánh nơi Người ngự trị. Amen.
SỰ Ô UẾ (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD)
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường thấy rác thải khắp nơi và chúng làm cho môi trường sống trở nên ô nhiễm. Trong suy nghĩ chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng có những rác thải là những ý định xấu: ngoại tình, giết người, ganh tỵ, kiêu ngạo,… những điều làm cho chúng ta ra ô uế.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói đến sự ô uế đến từ bên trong chứ không phải phát xuất từ bên ngoài: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Theo đó, Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch.
Thật vậy, thức ăn tự nó chẳng phải là thứ gì ô uế và không làm vấy bẩn tâm hồn người ăn nó. Tâm hồn người ta bị ô uế là do lòng dạ xấu xa của họ. Và điều này dường như không hợp với suy nghĩ thông thường của chúng ta. Vì vậy, Đức Giêsu liệt kê một loạt tội lỗi làm cho con người ra ô uế và chúng phát xuất từ lòng xấu: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”. Như vậy, nguồn gốc thâm sâu nhất của sự ô uế chính là từ suy nghĩ của chúng ta. Thật thế, con người trở nên tốt lành, thánh thiện hoặc xấu xa, tội lỗi đều bắt nguồn từ cõi lòng của ta, từ thái độ sống và từ sự nhận thức của ta về một vấn đề nào đó trong cuộc sống.
Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta không chỉ trau dồi cho mình vẻ đẹp bề ngoài, nhưng cũng phải biết nuôi dưỡng cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, đổi mới đời sống trong mọi sự.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi ngày luôn biết nuôi dưỡng tâm hồn theo tinh thần Phúc Âm. Để từ đó, chúng con mang lấy những tâm tình, ý nghĩ, ước muốn thánh thiện như Chúa, và thực hành những gì mà Chúa dạy. Amen.
THANH SẠCH (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
LÒNG NGƯỜI (Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD)
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lòng người mới là cội rễ của cái ô uế, việc lành hay sự dữ.“ Không có gì từ bên ngoài đi vào trong con người có thể làm cho họ ra ô uế; nhưng những gì từ con người xuất ra, mới là điều làm cho họ ra ô uế!” (Mc 7,15).
Con người ngày nay, sống trong một xã hội mà nơi đó không thiếu những thứ làm cho họ ra ô uế, hình thành trong họ những tật xấu, đúng như những lời Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: dâm ô, trộm cướp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo quyệt… Tất cả những điều đó đều xuất phát từ trong thâm tâm và ý định nơi con người. “Lòng dạ con người”, ôi khó lường biết bao! có lẽ đúng và hợp với mọi thời trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nhiều người trước mặt ta thì cười nói vui vẻ nhưng sau lưng lại buông ra những lời đàm tiếu, chê bai. Chính qua những kinh nghiệm sống mà cha ông ta đã đúc kết nên những câu ca dao tục ngữ: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng, dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người, lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò”.
Bên cạnh đó, có người lại ví lòng người như mảnh ruộng hoang khô cằn. Mảnh ruộng hoang đó nếu như được chăm sóc kỹ càng thì kết quả là những hoa trái thơm ngon. Ngược lại, nếu cứ để nó hoang vu, khô cằn không chăm sóc thì kết quả là những gai góc, cỏ dại. Tâm hồn mỗi người chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta biết chăm sóc, và đồng thời cắt tỉa những thói hư, nết xấu thì thành quả là những việc lành trong đời sống với mình và với tha nhân; còn ngược lại là những xấu xa, chia rẽ và bất hoà, những lời độc địa, điêu ngoa.
Lạy Chúa, xin biến đổi tâm lòng con, để những lời con nói ra không gây chia rẽ, bất hoà, nhưng mang lại niềm vui, sự bình an cho người khác. Amen.