LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 5 TN)

0
212

Tin mừng: Mc 7, 14-23

14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16 Ai có tai nghe thì nghe!”

17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.

18 Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao ? Anh em không hiểu sao ? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài ?”

Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.

21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.

23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

SUY NIỆM

SỰ Ô UẾ (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD)

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường thấy rác thải  khắp  nơi  và chúng làm cho môi trường sống trở nên ô nhiễm. Trong suy nghĩ chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng có những rác thải là những ý định xấu: ngoại tình, giết người, ganh tỵ, kiêu ngạo,… những điều làm cho chúng ta ra ô uế.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói đến sự ô uế đến từ bên trong chứ không phải phát xuất từ bên ngoài: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Theo đó, Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch.

Thật vậy, thức ăn tự nó chẳng phải là thứ gì ô uế và không làm vấy bẩn tâm hồn người ăn nó. Tâm hồn người ta bị ô uế là do lòng dạ xấu xa của họ. Và điều này dường như không hợp với suy nghĩ thông thường của chúng ta. Vì vậy, Đức Giêsu liệt kê một loạt tội lỗi làm cho con người ra ô uế và chúng phát xuất từ lòng xấu: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”. Như vậy, nguồn gốc thâm sâu nhất của sự ô uế chính là từ suy nghĩ của chúng ta. Thật thế, con người trở nên tốt lành, thánh thiện hoặc xấu xa, tội lỗi đều bắt nguồn từ cõi lòng của ta, từ thái độ sống và từ sự nhận thức của ta về một vấn đề nào đó trong cuộc sống.

Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta không chỉ trau dồi cho mình vẻ đẹp bề ngoài, nhưng cũng phải biết nuôi dưỡng cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, đổi mới đời sống trong mọi sự.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi ngày luôn biết nuôi dưỡng tâm hồn theo tinh thần Phúc Âm. Để từ đó, chúng con mang lấy những tâm tình, ý nghĩ, ước muốn thánh thiện như Chúa, và thực hành những gì mà Chúa dạy. Amen.

 


 

THANH SẠCH (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

LÒNG NGƯỜI (Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD)

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lòng người mới là cội rễ của cái ô uế, việc lành hay sự dữ.“ Không có gì từ bên ngoài đi vào trong con người có thể làm cho họ ra ô uế; nhưng những gì từ con người xuất ra, mới là điều làm cho họ ra ô uế!” (Mc 7,15).

Con người ngày nay, sống trong một xã hội mà nơi đó không thiếu những thứ làm cho họ ra ô uế, hình thành trong họ những tật xấu, đúng như những lời Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: dâm ô, trộm cướp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo quyệt… Tất cả những điều đó đều xuất phát từ trong thâm tâm và ý định nơi con người. “Lòng dạ con người”, ôi khó lường biết bao! có lẽ đúng và hợp với mọi thời trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nhiều người trước mặt ta thì cười nói vui vẻ nhưng sau lưng lại buông ra những lời đàm tiếu, chê bai. Chính qua những kinh nghiệm sống mà cha ông ta đã đúc kết nên những câu ca dao tục ngữ: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng, dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người, lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò”.

Bên cạnh đó, có người lại ví lòng người như mảnh ruộng hoang khô cằn. Mảnh ruộng hoang đó nếu như được chăm sóc kỹ càng thì kết quả là những hoa trái thơm ngon. Ngược lại, nếu cứ để nó hoang vu, khô cằn không chăm sóc thì kết quả là những gai góc, cỏ dại. Tâm hồn mỗi người chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta biết chăm sóc, và đồng thời cắt tỉa những thói hư, nết xấu thì thành quả là những việc lành trong đời sống với mình và với tha nhân; còn ngược lại là những xấu xa, chia rẽ và bất hoà, những lời độc địa, điêu ngoa.

Lạy Chúa, xin biến đổi tâm lòng con, để những lời con nói ra không gây chia rẽ, bất hoà, nhưng mang lại niềm vui, sự bình an cho người khác. Amen.