Tin Mừng: Ga 1,1-18
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”.16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết. |
SUY NIỆM
MẦU NHIỆM TỰ HẠ (Tu sĩ Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)
Vào đề, thánh sử Gioan đã xác quyết mạnh mẽ: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Nghĩa là Ngôi Lời đã hiện hữu từ muôn thuở trước mọi loài thọ tạo và Ngôi Lời cũng chính là Thiên Chúa. Ngôi Lời phát xuất từ Chúa Cha, đã đến thế gian, trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
Điều đó cho chúng ta thấy rằng biến cố Ngôi Lời nhập thể và nhập thế là một mầu nhiệm tự hạ. Một Thiên Chúa uy nghi, cao cả, rất thánh, ngự chốn trời cao đã hạ mình thẳm sâu đến với nhân loại, mặc lấy thân xác như con người, để trở nên giống như con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Phần chú giải Kinh Thánh viết: “Đấng cúi mình xuống trên nhân loại, nhờ đó Người thiết lập một Giao Ước với dân Ítraen cách nhưng không”. Quả thật, Thiên Chúa đã có một sáng kiến táo bạo và đầy mạo hiểm là gửi Ngôi Lời, Con của Người đến với nhân loại để thiết lập một Giao Ước mới trong tình yêu bằng chính máu của Ngôi Lời nhằm giải thoát và cứu độ nhân loại.
Thiên Chúa từ bỏ chốn trời cao, từ bỏ ngai vàng và địa vị của một vị Vua Thiên Quốc để tự hạ đến nơi đất thấp, đến với nhân trần hèn yếu, đến với con người đầy tội lỗi và bất xứng. Đó là điểm quyến rũ và thôi thúc cha thánh Arnold Janssen thiết lập nên Hội Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, với mục đích là làm cho Ngôi Lời được hiện diện giữa muôn dân. Mầu nhiệm tự hạ của Ngôi Lời Nhập Thể đã hằn sâu trong đời sống và con người của cha thánh Arnold Janssen. Và chính cha thánh cũng đã cắm rễ sâu trong Ngôi Lời và đã hoạ lại hình ảnh của Ngôi Lời bằng chính một đời sống luôn hạ mình khiêm nhường phục vụ. Cha thánh cũng mời gọi con cái của ngài luôn biết sống tự hạ để đến với và phục vụ tha nhân trong tinh thần khiêm nhường và yêu mến.
Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự hạ trở nên người phàm để ở giữa và đồng phận với con người. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống khiêm nhường để phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân theo gương của Ngôi Lời Nhập Thể. Amen.
HƯỚNG VỀ THIÊN CHÚA ( Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Mạnh, SVD)
Sống là những tháng ngày chọn lựa. Đôi lúc ta không biết mình nên làm gì và tựa vào đâu trước sóng gió cuộc đời. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta khởi nguồn và cùng đích mà mỗi người cần quy hướng trong cuộc sống của mình.
Thánh Gioan đã viết “Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa”. Ta thấy, Chúa Giêsu luôn gắn kết mật thiết và luôn hướng về Thiên Chúa, ngay cả khi “Trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Trong chặng đường rao giảng, Ngài thường đi ra nơi hẻo lánh để cầu nguyện, hướng về Thiên Chúa.
Mẫu gương luôn qui hướng về Thiên Chúa của Chúa Giêsu là bài học cho chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta thường làm những việc theo ý riêng của mình mà không hề quy hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi ta cần biết qui hướng về Người. Bởi khi luôn biết hướng về Thiên Chúa, ta sẽ làm chủ được những tính khí rất con người của mình.
Minh chứng cho người luôn biết hướng về Thiên Chúa là mẹ Têrêsa. Mẹ nói trong cuộc trò chuyện với một vị linh mục trẻ: “Con nghĩ rằng mẹ có thể làm được việc bác ái nếu như mỗi ngày mẹ đã không cầu xin Chúa Giêsu lấp đầy trái tim mẹ tình yêu của Người sao? Con nghĩ rằng mẹ có thể mỗi ngày rảo khắp phố phường tìm kiếm những người nghèo nếu chúa Giêsu không thông truyền ngọn lửa yêu mến của Người vào trong tâm hồn mẹ sao?” “Không có Chúa, chúng ta trở nên quá nghèo, không thể giúp đỡ những người nghèo”. Thật vậy, không có Chúa chúng ta cũng sẽ trở nên quá yếu đuối, tội lỗi, vô duyên và bất tài.
Lạy Chúa, xin cho chúng con dù đi đâu cũng đi với Ngôi Lời, dù làm gì cũng làm với Ngôi Lời, để từng ngày sống, chúng con bám rễ sâu trong tình yêu của Ngôi Lời và để cho Ngôi Lời nhập thể trong đời sống của chúng con. Amen.
ƠN GỌI LÀM NGƯỜI (♦ Tu sĩ Phaolô Phan Tấn Thịnh, SVD)
“Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tình Thiên Chúa” (2 Pr 1,4).
Với mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa đã đón nhận thân phận con người, “chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta nhưng không phạm tội” (Hr 4,15) để tỏ bày tình yêu đích thật của Thiên Chúa, và để phục hồi phẩm giá con người, giải thoát con người khỏi kiếp nô lệ, cho con người được tự do như thánh Phaolô đã nói: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Từ đó, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Như thế, Đức Giêsu đã tái tạo con người trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, (St 1,26) biết sống tuân phục ý Chúa. Kể từ nay, không một ai có thể coi việc làm người là một bất hạnh nhưng là một ơn gọi trong chương trình của Thiên Chúa. “Tất cả các tín hữu, dù hoàn cảnh hay bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi, mỗi người theo cách của mình, đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo như Chúa Cha là Đấng hoàn hảo” (Hiến chế HT 11). Những gian khổ, thử thách xảy ra trên đường đời là những phương thế giúp con người đạt đến sự viên mãn đó. “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?” (Lc 24,26).
Ngày cuối cùng của năm dương lịch, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại bản văn được đọc vào ngày lễ Giáng Sinh, để mời gọi mỗi người hồi tâm, nhìn lại cuộc sống năm cũ trong các mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với bản thân có xứng đáng là con Thiên Chúa chưa hầu đưa ra một quyết tâm mới cho năm mới vì sống thêm một tuổi có nghĩa là gần cái chết thêm một năm.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con làm chứng nhân của niềm vui, của sự sống, của nguồn hạnh phúc đích thật. Xin cho chúng con là người Kitô hữu xác tín vững chắc các điều này và mạnh dạn sống kiên trung với những điều đã xác tín.