LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 34 TN)

0
341
Lc 21, 20-28

Tin mừng: Lc 21, 20-28

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. 21 Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. 22 Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. 23 Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!”

Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. 24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.

25 “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”


 

SUY NIỆM

SẴN SÀNG (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD)

Sự kiện Con Người ngự đến lần thứ hai là điều đã được Đức Giêsu báo trước trong Kinh Thánh. Thế nhưng, không ai biết được thời điểm đó chính xác là lúc nào. Những dấu chỉ mà Tin Mừng hôm nay thuật lại hầu như cũng đã xảy ra trong lịch sử, thế nhưng thời điểm đó vẫn chưa đến. Đối diện với thực tế đó, thái độ sẵn sàng là điều mà ta được mời gọi.

Tính bất ngờ của thời điểm. Thời điểm ấy chắc chắn vẫn sẽ xảy ra, nhưng bằng cách nào và vào lúc nào thì không ai hay biết. Nó sẽ đến như kẻ trộm, vào lúc ta không ngờ, vào giờ ta không biết. Nhìn vào cảnh sắc đất trời, chúng ta có thể dự đoán được thời tiết. Nhìn vào những biến động trong xã hội, chúng ta có thể đoán được điều gì sắp xảy ra. Thế nhưng, những dự đoán về ngày tận thế, dù đã nhiều lần được đồn thổi, thì vẫn chưa lần nào diễn ra. Trái đất vẫn xoay chuyển, con người vẫn tiếp tục tồn tại.

Tỉnh thức đón chờ thời điểm là lời mời gọi cho chúng ta. Vì không biết được ngày nào Con Người sẽ đến, thế nên việc tỉnh thức đón chờ là điều hết sức quan trọng. Hơn nữa, thái độ tỉnh thức này còn phải được thực hiện theo nghĩa chủ động, bằng những hành động cụ thể, như hoán cải trở về với Chúa, hăng say làm việc thiện, chuẩn bị tâm hồn mình luôn ở tình trạng sẵn sàng để đón Chúa đến bất cứ lúc nào. Hạnh phúc hay đau khổ hoàn toàn lệ thuộc vào cách hành xử của chúng ta ở giây phút hiện tại này. Tự do đã được trao ban, hạnh phúc vĩnh cửu đã được chuẩn bị sẵn. Chỉ cần chọn lựa đúng, chúng ta sẽ giành được hạnh phúc đó.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết đặt Chúa làm trọng tâm của đời mình và xem hạnh phúc Nước Trời là đích điểm duy nhất mà chúng con cần nhắm tới; để nhờ đó, chúng con luôn biết hoán cải trở về và sống trong ân nghĩa với Chúa. Amen.


 

NGẨNG ĐẦU LÊN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA (Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cốt yếu nói về cuộc phán xét cuối cùng và việc Chúa quang lâm. Chúng ta phải làm gì để có thể đón Chúa đến trong vinh quang vào ngày quang lâm?
Bài Tin Mừng dùng biến cố thành Giêrusalem sụp đổ để miêu tả về cuộc phán xét cuối cùng. Ngày thành Giêrusalem sụp đổ là ngày “báo oán” và cũng là ngày ứng nghiệm tất cả những lời được ghi chép trong Kinh Thánh. Đó cũng là ngày mà nhiều điềm thiêng dấu lạ xảy ra ở trên trời, dưới đất. Và ngày đó cũng làm cho muôn dân lo lắng, hoảng sợ và hoang mang. Tuy nhiên, dù các biến cố khủng khiếp đó xảy ra thì kèm theo đó, chúng ta sẽ thấy sự can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại: Con Người quang lâm với quyền năng và vinh quang.
Nhờ cuộc quang lâm của Con Người mà tất cả chúng ta, những người đang hoảng sợ, những người đang bị hồn xiêu phách lạc sẽ nhận được sự bình an. Nhờ sự bình an đó mà chúng ta có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu. Một tư thế hiên ngang để thấy Đức Kitô quang lâm một cách rõ ràng, trực tiếp và phổ quát. Tuy nhiên, sẵn sàng đón Con Người trở lại với tư thế đứng thẳng và ngẩng cao đầu đòi hỏi ta có sự chuẩn bị từ ngay thời khắc hiện tại. Sự chuẩn bị đó bao gồm: tỉnh thức (x. Mt 24,44), cầu nguyện (x. Lc 18,8), làm việc bố thí (x. Mt 25,40) và ra đi cho sứ vụ (x. Mt 25,19). Đây là những đòi hỏi tối thiểu chúng ta phải thi hành ở ngay giây phút hiện tại, ở bất cứ nơi đâu. Chỉ khi như thế chúng ta mới đảm bảo một sự sẵn sàng đủ để hân hoan đón Chúa trở lại như một vị Vua vĩnh cửu vào ngày quang lâm.
Xin cho con biết tỉnh thức để chờ Chúa; biết cầu nguyện để nghe tiếng Chúa; biết bố thí vì đó là làm cho Chúa; và biết sẵn sàng ra đi loan báo Nước Chúa vì đó là sứ vụ Chúa trao.
Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 34 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 34 TN)