LỜI SỐNG (2/2 – Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ, lễ kính)

0
295

TIN MỪNG: (Lc 2, 22-40)

 22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. 27 Ðược Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hai Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29 Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.

33 Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. 34 Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng 35 còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.

36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuen, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Ðền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ gặp ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.

39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. 40 Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM

VÂNG PHỤC (Tu sĩ  Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD)

Sự kiện Đức Maria và thánh Giuse dâng con vào Đền Thờ mở đầu cho một hành trình vâng phục. Đức Maria và thánh Giuse vâng phục lề luật dù các ngài không còn bị ràng buộc bởi luật cũ. Đức Giêsu cũng sẽ vâng phục cha mẹ trần gian và thánh ý Chúa Cha trong suốt cuộc đời mình.

Luật Cựu Ước không còn ràng buộc Đức Maria và trẻ Giêsu. Thứ nhất, Đức Maria không thụ thai theo lẽ tự nhiên, nhưng là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thế nên, ngài không tẩy theo luật Môsê. Thứ hai, trẻ Giêsu dù được sinh ra bởi Đức Maria, một con người, nhưng Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Người đến để canh tân luật cũ của Cựu Ước, thế nên luật đó không còn ràng buộc được Người nữa. Dầu vậy, cha mẹ hài nhi Giêsu vẫn vâng phục lề luật ấy như để nêu tấm gương khiêm hạ cho mỗi người chúng ta.

Từ mẫu gương vâng phục của Đức Maria và thánh Giuse, chúng ta còn thấy đời sống vâng phục của Đức Giêsu. Khi còn sống trong gia đình với cha mẹ trần gian, Thánh Kinh khẳng định rằng, Đức Giêsu “hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Và khi đã công khai thi hành sứ vụ Chúa Cha giao phó, Người lại hằng vâng phục thánh ý Chúa Cha. Sự vâng phục đó được biểu lộ cách rõ nét nhất ngang qua cái chết của Người trên thập giá. Cái chết nhục nhã đó minh chứng cho chúng ta thấy rằng Người luôn đặt ý định của Cha ở trên tất cả: “…xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con cũng biết tuân giữ lề luật, cả luật Thiên Chúa và luật con người, để chúng con có thể góp phần làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, đồng thời chuẩn bị cho hạnh phúc lâu dài mai sau mà Chúa đã hứa ban. Amen.


 

MÓN QUÀ QUÝ GIÁ (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


VÂNG PHỤC TRONG Ý CHÚA (Tu sĩ Antôn Trần Văn Lai, SVD)

Hằng năm, Giáo Hội mừng kính lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Việc Thánh cả Giuse và Mẹ Maria dâng Hài nhi Giêsu không chỉ theo mang tính chất Lề Luật nhưng mang một ý nghĩa cao cả hơn, đó là sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu được tiến dâng cho Thiên Chúa tại Đền Thờ Giêrusalem. Theo Lề Luật, vào ngày lễ thanh tẩy của người Do Thái thì các ông bố và bà mẹ phải đưa con trai đầu lòng tiến dâng cho Thiên Chúa. Bên cạnh đó, họ phải mang lễ vật kèm theo là một đôi chim gáy hoặc một cặp bồ câu non tùy theo hoàn cảnh của gia đình. Thực thi Luật Chúa, ông Giuse và bà Maria đưa con trẻ Giêsu tiến dâng cho Thiên Chúa. Dẫu biết rằng, Đức Kitô là Ngôi Hai mang nhân tính và Đức Kitô là con Thiên Chúa thì vẫn phải tuân giữ những giới luật của Thiên Chúa. Quả thật, việc dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ nói lên sự vâng phục tuyệt đối thánh ý Thiên Chúa của ông Giuse và bà Maria. Hai ông bà đã để cho ý Chúa được lớn lên trong tâm hồn.

Qua bí tích Thanh Tẩy, mỗi người chúng ta được trở thành những người Kitô hữu và dự phần vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Bên cạnh đó, chúng ta có bổn phận thực thi lề luật của Chúa trong sự yêu mến và thành tâm. Hơn nữa, chúng ta cần học tập sự vâng phục triệt để theo gương của thánh Giuse và mẹ Maria. Qua mỗi ngày sống, chúng ta cần xem xét lại bản thân đã sống tinh thần vâng phục như thầy Giêsu chí thánh. Chúng ta đã tuân giữ giới răn một cách trọn vẹn hay chưa? Chúng ta đã hy sinh “cái tôi” để cho ý Chúa được thể hiện trong mọi công việc chưa?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá, xin cho con luôn noi gương Ngài sống vâng phục cách triệt trong tình yêu mến Ngài. Amen.


 

CUỘC GẶP CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH (Tu sĩ Giuse Thái Viết Mậu, SVD)

Hạn từ “công chính” (dikaios) là một danh xưng dành cho Thiên  Chúa. Tuy nhiên, hạn từ này cũng dùng để nói về những con người biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa, qua việc lắng nghe và thi hành lề luật của Người.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đã trình bày cho chúng ta thấy một cuộc gặp gỡ giữa những người công chính. Thật thế, nhân vật “công chính” đầu tiên được nhắc tới trong đoạn Tin Mừng hôm nay là cụ Simêon. Sự công chính của ông được khắc hoạ rõ nét qua việc ông dành cả cuộc đời để “mong chờ niềm an ủi của Ítraen” và “Thánh Thần hằng ngự trên ông.” (Lc 2,25). Nhân vật thứ hai được gọi là “công chính” đó là bà Anna, một người phụ nữ lớn tuổi, có đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa qua việc “ăn chay cầu nguyện và sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2,37). Nhân vật “công chính” thứ ba mà Tin Mừng tiếp tục đề cập đến đó chính là Thánh Giuse và Mẹ Maria.

Sự công chính ấy được diễn tả nơi hành động hiến dâng con trai đầu lòng và thanh tẩy theo luật Môsê, một cử chỉ thi hành lề luật Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự “công chính” vẹn toàn nhất lại được thể hiện nơi Đức Giêsu, vì tự bản chất Người là Đấng Công Chính. Mặt khác, sự công chính của Đức Giêsu còn được thể hiện qua việc Người lắng nghe và vâng theo thánh ý Chúa Cha trong từng biến cố của đời Người, đỉnh điểm là cái chết trần trụi trên thập giá. Sự công chính ấy cũng là bài học quý giá dạy mỗi chúng ta biết trở nên giống Người qua việc lắng nghe và thi hành lề luật Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cùng đi và hướng dẫn chúng con trên đường “công chính”. Xin Ngài củng cố niềm tin để chúng con xác tín rằng: Chúa sẽ cho chúng con cảm nếm ơn cứu độ, nếu chúng con trở nên “công chính” trước nhan Ngài. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 4 TN)
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên, Năm B (Mc 1,29-39)