LỜI SỐNG (Chúa Nhật, Lễ Chúa Hiển Linh)

0
332

Tin mừng: Mt 2, 1-12

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”

3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.

5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”

9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.

11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến.

12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

—oOo—

Suy niệm:

NGÔI SAO DẪN ĐƯỜNG (Tu sĩ  G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

Mỗi mùa Giáng Sinh, các ngõ hẻm của các xứ đạo cùng trang hoàng lộng lẫy đón mừng Ngôi Hai xuống thế làm người. Trong đó, ngôi sao là một cách thức trang trí không thể thiếu nhằm tạo nên ý nghĩa sâu xa của biến cố Giáng Sinh.

Ý nghĩa quan trọng nhất của ngôi sao là dẫn đường. Thật vậy, lần theo sự xuất hiện và nhờ sự dẫn đường của ngôi sao, các nhà chiêm tinh từ Phương Đông đã đến được tận nơi mà Hài Nhi ở. Họ là dân ngoại, đại diện cho các dân tộc khác trên mặt đất. Họ khao khát tìm kiếm ơn cứu độ. Chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop trong Nước Trời” (Mt 8,11). Như vậy, với những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng, sự thiện chí tìm kiếm chân lý như các nhà chiêm tinh, thì Thiên Chúa đã dẫn họ đến gặp gỡ Đấng Cứu Thế. Họ đã dám mạo hiểm lên đường tìm kiếm, dám bước đi theo các dấu chỉ dẫn đường.

Hôm nay, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình cho nhân loại qua những dấu chỉ của tự nhiên, của các biến cố lịch sử, qua Lời Người trong Thánh Kinh,… Muốn gặp được Người, nhất thiết chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm. Dù có những thử thách, cam go, những hiểm nguy cạm bẫy, chúng ta vẫn phải luôn kiên trì trong đức tin, bền đỗ trong lòng mến. Cho dù ngày nay, không có ngôi sao đông phương nào xuất hiện trên bầu trời để dẫn đường, nhưng chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp tìm gặp Người, là ánh sáng của Lời Chúa. Nhờ bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ tìm đến với Người, gặp gỡ Người và trở nên những “ngôi sao” dẫn người khác đến với Chúa, như lời thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trở nên như những ánh sao qua đời sống bác ái và yêu thương, nhờ đó nhiều người sẽ nhận ra và tìm về với Chúa là Đấng Cứu Độ muôn dân. Amen.


CHÚA TỎ MÌNH (Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)

Trình thuật Lời Chúa hôm nay nằm trong  khung  cảnh  thật  đẹp  và  nên thơ, đó là quang cảnh Chúa hiển linh, nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra. Vậy chúng ta thử hỏi Thiên Chúa tỏ mình ra cho ai? Ngài tỏ mình ra như thế nào? Và tại sao Ngài tỏ mình ra?

Điều ngạc nhiên là Thiên Chúa không tỏ mình ra cho giới chức vua chúa, quan quyền, các thượng tế, các kinh sư, các nhà thông luật của dân Do Thái, nhưng lại tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh. Họ là những người dân ngoại, đến từ phương Đông bị dân Do Thái loại trừ. Thế nhưng, họ là những người diễm phúc được Thiên Chúa tỏ mình ra vì họ có lòng khao khát kiếm tìm Thiên Chúa qua việc nghiên cứu thiên văn. Thiên Chúa đã khai sáng cho họ bằng một ánh sao lạ dẫn đường và họ sẵn sàng lên đường tìm kiếm cho đến khi gặp được Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại. Thiên Chúa tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh vì họ khao khát Thiên Chúa; vì họ can đảm lên đường tìm kiếm, dẫu có lúc mịt mờ trong vô vọng; vì họ dám hy sinh vượt lên trên tất cả những khó khăn, thách đố phía trước,… Họ đã tin và đạt được điều họ tìm kiếm là gặp được Đấng Cứu Thế. Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình ra cho mỗi người chúng ta, không phải bằng ánh sao lạ dẫn đường, nhưng bằng những ánh sao lạ khác: ánh sao của đức tin, ánh sao của Lời Chúa, ánh sao của giáo huấn Giáo Hội, ánh sao của lương tâm ngay thẳng, ánh sao của thiên nhiên trời đất hùng vĩ, của những kỳ công vượt trên khả năng và trí hiểu của con người,… Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra đó là những dấu chỉ Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta hay không? Chúng ta có để cho ánh sáng đức tin, ánh sáng Lời Chúa, ánh sáng của lương tâm ngay chính hướng dẫn cuộc đời của ta không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết say mê và khao khát tìm kiếm Chúa trong cuộc đời mình và xin cho chúng con dám can đảm chỗi dậy lên đường đi tìm Chúa để tôn thờ và bái lạy Ngài. Amen.


 

XA MÀ GẦN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN           (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Bằng, SVD)

Trong truyền thống Giáo Hội, lễ Hiển Linh là dịp giúp ta nhớ lại biến cố Thiên  Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại và cũng là cơ hội để ta dừng lại chiêm ngắm hành trình đức tin của mình.

Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta trở về với hành trình kiếm tìm đức tin của ba nhà đạo sĩ năm xưa. Họ đã thao thức với trọn con tim, phân định bằng cả lý trí và chọn lựa một cách dứt khoát ngang qua dấu chỉ mặc khải của Thiên Chúa. Được thấy Chúa, họ “liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).

Hành trình đức tin của mỗi người chúng ta hôm nay đòi hỏi một trái tim bén nhạy để cảm nhận trọn vẹn tình yêu của Chúa, một lý trí tỉnh táo biết phân định để nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Người trong mọi biến cố cuộc đời, một thái độ dứt khoát để dấn thân trọn vẹn và sống động cho đức tin. Thiên Chúa vẫn ở bên cạnh chúng ta. Người vẫn hiện diện và cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường dương thế. Người vẫn luôn dõi mắt nhìn theo và nâng đỡ chúng ta trong mọi trạng huống của cuộc đời. Ngày nay, vì mưu sinh, vì những thú vui bên ngoài, chúng ta đã quên dành những giây phút quý giá để phản tỉnh và chiêm ngắm lại khuôn mặt đầy nhân ái của Chúa. Chúng ta vẫn làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa bị lu mờ bởi những lo lắng, bon chen, hoài nghi, toan tính và thất vọng. Thiết nghĩ, hành trình đức tin của chúng ta sẽ vững vàng biết bao nếu ta biết dành những phút hồi tâm để gặp Chúa sau mỗi ngày sống của mình.

Lạy Chúa, hành trình của ba nhà đạo sĩ năm xưa cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng con hôm nay. Xin Chúa ban cho chúng con lòng khao khát Chúa để chúng con can đảm sống và thực hành đức tin mỗi ngày. Amen.

Bài trướcTuần Cửu Nhật Mừng Lễ Thánh Arnold Janssen – Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời (ngày 15/1)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Năm B