LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 1 TN)

0
381
Ga 9,1-41

Tin Mừng: Mc 1,40-45

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

—– o 0 o —–

Suy niệm

NẾU NGÀI MUỐN (Tu sĩ  Phêrô Trần Văn Dương, SVD)

Lời Chúa hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bị phong hủi. Câu nói của người phong hủi làm chúng ta phải suy nghĩ: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40).

Vào thời Chúa Giêsu, bệnh phong hủi là một căn bệnh bị mọi người xa lánh, phải ở bên ngoài thành và không được tiếp xúc với bất kỳ ai. Đó là một thiệt thòi, đau khổ và buồn tủi cho những người mắc phải căn bệnh này. Vì thế, khi gặp Chúa Giêsu, người phong hủi không la lớn tiếng, cũng chẳng kêu xin nài khẩn, nhưng với một tấm lòng khiêm tốn, phó thác và tin tưởng vào Chúa, anh xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40). Với tấm lòng khiêm nhường tín thác ấy cùng với ước muốn được sạch của anh, Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương”, Ngài giơ tay đụng chạm vào anh “tôi muốn, anh sạch đi” (Mc 1,41) và anh đã được chữa lành. Điều anh muốn chỉ là một điều nhỏ trong điều Chúa muốn anh được sạch. Chúa không chỉ muốn anh được chữa lành, được sạch về thể xác mà còn muốn anh được chữa lành và được thanh sạch về đời sống tâm hồn nữa.

Người phong hủi trong Tin Mừng hôm nay là một tấm gương về lối sống khiêm nhường tín thác cho mỗi người chúng ta. Chúng ta không mắc bệnh phong hủi về thể xác, nhưng có thể đang bị phong hủi về tâm hồn. Bởi vậy, chúng ta hãy chạy đến với Chúa bằng một lòng khiêm tốn, đặt tất cả niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa và sẵn sàng vâng theo ý Chúa, để xin Ngài chữa lành tâm hồn ta. Bên cạnh đó, chúng ta cùng học lấy tinh thần cầu nguyện của người phong hủi. Cầu nguyện chính là làm cho điều Chúa muốn trở thành điều chúng ta muốn. Hay, cầu nguyện chính là làm cho con tim của chúng ta đập cùng nhịp đập với con tim của Chúa để chúng ta cũng có thể “chạnh lòng thương” trước những mảnh đời bất hạnh.

Lạy Chúa, xin thương tẩy sạch những vết thương trong tâm hồn chúng con bằng tình thương vô biên và ơn tha thứ của Chúa và xin Chúa cho chúng con luôn tín thác hoàn toàn vào quyền năng chữa lành của Người. Amen.


 

LOAN TIN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

NGÀI “GIƠ TAY ĐỤNG” VÀO PHẬN NGƯỜI (Tu sĩ GB. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

rong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, đức cha Jean Cassaigne được biết đến là vị giám mục và là bạn của người phong. Ngài đã sáng lập Làng cùi Di Linh. Đây là nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh và nó tồn tại cho đến ngày nay. Ngài là tấm gương chiếu tỏa Lòng Thương Xót Chúa nơi những người thấp kém trong xã hội.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thể hiện Lòng Thương Xót vô biên dành cho những nỗi đau phận người. Người đã “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh” và chữa lành anh. Thời Chúa Giêsu, bệnh phong không chỉ là một thứ bệnh ghê tởm, mà người ta còn xem nó là một thứ bệnh truyền nhiễm nữa. Do đó, các bệnh nhân phải sống ngoài thành thị, xa các khu dân cư. Hơn nữa, bệnh phong còn được xem là một hình phạt của Thiên Chúa, nên đạo Do thái tuyên bố người mắc bệnh phong là người bị ô uế. Chúa Giêsu đụng vào người mắc bệnh phong và da thịt người này được sạch. Ngài làm nhiều hơn là chữa lành người mắc bệnh phong: cho người đó được gia nhập lại vào xã hội và, từ lúc này, trở thành một người như những người khác và sẽ không còn bị mọi người xa lánh nữa. Họ được khôi phục phẩm giá làm người.

Còn người phong hủi, anh không dám xin Chúa làm theo ý muốn của mình: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho con được lành sạch”, lời ấy thể hiện đức tin và sự khiêm nhường vì anh không dám xin điều mình muốn mà chỉ xin theo ý Chúa. Chúa Giêsu không chỉ chứng tỏ Người có quyền chữa lành bệnh tật, giải thoát con người khỏi tội lỗi mà còn cho thấy Thiên Chúa luôn đồng cảm, chia sẻ và sẵn lòng cứu giúp ai cầu xin Người. Khi đứng trước những đau khổ và thử thách trong cuộc sống, chúng ta có được chữa lành hay không là tùy vào sự mở lòng để đón nhận Thiên Chúa của chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con lấy lòng khiêm nhường cầu xin ơn chữa lành của Chúa, xin đưa tay đỡ nâng những bệnh tật yếu đuối và cả sự sa ngã vì tội lỗi của chúng con. Amen.


 

LÒNG THƯƠNG XÓT VƯỢT RÀO CẢN (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD)

Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Cụ thể, tình yêu này được tỏ hiện cách đầy tràn qua dung mạo của lòng thương xót Chúa dành cho con người. Lòng thương xót này không dành riêng cho một ai, nhưng cho tất cả mọi người, nhất là những người bất hạnh, đau khổ và bệnh tật.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, lòng thương xót Chúa được thể hiện qua việc Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi. Theo quan niệm Do thái, người mắc bệnh phong cùi được xem như là một hình phạt của Thiên Chúa, và bị xem là ô uế, ghê tởm, bị kỳ thị, phải sống ngoài thành thị, xa các khu dân cư. Đây quả là sự đau khổ tột cùng về thân xác và tinh thần, quyền sống và nhân phẩm người bệnh bị tước đoạt. Thế nhưng, sau tận cùng của đau khổ, con người bắt gặp được nguồn an ủi, niềm hạnh phúc khi được lòng thương xót Chúa đụng chạm đến. Chúa Giêsu đã giơ tay đụng vào người mắc bệnh phong và da thịt người này được sạch. Chúa Giêsu không chỉ chữa lành bệnh phong, mà Người còn làm nhiều hơn thế cho người bệnh: phục hồi nhân phẩm cho họ, đưa họ trở về tái hòa nhập vào xã hội.

Phép lạ này vừa chứng tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa vừa minh chứng Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để yêu thương, tha thứ, để cứu vớt và để chữa lành. Người đã vượt qua những hàng rào cấm kỵ để đem Tin Mừng tình yêu đến với những người tội lỗi, bệnh tật, những người bị gạt ra bên lề xã hội Do Thái thời bấy giờ. Người mời gọi tất cả những ai theo Người cũng hãy làm như vậy.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng xót thương, xin cho chúng con có một trái tim biết yêu thương, một tấm lòng rộng mở để chúng con không ngừng cảm tạ Chúa và sống yêu thương hết mình với anh chị em. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 1 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 1 TN)