LỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 32 TN)

0
561

Tin Mừng: Lc 17,1-6

Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã.

Anh em hãy đề phòng! Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó.”

Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, ” nó cũng sẽ vâng lời anh em.

—oOo—

Suy niệm

GƯƠNG SÁNG (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Hậu, SVD)

Con người sinh ra đã có tính xã hội. Chúng ta sống độc lập nhưng lệ thuộc lẫn nhau. Chúng ta sống là sống cùng, sống với và sống cho nhau. Vì thế, giữa cuộc sống vàng thau lẫn lộn, chúng ta được mời gọi làm gương sáng cho tha nhân.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu rất dứt khoát và nghiêm khắc với những kẻ gây cớ cho người khác sa ngã, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã, thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn”. Hành động này chính là đang tiếp tay cho ma quỷ, làm gương mù gương xấu cho người khác. Gương xấu như một thứ ôn dịch và có nguy cơ lây lan rất cao. Vì thế, Chúa Giêsu vừa răn đe vừa mời gọi mỗi người sống làm tấm gương sáng, phản chiếu nhân đức và tình yêu cho tha nhân.

Giữa một thế giới gương tốt thì ít, gương xấu thì nhiều, đã thế gương mù gương xấu lại dễ bắt chước. Bản tính con người vốn dễ chiều theo ý riêng, chiều theo điều bất chính hơn là điều lương thiện. Vì thế, tội lỗi luôn có cơ hội len lỏi vào suy nghĩ và hành động của chúng ta. Đồng thời, ma quỷ cũng thừa cơ lợi dụng điểm yếu này mà chờ chực tấn công. Sống làm gương sáng cho người khác là một thách đố lớn, đòi hỏi sự quyết tâm, cố gắng và từ bỏ cao. Đặc biệt, chúng ta không thể là tấm gương sáng nếu không biết soi mình vào tấm gương tuyệt vời nhất là Đức Kitô. Do đó, bám chặt với Ngài qua đời sống cầu nguyện là điều cấp thiết và quan trọng hơn hết, để trở nên gương sáng cho tha nhân. Không những thế, tấm gương của chúng ta còn phải là tấm gương phản chiếu bóng hình Chúa Tình Thương.

Lạy Chúa, lắm khi chúng con tình hay hữu ý đã làm gương mù gương xấu cho anh chị em. Xin Ngài hãy tha thứ và ban thêm niềm tin cũng như sức mạnh cho chúng con. Qua đó, chúng con cố gắng và quyết tâm làm sáng tấm gương bằng cách lau chùi những bụi bẩn là những thói hư tật xấu. Amen.


ANH PHẢI THA CHO NÓ (Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)

Thời nào cũng vậy, trong đời sống chung giữa người với người, có khi yên ổn an lành nhưng cũng có khi xảy ra những chuyện bất hòa xích mích. Xung đột trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Nó như căn bệnh làm suy nhược tinh thần, bào mòn mối dây thân tình giữa con người với nhau. Để vực dậy tinh thần trong ta, để nối lại mối hòa ái giữa ta với người, ‘tha thứ’ có lẽ là phương thuốc tốt nhất mà thôi.

Ngày xưa, khi giảng dạy các môn đệ của mình, Đức Giêsu nhấn mạnh đến chủ đề ‘tha thứ’. Ngài giả sử nếu ai lỗi phạm đến ta thì “anh phải tha cho nó”, không phải tha một lần nhưng là ‘bảy mươi lần bảy’. Có lẽ, những năm tháng sống trên dương gian này, Đức Giêsu cảm nghiệm được những khó khăn của cuộc sống con người nên Ngài mới đưa ra lời nhắc nhở nhằm duy trì bầu khí an hòa giữa các môn đệ.

Lời khuyên đó cũng là bài học cho chúng ta hôm nay. Cuộc sống vội vã, bon chen của con người hiện đại với những khác biệt trong cách nghĩ, trong lối sinh hoạt nhiều khi ta sai phạm đến người, có khi người lỗi phạm với ta: sống với nhau nhưng không muốn nhìn nhau; ở với nhau nhưng lòng thở dài. Hẳn nhiên là không phải vì thế mà ta gạt người khác ra khỏi cuộc sống của mình được. Thay vào đó tha thứ là điều ta phải làm. Khi đó ta đang thực hiện điều răn yêu thương mà Thiên Chúa đã ghi vào lòng ta. Hơn nữa, hành động tha thứ còn thể hiện sự tu dưỡng nơi chính ta, nó mang lại ích lợi cho ta và cho người. Tha thứ bằng lời nói hay qua hành động đều tạo sự thư thái, làm cho người có lỗi cảm thấy bình an và người tha lỗi cũng thu lại được phần phúc cho riêng mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Chúa thể hiện lòng quảng đại, sẵn sàng tha thứ những lỗi phạm của anh chị em, những người bên cạnh chúng con, để cuộc sống chúng con tốt hơn mỗi ngày. Amen.


 

HÃY ĐỀ PHÒNG! (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

THÀNH NHÂN (Tu sĩ G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)

Con người sinh ra chưa hẳn là đã trở thành người tốt. Bởi lẽ, bất cứ ai cũng đều phải có nhiều thời gian và nỗ lực lớn lên tới điểm, mà ở đó họ có một nhận thức đầy tràn về bản tính của mình. Và khi đó, ta gọi nó là thành nhân. Và “thành nhân” luôn gắn liền mối tương quan với người khác, bởi lẽ không ai có thể sống cô độc và tự mình lớn lên được. Qua đó, Đức Giêsu mời gọi chúng ta nơi bài Tin Mừng hôm nay: hãy chấp nhận nhau nơi sự vấp ngã, hãy tha thứ và cùng giúp nhau hoàn thiện.

Nơi bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã cảnh tỉnh các môn đệ về sự thật nơi cuộc sống của con người, đặc biệt là các Kinh sư, Pharisêu,… , mà ở đó họ dần bị tha hóa bởi nhiều mối lợi, sự tham lam, và ích kỷ. Họ đã trở nên “cớ vấp phạm” làm cho người dân chán chường, thất vọng và quay mặt với nhau. Qua đó, Đức Giêsu khuyến dụ các môn đệ tránh những lối sống này, hãy yêu thương nhau và cùng giúp nhau phát triển đức tin.

Thật vậy, trong thực tế cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những “cớ vấp phạm” đến từ người khác, và đồng thời, chúng ta cũng có thể trở nên nguyên cớ gây tội cho họ. Nói cách khác, khi sống cùng và sống với nhau, chúng ta sẽ gặp những xung đột, đụng chạm, hay thậm chí là xúc phạm nhau cách nặng nề. Nhưng qua đó, chúng ta nhận ra giới hạn của chính mình, một con người đầy bất toàn và thiếu sót. Và như thế, chúng ta biết rằng, ta cần phải lớn lên trong tình yêu thương với người khác và thành nhân cách thực sự trước mặt Chúa.

Lạy Chúa, xin ban thêm ơn cho chúng con, để chúng con cùng giúp nhau lớn lên trong tình yêu thương đồng loại, và trở nên người hơn trước mặt Ngài. Amen.

 


 

HÃY ĐỀ PHÒNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

LỖI PHẠM VÀ THA THỨ (Tu sĩ Phaolô Trần Văn Bằng, SVD)

Lỗi phạm và tha thứ là những hành động thường hằng trong cuộc sống của chúng ta. Con người đầy giới hạn nên lỗi phạm là điều tất yếu. Nhưng Thiên Chúa cũng ban cho ta khả năng tha thứ để mang lại bình an cho mình và cho người khác.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy giới hạn của con người là một quy luật: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã.” Tuy nhiên, Ngài cũng răn dạy các môn đệ không được đồng lõa với những cớ vấp ngã ấy “khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã.” Ngài dùng những từ ngữ rất mạnh để cảnh tỉnh họ “thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển còn có lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho người khác vấp ngã.” Mặc dù vậy, đứng trước những sai trái bất công, người môn đệ không được im lặng mà phải biết nói lên tiếng nói của lương tâm: “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó.” Nhưng, phải hành động dựa trên sự quảng đại của con tim “nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.”

Trong cuộc sống hằng ngày, không ít lần chúng ta đã trở nên cớ vấp phạm cho những người chúng ta gặp gỡ. Những cử chỉ, hành động, lời nói của chúng ta nhiều khi đẩy người khác rơi vào trạng huống đau khổ của cuộc đời. Con người là con vật có giới hạn, người khác có giới hạn thì chúng ta cũng không thể thoát khỏi quy luật ấy. Vì thế, chúng ta cần biết mở rộng tấm lòng để tha thứ và trao ban bình an cho người khác bằng vẻ đẹp của tình người.

Lạy Chúa, cuộc sống luôn chứa đựng những đổ vỡ và nguy cơ. Xin cho con biết nghe tiếng nói của lương tâm trước những vấn đề gặp phải để tránh gây bất an cho người khác. Đồng thời, xin cho con luôn nhận ra vẻ đẹp của sự tha thứ, để con biết rộng lượng với người khác hơn. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 32 TN-B)
Bài tiếp theoLễ Giỗ Đầu của Thầy Bartôlômêô Nguyễn Thanh Hùng, SVD (Thầy Bạch Mỹ)