Tin Mừng: Lc 14,12-14
Một ngày sabat kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
—– o0o —–
Suy niệm
CÁI NHÌN CỦA CHÚA GIÊSU (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Dương, SVD)
Nhà văn Jonhan Wolfgang von Goethe đã từng nói: “Không có gì tầm thường trên thế giới. Tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn”. Cuộc sống này như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận nó. Thật vậy, khi chúng ta thay đổi góc nhìn chúng ta sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã có một cái nhìn lạ thường so với những người thủ lãnh Pharisêu đối với những người nghèo đói và tàn tật. Đó là một cái nhìn đầy lòng bác ái và vô vị lợi: “Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giàu có… Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…”. Thật vậy, cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn của siêu nhiên, cái nhìn hướng thượng và cứu độ. Cái nhìn của một người Cha đầy lòng thương xót với người con. Ngài nhìn họ là hình ảnh thụ tạo của Thiên Chúa và đón nhận họ vào trong mối tương quan với Ngài. Bởi vậy, chỉ những ai có cái nhìn như thế, hẳn mới đón nhận được giá trị cứu độ.
Hôm nay, Giáo Hội cũng mừng lễ thánh Carôlô Bôrômêô, một vị giám mục luôn có tấm lòng yêu thương và bác ái đối với những người nghèo đói, mồ côi và goá bụa. Với đức tính, hiền lành và khiêm nhường, với lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và các linh hồn. Thánh nhân đã phục vụ, hy sinh hết mình cho Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Noi gương thánh nhân, chúng ta cũng hãy sống hết mình vì những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù… và có một cái nhìn như Chúa để được cứu độ. Vì trong cõi đời này, họ không có gì để trả ơn cho chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ là người thay họ trả ơn gấp trăm cho chúng ta ở đời này và đời sau.
Lạy Chúa, chúng con đã không có một cái nhìn về những người nghèo khổ như Chúa, xin Chúa tha thứ và ban cho chúng con sự khiêm tốn, biết hạ mình để biết yêu thương những người bất hạnh trong xã hội. Amen.
ĐÁP LỄ (Tu sĩ Đaminh Trần Vĩnh Trung, SVD)
Trong đời sống con người, đãi tiệc là cách thức để xây dựng những mối tương quan. Bởi thế, bà con hay láng giềng giàu có thường sẽ là những khách mời quen thuộc. Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đề nghị một danh sách khách mời thật khác lạ: “Khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14,13).
Đức Giêsu muốn nhắc nhở người Do Thái đương thời về lối sống của họ, ưa tính toán hơn thiệt. Điều đó được biểu hiện qua việc họ đãi tiệc và luôn mong được đáp lễ (x. Lc 14,12). Do đó, những người nghèo, bất hạnh thường chẳng được mời vì họ chẳng có gì đáp lễ. Đức Giêsu muốn điều chỉnh thái độ của người Do Thái đương thời bằng việc mời gọi họ “khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, bất hạnh” (Lc 14,13). Đức Giêsu muốn họ lưu tâm hơn đến những con người tưởng như “không có gì đáp lễ”. Người quả quyết rằng khi mời họ, “ông mới thật có phúc: vì sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (x. Lc 14,14). Thiết nghĩ, sự đáp lễ đó còn lớn hơn vật chất gấp bội.
Trong một thế giới đang đề cao vật chất như ngày hôm nay, “được mất hơn thiệt” chi phối cả những mối tương quan. Con người đến với nhau theo kiểu đôi bên cùng có lợi, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Vì vậy, người ta ái ngại kết thân với những người nghèo hèn. Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta bằng chính cuộc đời của Người: luôn thương đến những kẻ khó nghèo; tự hạ và chung chia phận người với những kẻ bé mọn. Qua đó, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cũng hãy biết lưu tâm và sống quảng đại với tha nhân, phục vụ mà không mong đáp trả. Người muốn chúng ta đi xa hơn so với cách ứng xử thông thường của người đời. Nhờ đó, chúng ta trở thành những cánh tay nối dài hầu chuyển trao hạnh phúc của Thiên Chúa đến cho muôn người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm và phục vụ tha nhân, biết trao ban cách nhưng không và biết cho đi mà không mong được đáp đền. Amen.
“PHÚC” HỆ TẠI ĐIỀU GÌ? (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
PHẦN THƯỞNG ĐỜI SAU (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD)
Đức Giêsu đến trần gian là để dạy cho nhân loại con đường đạt tới Nước Trời. Theo đó, mọi hành động mà người ta làm ở trần gian này cũng chỉ là để giúp họ đạt được phần thưởng đời sau mà thôi.
Lời dạy của Đức Giêsu có xa thực tế quá không? Chẳng ai mời khách mà lại mong họ đừng mời lại. Đúng hơn, khi mời khách, người ta vẫn thường mong được mời lại hoặc được đáp lễ một cách tương xứng. Hơn nữa, khi đãi khách, thông thường người ta vẫn ưu tiên những người thân thuộc, quen biết trước rồi mới đến những người xa lạ hơn. Đức Giêsu lại khuyên dạy một điều hoàn toàn ngược lại, đó là mời những người xa lạ, mà còn phải là những người có vẻ bề ngoài chẳng đẹp đẽ gì. Mời tiệc như vậy thì thật là mất mặt gia chủ. Như vậy, lời dạy của Đức Giêsu xem ra không thực tế chút nào.
Tuy nhiên, điều mà Đức Giêsu dạy lại mang một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Khi người ta chỉ chú trọng đến việc được đáp lễ ở đời này mà thôi thì Đức Giêsu lại muốn chỉ cho họ một phần thưởng có giá trị lớn lao hơn rất nhiều, đó là “được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” Đây là phần thưởng chỉ cần nhận một lần và áp dụng đời đời. Tuy nhiên, để nhận được phần thưởng này, người ta cần phải nỗ lực ngay từ đời này, bằng cách quan tâm tới những người nghèo khổ, tàn tật, què quặt, đui mù mà không mong họ đền đáp. Sự may lành mà chúng ta có được đều phát xuất từ Thiên Chúa, vì thế chúng ta cũng cần phải biết chia sẻ những điều đó cho những người kém may mắn hơn đang sống chung quanh ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cảm nhận được những ơn lành Chúa ban cho chúng con để chúng con không tìm đòi hỏi thêm, thay vào đó biết chia sẻ cho những người kém may mắn hơn mình. Amen.