LỜI SỐNG (28/10, Thánh Simon và Thánh Giuđa Tông đồ, lễ kính)

0
463

Bài đọc: Ep 2,19-22

Tin Mừng: Lc 6,12-19

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.

19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

—-oOo—-

Suy niệm

ĐẶT TÊN (Giuse Maria Phạm Văn Thế)

 

Văn hóa từ xưa đến nay, nhiều bậc cha mẹ Kitô giáo đánh giá cao việc lựa chọn một tên thánh hay cái tên có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của con mình. Trong cái tên, nó phản ánh đặc điểm của người đó hoặc nguyện vọng của cha mẹ đối với đứa trẻ.

Tin Mừng hôm nay, “Chúa Giêsu kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,13). Kinh Thánh ghi rõ rằng: các ông là những người được tuyển chọn trong số các môn đệ, và được gọi là Tông Đồ (x. Mt 10,2). Con số mười hai tượng trưng cho sự trọn vẹn của Hội Thánh, cũng như nói lên sự liên tục giữa Hội Thánh và Ítraen xưa: mười hai tổ phụ trưởng tộc – mười hai thánh Tông Đồ. Hơn nữa, tác giả Luca còn cho thấy Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh sứ mệnh chọn gọi của Người, “thức suốt đêm để cầu nguyện”. Sự quan trọng và cao cả ấy còn được biểu lộ khi các Tông Đồ được chính Thiên Chúa đặt tên (x. Lc 6,14-16). Những cái tên mà Thiên Chúa đặt trong Kinh Thánh cũng là biểu tỏ định mệnh và ý muốn trở thành linh nghiệm: Ápraham là cha của nhiều dân tộc; Giacóp nghĩa là xin Thiên Chúa che chở; hay Phêrô là đá tảng, người nắm giữ chìa khóa Nước Trời.

Quả thế, theo quan niệm cổ thời “đặt tên” không chỉ để gọi và phân biệt người này người kia nhưng còn nói lên bản chất, ơn gọi và vận mệnh của một người. Vì thế, mỗi người trong chúng ta đều được gọi là Kitô hữu, là bạn hữu, là môn đệ của Thầy Giêsu. Chúng ta đã có được một nơi nương tựa vững chắc, gặp được kho tàng, không gì đổi lấy được và không cân nào lường được” (x. Hc 6,14-16). Điểm cốt yếu, bạn hữu của Thiên Chúa có ý nghĩa gì cho mỗi người? Nơi tình bạn, ta có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa đang hiện diện ân cần bên ta, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn, thử thách của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sống đúng ý nghĩa trong ơn gọi Kitô hữu của mình, để góp phần xây dựng và làm chứng cho Hội Thánh Chúa trong trần gian này. Amen.


 

CHÚA CÓ LẦM? (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

CẦU NGUYỆN VÀ CHU TOÀN SỨ VỤ (Tu sĩ Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD)

Trình thuật Tin Mừng ngày hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu chọn các Tông Đồ trong đó có Simon và Giuđa mà Giáo Hội mừng kính hôm nay.

Khởi đầu bài Tin Mừng, thánh Luca cho chúng ta thấy một hình ảnh quen thuộc của Đức Giêsu trong hành trình ba năm thực thi sứ vụ của Người nơi trần thế, đặc biệt trước khi Người đưa ra một quyết định quan trọng: “Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12). Qua hình ảnh đó, chúng ta có thể cảm nhận được rằng, việc cầu nguyện như là hơi thở để nuôi dưỡng đời sống sứ vụ của Đức Giêsu. Chính nhờ việc cầu nguyện cùng Chúa Cha và xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu luôn chu toàn sứ mạng mà Chúa Cha trao phó và đứng vững trước các cơn cám dỗ.

Hình ảnh Đức Giêsu gọi và chọn các Tông Đồ cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về ơn gọi Kitô hữu mà chúng ta đang mang trong mình: “Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông Đồ…” (Lc 6,13). Từ những con người tính cách khác nhau, vùng miền khác nhau với đủ nghề nghiệp, lập trường chính trị đối lập nhau, các Tông Đồ đã được Chúa huấn luyện trở thành những người đem Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Khi chịu Phép Rửa để trở thành một Kitô hữu, mỗi người chúng ta cũng được thông phần vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô để tiếp tục công việc của các Tông Đồ xưa là đem Tin Mừng đến với muôn dân.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con cũng biết noi gương Ngài trong đời sống cầu nguyện, để qua đó chúng con cũng kín múc được ơn sủng từ Thiên Chúa để chu toàn ơn gọi là một Kitô hữu. Amen.


 

ĐƯỢC KÊU GỌI (Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường, SVD)

Đức Giêsu chọn môn đệ theo cách riêng của Ngài chứ không theo lẽ thường của con người. Lời mời gọi ấy được phát xuất từ tình yêu. Chính Đức Giêsu cũng đã diễn tả điều đó trong Tin Mừng Gioan, khi Ngài nói với các môn đệ: “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Đức Giêsu đã lập Nhóm Mười Hai từ những con người có thể nói là kém cỏi, ít học và quê mùa. Chẳng phải nhờ một lý lịch xuất chúng mà các ông được kêu gọi nhưng các ông được gọi và chọn là do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng yêu thương trước, mời gọi các ông trở nên Tông Đồ và sai đi mở mang Nước Trời.

Ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi con người trở nên những môn đệ của Ngài ngang qua Hội Thánh. Dẫu là ơn gọi đời sống thánh hiến hay ơn gọi đời sống gia đình, chúng ta đều được Chúa mời gọi và sai đi thực thi sứ vụ của Ngài. Và chính trong lời mời gọi đó làm toát lên tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đã cho chúng ta được dự phần vào chương trình cứu độ của Ngài. Quả thật, được kêu gọi là một ân ban cao cả. Thế nên, mỗi người Kitô hữu được mời gọi sống đúng vai trò loan báo Tin Mừng và nên những chứng nhân giữa lòng thế giới hôm nay ngay trong chính ơn gọi riêng của mình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cầu nguyện đặc biệt cho những nhà truyền giáo đang hăng hái, nhiệt thành trong những cánh đồng bao la bát ngát mà họ đã được sai đến.

Lạy Chúa, Chúa đã kêu mời chúng con gia nhập vào Hội Thánh để được sống trong tình yêu thương của Ngài, dẫu chúng con còn nhiều bất xứng. Xin Chúa giúp chúng con ý thức được hạnh phúc lớn lao được làm con Chúa trong lòng Giáo Hội và nỗ lực thăng tiến đời sống để xứng đáng với ơn mà Chúa đã kêu gọi. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 29 TN)
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên, Năm A (Mt 22,34-40)