LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 28 TN)

0
519

Tin Mừng: Lc 12,8-12

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha. “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” 

—– o0o —–

Suy niệm

CHỮA LÀNH & NƯỚC THIÊN CHÚA  (Tu sĩ Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Một trong các sứ mạng mà Đức Giêsu nhờ các sứ giả của Người thực thi là “chữa lành”. Đó cũng là một trong những hoạt động thiết yếu của Người trên hành trình rao giảng của mình.

Hôm nay, Đức Giêsu sai nhóm Bảy Mươi Hai đi rao giảng và giao cho họ nhiệm vụ chữa lành như vậy. Mệnh lệnh chữa lành phải đi kèm với thông điệp Tin Mừng: Nước Thiên Chúa đã đến gần. Đây là thông điệp đầu tiên và chính yếu trong giáo huấn của Đức Giêsu. Thông điệp này đi liền ngay sau mệnh lệnh “chữa lành” chứng minh hai khía cạnh quan trọng của sứ vụ: Thứ nhất, sự chữa lành là dấu hiệu của sự hiện diện của Nước Thiên Chúa; Thứ hai, sự chữa lành là phương tiện cần thiết giúp con người đón nhận sứ điệp Nước Thiên Chúa. Khía cạnh thứ nhất đòi hỏi người được chữa lành nhận ra uy quyền và ích lợi của Nước Thiên Chúa; Khía cạnh thứ hai mời gọi người ta đón nhận và khao khát Nước Thiên Chúa. Niềm khao khát đó phải được thể hiện bằng một tiến trình hoán cải và tin vào Tin Mừng.

Giả như người ta khỏe mạnh vì được chữa lành nhưng chẳng biết gì đến Nước Thiên Chúa hay không có một niềm khao khát đi vào Nước Thiên Chúa, thì sự chữa lành ấy chỉ dừng lại ở cấp độ y khoa, như kiểu, một bác sĩ chữa lành bệnh nhân. Nhưng nếu người được chữa lành có thể nhìn thấy được quyền năng và hồng ân Thiên Chúa, nghĩa là họ có ơn đức tin và quyết tâm thay đổi đời sống của mình theo thánh ý Chúa, thì đó quả là mức độ chữa lành mang tính thần linh: Thiên Chúa ban ơn cứu độ. Sự chữa lành đích thực, không chỉ xoa dịu hay làm lành những vết thương thể lý, nhưng trao ban hồng ân đức tin để người ta có thể vươn đến sự sống vĩnh cửu, một sự sống không còn đau thương thể lý lần tâm linh.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra ơn Chúa trong những phép lạ chữa lành lớn nhỏ hằng ngày, và luôn biết khao khát tìm về với Chúa và Nước Chúa. Amen.


CANH GIỮ TÂM HỒN (Tu sĩ G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng, hãy canh giữ tâm hồn và mở lòng ra với Chúa Thánh Thần, đừng cứng tin: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (Lc 12,10).

Đức Giêsu hiểu và tha thứ sự yếu đuối của con người, nhưng Người lại không khoan dung cho những ai “bịt tai nhắm mắt” cố khép kín lòng mình trước những điều kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần làm; đó là cách thức những người Pharisêu hành xử khi họ buộc tội Đức Giêsu là nhờ quyền quỷ vương mà trừ quỷ (x. Lc 11,14-20); và đồng thời, họ cũng không thấy nơi Đức Giêsu dấu chỉ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, họ tự mình loại bỏ lời mời gọi của Thiên Chúa; và qua đó họ đặt mình ra bên ngoài tầm với của ơn cứu độ (x. Dt 6,4; 10,26-31). Từ đây, Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta canh giữ tâm hồn ta khỏi những lề thói của cuộc sống, và biến tâm hồn ta trở nên Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,19).

Thật vậy, nếu để ý thì chúng ta có thể thấy rằng bây giờ con người ta đang phải sống trong cảnh ngộ luôn bị thúc giục, chạy theo những thành quả và dễ bị kích động bởi những hoàn cảnh bên ngoài. Những món đồ ăn nhanh, những tin tức mạng xã hội đòi hỏi những cái like nhanh chóng, những công việc yêu cầu doanh số năng suất, những cuộc chạy đua về thành tích,… Ngay cả trong việc hiểu về chính mình, con người cũng không có thời gian. Và rồi khi ta xao lãng việc canh giữ tâm trí, ta dễ dàng nghĩ những điều xấu về người khác, dễ dàng nói chuyện tiêu cực về họ, dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh là khó khăn khắc nghiệt,… Để rồi, chúng ta bỏ bê thế giới tâm hồn, để mặc nó yếu ớt què quặt. Lâu dần ta đánh mất khả năng nhận biết sự thật nơi Thiên Chúa, nơi tha nhân và nơi bản thân mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn hướng về Ngài, luôn tìm kiếm và được ở trong Chúa Thánh Thần, để từ đó chúng con biết gìn giữ tâm hồn mình và trở nên thánh thiện hơn. Amen.


 

PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

HÃY CAN ĐẢM LÊN, ĐỪNG SỢ (Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD)

Trong cuộc sống, chúng ta thường băn khoăn và trăn trở về những khó khăn xảy đến trong đời mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta sống lạc quan và tin tưởng vào Chúa, thì mọi khó khăn sẽ trở nên tốt đẹp.

Thật vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn lại đời sống mình, hãy mạnh dạn sống để làm chứng cho Tin Mừng tình yêu, và đừng sợ. Đừng sợ, vì Thiên Chúa luôn luôn quan phòng và hằng ban ơn giúp sức cho chúng ta. Dẫu rằng, cuộc sống này luôn có nhiều vướng bận và lo lắng, chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy thế tục và dễ quên Chúa. Nhưng, chúng ta hãy can đảm lên và đừng sợ. Đừng sợ, vì trong ngày phán xét, chính Chúa sẽ đón nhận ta trong Nước Trời. Đừng sợ, vì Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng ta phải sống thế nào cho phải đạo. Chúng ta đừng sống bon chen, gian tham, ghen ghét oán thù, và đừng phạm tội.

Chúng ta hãy sống yêu thương, bác ái với hết mọi người trong mọi hoàn cảnh. Ta hãy ý thức mình yếu đuối để luôn tín thác vào Chúa, sống gắn bó và vững tin vào Người. Vì, khi chúng ta yếu đuối là lúc chúng ta nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chính Người sẽ ban cho ta sự khôn ngoan và lòng can đảm để đối mặt với những gian nan thử thách. Nếu ta nghèo thì đừng nghèo mà gian tham. Nếu ta bị người khác sống bội nghĩa, vô ơn thì đừng bất mãn để rồi không sống bác ái nữa. Nếu ta bị anh em xúc phạm và phản bội thì đừng để lòng ta bị thù oán. Chúng ta đừng sống theo thế gian “lấy ác báo ác” nhưng hãy sống vị tha và yêu thương.

Lạy Chúa, cuộc sống có nhiều thử thách, xin Ngài giúp chúng con sống trung thành, can đảm và vững tin vào Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.


 

ĐỪNG LO PHẢI NÓI GÌ (Tu sĩ Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay một lần nữa đánh thức sứ vụ chứng nhân của chúng ta. Chúng ta có dám tuyên xưng đức tin của mình mọi nơi mọi lúc, bất chấp tất cả những hệ lụy, kể cả cái chết không?

Chính Chúa Giêsu đã khẳng định với các Tông Đồ rằng: “Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8). Tinh thần này trước hết chúng ta bắt gặp nơi chính Đức Giêsu. Dù bị ngược đãi, bắt bớ và thậm chí bị giết chết thì Thầy Giêsu vẫn tuyên xưng mình là Con Thiên Chúa, vì sự thật là như thế. Cha ông chúng ta là các thánh anh hùng tử đạo cũng can đảm tuyên xưng đức tin, kể cả cái chết cũng không làm các ngài từ nan và chối bỏ đức tin.

Ngày nay, chúng ta tuy không phải máu đổ đầu rơi nhưng cũng có nhiều thách đố làm cho nhiều người hèn nhát, chối bỏ đức tin chỉ vì chút lợi lộc chóng qua. Có người vì một địa vị nào đó và trong tờ khai lý lịch cá nhân họ chối bỏ mình là Kitô hữu. Họ chối bỏ Thiên Chúa là chối bỏ ơn tha thứ, chối bỏ lòng thương xót của Chúa. Có thể nói, đây cũng là tội phạm đến Thánh Thần không có cơ hội được tha thứ.

Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một thời đại văn minh, nhiều  phương  tiện giúp chúng con dễ dàng hơn trong cuộc sống. Nhưng cũng vì  cuộc  sống quá dễ dãi và cổ võ hưởng thụ thế tục   mà chúng con nhiều lúc chối bỏ Chúa. Xin Thánh Thần Chúa hướng dẫn chúng con để chúng con dám tuyên xưng Chúa trước mặt người đời bằng chính cuộc sống của chúng con. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (18/10, Thánh Luca, lễ kính)
Bài tiếp theoLời mời gọi trở nên những chứng nhân tin cậy và sáng tạo trong một thế giới bị tổn thương