Tin Mừng: Lc 10,1-9
Sau đó, Đức Giêsu chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.
—oOo—
Suy niệm
TINH THẦN NGƯỜI THỢ GẶT (Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD)
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa cần đến sự cộng tác của con người. Bởi thế, Người không ngừng kêu gọi thợ gặt ở mọi nơi, mọi thời làm việc cho cánh đồng của Chúa.
Trình thuật Lời Chúa hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu gọi thêm 72 môn đệ và sai các ông ra đi thi hành sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa. Theo truyền thống Do Thái, con số 72 ám chỉ tất cả các dân tộc trên thế giới (x. St 10). Còn thánh Luca muốn nói đến tính phổ quát của công cuộc truyền giáo không biên giới, vì các môn đệ được sai đến với “tất cả các thành và các nơi”. Vậy đâu là tinh thần của người thợ gặt?
Thứ nhất là đời sống cầu nguyện: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Cầu nguyện để xin Chúa sai thợ đi gặt lúa về vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Hơn thế, sứ mạng loan báo Tin Mừng lại cấp bách và khẩn thiết. Thứ hai là tinh thần nghèo khó, không lệ thuộc vật chất. Thợ gặt của Chúa không chỉ bám vào “túi tiền”, “bao bị” hay “giày dép”, nhưng đặt tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Đấng đã sai các ông đi. Thứ ba là tinh thần cộng đồng. Ơn gọi bao giờ cũng có tính cách cá nhân, nhưng việc truyền giáo luôn có tính cộng đồng, vì các môn đệ được sai đi từng hai người một. Ai dấn thân trong việc loan báo Tin mừng phải vượt qua tinh thần cá nhân để có tinh thần liên đới trong sứ vụ. Thứ tư là bước đi trên con đường hẹp, con đường thập giá. Đức Giêsu tiên báo những khó khăn mà người môn đệ gặp phải trên hành trình truyền giáo: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” nhưng thành quả sẽ đạt được là: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126,5.
Lạy Chúa, truyền giáo là việc cấp thiết của tất cả Kitô hữu. Xin Chúa cho chúng con trở nên thợ gặt nhiệt thành biết cởi bỏ hành trang nặng nề của vật chất để mặc cho mình hành trang là chính Chúa, là tín thác hoàn toàn vào Chúa. Amen.
HÀNH TRANG LÊN ĐƯỜNG (Tu sĩ Giuse Phạm Công Minh, SVD)
Thời đại 4.0 hiện nay, ngành công nghệ đa phương tiện có nhiều bước phát triển vượt bậc, người ta có thể biết rất nhiều thứ. Tuy nhiên, phần đông trên thế giới vẫn chưa được nghe biết về ánh sáng Tin Mừng của Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay kể về việc Đức Giêsu chọn bảy mươi hai môn đệ và sai các ông ra đi thi hành sứ mạng truyền giáo. Một câu hỏi được đặt ra: Hành trang và nhiệm vụ của người môn đệ được Chúa Giêsu chọn và sai đi là gì? Trước hết, điều Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ khi ra đi rao giảng Tin Mừng là sự từ bỏ. Người muốn các ông ra đi với tinh thần khó nghèo, thanh thoát, không bị các tiện nghi cồng kềnh chi phối. Người môn đệ khi thi hành sứ mạng rao giảng phải biết cậy dựa vào ơn Chúa, không bám víu hay lệ thuộc vào của cải chóng qua. Chúa dặn các môn đệ ra đi phải mặc lấy tinh thần từ bỏ, khó nghèo thì mới chu toàn được sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thứ đến, nhiệm vụ của người môn đệ là phải loan Tin Mừng cho mọi người. Đây là điều quan trọng và khẩn thiết nhất. Bởi nhờ việc loan báo Tin Mừng mà mọi người được ơn chữa lành, bình an, niềm tin vào ơn cứu độ và đặc biệt là nhận biết tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Lệnh truyền của Chúa Giêsu năm xưa không chỉ dành cho 12 Tông Đồ và bảy mươi hai môn đệ mà còn dành cho mỗi người chúng ta. Ý thức được điều đó, người Kitô hữu cần xác tín rằng sứ vụ loan báo Tin Mừng, đem ơn cứu độ cho mọi người là nhiệm vụ tiên quyết, như thánh Phaolô đã từng nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16).
Lạy Chúa, xưa Ngài đã chọn lựa và sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn biết ý thức về việc loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người bằng chính đời sống chứng nhân của chúng con. Amen.
THỢ GẶT (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
RA ĐI (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Hiền, SVD)
Thế giới hôm nay là một thế giới toàn cầu hóa. Thế giới của sự mở cửa và ra đi. Người ta không thể đóng cửa ở một mình nhưng phải đi ra với thế giới bên ngoài để học hỏi và thăng tiến. Mỗi người sẽ ra đi với những dự phóng và sứ mạng riêng của mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ định 72 môn đệ khác và sai các ông cứ hai người một ra đi. Chúa sai các ông ra đi với sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Sứ mạng này cũng là sứ mạng của chính mỗi người chúng ta. Từ lúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta đều được tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Do đó, đã là con cái Chúa, mỗi người chúng ta đều được mời gọi ra đi cho sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Tuy nhiên, để dám ra đi rao giảng Tin Mừng không phải là điều dễ dàng, như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Đúng thật, thế giới hiện đại hôm nay dễ làm cho con người xa lánh những giá trị Tin Mừng mà thay vào đó là những giá trị vật chất. Với bối cảnh như thế, Chúa càng mời gọi mỗi người chúng ta phải ra đi cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng hơn nữa. Chúa không đòi chúng ta phải làm những việc to lớn nhưng Chúa muốn chúng ta hãy là muối là men trong môi trường mình đang sống. Chúng ta hãy ra đi đến với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng của chúng ta bằng một đời sống chứng nhân. Để qua đó, người khác có thể nhận ra Chúa qua đời sống của chúng ta.
Lạy Chúa, xin ban thêm lửa mến cho chúng con để chúng con dám ra đi rao truyền Lời Chúa cho người khác qua đời sống chứng nhân của chúng con. Amen.
LÊN ĐƯỜNG CHO SỨ VỤ (Tu sĩ Giuse Nguyễn Quang Thoại, SVD)
Chúa Giêsu đến thế gian theo ý định của Thiên Chúa Cha để cứu độ con người khi Người nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12, 50). Quả thật, Chúa Giêsu đã mang tình yêu đến thế gian và Ngài muốn bất cứ nơi nào trên hành tinh này cũng đầy ắp tình yêu thương của Ngài.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chọn bảy mươi hai môn đệ và sai các ông ra đi, mang tình yêu và sự bình an của Chúa Giêsu mà bấy lâu các ông đã lãnh nhận đem chia sẻ cho người khác. Qua đó, chúng ta có thể thấy ơn gọi làm con Chúa là ơn gọi quan trọng nhất trong đời sống đức tin Kitô Giáo. Vì thế, chúng ta cần sống đúng với ơn gọi ấy qua việc mang bình an, tình thương và niềm vui đến với những người chúng ta gặp gỡ.
Chúa đã nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10, 2). Quả vậy, giữa cánh đồng rộng lớn với hơn bảy tỉ người, thì hơn bao giờ hết, Chúa cần lắm những con người can đảm lên đường cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Là một Kitô hữu, chúng ta có động lòng trước thao thức của Chúa hay không? Chúng ta có sẵn sàng nối gót thánh Phaolô, can đảm lên đường chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay không?
Lạy Chúa Giêsu, như xưa Chúa đã chọn và sai bảy mươi hai môn đệ ra đi làm chứng cho Chúa. Xin cho cuộc sống của chúng con hôm nay cũng trở nên lời chứng hùng hồn về tình yêu thương và bình an của Chúa. Amen.