LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 28 TN)

0
542

Tin Mừng: Lc 11,47-54

47 “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! 48 Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng. 49 “Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. 50 Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, 51 từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.

52 “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” 53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, 54 gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

—oOo—

Suy niệm

NÓNG GIẬN MẤT KHÔN (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Tùng, SVD)

Người ta thường bảo:  Nóng  giận mất khôn.  Khi  nóng  giận,  người ta thường bị lu mờ lý trí, nói những lời không hay đối với người khác và chỉ chăm chăm vào việc tìm cách trả thù.

Những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Sau khi nghe Đức Giêsu khiển trách về nhiều điều, cách riêng là khiển trách về những việc sai trái họ đã làm. Họ trở nên giận dữ và tìm mọi cách để hại Đức Giêsu. Trong cơn nóng giận, họ đã không giữ được bình tĩnh và chỉ tìm cách gài bẫy và chờ đợi Người lỡ lời để làm chứng tố cáo. Đáng lẽ, với cương vị là những người có học thức, những bậc thầy trong dân, họ phải suy nghĩ và nghiền ngẫm những lời của Đức Giêsu xem sai đúng thế nào, hợp lý ra làm sao trước khi đưa ra quyết định. Ấy thế mà, lửa giận đã chiếm lấy và làm chủ lòng họ, khiến họ trở nên hung hăng và tìm cách hại người khác. Cuộc sống với biết bao nhiêu bộn bề lo lắng cũng không ít lần khiến con người trở nên nóng nảy, bực bội. Những lúc như thế, người ta thường bị cuốn theo cơn nóng giận mà có những lời nói, những hành động không tốt. Thậm chí, nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra khi hành động trong lúc giận dữ. Cuộc sống hiện đại mang lại cho con người những sự tiện nghi, thoải mái nhưng cũng mang đến không ít áp lực. Do đó, hơn lúc nào hết, người ta cần biết chậm lại, bình tĩnh trước những cơn giận để có thể hiểu đúng, làm đúng tránh hành động trong cơn nóng giận. Bởi vì nóng giận nhất thời còn hậu quả thì lâu dài. “Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh”. Mỗi người cần vượt lên những bản năng hành xử lúc đó để kiềm chế và hành động cách tốt đẹp hơn, tránh những điều không hay, không tốt có thể xảy ra.

Lạy Chúa, khi xưa những người Pharisêu đã nóng giận trước những lời khiển trách và tìm cách giết Người, xin Chúa giúp chúng con biết vượt qua, kiềm chế những cơn nóng giận để hiểu và hành động theo như ý Chúa muốn. Amen.


“KHỐN”            (Philipphê Trương Hoàng Trung Nguyên)

Ngang qua trình thuật Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều” (Lc 12, 48). Quả thật, những khả năng là quà tặng mà Thiên Chúa tặng riêng cho mỗi người. Chúng ta có trách nhiệm làm triển nở những ân ban theo ý muốn của Thiên Chúa. Thế nhưng, các nhà thông luật đã quên mất điều ấy.

Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu thương tiếc và than trách hơn là nguyền rủa cho thái độ cũng như việc làm của các nhà thông luật. “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản” (Lc 11, 52). Các ông vốn là những người hiểu biết, được học hỏi về Kinh Thánh và Lề Luật của Thiên Chúa cũng như có thẩm quyền giảng nghĩa Kinh Thánh cho dân chúng. Lẽ ra, các ông phải dùng những đặc sủng này để giúp cho mình và dân chúng mở ra với việc đón nhận chân lý từ Thiên Chúa. Thế nhưng, những nhà thông luật và cả những người Pharisêu lại đánh mất giá trị của lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Họ dùng những hiểu biết đó để chống lại những lời rao giảng của Chúa Giêsu. Họ không những không giúp dân chúng, trái lại còn đặt những gánh nặng cho người khác mang lấy.

Vì mỗi người hiện hữu trong thế giới đều có mối tương quan liên nhân vị với nhau nên việc làm và lối sống của chúng ta có ảnh hưởng cách nào đó đến người khác. Bởi thế, mỗi người có bổn phận dùng những khả năng Chúa ban mà phục vụ mọi người. Chúng ta không được cậy dựa vào vị thế của mình là người Công Giáo, là linh mục hay tu sĩ để chỉ tìm lợi ích cho bản thân mà quên đi công bình và bác ái với tha nhân. Thế giới vẫn còn nhiều đau khổ. Chúa cần mỗi người loan báo giá trị của Tin Mừng qua việc mở rộng con tim và đôi tay để giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh.

Lạy Chúa Giêsu, thật khốn cho chúng con nếu chỉ sống khép mình trước ơn Chúa. Xin Chúa cho đời sống chúng con là một lời mời gọi người khác vào Nước Trời. Amen.


 

GÀI BẪY (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

HOÁN CẢI TRỞ VỀ (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD)

Người đời thường nói: Sự thật mất lòng. Quả thật đúng như thế. Nhưng nếu sợ mất lòng mà dung túng cho sự sai trái thì thật là tai hại. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dám nói sự thật và lên án cảnh cáo đối với sự sai trái, lối sống giả hình của giới luật sĩ và kinh sư.

Chúa Giêsu là mục tử nhân lành cả trong lời nói và hành động. Người mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa là Cha luôn thương yêu và chúc lành cho con cái mình. Tuy nhiên, vì sự cứng lòng của các kinh sư và luật sĩ mà hôm nay trong bài Tin Mừng Người đành phải nặng lời khiển trách, cảnh cáo họ. Tuy thế, trước sứ điệp Tin Mừng, các kinh sư và biệt phái vẫn bịt tai giả điếc, cứng lòng tới mức khó lòng hoán cải. Dù biết các kinh sư và luật sĩ ghen ghét loại trừ, nhưng không vì thế mà Chúa im lặng, Người muốn chỉ ra cho họ biết, tự thâm tâm, họ đồng lõa với sự ác, đi theo vết xe đổ của cha ông, chứ không chỉ là lỗi lầm nhất thời. Những lời khiển trách, cảnh cáo có nặng nề thật đấy, nhưng vì yêu thương mà Người chỉ vẽ ra cho họ một viễn tượng, và mời gọi họ tự nguyện hoán cải trở về nẻo chính đường ngay.

Mỗi ngày, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại mình để thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta là kẻ tội lỗi. Nhìn lại chính mình để khiêm tốn sửa lỗi, hoán cải trở về, để quyết tâm sống hoàn thiện. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã làm cho tha nhân. Vì thế, chúng ta hãy tích cực gieo tình thương để gặt ơn tha thứ, gieo sự quan tâm chia sẻ để gặt niềm vui an hòa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con tấm lòng khiêm tốn trước mặt Chúa, ngõ hầu chúng con biết nhận ra con người yếu đuối tội lỗi của mình và hoán cải trở về với tình yêu của Chúa. Amen.


 

LUẬT VÀ SỰ YÊU MẾN (Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD)

Chúng ta đang sống giữa một thế giới “vàng thau lẫn lộn”, sự bất nhất giữa hình thức và nội dung khiến chúng ta rất khó phân biệt giữa thật và giả. Phân biệt sự vật hiện tượng đã khó, nhận biết lòng dạ con người càng khó hơn biết bao. Thế nên, người xưa vẫn thường nói: “Dò sông, dò biển chứ ai dò được lòng người”.

Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhận diện rõ tâm tưởng của một con người qua lời nói và việc họ làm. Trong khi Đức Giêsu rao giảng, có một số người Pharisêu và các nhà thông luật cũng đến để lắng nghe. Họ đến nghe không phải với tâm tình tìm kiếm chân lý đích thực nhưng để lên án và gài bẫy xem Người có vi phạm lề luật không. Họ khiển trách Đức Giêsu: “Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11, 19). Trong khi, nhóm Pharisêu và các luật sĩ tự hào về việc họ giữ tỉ mỉ các điều luật của tiền nhân. Họ cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay hàng tuần, nộp thuế thập phân và làm nhiều việc đạo đức khác nhưng với thái độ khoe khoang tự mãn mà thiếu lòng yêu mến. Biết được tâm địa gian dối của người Pharisêu, Đức Giêsu lên tiếng nguyền rủa họ sống giả dối như mồ mả tô vôi nhưng bên trong đầy sự xấu xa.

Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, tôi cũng cần chỉnh đốn lại con người mình, là can đảm rời bỏ cái tôi ích kỷ, bản tính hay ghen ghét để sống thiện chí và bao dung hơn. Đồng thời, tôi cũng cần ý thức việc giữ luật không chỉ cứng nhắc và đóng khung, nhưng phải sống tinh thần luật là biết cảm thông, chia sẻ và sống bác ái với tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con từ bỏ thói hẹp hòi ích kỷ, giữ luật không phải là để tự mãn khoe khoang nhưng giữ luật với tất cả lòng mến Chúa và yêu người. Amen.

Bài trướcGX. VINH HÀ: THÁNH LỄ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG NHÀ THỜ MỚI
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (18/10, Thánh Luca, lễ kính)