LỜI SỐNG (Thứ Ba Tuần 26 TN)

0
438
Photo: Peanut Gallery

Bài đọc: Dcr 8, 20-23

Tin Mừng: Lc 9,51-56

Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn  bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

—– o0o —–

Suy niệm

SUY XÉT TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG (Tu sĩ Antôn Trần Văn Lai, SVD)

Người ta thường nói: “Giận quá mất khôn”. Đôi khi, vì thiếu kiểm soát cảm xúc, con người hành động mà không suy xét, dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Ý định của hai ông Giacôbê và Gioan khi chứng kiến việc dân làng Samari không đón tiếp Đức Giêsu trong trình thuật Tin Mừng hôm nay như một minh chứng cho điều đó.

Nhìn về lịch sử, chúng ta hiểu được lý do tại sao dân làng Samari đã không tiếp đón Đức Giêsu. Giữa họ và người Do Thái có một khoảng cách nhất định. Người Do Thái xem dân Samari chỉ là những kẻ ngoại lai và không cho phép giao tiếp hay qua lại với người Samari. Thế nên, việc dân làng Samari không đón tiếp Đức Giêsu, một người Do Thái, xem ra là điều bình thường. Thế nhưng, chỉ vì hành động “bình thường” đó mà các ông Giacôbê và Gioan lại tức giận thái quá và muốn tiêu diệt cả một ngôi làng, “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9,54). Thiết nghĩ, hai ông đã thiếu suy xét sự việc nên đã có một ý định “không thấu tình đạt lý” và thiếu lòng nhân từ. Đức Giêsu đã quở mắng các ông (x. Lc 9,55). Ngài muốn các ông ý thức lại suy nghĩ của mình, trong lúc tức giận. Đó cũng là điều mà Đức Giêsu muốn nhắc mỗi chúng ta hôm nay.

Trong thời đại của truyền thông, mải mê chạy theo làn sóng dư luận xã hội, con người thường suy nghĩ thiếu kỹ lưỡng trước khi đưa ra những phán quyết. Họ tự cho mình là những công tố viên, dễ dàng đưa ra những lời xét đoán và kết luận đối với những sự việc chưa rõ trắng đen. Những điều đó, đôi khi, gây ra đau khổ và ảnh hưởng đến cuộc sống của tha nhân. Ắt hẳn, điều đó không làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thế nên, người môn đệ được mời gọi hãy biết thấu hiểu và cảm thông. Nhờ đó, mỗi người có thể vượt qua cơn tức giận hầu suy xét cẩn trọng và ứng xử một cách phù hợp hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con học nơi Chúa sự thấu hiểu và cảm thông để chúng con biết luôn suy xét lời nói, tư tưởng và hành động của mình. Amen.


 

TÔN TRỌNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

KIÊN NHẪN TRONG SỨ VỤ (Tu sĩ Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD)

Tin Mừng cứu chuộc được Thiên Chúa trao ban cho nhân loại cách nhưng không. Người vẫn luôn kiên nhẫn yêu thương mà không bỏ rơi hay trừng phạt ngay cả khi bị con người từ khước. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, vì yêu mà Đức Giêsu đã không trách phạt những người không muốn tiếp đón Người.

Sự hiện diện của Đức Giêsu chính là Tin Mừng của Thiên Chúa đến với nhân loại. Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều người vẫn chưa muốn đón nhận hồng ân này. Hai môn đệ Giacôbê và Gioan đã muốn lấy lửa để trừng phạt những người Samaria vì họ không muốn tiếp đón Đức Giêsu. Bản chất của Tin Mừng là yêu thương và tha thứ. Người môn đệ không thể thi hành sứ vụ nếu như đi ngược lại với Tin Mừng ngay cả khi bị khước từ và bị chống đối. Trong hoàn cảnh đó, Đức Giêsu đã quyết

định đi sang làng khác. Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Đức Giêsu như người cha thay vì trách phạt thì luôn đợi chờ sự hoán cải nơi người con của mình.

Tình yêu luôn cần thời gian và sự kiên nhẫn. Việc mang Chúa đến với mọi người chắc hẳn không thể tránh khỏi bị từ chối, thậm chí bị bách hại. Những thất bại không là lý do để chúng ta thất vọng hay tức giận. Tại sao chúng ta lại nản lòng trong khi Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nại với con người? Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ đến tất cả chúng ta, những Kitô hữu đang mang trong mình sứ vụ đem Tin Mừng đến cho mọi người, hãy học cách yêu thương và nhẫn nại. Tình yêu chỉ có thể đáp lại bằng tình yêu và sự chân thành.

Lạy Chúa, khi gặp những cản trở trong sứ vụ, xin Chúa ban thêm sức mạnh và dạy chúng con luôn biết nhìn lên khuôn mặt nhân từ và đầy yêu thương của Ngài, để chúng con có thể học được sự cảm thông, quảng đại, yêu thương và tha thứ nơi Ngài. Amen.


 

TÍN THÁC (Tu sĩ Ant. P. Nguyễn Ngọc Khánh, SVD)

Bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp nối lời loan báo thứ hai về cuộc Thương khó của Đức Giêsu. Nghĩa là tương lai đang đón đợi Đức Giêsu là cái chết đau đớn và tủi nhục tại Giêrusalem. Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn cương quyết lên đường để chu toàn sứ mệnh của Ngài.

Chúa Giêsu ý thức rõ sứ mạng của mình, “xuống trần gian để thực thi Thánh Ý của Chúa Cha”. Thế nên, Ngài bước vào cuộc khổ nạn với một tâm thế chủ động, một cách tự nguyện thực thi điều mà Ngài đã nhận lãnh từ Cha Ngài. Dẫu biết, cuộc khổ nạn phía trước đầy những bất công và tàn khốc. Ngài không trốn tránh, trái lại, “nhất quyết đi lên Giêrusalem” như một trang chiến sĩ anh dũng xuất trận. Như vậy, cuộc khổ nạn sắp tới mang tính tự nguyện hoàn toàn. Sự tự nguyện của Ngài không phải là một điều theo cảm tính nhưng được đặt nền tảng vững chắc trên niềm tín thác. Dẫu mang lấy bản tính con người với đầy những yếu đuối, mỏng giòn, nhưng nhờ niềm tín thác ấy, Chúa Giêsu đã sống trọn và trung thành với ý muốn của Đấng đã sai Ngài.

Sự thường, con người sống trong thổn thức, bồn chồn vì không biết ngày mai sẽ ra sao, có thể là những điều khiến con người sung sướng hạnh phúc hay cũng có thể phải run sợ, kinh hãi; có thể là nụ cười rạng rỡ nhưng cũng không ngoại trừ tiếng khóc thảm thiết… Đó chính là chữ “ngờ” của cuộc sống. Tuy nhiên, đứng trước chữ “ngờ” ấy, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy tín thác vào bàn tay quan phòng của Ngài. Dĩ nhiên, niềm tín thác ấy không giản trừ những lo âu, sợ hãi nhưng đó là lối đi của người môn đệ Đức Giêsu. Tựa như Thánh Phêrô đã khuyên nhủ:“Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em”(1Pr 5,7).

Lạy Chúa,  trước  những  thách  đố của cuộc đời, xin cho con luôn tín thác đường đời mình trong sự quan phòng  của Người, Đấng hằng yêu thương và đỡ nâng con người. Amen.

Bài trướcKỷ niệm 20 năm phong thánh cha Arnold Janssen và cha Giuse Freinademetz
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư Tuần 26 TN)