Thường Niên – Tuần XXX – Năm A

0
387

Chúa Nhật – Ngày 29 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc 1 : Xh 22,20-26

Bài đọc 2 : 1Tx 1,5c-10

Tin Mừng : Mt 22,34-40

Khi ấy, nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

YÊU ANH EM NHƯ CHÚA DẠY

 “Yêu thương người thân cận như chính mình.”

Việc cha Maximilianô Kolbê xin chết thay cho một tù nhân khác trong trại tập trung thời Đức Quốc Xã, được coi là hành động yêu người thân cận như chính mình. Báo chí gần đây đưa tin một bà mẹ từ chối điều trị ung thư máu để thai nhi được sống. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng, yêu con hơn sự an nguy của mạng sống mình. Hai ngàn năm trước Đức Giêsu đã chết thay cho chúng ta, để chúng ta được sống. Ngài đã thực thi chính điều Ngài truyền dạy: yêu người khác như chính mình. Những hành động trên là đỉnh điểm của tình yêu, của sự hy sinh vì yêu.

Tình yêu nào cũng đòi hỏi sự hy sinh. Yêu một ai đó là chấp nhận những gì thuộc về người ấy, là chấp nhận như họ là, dù điều đó khó khăn. Yêu anh em mình là chấp nhận sự khác biệt, là sự thông cảm, thấu hiểu, là chịu thiệt trong nhiều trường hợp. Yêu anh em là muốn điều tốt cho họ, làm điều tốt cho họ. Yêu anh em như chính mình lại càng phải nỗ lực biết là nhường nào.

Chúng ta chẳng thể đo lường được yêu anh em mình như thế nào mới được coi là yêu như yêu chính mình. Nhưng ít ra, trong từng công to việc nhỏ, trong các cảnh huống thường ngày, chúng ta dám cố gắng, dám hy sinh vì mong muốn điều tốt cho họ, như cách mà chúng ta muốn điều tốt cho mình.

Lạy Chúa, để yêu thương người khác, nhất là người chúng con không ưa thật quá khó. Xin giúp chúng con có sức để cố gắng từng ngày, để học đòi bắt chước yêu như Chúa đã làm gương.

Phanxicô X. Nguyễn Du Trí

Thứ Hai – Ngày 30 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc : Rm 8,12-17

Tin Mừng : Lc 13,10-17

Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy trong một

hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!” Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao ?…

TÌNH YÊU VÀ LỀ LUẬT

Việc Đức Giêsu chữa lành cho một người bệnh trong ngày sabát đã trở nên khá phổ biến trong các trình thuật Tin Mừng. Đức Giêsu cố tình làm như thế hay phải chăng đó là một thông điệp mà Ngài muốn chúng ta hiểu rõ về một Thiên Chúa yêu thương?

Suy cho cùng thì lề luật chỉ là một phương tiện chứ không phải là cứu cánh giúp con người được hưởng ơn cứu độ. Vì thế, việc Đức Giêsu chữa lành cho một người đàn bà bị quỷ làm cho tàn tật trong mười tám năm vào ngày sabát thì cần thiết hơn là việc giữ luật sabát. Tình yêu có thể vượt qua được mọi rào cản và mọi ranh giới của lề luật. Chính Đức Giêsu đã chấp nhận bị chống đối, bị giết chết cũng chỉ vì yêu thương nhân loại. Đó chính là tình yêu hiến dâng, một tình yêu trao ban để nhân loại được sống.

Con người luôn đứng trước thảm cảnh của sự thiếu vắng tình yêu thương đồng loại. Người ta hành xử với nhau bằng một thứ luật lệ khô khan và cứng nhắc. Họ sẵn sàng tước đoạt đến đồng xu cuối cùng của những người nghèo khổ nếu người đó mắc nợ họ. Họ vịn vào luật pháp và tính công bằng xã hội để dồn người khác vào con đường cùng. Một xã hội thiếu vắng tình thương, một xã hội mà nơi đó con người hành xử với nhau bằng sợi dây công lý của sự chết, là một xã hội lạc xa tinh thần Kitô giáo.

Tình yêu thương sẽ đem con người tới gần nhau hơn và nhờ tình yêu mà con người được lãnh nhận ơn cứu độ.

Lạy Chúa, xin cho tình yêu Chúa được tỏa lan để xóa tan bóng tối hận thù và ganh ghét. Xin cho chúng con biết đến với nhau bằng lòng yêu thương và tha thứ.

Giuse Lê Văn Tuấn

Thứ Ba – Ngày 31 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc : Rm 8,18-25

Tin Mừng : Lc 13,18-21

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

THẮP LÊN NIỀM TIN

Nước Thiên Chúa khởi đi từ một điểm rất nhỏ, dường như chẳng ai để ý đến, nhưng qua thời gian âm thầm phát triển, từ những cái tưởng chừng như rất bé nhỏ, thấp kém, lại trở nên vĩ đại trước mắt chúng ta. Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được (Lc 13,19).

Lướt qua những trang facebook của các anh em tôi, những nhà truyền giáo Ngôi Lời Việt Nam được sai đi làm việc tại khắp năm châu, tôi thấy được niềm vui của sứ vụ truyền giáo. Khi nhìn thấy họ nở nụ cười, đăng một tấm ảnh khi thực hiện một thánh lễ tại giáo điểm mới, tôi thấy lòng họ bình an và niềm tin vào sứ vụ, niềm vui  và sự bình an ấy cũng như lan tỏa trong tâm hồn mình, nhà truyền giáo tương lai.

Thánh Luca hôm nay không đề cập đến giai đoạn phát triển của hạt giống như thế nào, nhưng cách nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được, đòi hỏi phải có bộ rễ bám sâu vào lòng đất, để đứng vững trước những cơn gió, cơn mưa… Có khó khăn, nhưng Nước Thiên Chúa đã thực sự hiện diện hữu hình và đang tiếp tục lớn lên thông qua những sứ giả đang chăm chỉ, âm thầm gieo mầm và chăm sóc cho hạt giống Nước Trời. Giống như bộ rễ ăn sâu vào lòng đất, những nhà truyền giáo đã và đang thực sự hiện diện cùng dân bản địa như vậy.

Lạy Chúa, xin cho niềm tin, sự nhiệt thành thôi thúc và đốt nóng tinh thần truyền giáo trong tâm hồn của mỗi chúng con.

Phêrô Nguyễn Quốc Hưng

Thứ Tư – Ngày 01 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. (Tr).

Bài đọc 1 : Kh 7,2-4.9-14;

Bài đọc 2 : 1Ga 3,1-3

Tin Mừng : Mt 5,1-12a

Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

PHÚC CHO NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Trong chín lời chúc phúc của Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã hai lần nhắc đến sự công chính: Phúc thay ai khao khát nên người công chính (Lc 5,6) và phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính (Lc 5,10). Vậy công chính có giá trị nào trước mặt Thiên Chúa?

Khi nói đến công chính, người ta thường nghĩ đến người thi hành đầy đủ các bổn phận, cách riêng là các bổn phận với Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự công chính mà Đức Giêsu nói ở đây là sự công chính mà Đức Giêsu ban cho những ai tin vào Người, đi theo Người. Đó là lòng tin của những người chấp nhận Lời của Đức Giêsu.

Thật vậy, công chính là đức tính cao cả và tuyệt vời nhất trước mặt Thiên Chúa. Chỉ người công chính mới xứng đáng với Thiên Chúa (x.Tv 107). Ở đây, thánh Mátthêu cho thấy, lời giảng dạy của Đức Giêsu hoàn toàn phù hợp với những gì mà truyền thống Do Thái đã nói tới cũng như cho thấy sự thánh thiện trong lời giảng dạy của Người.

Hơn nữa, Đức Giêsu còn khẳng định rằng: ai bị bách hại vì sống công chính thì hoa trái của họ chính là Nước Trời (x.Lc 5,10). Quả vậy, Nước Trời là một bảo đảm vững chắc cho những ai trung tín với Thiên Chúa cho đến cùng, dẫu có phải thiệt mất thứ quý giá nhất là mạng sống của mình. Đó cũng chính là điều mà cộng đoàn của Mátthêu đang phải chịu bách hại.

Lạy Chúa, xin thêm sức và chúc phúc cho chúng con để chúng con có thể hướng tới sự công chính đích thực.

Giuse Nguyễn Xuân Long

Thứ Năm – Ngày 02 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

Bài đọc :

Lễ Nhất: Rm 5,5-11; Ga 6,37-40

Lễ Nhì: Kn 3,1-9; Lc 23,33.39-43

Lễ Ba: Rm 6,3-9; Ga 17,24-26

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

MẤT

Một trong những nỗi mất mát mà chúng ta cảm nhận rõ nhất trong cuộc sống đó là khi một người thân hay một người bạn vĩnh viễn xa rời chúng ta. Chúng ta sẽ cảm nhận sự mất mát một khuôn mặt thân quen mà chúng ta thường gặp, giọng nói, tiếng cười quen thuộc và cả những hành động mà chúng ta từng chứng kiến. Sự mất mát ấy gây cho chúng ta sự tiếc thương.

Hôm nay là ngày lễ cầu cho các đẳng linh hồn, chúng ta nghe được những lời an ủi cho những người đã khuất: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa” (Kn 3,1); “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng” (Tv 23,4); và “Tất cả những người Chúa Cha ban cho Tôi đều sẽ đến với Tôi, và ai đến với Tôi, Tôi sẽ không loại ra ngoài… Tất cả những kẻ Người đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,37-39).

Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, nhờ máu Đức Giêsu đổ ra, Thiên Chúa không muốn một điều gì hoặc một ai phải hư mất. Món quà quý giá của niềm tin là sự sống bất diệt nhờ vào sự chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Chỉ nơi Ngài, chúng ta mới tin chắc vào sự phục sinh của thân xác và được diện kiến trước Nhan Thiên Chúa nhờ vào lòng thương xót của Người.

Lạy Chúa, trong niềm hy vọng, xin Chúa cho chúng con được gặp gỡ những người đã mất trên Thiên Quốc vào ngày sau hết.

Gioan Trần Nam Phong

Thứ Sáu – Ngày 03 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc : Rm 9,1-5

Tin Mừng : Lc 14,1-6

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Và kìa trước mặt Đức Giêsu, có một người mắc bệnh phù thũng. Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sabát hay không?” Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sabát?” Và họ không thể đáp lại những lời đó.

LUẬT LỆ NHẰM  PHỤC VỤ HẠNH PHÚC CON NGƯỜI

Chân lý gây xúc động trong đoạn Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu đã tỏ bày tình thương của Thiên Chúa thông qua việc chữa bệnh cho người bị phù thũng trong ngày sabát. Đối với Chúa, chữa bệnh chỉ đơn giản là kéo một người lên ngay. Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu của con người. Ngài muốn giải phóng con người ngay lập tức.

Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín vững chắc rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố xuống thế gian đau khổ bệnh tật này qua con người Đức Giêsu. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin Mừng: Luật lệ được đề ra nhằm phục vụ hạnh phúc của con người chứ không phải để hủy diệt con người. Vì vậy, Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho người bị phù thũng như một thông điệp gửi đến những người Pharisêu và cho mỗi chúng ta rằng, đối với Ngài, con người là ưu tiên tối thượng. Luật lệ, ngay cả luật sabát cũng trở nên vô nghĩa nếu như không vì lợi ích của con người. Chỉ có một luật lệ gồm tóm và nền tảng đó là luật yêu thương.

Lạy Chúa, tình thương thì vượt trên tất cả. Luật ngày sabát hẳn nhiên rất quan trọng, nhưng luật ấy phải được quy chiếu về tình yêu thương đối với con người. Chúa đã ra tay cứu giúp một con người trong ngày sabát và mang lại hạnh phúc cho anh ta. Điều này cho chúng con biết rằng Chúa yêu con nhiều lắm, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Antôn P. Nguyễn Tất Bính

Thứ Bảy – Ngày 04 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Thánh Carôlô Borrômêô, giám mục. Lễ nhớ. (Tr).

Bài đọc : Rm 11,1-2a.11-12.25-29

Tin Mừng : Lc 14,1.7-11

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

KHIÊM NHƯỜNG

Chúng ta biết rằng, việc sắp xếp và bố trí bàn tiệc cũng như chỗ ngồi là quyền của chủ nhà. Vậy nên, để tránh phải mất mặt, xấu hổ khi phải nhường chỗ cho một vị khách mời nào đó quan trọng hơn, thì khi được mời nên chọn chỗ ngồi thấp hơn.

Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa nói: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”, chắc hẳn, Chúa không bao giờ dạy con người khiêm nhường tiểu xảo, giả tạo, tức là cứ cố tình giả vờ ngồi chỗ cuối để được mời lên trên, để được vinh danh. Không! Hẳn rằng ở đây Chúa muốn cho biết rằng Nước Trời là một ân ban, và chỉ những ai khiêm tốn, chân thành nhìn nhận mình chỉ là thụ tạo mang thân phận yếu hèn, bất xứng trước ân ban đó thì mới được vào. Nói cách khác, Chúa muốn dạy chúng ta biết

khiêm nhường thực sự, tức là biết sự thật về ưu cũng như khuyết điểm của mình, để biết rằng mình hoàn toàn bất xứng, nhưng đã được Chúa khoan hồng thứ tha. Hơn thế nữa, Ngài còn mời gọi chúng ta bước vào dự tiệc của Ngài. Chỉ khi nhận ra như vậy chúng ta mới được Chúa nâng lên, được bước vào dự tiệc Nước Thiên Chúa.

Ngày thứ Bảy, kính nhớ Đức Maria,

chúng ta hãy nhìn lên gương khiêm nhường của Mẹ. Trước ân huệ cao cả làm Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ đã không tự cao tự đại, nhưng đã tự nhận mình là nữ tỳ của Chúa. Chính vì thế, Mẹ được Thiên Chúa nâng lên, ân thưởng muôn vàn ân phúc, đặc biệt được Chúa đưa về Trời cả hồn lẫn xác.

Lạy Chúa, qua lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay, và qua mẫu gương Mẹ Maria, xin cho chúng con biết sống khiêm nhường để được Chúa xót thương và được hưởng hạnh phúc muôn đời trên Thiên Đàng.

Phêrô Hán Duy Hạp

Bài trướcGặp gỡ, giao lưu với anh chị em công nhân sắc tộc thiểu số nhân dịp Khánh Nhật Truyền Giáo 2017
Bài tiếp theoSứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Panama 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.