Thường Niên – Tuần XVII – Năm A

0
1311

Chúa Nhật – Ngày 30 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

(Không cử hành lễ thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh)

Bài đọc 1 : 1 V 3,5.7-12

Bài đọc 2 : Rm 8,28-30

Tin Mừng : Mt 13,44-52

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

HẠNH PHÚC LỚN NHẤT

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy giá trị cao quý nhất, duy nhất và tuyệt vời nhất đó là hạnh phúc Nước Trời; tất cả các giá trị khác đều không thể sánh bằng. Và khi người ta coi cái gì là cao nhất, quý nhất đối với mình, thì họ dám bỏ công sức, thời gian, mồ hôi nước mắt để có được nó.

Tại sao lại như vậy? Vì hạnh phúc Nước Trời tồn tại vĩnh cửu và mãi mãi, còn tiền bạc hay sức khỏe rồi cũng sẽ chóng qua. Bởi, “được cả thế giới mà phải thiệt mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26).

Do đó, để có được hạnh phúc lớn nhất này, người ta phải can đảm chọn lựa, quyết định, hy sinh và nỗ lực dấn thân suốt đời, ngõ hầu chiếm lấy được nó. Giống như người thương gia trong bài Tin Mừng, ông đã đi tìm ngọc quý. Tìm được rồi, ông ta bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy (x. Mt 13,46).

Lạy Chúa, Chúa nhắc nhở chúng con, những giá trị ở đời này rồi cũng sẽ mau tàn và chóng qua, chỉ có hạnh phúc Nước Trời mới trường tồn và vô song. Xin cho chúng con luôn khắc cốt ghi tâm lời Chúa dạy, để cuộc sống chúng con luôn tràn đầy hoa phục vụ và yêu thương; nhờ đó mà chúng con sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Giuse Trần Thanh Hải

Thứ Hai – Ngày 31 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Thánh Inhaxiô Loyôla, linh mục – Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Xh 32,15-24.30-34

Tin Mừng : Mt 13,31-35

Khi ấy, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

DẬY MEN NƯỚC TRỜI

Cha Charles de Foucauld suốt đời ở giữa sa mạc Sahara để tu thân tích đức, chiêm niệm, chầu Thánh Thể và sống bác ái với dân tộc Touareg. Ngài đã để lại nhiều bút tích thật cao siêu, đầy sốt mến. Suốt đời, ngài cầu xin có một người đến sa mạc chung sống một lý tưởng với mình. Cầu mãi mà chẳng có ai nhưng ngài vẫn bền chí cầu nguyện. Cuối cùng ngài chết và thân xác ngài được chôn vùi giữa sa mạc mênh mông. Thế nhưng, hạt giống ấy sau một thời gian bị chôn vùi đã đâm chồi nảy lộc: các Hội Dòng theo tinh thần của ngài mọc lên khắp nơi. Ngài xin một người nhưng Chúa lại cho hàng trăm, hàng nghìn tiểu đệ, tiểu muội có mặt trên khắp thế giới.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu đã so sánh Nước Trời với hạt cải tuy nhỏ bé nhưng khi được gieo thì mọc thành cây lớn hoặc nắm men làm dậy cả khối bột. Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến một đặc tính của Nước Trời là khởi sự trong khiêm tốn, nhỏ bé, âm thầm nhưng sẽ trở nên lớn lao, tốt đẹp.

Hạt cải và nắm men cũng là hình ảnh của Giáo Hội do Chúa thiết lập. Lúc khởi đầu, Giáo Hội thật nhỏ bé, nhưng về sau lớn lên, phát triển rộng lớn. Nhờ ơn tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội như là dấu chỉ của Nước Trời tại thế ngày càng phát triển không ngừng. Tuy vậy, sự phát triển của Giáo Hội không nên chỉ được đánh giá bằng những con số có thể thấy được, như cây cải cao lớn, nhưng còn cần được cảm nhận ở chiều sâu bên trong, như nắm bột dậy men.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết trở nên những hạt cải và nắm men nhỏ bé nhưng đầy sức sống, để lan tỏa những giá trị của Nước Trời trong môi trường chúng con đang sống.

Giuse Nguyễn Văn Chín

Thứ Ba – Ngày 01 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc : Xh 33,7-11.34,5b-9.28

Tin Mừng : Mt 13,36-43

Khi ấy, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

TÍN THÁC

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu lấy hình ảnh cỏ lùng trong ruộng lúa để cho thấy sự giằng co giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tội lỗi, đồng thời nói lên sự kiên nhẫn chờ đợi của Chúa.

“Nhân vô thập toàn”, hôm nay đây tôi có thể là cây lúa tốt nhưng biết đâu ngày mai tôi lại là cây lúa héo bởi sự lớn mạnh của cỏ lùng, là sức mạnh sự dữ, là yếu đuối của thân xác, là cám dỗ của tội lỗi lớn lên trong tâm hồn tôi. Con người luôn mang trong mình sự yếu đuối và dễ sa ngã nên đừng bao giờ tự hào cho mình là thánh thiện, vô tội, để có thể chê bai người khác. Cỏ lùng là sự dữ có thể rất mạnh nhưng nó sẽ không thể chiến thắng nếu ta không thỏa hiệp với nó và khi ta biết gắn kết trong Chúa như cành nho với thân nho.

Ơn Chúa luôn thương ban cho chúng ta dồi dào, trong mọi hoàn cảnh Chúa không hề bỏ mặc ta cho sự dữ, cho tội lỗi. Trên đường về Quê Trời, từ xa, chúng ta đã thấy thấp thoáng đích đến, nhưng đường về lắm chông gai, nhiều thử thách chờ đón… Đừng vội buông xuôi, hãy sống tín thác vào Chúa vì Ngài đang chờ đợi ta phía trước; hãy chạy đến với Chúa để Ngài ôm ấp vỗ về ta trong tình yêu của Ngài.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ con những lúc con muốn lìa xa Ngài, xin ấp ủ và che chở đời con trong tình yêu vì con luôn cần Chúa.

Giuse Nguyễn Văn Dũng

Thứ Tư – Ngày 02 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc : Xh 34,29-35

Tin Mừng : Mt 13,44-46

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

NƯỚC TRỜI TRÊN HẾT

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy hai dụ ngôn có một sự tương đồng về nội dung. Chúa Giêsu muốn cho những người muốn bước theo Ngài thấy: vì Nước Trời, chúng ta cần phải từ bỏ tất cả, chấp nhận tất cả, thậm chí bán hết tất cả những gì mình có để có thể chiếm lấy Nước Trời. Ngài đòi hỏi người môn đệ một sự dứt khoát.

Để khám phá ra nơi cất giấu kho báu hay viên ngọc quý, chúng ta cần nỗ lực kiếm tìm mới có thể tìm thấy được. Và nhất là một khi tìm được thì sẵn sàng đánh đổi tất cả để có thể chiếm hữu kho báu đó. Chúa Giêsu chính là hiện thân của kho báu, của viên ngọc, của Nước Trời và mỗi người cần biết chạy đến để kín múc những ơn lành từ Ngài. Nơi Ngài chúng ta sẽ có sự sống sung mãn đời đời.

Chúa Giêsu đã nói: Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10) và hãy lo tìm kiếm nước trời còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau (x. Mt 6,33). Nước Trời chính là kho báu mà con người cần kiếm tìm và một khi tìm thấy thì sẵn sàng đánh đổi những thứ khác để mua cho kỳ được. Nước Trời mới là ưu tiên chọn lựa số một của con người, chứ không phải bất cứ giá trị vật chất nào khác.

Lạy Chúa Giêsu, xin thêm ơn khôn ngoan để chúng con biết chọn Chúa và Nước Trời như là lựa chọn ưu tiên nhất của đời chúng con.

Gioan Đinh Quốc Tĩnh

Thứ Năm – Ngày 03 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc : Xh 40,16-21.34-38

Tin Mừng : Mt 13,47-53

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không ?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” Khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó.

CHỌN LỰA TỐT XẤU

Tin Mừng hôm nay kể lại dụ ngôn lưới cá. Các ngư phủ, sau khi kéo lưới lên, sẽ lựa chọn cá, phân loại ra. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để nói lên một thực tế rằng nơi trần gian luôn có kẻ lành kẻ dữ, người tốt người xấu luôn tồn tại song song, cùng sống chung với nhau. Rồi đến ngày tận thế, kẻ dữ sẽ bị luận phạt, người tốt được ban thưởng.

Đời này là tạm thời, đời sau là vĩnh viễn, nhưng  cách sống ở đời này quyết định cho đời sau. Thiên Chúa sẽ căn cứ vào những ngày tháng con người sống ở đời này mà thưởng công hay  phạt tội. Vì thế, khi sống ở đời này, chúng ta cần phải biết lựa chọn tốt xấu.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy là cá tốt trong chiếc lưới của Ngài. Đồng thời, lời Chúa cũng dạy ta bài học về sự kiên nhẫn và sẵn sàng yêu thương hết mọi người, biết mở lòng để đón nhận sự bất toàn của anh chị em mình. Cuối cùng, chúng ta cần xác định quyền xét xử là của Chúa và do Chúa. Bổn phận của chúng ta là tin tưởng, cậy trông vào lòng thương xót của Ngài.

Lạy Chúa, xin cho con tin tưởng, phó thác nơi Chúa, cậy dựa vào ơn Chúa để can đảm biến đổi. Xin cho con được trở thành cá tốt trong ngày sau hết để được Chúa cho vào giỏ của Chúa là Nước Trời.

Antôn P. Cao Xuân Thành

Thứ Sáu – Ngày 04 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc : Lv 23,1.4-11.15-16.27.34b-37

Tin Mừng : Mt 13,54-58

Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến

họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà

Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa

sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

XEM THƯỜNG

Nơi cửa miệng người đời có câu: “gần quá hóa nhàm” hay “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Điều này, như nói với chúng ta: con người sống gần nhau dễ xem thường, khinh miệt và thành kiến.

Người Do Thái quan niệm Đức Kitô phải xuất thân từ một dân tộc vĩ đại, một Đức Kitô phải bách chiến bách thắng và một Đức Kitô phải khuất phục mọi dân tộc trên địa cầu. Vì thế,  họ không chấp nhận một Đức Kitô xuất phát từ một địa danh tầm thường và một gia đình nghèo khó như gia đình thợ mộc Nadarét, cho dù họ vẫn kinh ngạc về sự thông thái và khôn ngoan của Đức Giêsu: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (Mt 13,54). Dù vậy, họ vẫn xem thường: “Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simon và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao?”  (Mt 13,55-56).

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Gioan Maria Vianey. Một con người luôn khao khát tình yêu Thiên Chúa và say mê cứu rỗi các linh hồn. Chỉ vì học lực mà mọi người đã xem thường thánh nhân. Nhưng Chúa đã dùng sự khôn ngoan của Ngài mà làm cho nhân loại từ “cái xem thường” trở thành “cái tuyệt hảo” của Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy con biết sáng suốt và khôn ngoan để thấy giá trị từng con người mà cất tiếng tạ ơn, tôn vinh Ngài trong chính từng con người, dù họ nhỏ hay lớn, tầm thường hay vĩ đại, vì họ đều là hình ảnh của Chúa trao ban cho con tìm đến.

Phêrô Nguyễn Trọng Đường

Thứ Bảy – Ngày 05 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc : Lv 25,1.8-17

Tin Mừng : Mt 14,1-12

Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan […]

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

Tin Mừng theo Thánh Mátthêu cho thấy sự đối nghịch, một bên là những con người không sống theo sự thật mà chỉ muốn làm vui lòng người khác như vua Hêrôđê, bà hoàng Hêrôdia, và con gái của bà; còn bên kia là thánh Gioan Tẩy Giả sẵn sàng chịu cầm tù và chết cho sự thật.

Thật vậy, “tiếng nói lương tâm” đã thúc đẩy thánh Gioan mạnh dạn nói lên sự thật rằng vua không được phép lấy vợ của anh ngài. “Sự thật mất lòng” ấy đã làm cho bà Hêrôđia căm thù, muốn giết ông Gioan, nên làm “cố vấn” cho con gái mình xin ngay “đầu Gioan Tẩy Giả”. Nhà vua vì không nghe “tiếng nói lương tâm”, sợ mất mặt đã giết người vô tội. Vì thế, Gioan bị chém đầu vì lòng hận thù của con người, vì dám bảo vê sự thật.

Trong cuộc sống, chúng ta là những người đang bước theo Chúa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách, chông gai, trên con đường theo Chúa, nhất là để làm chứng cho sự thật. Quả vậy, người môn đệ của Chúa, cũng như những ai muốn theo Ngài, phải can đảm đứng về phía sự thật, dám làm chứng cho sự thật, cho dù phải chịu thiệt thòi, ngay cả hy sinh mạng sống mình. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy rằng khi lòng chúng ta chất đầy hận thù, gian ác, ghen ghét, tự mãn, thì chúng ta đã đánh mất đi sự hiện diện của Chúa và mất cả chính mình. Chỉ khi nào chúng ta biết lắng nghe “tiếng nói lương tâm”, tiếng mời gọi của Chúa, lúc đó chúng ta mới tìm được ý nghĩa của cuộc đời và dám sống, làm chứng cho sự thật qua tiếng nói của lương tâm.

Lạy Chúa Giêsu là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho chúng con biết vượt qua cái yếu đuối của bản thân, biết tôn trọng sự thật, và sống vì sự thật.

Giuse Lâm Văn Việt

Bài trướcThường Niên – Tuần XVI – Năm A
Bài tiếp theoVideo: Thánh Lễ An Táng Đức Hồng Y Joachim Meisner

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây