Thường Niên – Tuần XVI – Năm A

0
429

Chúa Nhật – Ngày 23 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Bài đọc 1 : Kn 12,13.16-19

Bài đọc 2 : ; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43

Tin Mừng : ; Mt 13,24-43

Khi ấy, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”[…]

VÀNG THAU LẪN LỘN

Cuộc sống vốn thật, giả lẫn lộn. Sự giao thoa giữa thiện và ác khó phân ranh giới. Con người muốn thẳng thắn, rạch ròi với nhau, trắng ra trắng, đen ra đen. Làm được như vậy thì mọi chuyện đã đơn giản hơn rất nhiều. Thực tế lại không dễ dàng như vậy. Dụ ngôn cỏ lùng mà Đức Giêsu đã trình bày cho dân chúng nghe cũng đã nói lên điều này.

“Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?” (Mt 13,27b) “Cỏ lùng” là những sự ác, sự dữ. Người ta cứ thường hỏi, thường trách “Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng? Tại sao Ngài cứ để sự dữ tràn ngập và dày vò chúng con?”. Đức Giêsu dùng dụ ngôn cỏ lùng để trả lời cho những người thấy bức xúc trước cái xấu ở khắp mọi nơi. Ngay trong chính bản thân mỗi người, thiện và ác cũng khó phân biệt.

Cái xấu, cái tốt sẽ pha lẫn với nhau đến ngày tận thế. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt (Mt 13,30). Thiên Chúa vẫn chờ đợi, kiên nhẫn. Ngài cho con người thời gian để nhìn ra và tìm thấy những điều tốt đẹp nơi bản thân và nơi người khác cũng như cơ hội để sửa đổi những điều không tốt nơi chính mỗi cá nhân. Thiên Chúa vẫn cho mưa trên cả người lành, kẻ dữ. Ân sủng của Ngài vẫn tuôn tràn trên khắp mọi người. Việc để cho mình và cho người khác có cơ hội hướng thiện đòi hỏi thời gian và sự hy sinh.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tận dụng thời gian, loại sạch những thứ “cỏ lùng” để đến “mùa gặt” mỗi người chúng con đều là “lúa tốt” được thợ gặt thu vào kho lẫm của Thiên Chúa.

Phêrô Nguyễn Quốc Hưng

Thứ Hai – Ngày 24 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Bài đọc : Xh 14,5-18

Tin Mừng : Mt 12,38-42

Khi ấy, có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.

 DẤU LẠ VỀ SỰ SÁM HỐI

Bài Tin Mừng hôm nay gợi nhớ cho tôi về một đoạn Tin Mừng khác trong Tin Mừng Máccô 8,11-12. Nếu thánh Máccô

cho rằng Đức Giêsu từ chối không tỏ bất kỳ một dấu lạ nào cho các kinh sư và người Pharisêu, thì thánh Mátthêu lại có một chút dị biệt: Đức Giêsu nhắc họ về dấu lạ ngôn sứ Giôna ở trong bụng cá ba đêm ngày và hình ảnh nữ hoàng Phương Nam trong ngày phát xét. Vậy tại sao thánh Mátthêu lại có chút dị biệt đó? Dấu lạ Giôna và hình ảnh nữ hoàng Phương Nam có ý nghĩa gì? Ở đây tôi chỉ xin tìm hiểu một chút về dấu lạ Giôna.

Trước tiên, thánh Mátthêu muốn nhắc nhở các kinh sư và người Pharisêu về sự hoán cải của dân thành Ninivê, một thành phố của dân ngoại và là thù địch của dân Israel, sau khi nghe ngôn sứ Giôna rao giảng. Đồng thời, nhắc nhớ họ về sự cứng lòng và khước từ để trao ban lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân ngoại.

Ngôn sứ Giôna là sứ giả Thiên Chúa, là chiếc cầu nối Thiên Chúa với dân. Do đó, ông luôn tự hào mình là người thuộc về Thiên Chúa. Tuy nhiên, ông lại khước từ, lại ngăn chặn lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho dân ngoại. Dù rằng lòng thương xót đó chẳng phải của ông. Ông không muốn chuyển trao lòng thương xót đó vì ông biết rằng nếu ông rao giảng về tình thương của Thiên Chúa thì dân thành sẽ hoán cải và họ sẽ được cứu. Thế nhưng, dù ngang ngược đến đâu, Thiên Chúa vẫn có cách của Ngài. Thiên Chúa đã làm cho ngôn sứ phải kêu gọi dân thành sám hối. Dù rằng, lời rao giảng của Giôna chỉ là qua loa, thiếu sức sống thế nhưng, thành quả của lời rao giảng đó thì thật bất ngờ. Toàn dân đã sám hối để khẩn cầu lòng Chúa xót thương.

Lạy Chúa, xin hãy thương xót chúng con, và cho chúng con cũng biết thương xót anh chị em mình như Chúa thương xót chúng con vậy.

Giuse Nguyễn Xuân Long

Thứ Ba – Ngày 25 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV

THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ – Lễ kính (Đ)

Bài đọc : 2 Cr 4,7-15

Tin Mừng : Mt 20,20-28

Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được […]

CHỖ ĐỨNG TRONG NƯỚC TRỜI

Thánh Giacôbê và thánh Gioan là hai trong số ba Tông Đồ có một vị trí quan trọng trong lòng Đức Giêsu. Trong bài trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy sự xuất hiện cách đặc biệt của mẹ các ngài, và hẳn bà có một vai trò quan trọng trong bước tiến của các con mình.

Người mẹ nào cũng mong ước con mình lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn và thành đạt trước mặt người đời. Bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan còn ước mong con mình đạt được thành tựu to lớn hơn nữa, tức trở thành những người có thế lực trong vương quốc của Chúa Giêsu. Đó có thể xem như là một tham vọng quyền lực nhưng đó cũng là ước nguyện chính đáng của một người mẹ. Điều bà xin cùng Đức Giêsu xem ra bị từ khước khi Đức Giêsu trả lời: “Các người không biết các người xin gì!” Nhưng, theo tôi nghĩ điều bà mẹ xin cho hai con của mình được Đức Giêsu nhận lời và Ngài muốn đẩy xa hơn ý nghĩa của địa vị thông thường trong cuộc sống đó là phải cùng uống “chén” chung với Ngài, nghĩa là phải cùng đau khổ và chết như Ngài để có được cuộc sống vinh quang.

Trong sứ vụ công khai, Đức Giêsu cho hai ông đi cùng với Ngài vào những thời điểm quan trọng và đặc biệt, thánh Giacôbê là một trong những Tông Đồ được phúc tử đạo ngay tại Giêrusalem.

Lạy Đức Giêsu, xin Ngài thêm lòng tin cho chúng con và dạy cho chúng con biết cách sống để được một chỗ đứng trong Nước của Ngài.

Gioan Trần Nam Phong

Thứ Tư – Ngày 26 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria – Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Xh 16,1.5.9-15

Tin Mừng : Mt 13,1-9

Khi ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”

HÃY LÀ MẢNH ĐẤT TỐT

Hạt giống được đề cập trong bài Tin Mừng thì đương nhiên tốt, vì là lời Thiên Chúa. Lời Chúa cần có mảnh đất tốt là tâm hồn mỗi người chúng ta. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa, tin tưởng và đón nhận lời Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt.

Hẳn nhiên, đất tốt là đất phì nhiêu, màu mỡ, không sỏi đá, không ô nhiễm, không thiếu nước… Tuy nhiên, đất tốt thì cũng sẽ có nhiều cỏ mọc um tùm! Một mảnh đất tốt mà không có cỏ tự nhiên là lý tưởng. Vậy tôi phải làm gì để tâm hồn trở thành mảnh đất tốt mà cỏ cũng không thể mọc lên được? Kinh nghiệm nhà nông cho tôi một vài suy nghĩ nhỏ: Nếu đất tốt mà bỏ hoang thì cỏ sẽ mọc, đó là lẽ tất nhiên. Vậy, việc làm sạch cỏ cũng như cày xới và chăm sóc là việc của người làm chủ mảnh đất ấy. Tôi là chủ của mảnh đất tâm hồn tôi. Tôi có bổn phận phải chăm sóc tâm hồn mình để khi hạt giống lời Chúa được gieo vào thì không bị cỏ, không bị gai làm cho chết ngạt. Tôi còn phải làm gì để lời Chúa được triển nở trong tâm hồn mình?

Điều mà ai cũng biết, để lời Chúa triển nở, tôi phải bớt đi những lo toan tính toán đời thường, bớt đi những bộn bề triền miên của cuộc sống vốn dĩ đã phức tạp, ô nhiễm. Để lời Chúa được triển nở trong tâm hồn, tôi phải xây dựng đời mình trên những giá trị tinh thần, không chối từ, không dửng dưng với những giá trị đạo đức, những giá trị nền tảng cho tương quan nhân loại.

Lạy Chúa, xin cho con biết có trách nhiệm với mảnh đất tâm hồn mình, biết chăm sóc, làm cỏ và vun xới, để hạt giống lời Chúa một khi được gieo vào thì luôn phát triển lớn mạnh.

Antôn P. Nguyễn Tất Bính

Thứ Năm – Ngày 27 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Bài đọc : Xh 19,1-2.9-11.16-20b

Tin Mừng : Mt 13,10-17

Khi ấy, các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

MỞ LÒNG ĐÓN CHÚA

Nước Thiên Chúa hay Nước Trời không phải là một thực tại trần thế, vậy nên ngôn ngữ trần thế không đủ để diễn tả thực tại ấy. Có lẽ vì lý do ấy mà khi rao giảng cho dân chúng, Chúa đã sử dụng dụ ngôn để giúp họ hiểu được lời rao giảng của mình.

Thế nhưng, để đón nhận mầu nhiệm Nước Trời thì không hề là chuyện giản đơn. Để đón nhận, cần phải có con tim rộng mở, đôi tai biết lắng nghe và đôi mắt luôn nhìn lên Chúa; hay nói cách khác là phải có một ao ước hiểu biết và đón nhận Chúa thì mới hiểu thánh ý Người.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, các môn đệ vì biết lắng nghe, biết rộng mở con tim đón nhận lời rao giảng của Chúa nên đã “được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”. Và ai hiểu biết thì lại càng được thúc đẩy để hiểu sâu hơn, vì “Ai đã có thì sẽ được cho thêm, và sẽ có dư thừa”. Đối lập lại với các môn đệ là đám đông dân chúng. Họ cũng nghe Chúa dạy, nhưng họ không mở lòng để đón nhận Ngài. Họ nghe tai này rồi ra tai kia, nhìn mà không thấy. Nói chung, họ không có thiện chí và cũng không cố gắng để hiểu và đón nhận lời Chúa dạy. Vậy nên, đối với họ thì giống như “ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất”.

Hằng ngày chúng ta đọc kinh, đi lễ, lắng nghe lời Chúa, chúng ta đã mở rộng đôi mắt, con tim và tha thiết đón nhận giáo huấn của Chúa chưa?

Lạy Chúa, xin cho con biết thành khẩn xin ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần để chúng ta luôn có được một tấm lòng rộng mở và con tim ao ước đón nhận Chúa.

Phêrô Hán Duy Hạp

Thứ Sáu – Ngày 28 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Bài đọc : Xh 20,1-17

Tin Mừng : Mt 13,18-23

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI LỜI CHÚA

Có một vị Hồng y đã hỏi thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII về mục đích ngài mở Công Đồng Vatican II.  Đức Giáo Hoàng từ từ đến mở cửa sổ ra và nói: Để Giáo Hội đón nhận luồng gió mới. Gió thổi bất cứ nơi đâu, nhưng nếu ta không mở cửa thì gió không thể vào được.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ rằng: hạt giống lời Chúa cũng được gieo trồng khắp nơi. Mỗi người đều được mời gọi đón nhận lời Chúa. Tuy nhiên, người ta có sẵn sàng mở cửa lòng để đón nhận hay không, điều đó phụ thuộc vào thái độ của mỗi người. Thiên Chúa thương yêu mọi người; và Ngài rộng lòng ban phát ơn cứu độ cho tất cả, không thiên vị người nào. Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người, nhưng Người cũng tôn trọng tự do của con người.

Ngày nay, có nhiều người biết Kinh Thánh nhưng không tin vào Kinh Thánh. Họ sợ lời Chúa làm cho cuộc sống bị xáo trộn; và họ sợ ánh sáng lời Chúa sẽ làm cho những việc xấu xa của họ tỏ lộ ra; họ không muốn tự do của họ bị giới hạn bởi lời Chúa; và họ sợ lời Chúa biến đổi con người họ như Đức Giêsu đã nói: “Chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,15). Như thế, những người có thái độ nói “không” với lời Chúa thì làm sao lời Chúa sinh hoa kết quả trong cuộc đời họ.

Lạy Chúa, xin cho con có tâm hồn khao khát lời Chúa, để con đón nhận với tất cả tấm lòng và biết đem ra thực hành trong cuộc sống.

Gioan B. Trần Vui

Thứ Bảy – Ngày 29 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Thánh nữ Mácta – Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Xh 24,3-8

Tin Mừng : Mt 13,24-30

Khi ấy, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

NGƯỜI TỐT KẺ XẤU

Từ thuở tạo thiên lập địa, mọi sự đều tốt đẹp bởi tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng thiện hảo tuyệt đối. Nhưng con người đã nghe theo thế lực sự ác là ma quỷ để quay lưng lại với Thiên Chúa tốt lành. Từ đó, có người tốt kẻ xấu; từ đó, có sự thiện sự ác.

Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về điều đó, rằng: thiện – ác dường như luôn tồn tại song song trong cuộc sống chúng ta, ngay chính trong mỗi một con người chúng ta. Chính ma quỷ là kẻ thù của Thiên Chúa; chúng là tác nhân gieo rắc bất hòa và sự gian ác vào lòng người, cám dỗ họ phạm tội chống lại Chúa và gây đau thương cho anh chị em mình. Do đó, chúng ta phải thức tỉnh luôn để canh tác mảnh đất đời mình, đừng bao giờ chủ quan cho mình là tốt nhưng phải luôn khiêm tốn, ý thức mình là người hèn mọn, bất toàn mà cố gắng hồi tâm mỗi ngày.

Hơn nữa, bài Tin Mừng cũng cho ta thấy lòng nhẫn nại, quảng đại và sự bao dung của Chúa. Ngài luôn chờ đợi chúng ta trở về mỗi khi ta sa ngã. Ngài hy vọng tội nhân sẽ sám hối, ăn năn để trở nên tốt lành. Trong cuộc sống, nhiều lúc có những người nhất thời làm điều ác, hay do hoàn cảnh nào đó đưa đẩy mà vấp ngã; nhưng bản chất vẫn lương thiện, bởi họ có phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, như thánh Gioan Phaolô II đã nói với giới trẻ, vào tháng 8/1997 tại Paris như sau: Không một hành động nào của các con có thể lấy đi phẩm chất của các con là con cái Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức, khiêm tốn để đón nhận sự tha thứ của Chúa, và đồng thời cũng biết đón nhận và bao dung cho nhau.

Giuse Trần Thanh Hải

Bài trướcNghi Thức Nhập Tập Viện Ngôi Lời Việt Nam, Tập kỳ 2017 – 2018
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XVII – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.