Tuần Thánh – Năm C

0
345

Chúa Nhật – Ngày 14 – Tháng 4

CHÚA NHẬT LỄ LÁ. TƯỞNG NỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Bài đọc 1 : Is 50,4-7

Bài đọc 2 : Pl 2,6-11

Tin Mừng : Lc 22,14 – 23,56

[…] Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nên họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!” Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.”  Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.

Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn […]

CÔ ĐƠN TRONG CUỘC THƯƠNG KHÓ

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Trong cuộc thương khó này, Chúa Giêsu đã phải trải qua rất nhiều đau khổ, nhưng có lẽ đau khổ lớn nhất mà Chúa Giêsu phải chịu chính là sự cô đơn.

Trước hết, Chúa Giêsu bị các tông đồ và môn đệ bỏ rơi. Các ông là những người được chính Chúa Giêsu tuyển lựa, yêu thương, dạy dỗ và trên hết là được tận mắt thấy quyền năng và vinh quang của Chúa Giêsu, thế nhưng khi thấy Thầy mình bị bắt và đem đi giết các ông đã bỏ chạy thoát thân, không ai dám chiến đấu vì Thầy mình.

Tiếp đến là những người từng được nghe Đức Giêsu giảng dạy hay thậm chí là được Ngài chữa lành; đây là những người được kinh nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, thế nhưng trong cuộc xét xử bất công ấy lại không có lấy một kẻ lên tiếng bênh vực cho Ngài.

Và cuối cùng là những người chỉ trước đó vài ngày còn trải lá và áo xuống đường cho Chúa đi, miệng thì tôn vinh chúc tụng, thế nhưng giờ đây chính họ lại là những người tố cáo, hô hoán đòi đem Ngài đi đóng đinh. Thế nhưng sau tất cả Chúa Giêsu vẫn kiên trì chấp nhận, để rồi Ngài bị chính những kẻ mà Ngài yêu thương đem đi giết. Chúa đã chấp nhận chịu khổ nhục đến cùng để thi thố tình yêu và đem ơn cứu độ cho chính những kẻ bỏ rơi cũng như những kẻ kết án và giết Ngài.

Gẫm lại trong cuộc sống, chúng ta là những kẻ mang danh là theo Chúa nhưng vẫn thường bỏ rơi Chúa để chạy theo những ngẫu tượng, thế nhưng Chúa vẫn kiên trì như người cha nhân hậu cô đơn đợi chờ chúng ta trở về.

Lạy Chúa, xin đừng bao giờ để chúng con quên lãng và lìa xa Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD

Thứ Hai – Ngày 15 – Tháng 4

THỨ HAI TUẦN THÁNH

Bài đọc : Is 42,1-7

Tin Mừng : Ga 12,1-11

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà  cho người nghèo. Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: “Hãy để cô ấy yên, cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” […]

LÒNG MẾN

Cách tiếp đãi một vị khách đến nhà thể hiện tình cảm của chủ nhà dành cho vị khách đó. Trong bài Tin Mừng hôm nay, gia đình anh Ladarô đã đón tiếp Đức Giêsu một cách nhiệt tình, đặc biệt là cách thể hiện tình cảm của cô Maria.

Cô lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cách thức tiếp khách này thể hiện lòng yêu mến, lòng biết ơn sâu sắc vì Chúa đã làm cho em của cô là Ladarô sống lại. Lòng yêu mến đã khiến cô Maria không tiếc thứ gì với Chúa. Một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất có giá bằng cả một năm lao động, nhưng đối với cô, nó chẳng đáng gì so với việc được phục vụ Chúa. Có lẽ cô Maria không biết rằng ngày mai táng thầy mình sắp cận kề, nhưng linh cảm cho cô biết rằng cơ hội được đón tiếp Đức Giêsu dịp này thật quý báu. Bằng hương thơm của tấm lòng và hương thơm của cam tùng, cô đem hết để phục vụ Người, một thái độ trái ngược hẳn với Giuđa, một con người so đo, tính toán và tiếc rẻ cân dầu thơm, tiếc rẻ lòng mến của mình.

Trong đời sống thiêng liêng, đôi khi tôi cảm thấy khô khan vì thiếu lòng mến. Tôi đọc kinh, tham dự Thánh Lễ, giữ luật Chúa và nội quy cộng đoàn cách miễn cưỡng, thiếu tâm tình. Có thể là do tôi không cảm nghiệm được Thiên Chúa trong tâm hồn, quỳ bên Ngài mà tâm tưởng còn vướng víu những sự thế gian.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng lòng mến thì tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Xin cho chúng con phụng sự Chúa trên hết mọi sự vì lòng mến Chúa và vì chính Ngài là nguồn vui của lòng con.

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

Thứ Ba – Ngày 16 – Tháng 4

THỨ BA TUẦN THÁNH

Bài đọc : Is 49,1-6

Tin Mừng : Ga 13,21-33.36-38

Khi ấy, đang dùng bữa với các môn  đệ, Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” Đức Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y […]

CON SẼ THÍ MẠNG CON VÌ THẦY

Trong khung cảnh Tiệc Ly, Chúa Giêsu loan báo việc Người sẽ bị nộp (Ga 13,21) và các môn đệ sẽ bỏ Thầy mà chạy trốn (Ga 13,33). Điều ấy làm cho các môn đệ buồn, xôn xao bàn tán. Các ông muốn biết ai là người môn đệ phản Thầy và để trấn an Thầy, thánh Phêrô đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!”

Lời tuyên bố ấy làm cho mọi người thấy ông Phêrô là con người khẳng khái, mạnh mẽ, can đảm và dám sống chết vì Thầy. Có lẽ lời tuyên bố này phát xuất từ một tấm lòng chân thành, không giả dối. Nhưng thánh Phêrô không ý thức được sự yếu mềm của bản thân khi phải đương đầu với thách đố trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

Trong cuộc sống thường ngày, nhiều người cũng hay dùng những kiểu nói đao to búa lớn như vậy để cho mọi người biết mình là người can đảm, nhưng khi phải đối diện với khó khăn và thử thách trong cuộc sống, thì mới nhận ra mình thật yếu mềm. Nhiều người trong chúng ta cứ ngỡ rằng mình sẽ đứng vững trong thử thách và gian nan, cứ nghĩ rằng mình sẽ kiên định trong mọi tình huống khó khăn của cuộc sống, nhưng trong thử thách thực sự, người ta mới biết mình có thật sự can đảm và trung thành hay không.

Quả thật, bất kỳ ai tự phụ cho rằng mình mạnh mẽ, tốt lành, không bao giờ phạm tội… thì người đó sẽ vấp ngã nhanh nhất. Bởi vì người ấy đã không cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa mà lại dùng sức mạnh của mình để chống chọi trước mọi gian nan, thử thách. Thánh Phêrô là một điển hình cụ thể. Ngài đã gục ngã và đã để lại cho chúng ta bài học về sự yếu đuối của con người.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những con người yếu đuối. Chúng con dễ sa ngã và phạm tội, nếu không có sức thiêng của Chúa. Xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ chúng con trong mọi gian nan, thử thách của cuộc sống.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Thứ Tư – Ngày 17 – Tháng 4

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Bài đọc : Is 50,4-9a

Tin Mừng : Mt 26,14-25

Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: ‘Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.’ Các môn đệ làm y như Đức Giêsu đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.” Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Rápbi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”

SỰ PHẢN BỘI

Giữa hàng vạn người, ông Giuđa đã diễm phúc được Chúa Giêsu tuyển chọn. Đáp lại lời mời gọi của Chúa, ông cũng đã bỏ gia đình, nghề nghiệp để đi theo Người. Ông đã từng cùng Chúa chia sẻ những lúc vui buồn, hay khi no đói; ông cũng đã từng chứng kiến Chúa làm biết bao phép lạ, đã từng được nghe những lời giảng dạy của Chúa; ông đã được Chúa và anh em trong nhóm tin cậy để chọn làm thủ quỹ… nhưng ông đã phản bội.

Sự phản bội của ông được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay đã đánh động lòng tôi. Tôi đã thực sự buồn và thất vọng trước cách đối xử của ông đối với Chúa: “Giu đa kẻ nộp Thầy cũng hỏi: “Rápbi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó.” (Mt 26, 25). Tình yêu và sự tin tưởng của Chúa đối với ông lớn lao bao nhiêu thì sự phản bội của ông lại càng tàn nhẫn bấy nhiêu.

Nhìn lại bản thân, tôi thấy mình cũng đã nhiều lần phản bội Chúa. Tôi thấy mình phản bội Chúa khi tôi phạm tội, khi tôi để cho tội lỗi lấn át tình yêu của tôi dành cho Chúa, và nhất là khi tôi mất đi cảm thức về tội.

Lạy Chúa, xin cho con biết tỉnh thức để tránh xa tội lỗi, hầu giúp con luôn trung thành với tình yêu của Chúa và với ơn gọi của mình.

Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD

Thứ Năm – Ngày 18 – Tháng 4

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Lễ sáng: THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU

(Is 61,1-3a.6a.8b-9; Kh 1,5-8; Lc 4,16-21)

Lễ chiều: THÁNH LỄ TIỆC LY

Bài đọc : Xh 12,1-8.11-14;

Bài đọc 2 : 1 Cr 11,23-26

Tin Mừng : Ga 13,1-15

[…] trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”[…]

Ý NGHĨA CỦA VIỆC RỬA CHÂN

“Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha… nên Người đã rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13,1.5). Tại sao trước khi về với Chúa Cha, Đức Giêsu lại rửa chân cho các tông đồ, điều này có ý nghĩa gì?

Trước hết, đối với người Do Thái thời bấy giờ, chỉ những người nô lệ mới làm việc thấp hèn là rửa chân cho người khác, cho gia chủ. Đức Giêsu đã hạ mình rửa chân cho  các tông đồ để biểu lộ tình thương tột độ của Ngài đối với các tông đồ, và qua các tông đồ cho dân Do Thái và cho cả thế giới. Tình yêu của Ngài không chỉ dừng lại ở việc rửa chân mà còn qua cái chết trên cây thập giá để cứu độ thế gian.

Hơn nữa, qua việc rửa chân, Chúa Giêsu muốn dạy các tông đồ bài học phục vụ. Nếu Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy mà còn phục vụ các môn đệ khi cúi xuống rửa chân cho các ông, thì đến lượt các ông cũng phải sống tinh thần khiêm nhường phục vụ đối với những người khác, nhất là những người thấp kém hơn mình. Chỉ qua cung cách phục vụ, các ông mới xứng đáng với tư cách làm môn đệ Thầy Giêsu.

Theo lẽ thường, ai cũng thích được làm lớn, được kính trọng, được người khác phục vụ. Nhưng đối với người môn đệ Đức Giêsu, càng làm lớn, càng được kính trọng lại càng phải sống tinh thần phục vụ. Người ta nhận ra người môn đệ đích thật của Đức Giêsu không phải vì chức vị lớn mà vì thái độ khiêm nhường phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con đức tính khiêm nhường để chúng con biết phục vụ những người thiếu mắn mắn hơn mình, nhờ đó, chúng con mới trở thành những môn đệ thật sự của Chúa.

Tu sĩ Phaolô A Hóa, SVD

Thứ Sáu – Ngày 19 – Tháng 4

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Bài đọc 1 : Is 52,13-53,12

Bài đọc 1 : Hr 4,14-16; 5,7-9

Tin Mừng : Ga 18,1-19,42

[…] Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. […]

“ĐÂY LÀ MẸ CỦA ANH”

Văn chương, âm nhạc, hội họa và điêu khắc sẽ không bao giờ múc cạn đề tài về người mẹ. Trong cuộc sống đức tin, các tín hữu cũng được mời gọi nuôi dưỡng những tình cảm sâu đậm như thế đối với Mẹ Maria, Mẹ chúng ta.

Trong hành trình thương khó của Chúa Giêsu, Mẹ là người can trường bước theo Chúa cho đến tận cùng. Mẹ cùng chịu đau khổ với Chúa nhờ lòng vâng phục, nhờ đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Mẹ đã bị “một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn” khi chứng kiến con mình bị sỉ nhục, bị đánh đập, bị giết chết và treo trần trụi trên thập giá. Mẹ chỉ biết im lặng nhìn Con của Mẹ trong sự đau đớn tột cùng. Sự im lặng của người mẹ cạnh người con đáng thương tưởng như là sự im lặng của bất lực, nhưng đó là sự im lặng của cảm thông, của chia sẻ và hy vọng.

Trên thập giá, trước khi gục đầu tắt thở, Chúa Giêsu đã trối Mẹ cho thánh Gioan: “Đây là mẹ của anh” và trao thánh Gioan lại cho Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Khi trao thánh Gioan cho Mẹ, Chúa Giêsu cũng trao gởi mỗi người chúng ta cho Mẹ. Dù thánh thiện hay tội lỗi, dù giàu sang hay nghèo khó, thông minh hay đần độn, khỏe mạnh hay bệnh tật, mỗi người chúng ta đều được Mẹ đón nhận và dành cho tất cả tình yêu mà Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu.

Bây giờ Mẹ đang dành mọi tình cảm cho chúng ta. Mẹ chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta; Mẹ luôn đồng hành cùng ta, giúp ta vượt qua mọi khổ đau, thử thách trong cuộc sống. Mẹ vui sướng khi thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, cảm ơn Mẹ đã nhận chúng con làm con của Mẹ và luôn ở bên cạnh để chia sẻ, cảm thông và cứu giúp chúng con trong suốt cuộc đời. Xin cho chúng con luôn biết noi gương Mẹ mà bước theo Chúa cho đến tận cùng.

Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 20 – Tháng 4

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CANH THỨC VƯỢT QUA

Bài đọc :

(St 1,1-2,2; St 22,1-18; Xh 14,15-15,1a; Is 54,5-14; Is 55,1-11; Br 3,9-15.32-4,4; Ed 36,16-17a.18-28; Rm 6,3-11)

Tin Mừng : Lc 24,1-12

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”

Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin.[…]

 

PHÂN VÂN TRONG HY VỌNG

Phân vân là một trạng thái không biết phải làm gì vì không biết đâu là đúng và đâu là sai khi phán đoán một vấn đề. Đây chính là tâm trạng của bà Maria

Mácđala, bà Gioanna và bà Maria mẹ ông Giacôbê gặp phải khi đứng trước ngôi mộ trống. Tin Mừng Luca trình thuật cảnh các bà bối rối, phân vân khi họ ra mộ từ tảng sáng và thấy thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.

Là những người đi theo Chúa Giêsu, các bà đã có cơ hội được chứng kiến những phép lạ người làm, được ăn uống với Người, đặc biệt là cùng Người tiến bước lên núi Sọ. Chắc hẳn trong thời gian sống với Chúa Giêsu, các bà đã được nghe Người loan báo rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Chính điều này đã khiến các bà phân vân khi đứng trước ngôi mộ trống: phân vân không phải vì nghi ngờ nhưng để xác tín vào niềm hy vọng Đức Kitô Phục Sinh.

Lòng mến yêu tha thiết đối với Thầy Giêsu thôi thúc các bà ra mộ khi trời vừa tảng sáng. Chính các bà là những người đầu tiên được Thầy Giêsu tỏ bày vinh quang phục sinh, và đã trở nên những người mang tin vui phục sinh cho mọi người.

Lạy chúa Giêsu, nhiều lúc con cần một bằng chứng hiển nhiên trước mắt để xác tín rằng Người đã phục sinh; con quên mất mối phúc lành “không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Xin thêm sức mạnh cho lòng tin yếu kém của con, để con không phải phân vân trong hoài nghi nhưng là phân vân trong hy vọng.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Bài trướcTất cả chúng ta có số điện thoại của Chúa Giêsu
Bài tiếp theoThánh Maximilian Kolbe nói về Tội Trọng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây