Thường Niên – Tuần XXXIV – Năm C

0
472

Chúa Nhật – Ngày 24 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Lễ trọng (Tr).

Bài đọc 1 : 2Sm 5,1-3

Bài đọc 2 : Cl 1,12-20

Tin Mừng : Lc 23,35-43

Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Dothái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Dothái.”

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

VUA ĐÍCH THỰC

Lễ Đức Kitô Vua vũ trụ khép lại năm phụng vụ cũ, và mở ra một năm phụng vụ mới cho toàn thể nhân loại. Khi tuyên xưng Đức Kitô là vua vũ trụ, Giáo Hội muốn tuyên xưng rằng: rồi đây khi đến thời gian cuối cùng, muôn loài muôn vật sẽ qui phục dưới một vị Vua đích thực là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Nói đến vua chúa, người ta thường liên tưởng đến sự uy nghi, quyền lực, giàu có, mặc toàn lụa là gấm vóc, ăn sơn hào hải vị, có người hầu kẻ hạ, và yến tiệc linh đình… Còn hình ảnh vua đích thực Giêsu thì sao?

Thánh Luca trình bày một vị Vua Giêsu vô cùng kỳ dị: Nếu vua trần gian ngồi trên ngai vàng, thì Vua Giêsu nằm trên thập giá. Vua trần gian có vương miện vàng đội đầu, còn Vua Giêsu có vòng gai cuốn trên đầu. Vua trần gian có cẩm bào lộng lẫy, còn Vua Giêsu bị lột trần trên thánh giá. Vua trần gian luôn có quân đội và vũ khí hùng mạnh, còn Vua Giêsu chỉ có vũ khí là lòng thương xót. Vua Giêsu như một tội nhân, liệu có thần dân nào theo Ngài không?

Chính trong hình ảnh vị Vua Giêsu đau khổ tột cùng đó, một vị Vua kì dị này lại mở ra cho nhân loại một vương quốc của tình yêu, của sự thật, của sự tha thứ, của sự sống viên mãn.

Lạy Đức Giêsu Vua vũ trụ, Vua đích thực, xin Chúa luôn làm Vua cai trị trong lòng con, để con biết cởi bỏ khỏi con người mình những hào nhoáng bên ngoài, và nhất là cho con trở thành thần dân trong Nước Ngài.

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Thứ Hai – Ngày 25 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Các thánh tử đạo Việt Nam. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng (Đ).

Bài đọc 1 : 2Mcb 7,1.20-23.27b-29

Bài đọc 2 : Rm 8,31b-39

Tin Mừng : Ga 17,11b-19

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.” […]

NÊN MỘT

Chúng ta đang đọc những lời cầu nguyện đầy thao thức của Chúa Giêsu, những lời trăn trối cuối cùng trước cuộc khổ nạn của Ngài. Vì danh Ngài, sau này những môn đệ của Ngài cũng phải đối diện với những cuộc bách hại tàn khốc. Họ có thể là cộng đoàn của thánh Gioan thời xưa; họ cũng có thể là bất kỳ những chứng nhân anh dũng nào như các vị tử đạo từ xưa đến nay. Dẫu vậy, gia đình của Đức Kitô mãi mãi hiệp “nên một.”

Lời của Chúa Giêsu “xin cho họ nên một trong Chúng Ta” (Ga 17,11b) chứa nhiều thông điệp. Thứ nhất, thông điệp lo lắng cho những ai bị bách hại vì Danh Chúa. Thứ hai, tâm tình xin Chúa Cha bảo vệ họ. Thứ ba, xin qui tụ họ trong tình hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Từ đó, mầu nhiệm Thiên Chúa không còn là một công thức “1=3 và 3=1” khép kín nhưng là một Thiên Chúa hằng quan phòng và lo lắng cho những số phận bé nhỏ đang lâm vào cơn thử thách sống còn vì mưu sinh và vì đức tin.

Triều thiên tử đạo là một ơn lớn lao vì nó không những thể hiện tình hiệp nhất giữa các vị tử đạo với Giáo Hội và với Thiên Chúa, các vị còn là những “hạt giống đức tin” làm triển nở tình hiệp nhất ấy một cách mãnh liệt. Chúng ta có thể hiệp thông với tinh thần tử đạo bằng máu của các vị bằng cách “chết đi” những thói hư, tật xấu, nghiện ngập… mỗi ngày để chỉ chọn Đức Kitô là lẽ sống như thánh Phaolô: “Tôi chấp nhận mất hết, và coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô, được kết hợp với người” (Pl 3,8-9), để không còn gì làm cho chúng ta phải sợ sệt vì “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nên một với gia đình của Chúa mãi mãi, cho dù vật đổi sao dời hay giông tố cuộc đời, xin cho chúng con kiên trung chọn Chúa là cùng đích và lẽ sống.

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

Thứ Ba – Ngày 26 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Đn 2,31-45

Tin Mừng : Lc 21,5-11

Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước ?” Đức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và: ‘Thời kỳ đã đến gần; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.”

HÃY SỐNG NỘI TÂM

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói đến sự sụp đổ của Đền Thờ dù nó được trang hoàng lộng lẫy và có nhiều đồ dâng cúng. Điều này rất đúng đối với những người chỉ sống theo hình thức bề ngoài mà quên mất phần cốt lõi bên trong: đời sống nội tâm.

Thật vậy, hình thức bên ngoài luôn được chú trọng. Điều này dễ thấy trong cách người ta trau chuốt bản thân hay đánh bóng tên tuổi mình bằng những vật trang hoàng cho đời sống như nhà, xe, quần áo … Sự trang hoàng bề ngoài đã đi vào cả trong đời sống tôn giáo qua những cách trang trí bắt mắt, những cuộc rước sách rầm rộ. Sự trang trí, bày biện hoành tráng bề ngoài đôi khi che dấu sự hời hợt của tâm hồn, của đời sống thiêng liêng. Thực ra việc trang hoàng bên ngoài không phải là xấu, nhưng điều quan trọng hơn là phải “trang hoàng” nội tâm con người mình.

Là người Kitô hữu, chúng ta phải làm sao thể hiện được rằng chúng ta yêu mến Chúa một cách thực sự chứ không chỉ là trên môi miệng hay qua những trang trí bên ngoài. Chúng ta đừng chỉ theo Chúa bằng thân xác mà lòng thì lại xa Ngài; cũng đừng cố tỏ vẻ đạo đức bên ngoài mà bên trong thì trống rỗng. Chúng ta hãy sống sao để những hình thức thể hiện ra bên ngoài là nội dung xuất phát từ bên trong.

Lạy Chúa Giêsu, với thân phận con người, con không thể tránh khỏi việc chăm lo quá cho đời sống bên ngoài mà quên đi điều quan trọng hơn là đời sống nội tâm. Xin cho con biết thật sự yêu mến và tôn thờ Chúa với trọn tâm hồn và thể xác con.

Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD

Thứ Tư – Ngày 27 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Đn 5,1-6.13-14.16-17.23-28

Tin Mừng : Lc 21,12-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

ĐỨC TIN KIÊN VỮNG

Theo Chúa để được gì? Làm chứng cho Đức Kitô thì được gì? Đó là câu hỏi của nhiều Kitô hữu và những người tân tòng khi chuẩn bị theo Chúa. Việc Đức Giêsu báo trước trong Tin Mừng Luca hôm nay cũng là câu trả lời cho những thắc mắc này: “Người ta sẽ tra tay hại và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua Chúa quan quyền vì danh Thầy.” (Lc 21,12)

Thật vậy, chính Thầy Giêsu mặc khải cách rõ ràng rằng theo và làm chứng cho Danh Giêsu chí thánh thì phải chấp nhận bị bắt bớ và gươm đao. Điều này có thể làm nhụt chí hay làm lung lay lòng trông cậy của những ai yếu đức tin: “Vì Danh Thầy mà anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Lc 21,16).

Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng đưa ra một lời hứa có thể làm cho các môn đệ của Ngài được an ủi: “Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (Lc 21,18). Giữa những khó khăn của sứ vụ làm chứng, các môn đệ có Chúa quan phòng chở che. Dù vậy, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ hãy bền tâm, vì “có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19). Cuộc sống thường ngày muốn thành công cũng cần phải có sự kiên định, bền chí, như câu ca dao Việt Nam: “Ai ơi giữ chí cho bền, dù ai đổi hướng chuyển nền mặc ai.”

Hơn nữa, hành trình đức tin lại là một cuộc chiến quyết định cho cả đời người, không phải là những thành công với những thứ mau qua, nhưng là giành được sự sống đời đời cho mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn kiên vững làm chứng và sống cho Danh Chúa, kể cả những lúc thành công, cũng như khi thất bại.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Thứ Năm – Ngày 28 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Đn 6,12-28

Tin Mừng : Lc 21,20-28

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. […]

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

NGÀY ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Cuộc đời đôi khi có những nghịch lý, mà theo suy luận của đời thường thì khó giải thích nổi. Có những điều, nhất là trong lĩnh vực tôn giáo, chỉ có thể giải thích và hiểu rõ khi đặt nó trong nhãn quan đức tin.

Thánh Luca hôm nay báo trước một ngày kinh hoàng sẽ xảy đến cho nhân loại. Nào là “biển gào sóng thét”, nào là “các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển”, nào là sự lo lắng, kinh hãi của khắp dân thiên hạ (x. Lc 21,25-26). Thế nhưng, đứng trước những ngày đen tối đó, Tin Mừng hôm nay lại lóe lên cho những ai tin cậy vào Chúa niềm hy vọng được cứu độ (x. Lc 21,28).

Người ta thường nói, đau khổ của người này biết đâu lại là niềm vui của kẻ khác. Điều này xem ra có phần tiêu cực, song, nếu xét đến tận cùng, nhiều khi nó cũng có phần đúng. Ví như khi các tín hữu bị bách hại, bị tra tấn, đánh đòn, bị giết chết vì Đạo thì những kẻ tra tay bách hại vui sướng biết chừng nào! Hay như lời tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay: Ngày khốn quẫn xảy đến khiến nhân loại hoang mang, kinh hãi, nhưng những người có niềm tin sẽ vui mừng vì biết rằng Thiên Chúa đang đến để cứu mình.

Mặc dù tinh thần bác ái Kitô giáo không cho phép chúng ta vui mừng khi kẻ thù gặp đau khổ, thế nhưng không “ngăn cấm” chúng ta hy vọng khi gặp thử thách gian nan. Nếu thực sự có niềm tin đủ lớn vào Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng chấp nhận đau khổ, không nao núng khi phải đối diện với những tai ương, những nỗi kinh hoàng khi ngày tận cùng của thế giới ập tới. Bởi chúng ta biết rằng, cuối cùng Chúa sẽ cứu chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đủ niềm tin cậy vào Chúa. Xin cứu độ chúng con như lời Ngài đã hứa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Sáu – Ngày 29 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Đn 7,2-14

Tin Mừng : Lc 21,29-33

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn. Người nói: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”

DẤU CHỈ THỜI ĐẠI

Quan sát cảnh sắc đất trời để đoán định về thời tiết là điều cần thiết, nhưng nhận ra các dấu chỉ thời đại từ cuộc sống thường ngày để định hướng cho đời sống đức tin là điều quan trọng hơn. Đây là đòi hỏi mà Chúa Giêsu đã đặt ra với các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay.

Các dấu chỉ báo hiệu Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến đều là tai họa: Giáo Hội bị bách hại, chiến tranh loạn lạc, thiên tai khủng khiếp…(x. Lc 21, 8-28). Đây là những điều người ta không mong đợi. Nếu đời sống đức tin chỉ dừng lại ở các dấu chỉ thì khó lòng chấp nhận những nghịch lý trớ trêu này, nhưng điều cần thiết hơn là qua các dấu chỉ để biết rằng Con Thiên Chúa sắp quang lâm, hầu chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng.

Khi nói: “Nước Thiên Chúa đã đến gần” thì có nghĩa là phải gấp rút chuẩn bị vì không còn nhiều thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, mà mọi thứ cần phải sẵn sàng. Người khôn ngoan thì tranh thủ thời gian để chuẩn bị, còn kẻ dại thì lo lắng bối rối và có khi buông xuôi.

Thái độ cần có đối với mọi tín hữu là sẵn sàng để đón chờ Nước Thiên Chúa qua việc tỉnh thức cầu nguyện, sám hối và canh tân đời sống. Các điềm báo trước về cuộc quang lâm của Đức Kitô thật kinh hoàng. Nếu ai thụ động không có sự chuẩn bị chu đáo thì bối rối sợ hãi, nhưng sẽ là niềm vui cho những người biết lo xa vì họ sẽ đứng thẳng và ngẩng đầu bởi sắp được cứu.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong một thế giới đầy biến động. Xin cho chúng con luôn vững tin vào lời Chúa, để không sợ hãi thất vọng, nhưng luôn tỉnh thức sẵn sàng. “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12).

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 30 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính (Đ).

Bài đọc : Rm 10,9-18

Tin Mừng : Mt 4,18-22

Khi ấy, Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

THEO TIẾNG MỜI GỌI

Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ để cộng tác với Người trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ. Các môn đệ đầu tiên là các ngư phủ ở biển hồ Galilê. Khi nghe Chúa Giêsu kêu gọi, họ bỏ ngư cụ lại và nhanh chóng bước theo Người.

Được kêu gọi để trở thành những “kẻ lưới người” tức là chung tay với Đức Giêsu trong việc loan báo về Nước Trời, nước của sự sống đời đời. Bản văn cho thấy, những người được kêu gọi đã nhanh chóng bước theo Đức Giêsu. Họ không lưỡng lự vì một sự khao khát nào đó tiềm ẩn vốn đã nung nấu trong lòng họ từ lâu.

Thái độ “lập tức” bỏ lại phía sau cả sự nghiệp và những người thân cho thấy sự dứt khoát của các môn đệ. Sự dứt khoát này cho thấy sự tin tưởng lớn lao mà các ông đặt nơi Thầy Giêsu, lớn đến nỗi các ông sẵn sàng đặt cược cả cuộc đời vào “ván bài” lưới người như lưới cá.

Hơn nữa, nối kết với lời mời gọi trước đó của Đức Giêsu: “Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17), chúng ta thấy được sự khẩn thiết từ lời của Đức Giêsu mời gọi nhân loại bước vào con đường đem đến sự sống. Các môn đệ ít nhiều hiểu được ý nghĩa cao cả của lời mời gọi, vì thế, họ đã mau mắn đứng dậy, bỏ mọi sự mà theo Chúa. “Lưới người” có thể hiểu là dẫn đưa nhân loại từ giữa biển đời hiểm nguy để đem vào cõi sống.

Chính mỗi người môn đệ cũng được kêu gọi hãy sám hối trước khi trở thành người giới thiệu về Nước Trời, người dẫn đưa những người khác đến với Chúa, đến với sự sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức mình là người được mời gọi và trách nhiệm của chúng con khi sống theo lời mời gọi của Chúa.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ, Năm C
Bài tiếp theoTHÁNH LỄ ĐỨC GIÁO HOÀNG ĐẾN THÁI LAN NGÀY 21/11/2019 TẠI SVĐ SUPHACHALASAI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.