Lời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ, Năm C

0
971

Bài Ðọc I: 2 Sm 5, 1-3

“Họ xức dầu phong Ðavít làm vua Israel”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng: “Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel'”.

Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ðavít làm vua Israel.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).

Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Ðáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Ðáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 1, 12-20

“Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Ðấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavid tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 23, 35-43

“Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người Này Là Vua Dân Do Thái”.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TỪ VUA VŨ TRỤ ĐẾN VUA TÂM HỒN

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

Thật khó để có thể xác định ai hay cái gì là vua khi con người ngày nay đội vương miện lên mọi thứ và tôn sùng những vị vua của tiền tài và danh vọng. Đâu sẽ là vương quyền thực sự của Đức Giêsu Kitô và Ngài sẽ hiển trị như thế nào giữa con người và trong vòng xoáy soán ngôi đoạt vị của con người trên trần thế?

Vua Giêsu Kitô là ai?

Tôi không muốn câu trả lời của tôi là một đáp án cho bạn, nhưng tôi mời bạn cùng tôi nhìn lại xuất thân của Vua Giêsu Kitô: Ngài Giáng Sinh một cách không thể nghèo hơn tại máng cỏ Bêlem, chật vật với kiếp người tại Nadarét, bị chống đối gắt gao bởi các thế lực chính trị và tôn giáo trong ba năm rao giảng Nước Thiên Chúa cho người Do Thái và cho dân ngoại, và cuối cùng, bị treo trên thập giá bằng một bản án bất công và cái chết nhục nhã. Danh hiệu Vua của Ngài được nhắc đến chóng vánh “Chính Thầy là Vua Israel” (Ga 1,49) hay vào phút cuối đời để mua vui cho bọn lính canh, “Tâu vua Do Thái!” (Ga 19,3), giễu cợt của quan quyền, “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” (Lc 23,37) và câu hỏi như thừa của Philatô “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” hay “Vậy ông là vua ư?” (Ga 18,33;37). Bạn có lẽ sẽ thất vọng và tự hỏi: Ngài là vua sao?

Đúng và rất đúng. Ngài là Vua trong một kế hoạch nhiệm mầu mà “tư tưởng của Thiên Chúa không như tư tưởng của người phàm” (Mt 16,23; Is 55,8-9). Danh hiệu Đấng Mêsia hoặc Đấng Kitô không chỉ đơn thuần là “người được sức dầu,” để cứu dân Do Thái theo nghĩa hẹp hòi trần thế của người đương thời (Lc 24,21), để đóng khung Ngài trong cái lồng chính trị và chiêu trò tôn giáo của trần thế nhiễu nhương. Người ta đã quên đi bao lời nói tiên tri về Vua Giêsu Kitô thời Cựu Ước (Xh 12,3; 2 Sm 7,13; Is 7,14; 9,6; 53,3…) về một vị vua sắp sinh trong ngày xuất hiện vì sao lạ ở phương đông (Mt 2,2 ) và cũng quên đi bao việc lạ lùng, ý nghĩa và thiết thực kèm với nghĩa cử đầy yêu thương của một Con Người có uy thế trước mặt Thiên Chúa và toàn dân (Lc 24,20). Ngài chỉ có một mục đích duy nhất: Kêu gọi sám hối và rao giảng Nước Thiên Chúa (Mt 4,17; 6,10) bằng cách vâng lời theo Đấng đã sai mình (Ga 4,34). Người ta không nhận ra Ngài bởi vì Ngài chẳng bao giờ diện trong áo mão long bào, không ở trong lâu đài dinh thự, và cũng không có kẻ hầu người hạ. Người ta chưa nhận ra Ngài vì sức mạnh của thế gian và lề thói xã hội vẫn còn quá nặng nề và che khuất Đấng Thiên Sai. Ngài là vua sao?

Đúng! Ngài là Vua rất bình dị và hòa nhập trong một thế giới đầy sự đố kỵ, ghen ghét, bè phái, ích kỷ, và nhất là loại trừ nhau. Ngài trở nên bình dị như bao người để có thể đến với mọi người như cách mà Ngài “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,7) để loan truyền thông điệp của tình yêu của Thiên Chúa say mê con người và Ngài muốn gần gũi họ. Vậy mà, người ta muốn phong Ngài là vua theo viễn cảnh trần thế uy quyền và lợi lộc; thực ra, Ngài rất gần gũi chúng ta như một “Người Anh Cả” của một đàn em đông đúc (x. Rm 8,29). Vua Kitô không đơn thuần đến để cứu vớt một dân tộc, một nhóm người nhưng cứu vớt cả vũ trụ này vì nhờ Người mà “muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình” (x. Rm 11,36; Cl 1,12-20). Ngài là Vua vũ trụ.

Vua vũ trụ

Tại sao danh hiệu này lại quan trọng? Năm 1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã khẳng định lại vương quyền của Đức Kitô ngay sau khi ngài được chọn làm Giáo Hoàng để trả lời và cảnh tỉnh cho một thực tế hỗn loạn và tang tóc vừa diễn ra trên cục diện toàn cầu: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914-1918) vừa kết thúc. Nó là cơn ác mộng kinh hoàng vừa diễn ra thực sự cuốn theo cuộc khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, đói khát, chết chóc tràn lan, và hận thù giữa các dân tộc. Nó phản ánh một kết cục đen tối và kết quả nhãn tiền của một thế giới mà không ai chịu ai; ai cũng muốn làm vua, muốn bá chủ thế giới, và từ chối Thiên Chúa để chạy theo chủ nghĩa thế tục, tôn sùng vật chất, đầu cơ trục lợi, và hy vọng hão huyền của cường bạo thế gian.[1]

Đối lại, nhìn ở góc độ tâm linh, Đức Ki tô là Vua vì “nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Ngài là Vua của hòa giải, tha thứ và muốn qui tụ muôn người trong gia đình của Thiên Chúa. Ngài đã hứa trong Tin Mừng: Lời của Ngài sẽ không bao giờ qua đi; Ngài bảo đảm sự sống vĩnh hằng cho ai tin và kết hiệp mật thiết với Ngài; Ngài trao ban mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người, Ngài ban Thánh Thần cho thế gian; Ngài xét xử thế gian (Mt 25,31-32) … bởi vì vương quyền của Ngài tồn tại đến muôn đời muôn thuở (Đn 7,14). Vương quyền ấy xuất phát từ Chúa Cha bởi vì Ngài và Chúa Cha là một (Ga 10,30).

Tuy nhiên, những điều chúng ta biết về Ngài trên đây và qua Kinh Thánh, sách vở sẽ không thực sự phát huy nếu chúng ta không để cho Đức Kitô có một chỗ đứng trong tâm hồn chúng ta.

Vua tâm hồn

Đức Kitô là vua tâm hồn sẽ giúp chúng ta thực hiện những điều tốt đẹp để cùng Ngài xây dựng Nước Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói, “Nước Thiên Chúa không cốt ở tài ăn nói, nhưng ở quyền năng” (1 Cr 4,20). Đó là quyền năng đã được chứng minh bằng cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu nơi trần thế, bằng việc làm cụ thể và thuyết phục bên cạnh những lời rao giảng đầy thách đố. Sứ mạng cứu độ của Ngài bao gồm trong sự toàn vẹn của Thiên Chúa. Ngài cứu chúng ta trong mọi cấp độ, đạt đến kết quả hoàn hảo, và vì vậy, rất đáng tin cậy.[2] Ngài xứng đáng là Vua ngự trị trong tâm hồn mọi người. Hãy sùng kính Thánh Tâm Ngài để chúng ta trở nên hoàn hảo trong cung cách tôn thờ và sống đạo. Chúng ta sẽ hiểu sự viên mãn của Nước Trời khi chúng ta biết rằng vào thời sau hết “Thần Khí sẽ tuôn tràn, khi vũ trụ tạo vật nên toàn vẹn, khi các tôi tớ của Thiên Chúa được đầy tràn Thánh Thần sẽ xuất hiện để mang công lý về cho các dân tộc, khi công lý ngự trị trên mặt đất, khi không còn chiến tranh, khi sư tử nằm với chiên, khi công lý và hòa bình sẽ hôn nhau—nói cách khác, khi thánh ý Chúa hoàn toàn được thể hiện dưới đất cũng như trên trời, và hạnh phúc cùng với ơn cứu độ dành cho loài người và muôn tạo vật được bảo đảm.”[3] Ngày ấy sẽ đến khi mỗi người thừa nhận vương quyền của Đức Kitô trong tâm hồn để thắng những “tham sân si” [tam độc: tham lam, giận giữ và ngu tối] của thế gian: vua danh, vua bài, vua lạc thú, vua cá độ, và hàng trăm vua khác. Đức Kitô Vua của tâm hồn cần đẩy lui những vương quyền kiểu như thế của thế gian để Nước Chúa thực sự trị đến…

Hãy dành một chỗ cho Vua Kitô trong trái tim chúng ta để Ngài dẫn chúng ta cùng với mọi người về Vương Quốc tình yêu, thái bình và thịnh vượng không bao giờ tận cùng của Thiên Chúa. Mặc dù không bao giờ là quá trễ nhưng bạn đã sẵn sàng chọn Ngài là Vua tình yêu của lòng bạn ngay hôm nay và mãi mãi?

[1] https://www.osv.com/OSVNewsweekly/Story/TabId/2672/ArtMID/13567/ArticleID/9754/The-Solemnity-of-Christ-the-King.aspx

[2] Michael Green, Who Is This Jesus? (Nashville, TN: Thomas Nelson Publishers, 1992), 39.

[3] Elizabeth Johnson, Consider Jesus: Waves of Renewal in Christology (New York: Crossroad, 1990), 75.

 

Bài trướcSỨ ĐIỆP ĐTC PHANXICÔ GỬI GIỚI TRẺ VIỆT NAM 2019
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXXIV – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây