Thường Niên – Tuần XXXIII – Năm C

0
379

Chúa Nhật – Ngày 17 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Kính Trọng Thể

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Bài đọc 1 : Ml 3,19-20a

Bài đọc 2 : 2Tx 3,7-12

Tin Mừng : Lc 21,5-19

[…] “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy o sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

LÀM CHỨNG

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay báo trước cho các môn đệ biết về thời kỳ Giáo Hội sẽ bị bắt bớ. Họ sẽ bị người đời ghét bỏ, bỏ tù, giết chết, và còn bị chính người thân hữu bắt nộp. Nhưng tất cả những điều gian khó đó là cơ hội để họ làm chứng cho Ngưởi. Ai kiên trì bước theo chân Chúa sẽ giữ được mạng sống của mình.

Hôm nay chúng ta long trọng mừng kính lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, kính nhớ những anh hùng, những người con ưu tú của Giáo Hội đã đổ máu đào để làm chứng cho Chúa. Nhìn vào đời sống chứng nhân của các ngài, chúng ta mới cảm nghiệm được lời Chúa Giêsu nói rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em…” (Lc 21,12). Lời của Chúa Giêsu quả thực đã ứng nghiệm nơi cuộc đời của các Thánh Tử Đạo. Các ngài đã mạnh mẽ, can đảm hy sinh để làm chứng cho Chúa và để minh chứng rằng các ngài yêu mến và trung tín với Chúa cho đến cùng.

Trong thời đại hiện nay chúng ta ít khi bị áp bức, bắt bớ, bách hại, giết chết như những bậc tiền nhân. Thế nhưng, đức tin của chúng ta lại dễ bị lung lay bởi cám dỗ về những thứ thuộc về thế gian. Nếu không kiên trì và trung tín với Chúa, chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy của cơn khủng hoảng đức tin trong xã hội tôn thờ vật chất này. Chúng ta không bị bắt bớ hay giết hại, nhưng đức tin của chúng ta có thể bị “bóp nghẹt” bởi của cái thế trần.

Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam giúp chúng ta luôn  kiên trì, can đảm, hy sinh và vững tin vào Chúa, để có thể trở nên nhân chứng đích thực cho tình yêu của Chúa Giêsu giữa thế giới này.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một đức tin vững mạnh để con đủ can đảm đối diện với những cảm dỗ và thử thách mà làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời này.

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Thứ Hai – Ngày 18 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Cung hiến thánh đường thánh Phêrô và thánh đường thánh Phaolô (Tr).

Bài đọc : 1 Mcb 1,10-15.41-43.54-57.62-64

Tin Mừng : Lc 18,35-43

Khi Đức Giêsu gần đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi !” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” Đức Giêsu nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

XIN XÓT THƯƠNG CON

Dù không nhìn thấy nhưng anh chàng mù thành Giêricô lại để ý lắng nghe nên đã biết về Đức Giêsu. Vì thế, việc Người đi vào thành là cơ hội để anh ta kêu van lòng thương xót với ước nguyện được chữa lành đôi mắt.

Trong khi vào thành Giêrikhô, Đức Giêsu nghe tiếng kêu xin của người mù bên vệ đường, và trong tiếng kêu ấy ẩn chứa một niềm tin mãnh liệt: “Lạy Con vua Đavít xin rủ lòng thương tôi”. Cũng như thường lệ, Đức Giêsu không thể không động lòng trước những lời van xin tha thiết. Ngài đã chữa lành và giúp anh thoát khỏi tình trạng mù loà.

Ngày nay cũng có biết bao người đang bị mù lòa, không những về mặt thể lý, nhưng còn về mặt tinh thần nữa. Họ cũng cần được chữa lành để trở về với cuộc sống như bao người khác. Có lẽ họ cũng kêu xin để hy vọng tìm gặp được “một Đức Giêsu khác” có thể đem đến cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn.

Là những người theo Đức Kitô để trở nên môn đệ của Ngài, chúng ta không hy vọng có được quyền năng chữa lành bệnh tật như Ngài, nhưng chúng ta học nơi Ngài về sự quan tâm đến những người nghèo khổ và tật nguyền. Chúng ta không có khả năng chữa người ta thoát khỏi cái mù thể lý, nhưng chúng ta có thể chữa họ thoát khỏi cái mù tinh thần, nghĩa là đem đến cho họ một niềm hy vọng nhờ đó họ có thể cảm thấy cuộc sống này còn có ý nghĩa và đáng sống hơn.

Lạy Chúa, xin cho con biết chạy đến với Ngài để được Ngài chữa lành mỗi khi đôi mắt con bị mù trong những đam mê ảo ảnh phù du. Và một khi được sáng mắt, xin cho con cũng biết quan tâm giúp đỡ những ai đang bị mù loà về tinh thần.

Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD

Thứ Ba – Ngày 19 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Bài đọc : 2Mcb 6,18-31

Tin Mừng : Lc 19,1-10

[…] Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

LÙN THỂ XÁC- LÙN TÂM HỒN

Ông Dakêu trong bài Tin mừng hôm nay được miêu tả là một người lùn. Vì lùn, ông không thể chen lấn vào trong đám đông mà đã phải leo lên cây sung để được nhìn thấy Chúa Giêsu. Tuy lùn về mặt thể lý, nhưng ông lại có chiều cao tâm hồn. Dù bị bủa vây bởi tiền bạc, danh vọng trong cái nghề thu thuế của mình, nhưng tâm hồn ông vẫn luôn hướng về những điều cao cả, tốt đẹp; rồi khi có cơ hội, ông đã tìm cách để thể hiện niềm khát khao đó của mình.

Sinh ra trên cõi đời này, mỗi chúng ta có những chiều cao khác nhau. Chúng ta không than thân trách phận cho chiều cao thể lý khiêm tốn của mình, vì đó không phải lỗi của chúng ta. Thế nhưng thật đáng trách nếu chúng ta lại để cho tâm hồn mình bị “lùn”, vì đó là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta. Thiên Chúa ban cho mỗi chúng ta một khả năng để hướng đến những thiện hảo, tốt đẹp. Do đó, ngoài việc lo lắng cho cuộc sống trần thế này, chúng ta còn phải hướng về cuộc sống mai sau, tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm ơn cứu độ.

Trong cuộc sống, nhiều khi tâm hồn chúng ta cũng bị “còng”, bị “lùn” vì những đam mê, thú vui trần gian. Chúng ta đang trở thành những kẻ “lùn” về đời sống tinh thần. Bắt chước ông Dakêu, chúng ta hãy rũ bỏ gánh nặng của những đam mê và thú vui trần gian, để hướng đến những thực tại cao cả và giá trị hơn cuộc sống đời này; đó chính là Nước Chúa, là ơn cứu độ của chúng ta.

Lạy Chúa, xin tạo cho chúng con một tâm hồn siêu thoát, hướng thượng, để chúng con biết từ bỏ những đam mê trần gian mà hướng về Nước Trời là hạnh phúc vĩnh cửu của chúng con.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Thứ Tư – Ngày 20 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Bài đọc : 2 Mcb 7,1.20-31

Tin Mừng : Lc 19,11-28

Khi ấy, dân chúng đang nghe Đức Giêsu, thì Người kể thêm cho họ một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’ “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ Ông bảo người ấy: ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành […]

SINH LỜI

Mỗi người khi sinh ra đều được trao cho một số vốn nhất định. Số vốn của mỗi người có thể ít nhiều khác nhau, nhưng ai cũng có trách nhiệm sinh lời cho mình, cho người, cho đời và cho Thiên Chúa. Hai phẩm chất quan trọng đối với người biết sinh lời là “tài giỏi” và “trung thành”.

Trước hết, để có thể sinh lời, người đầy tớ phải “tài giỏi”. Tài giỏi không chỉ có nghĩa là vén khéo, khôn ngoan, biết tính toán, mà quan trọng hơn là không biếng nhác, sợ sệt khi nhận được số vốn của chủ; đó là người can đảm, nhiệt thành, biết đưa đồng vốn của ông chủ ra làm ăn sinh lời chứ không chôn sâu giấu kỹ.

Sau nữa, phẩm chất quan trọng hơn đối với người đầy tớ là sự “trung thành”. Thật vậy, nén bạc ông chủ giao không phải là một số tiền lớn (khoảng 100 quan, tương đương với 100 ngày công), nhưng người đầy tớ vẫn “trung thành”, trung thành “trong việc rất nhỏ”. Vì trung thành, người đầy tớ sẵn sàng làm hết khả năng để sinh lợi dù số vốn được giao ít hay nhiều. Sự trung thành trong việc nhỏ là thước đo để ông chủ giao cho anh công việc lớn.

Mỗi chúng ta đều được Thiên Chúa trao cho một số vốn, ít hay nhiều tuỳ người và Chúa cũng dành cho chúng ta đủ thời gian để làm cho số vốn đó sinh lời. Điều Chúa chờ đợi chúng ta không phải là sinh lời nhiều hay ít mà là biết vận dụng sự “tài giỏi” và “trung thành” để biến số vốn của Ngài thành hoa trái cho mình, cho tha nhân, cho cuộc đời này và cho Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhiệt thành và trung tín sinh lời số vốn Chúa ban cho chúng con.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thứ Năm – Ngày 21 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ.

Lễ nhớ. (Tr).

Bài đọc : Dcr 2,14-17

Tin Mừng : Mt 12,46-50

Khi ấy, Đức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG

Gia đình như một tế bào của xã hội. Không có gia thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được. Chính vì vậy, muốn xã hội tốt thì phải xây dựng gia đình tốt. Tuy nhiên những điều này chỉ là trên bình diện xã hội; còn theo bài Tin Mừng hôm nay thì gia đình lại mang một ý nghĩa sâu rộng hơn trong nhiệm cục cứu độ.

Chúa Giêsu đặt một câu hỏi xem ra có vẻ khó hiểu nếu không nói là rất lạnh lùng đối với các thành viên trong gia đình, anh em họ hàng của Người: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?”. Nghe qua ta cảm thấy như Người đang phủ nhận chính gia đình của mình, nơi mà Người được sinh ra và lớn lên, và nghe có vẻ Đức Giêsu tàn nhẫn với mẹ của Người. Tuy nhiên, thông qua câu chuyện, Chúa Giêsu muốn cho con người hiểu rằng: Những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì trở thành con cái của một gia đình rộng lớn hơn: gia đình Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu và các môn đệ của người đã làm thành một gia đình mới nhờ mối dây liên kết trong sự vâng phục ý Cha trên trời. Đây chính là một gia đình thiêng liêng, là một cộng đoàn dân Chúa mới, thay thế cho thế hệ cứng lòng tin, không chịu đón nhận Ngài.

Ngoài ra, một cách gián tiếp, chính Chúa Giêsu đã ca tụng thân mẫu của Người. Vì hơn ai hết, nhờ thái độ tin tưởng và vâng phục thánh ý Thiên Chúa mà Đức Maria trở thành Mẹ của Chúa Giêsu. Mẹ trở nên mẫu mực cho những người có lòng tin và sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật hạnh phúc vì được Chúa kêu mời sống trong gia đình của Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức việc thi hành thánh ý của Thiên Chúa qua các việc làm thánh thiện hầu lôi kéo nhiều người vào gia đình Thiên Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD

 Thứ Sáu – Ngày 22 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo.

Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc :  1Mcb 4,36-37.52-59

Tin Mừng : Lc 19,45-48

Khi ấy, Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !”

Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

ĐỀN THỜ

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cảnh Đức Giêsu vào Đền Thờ, xua đuổi tất cả những người buôn bán và nói với họ: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sao huyệt của bọn cướp” (Lc 19,46). Hành động của Đức Giêsu cho thấy quyền bính của Ngài trong việc thanh tẩy để Đền Thờ thực sự xứng đáng là nơi phụng sự Thiên Chúa.

Từ khi được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, và hơn nữa là Bí Tích Thêm sức, mỗi người chúng ta trở nên đền thờ cho Chúa ngự, như lời thánh Phaolô: “Anh em lại chẳng biết thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19). Vậy mà nhiều khi chúng ta đã quên đi sự cao quý của đền thờ là chính thân xác chúng ta.

Thật vậy, giữa bộn bề cuộc sống nhiều khi chúng ta không ý thức điều đó và vì nghĩ rằng thân xác thuộc về chính mình nên chúng ta thường chiều theo những đam mê và cám dỗ của thân xác. Hơn nữa, chúng ta còn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và chính Thiên Chúa ngự nơi thân xác chúng ta. Do đó, thân xác chúng ta có những giá trị thiêng liêng cao quý vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Những lúc chúng ta sa ngã, phạm tội chính là lúc chúng ta làm mất đi hình ảnh Thiên Chúa nơi mình, và đền thờ Thiên Chúa ngự bị hoen ố.

Lời Chúa hôm nay là lời nhắc nhở chúng ta thường xuyên thanh tẩy đền thờ bằng một đời sống thánh thiện để xứng đáng là nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa; đồng thời, biết tôn trọng thân xác mình cách xứng hợp, cũng như tôn trọng thân xác và phẩm giá tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức thân xác chúng con là hình ảnh, là đền thờ nơi Thiên Chúa ngự. Từ đó chúng con có thể tôn trọng chính bản thân chúng con và tha nhân.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Bảy – Ngày 23 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Thánh Clementê I, giáo hoàng, tử đạo.

Bài đọc :  1 Mcb 6,1-13

Tin Mừng : Lc 20,27-40

[…] Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

CHỨNG NHÂN CHO NIỀM HY VỌNG PHỤC SINH

Là những Kitô hữu, chúng ta không còn đặt vấn đề liệu kẻ chết có sống lại hay không nữa. Bởi vì việc kẻ chết sống lại vào ngày sau hết là điều chúng ta tuyên xưng liên lỉ, ít là qua kinh Tin Kính, và sau nữa là qua thực hành hy sinh, cầu nguyện cho các linh hồn. Điều còn lại là, chúng ta sống thế nào trước mầu nhiệm ấy, mầu nhiệm gắn chặt với sự sống đời đời của chúng ta.

Đức Giêsu trích dẫn sách Xuất Hành để bác bỏ sự hiểu biết ngây ngô về sự sống lại của nhóm Xađốc, để chứng tỏ Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống khi Người được gọi là “Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp” (Xh 3,6). Lời Kinh Thánh này quy chiếu về một sự kiện quyết định của giao ước mà qua đó Thiên Chúa cam kết sẽ mãi trung thành với những kẻ Người tuyển chọn, cách riêng là dân Israel, ngay cả sự chết cũng không gián đoạn được.

Là những người đã kết ước với Thiên Chúa qua phép Rửa Tội, nhưng chúng ta cũng chính là những người thường bất trung với giao ước ấy khi sống nghịch với Tin Mừng. Tệ hơn, trước cái ác và bất công, chúng ta thường hay tự an ủi rằng: ai rồi cũng chết và kẻ làm điều ác sẽ phải đền tội, và ta lấy thế làm thoả mãn. Nhưng Chúa có muốn vậy đâu, Người muốn kẻ gian ác ăn năn để được sống (x. Ed 33,11). Bởi đó, niềm tin vào sự phục sinh của kẻ chết phải thúc đẩy chúng ta trung thành với giao ước và càng ngày càng làm cho ý muốn của chúng ta nên đồng dạng với ý muốn của Chúa, thêm kiên tâm bền chí trong việc lành (x. 1Cr 16,58), để đời sống chúng ta là dấu chứng của niềm hy vọng phục sinh cho kẻ khác, ngay cả cho kẻ ác.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống sung mãn niềm hy vọng phục sinh từng ngày.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, tuần 33 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoVIDEO: HOAN CA TRUYỀN GIÁO – SVD 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.