Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, tuần 33 Thường Niên – Năm C

0
365

Bài Ðọc I: Ml 4, 1-2a

“Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

“Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 5-6. 7-8. 9

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực (x. c. 9).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. – Ðáp.

2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. – Ðáp.

3) Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tx 3, 7-12

“Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thế nào, bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”. Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Ðối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 24, 42a và 44

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 5-19

“Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: ‘Chính ta đây và thời giờ đã gần đến’. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

CHỜ CÓ MỘT NGÀY …

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

… được trang hoàng bằng những viên đá đẹp

Đá đẹp thì được gom nhặt và đưa về ngay. Được dựng trước cổng nhà hay dọc bờ tường, trong vườn hay trong công viên. Và để trang hoàng Đền Thờ, như người Do Thái đã làm. Được xây dựng đầy nghệ thuật, nguy nga lộng lẫy nên công trình này được tính vào một trong bảy kỳ công thế giới thời cổ đại, đáng được chiêm ngưỡng. Chính vì thế người Do Thái nói: “Ai chưa nhìn thấy Giêrusalem trong vinh quang của nó, người đó chưa nhìn thấy niềm vui trong đời mình. Ai chưa nhìn thấy Thánh Địa trong những thành tựu của nó, người đó chưa hề thấy một thành phố kiêu sa duyên dáng.”[1]

Đối lại lời ngưỡng mộ nồng nàn của dân chúng là một lời tiên báo tai họa của Đức Giêsu: Đền Thờ sẽ “bị tàn phá hết” (Lc 19,43). Niềm tự hào và niềm vui của Israel sẽ kết thúc như vậy. Một lời thật khó tin, nghe như một tiên báo ngày tận thế trong tai những người Do Thái. Nhất là vì Đền Thờ là trung tâm tôn giáo, là Thánh Địa, nơi bảo đảm sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Nhưng Thiên Chúa không nhìn vào những viên đá đẹp và những của lễ dâng cúng quý giá. Trái lại, Chúa tìm những con người mà cuộc sống của họ tỏ hiện rõ sự hiện diện của Người trong đó. Khám phá ra rằng chính mình là Đền Thờ của Thiên Chúa, làm nên ơn gọi to lớn, và đồng thời là nhiệm vụ hấp dẫn nhất của đời môn đệ Đức Kitô (x. 1 Cr 3,16tt).

… coi chừng kẻo bị lừa gạt

Đối với thánh Luca thì việc phá hủy Đền Thờ là một biến cố đã xảy ra rồi; là quá khứ khi Ngài viết Tin Mừng. Vậy nên đáng quan tâm hơn là bước tiếp theo, sau khi Đền Thờ đã bị phá hủy và ngày tận thế chưa đến. Đó là các câu hỏi liên quan đến thời điểm “các sự việc đó sẽ xảy ra” cũng như các “điềm báo trước”. Các môn đệ và chúng ta muốn biết câu trả lời, bởi vì phải sống trong tình trạng không chắc chắn gây lo âu sợ hãi, lấy đi hết mọi hứng thú và gây tê liệt dần.

Đến đâu hay đó là một triết lý sống đến từ sự thích nghi vào một thế giới bất định như vậy. Trong đó, con người phải học cam chịu và chấp nhận vai thụ động. Khi không làm chủ và tự quyết định được cho đời mình, không được tôn trọng và lắng nghe, người ta cũng khó có được những suy nghĩ tích cực và sáng tạo. Một tầm nhìn thật dài khó có thể phát triển trong bầu khí như vậy – khi tôi không thể định hướng tương lai dài lâu.

Nhưng ai chờ đợi một kết quả cụ thể ở đây thì phải thất vọng. Câu hỏi về thời điểm và các điềm báo không được trả lời. Chỉ có lời hướng dẫn cho những ai chờ đợi ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô. Cuộc gặp gỡ với “Người trở lại” là mục đích được hướng đến của cuộc đời người theo Chúa. Chúa đến mở cửa dẫn vào tương lai. Ngày Quang Lâm của Chúa là hình ảnh cho sự thỏa đáp tất cả những gì con tim chúng ta chờ đợi khát khao, ước mơ và ham muốn cho mình, cho người thân và cho lịch sử nhân loại – cả những “niềm nhớ không tên” của đời tôi.

Cần đặt tên cho chúng, nghĩa là lôi chúng vào ánh sáng, vào ý thức, để chúng không còn như những kẻ ẩn danh vô hình đứng sau xúi giục, thúc đẩy và lừa gạt. Vậy cần một lần tự hỏi mình: Tôi (còn) ham muốn, khát khao, mơ ước hay chờ đợi gì nữa không? Hay tôi hài lòng với hiện trạng của cá nhân và của thế giới chung quanh? Nếu “Đền thờ đời tôi” bị phá hủy thì tôi còn lại gì?

Thực tế là ai nóng lòng ngóng trông sự thỏa đáp ngay liền những khát khao, muốn thay đổi nhanh hiện trạng của mình, thì cũng dễ trở thành nạn nhân của những lường gạt. Đó là những hứa hẹn mang lại kết quả vượt kỷ lục bằng con đường ngắn và đơn giản nhất. Hứa cho thành tích lớn mà không cần học hành và tập luyện kham khổ, rằng chỉ cần đầu tư ít mà lãi thật nhiều thật nhanh. Mọi cám dỗ và tệ nạn như tham nhũng và hối lộ, cả các chủ nghĩa không thật, xây trên những ước mơ đi tắt, đón đường, vượt giai đoạn để đến đích lớn. Chúng được nuôi từ sự “nóng lòng” này. Hậu quả là bất công, gian dối, bạo lực, khước từ nhân quyền và bình đẳng, coi nhẹ nhân phẩm và sự tụt hậu của đất nước và con người.

Một sự lừa gạt khác đến từ quan niệm cho rằng hiện thực sẽ mãi mãi như vậy, đời đời không thay đổi gì cả. Thật vậy, đối diện với những cơ chế đè nặng trên con người từ nhiều thập kỷ, người ta đã thích nghi và buông bỏ giấc mơ sẽ có một đổi thay tích cực tận căn. Những thông tin hằng ngày về những tiêu cực không giúp nhìn lạc quan hơn. Cái ác, sự dữ trong mọi hình hài của chúng tỏ vẻ như mạnh hơn và không có gì gây ảnh hưởng trên chúng được. Những hứa hẹn sửa mình không được thực hiện làm mất hết niềm tin. Và đây chính là điều đáng sợ nhất. Vì không còn tin tưởng nhau thì mọi sự có thể xảy ra. Không ngạc nhiên, rằng con người sống trong một thế giới như vậy nhìn quanh chỉ thấy tận thế. Hỏi ai sẽ làm chứng cho sứ điệp cứu độ?

Cơ hội làm chứng

Đức Giêsu nhìn thật xa vào trong tương lai. Thế giới sẽ đổi thay, những tàn phá sẽ xảy đến, bách hại không tránh khỏi. Trong mọi thời, ai sống trung thành với niềm tin vào Đức Kitô – nghĩa là trung thành với tiếng lương tâm, với bản thân – sẽ luôn là đối tượng của loại trừ, thù hận, bắt bớ và giết chóc. Thế giới luôn khó chịu với những người muốn sống “là chính mình”, không bằng lòng với việc thay chỗ của Thiên Chúa bằng một thần thánh hay quyền lực khác. Đi con đường dẫn đến sự thật sự sống có tên là Giêsu Kitô một cách triệt để, thì người môn đệ luôn phải tính với sự hiềm khích và thù hận, ngay từ trong gia đình. Bị chống đối và phản bội bởi những người thân cận sẽ không là điều gây ngạc nhiên.

Sức mạnh chịu đựng và sự trung thành đến từ xác tín rằng: Chính tôi là Đền Thờ Thiên Chúa. Ý thức rằng Chúa ở giữa đời mình, nên nhìn thấy cơ hội “làm chứng cho Thầy” trong những biến động và thách đố đến từ bên ngoài. Biết rằng sự thật là con đường ngắn nhất để tới đích đòi cái giá của nó. Sự sống thật đến từ sự kiên trì (Lc 21,19) từ ngày qua ngày, chứ không qua một lối đi tắt nào khác. Muốn vững bền để vươn cao thì tôi cần một nền tảng sâu chắc, được tích góp qua sự trung thành mỗi ngày trong một đoạn đường dài.

Khi thực tế mang màu u ám của tuyệt vọng, chúng ta cần học đổi cách nhìn như ngôn sứ Malakhi: nhìn từ Ngày Quang Lâm. Từ viễn ảnh đó đời sống nhận một ý nghĩa khác, hy vọng có thể vươn lên khi biết rằng vào ngày đó “Mặt trời công chính sẽ mọc lên”, và mọi vết thương đời sẽ được chữa lành (Ml 3, 20).

[1] Alois Stöger, Das Evangelium nach Lukas, 2. Teil. (Geistliche Schriftlesung), Düsseldorf 1966, 190.

 

Bài trướcSứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày thế giới người nghèo lần thứ ba
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXXIII – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.