Thường Niên – Tuần XXXI – Năm A

0
293

Chúa Nhật – Ngày 05 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Bài đọc 1 : Ml 1,14b-2,2b.8-10

Bài đọc 2 : 1Tx 2,7b-9.13

Tin Mừng : Mt 23,1-12

[…] Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘rápbi’. “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘rápbi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

TRỞ NÊN KHIÊM NHƯỜNG

Muốn được người khác thừa nhận và khen ngợi là một nhu cầu bình thường và tự nhiên của con người. Nhưng nếu làm mọi việc để gây sự chú ý và cố tình tìm kiếm sự ca tụng của người đời thì lại là một sự lệch lạc theo cái nhìn của Chúa Giêsu.

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy rõ cách mà các kinh sư và người Pharisêu, những hạng người có quyền hành, học thức, và địa vị, cố ý đề cao bản thân mình. Họ mắc căn bệnh đạo đức giả nên thích làm những gì bề ngoài cốt để cho người ta thấy nhằm thể hiện giá trị trước mặt mọi người. Nhưng giá trị con người không do những thứ này đem lại.

Giáo Hội cho chúng ta một cách nhìn tương tự: giá trị con người không tùy thuộc vào những gì ta sở hữu nhưng nơi bản chất đích thực của ta. Đó là phẩm chất cao đẹp và lòng đạo đức của mình.

Cách duy nhất mà Chúa dạy chúng ta hôm này là biết sống thực và khiêm nhường như Chúa thường dạy các môn đệ. Đó là hạ mình phục vụ tha nhân như người tôi tớ: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11). Là Kitô hữu, ta không thể thiếu vắng sự khiêm nhường trong cách sống, như lời thánh Bênađô đã xác tín: “Lời rao giảng quan trọng nhất của Đức Kitô chính là sự khiêm nhường”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng tìm kiếm vinh quang trần thế cho mình bằng những hình thức giả tạo nhưng biết dấn thân phụng sự tha nhân theo lời dạy của Chúa để tha nhân được sống và sống dồi dào.

Phêrô Nguyễn Trọng Đường

Thứ Hai – Ngày 06 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Bài đọc : Rm 11,29-36

Tin Mừng : Lc 14,12-14

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

AI DẠI – AI KHÔN

Theo lẽ đời, trong mối tương quan xã hội, người được kể là khôn ngoan thì biết giao lưu với hạng quyền quý, giàu sang. Còn kẻ khờ dại lại làm điều ngược lại, lấy tiền bạc mà kết bạn với những người cơ hàn. Đó là quan niệm của người thế tục, còn đối với Chúa Giêsu thì sao? Phải chăng người cũng đồng tình với quan điểm này?

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu có một cái nhìn hoàn toàn trái ngược với người đời. Thông thường, khi mở tiệc, chúng ta thường mời gia đình, bạn bè và tiếp đến là những vị khách chức cao quyền thế. Vậy mà Chúa Giêsu lại dạy chúng ta nên ưu tiên cho những người nghèo khổ, què quặt, đui mù. Vậy ra Chúa dạy chúng ta làm những việc dại khờ ư? Chắc chắn là không phải rồi. Ở đây Chúa Giêsu muốn tiết lộ cho con người một chân lý: Hễ ai tìm kiếm mưu lợi hạnh phúc đời này, thì sẽ nhận được con số không trong cuộc sống mai hậu; ngược lại, những ai sống cho đi bằng một tinh thần quảng đại, sẽ nhận được gấp trăm trong ngày kẻ chết sống lại.

 Lạy Chúa Giêsu, ước gì trong ngày sau hết, lễ phẩm con dâng Ngài không phải là đôi bàn tay đầy những gì con đã nhận lãnh, tích góp từ thế gian, nhưng nguyện mong đôi bàn tay trở nên dơ dáy, trống không. Dơ dáy bởi vì con luôn đụng chạm với người cơ hàn, trống không bởi con đã cho đi tất cả.

Phêrô Hoàng Văn Toàn

Thứ Ba – Ngày 07 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Bài đọc : Rm 12,5-16a

Tin Mừng : Lc 14,15-24

Khi ấy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu rằng: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’ “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’ Đầy tớ nói: ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ Ông chủ bảo người đầy tớ: ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.’”

TIỆC NƯỚC TRỜI

Trong cuộc sống, ai cũng thích được mọi người quí mến và tôn trọng; ai cũng cảm thấy rất hãnh diện khi được mời đến dự các bữa tiệc lớn, những bữa tiệc sang trọng. Chúa Giêsu lại muốn hướng con người đến một bữa tiệc khác, bữa tiệc Nước Trời.

Nước Trời giống như một bữa tiệc. Chính Thiên Chúa đã dọn sẵn bữa tiệc và mong muốn mọi người chúng ta cùng được dự bữa tiệc ấy, nơi hạnh phúc trọn vẹn và cũng là cùng đích của cuộc đời mình.

 Thật vậy, hạnh phúc Nước Trời là hạnh phúc viên mãn và trường tồn hơn tất cả mọi thứ ở trần gian này. Thế nhưng, mỗi người chúng ta thường dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những thú vui trước mắt, mà dễ dàng đánh mất hạnh phúc sâu xa ấy. Ngày nay, không ít người xin kiếu hoặc chần chừ trước lời Chúa mời gọi. Kiếu vì ham mê của cải hơn là chọn Chúa; kiếu vì bận rộn công việc không còn giờ cho Chúa; kiếu vì tình yêu dành cho thế gian, cho thú vui, cho đam mê, hơn là tình yêu Chúa. Thiên Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta.

Ước gì chúng ta hiểu đúng giá trị của bữa tiệc Thánh Thể mà Ngài dọn sẵn cho chúng ta mỗi ngày, để với tất cả lòng yêu mến biết ơn, chúng ta tham dự, ngõ hầu chúng ta được mạnh sức tiến tới bàn tiệc vĩnh cửu trên Thiên Quốc.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong một xã hội đầy những cạm bẫy của thế gian. Chúa là Đấng mà lòng chúng con luôn khắc khoải kiếm tìm, xin đến và đồng hành cùng chúng con, để từng ngày chúng con luôn khao khát hướng về hạnh phúc Nước Trời.

Giuse  Mai Văn Dương

Thứ Tư – Ngày 08 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Bài đọc : Rm 13,8-10

Tin Mừng : Lc 14, 25-33

Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Từ bỏ hết những gì mình có “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA

Trong các trình thuật Tin Mừng, đã nhiều lần chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về những điều kiện để theo Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại cho đám đông dân chúng đang đi theo Ngài nghe điều đó thêm một lần nữa. Tôi cảm thấy những lời đó như chính Chúa đang nói với mình, vì tôi cũng là người đang trên bước đường bỏ mọi sự để theo Ngài.

Có thể nói, xét theo người đời, những đòi hỏi của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng ngày hôm nay thật là quá đáng, nếu không muốn nói là phi lý, nực cười. Xét trong hoàn cảnh lúc đó, không biết đi theo Chúa Giêsu có được gì không, nhưng mất mát thật quá nhiều: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình…vác thập giá mình mà theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26-26). Và với những đòi hỏi như vậy, trong xã hội ngày hôm nay lại càng khó khăn hơn, vì với đời sống phát triển, con người ta càng muốn có nhiều thứ để hưởng thụ. Dù vậy, qua đây tôi lại thấy được nét đẹp của những tu sĩ khi bỏ tất cả để đi theo Chúa, mặc dù không dễ dàng chút nào. Họ đã bỏ cha mẹ và anh chị em lại phía sau, không bon chen đua đòi với những thú vui trần gian để vác thập giá mình bằng cách chấp nhận “cắt gọt” con người mình nhằm hoàn thiện trước mặt Chúa và người đời.

Lạy Chúa, xin cho con là một tu sĩ  biết bỏ mọi sự để theo Chúa, được sống đúng như những gì Ngài dạy và mong muốn nơi con, hầu đem lại niềm vui và ơn ích cho mọi người.

Phaolô Đặng Văn Lãng

Thứ Năm – Ngày 09 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính (Tr)

Bài đọc : Ed 47,1-2.8-9.12 hoặc 1Cr 3,9c-11.16-17

Tin Mừng : Ga 2,13-22

Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”…

THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT

Thông thường, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa qua thái độ hiền lành, quan tâm của Đức Giêsu. Nhưng hôm nay, qua hình ảnh Ngài nóng giận, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được điều đó.

Tục ngữ Việt Nam đã thật tinh tế khi nói rằng “thương cho roi cho vọt.” Quả thật, những người làm cha làm mẹ nhiều khi cũng đã phải nén lòng để đánh con cũng chỉ vì muốn cho con mình tốt hơn. Không ai lại tự nhiên đánh con mà không có một lý do nào cả vì đến “hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con”.

Đức Giêsu đã từng khẳng định rằng Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta hơn cả cha mẹ chúng ta nữa (x. Mt 7,7-11). Và tình thương của Ngài dĩ nhiên là đồng đều cho tất cả mọi người kể cả người lành lẫn kẻ dữ (x. Mt 5,45). Như thế, việc Đức Giêsu dùng roi xua đuổi người buôn bán trong Đền Thờ vẫn nên hiểu là Ngài đang thương xót những người đó.

Đức Giêsu đến vì mục đích giải thoát người ta khỏi con đường tội lỗi và đưa về đường ngay nẻo chính. Nếu Ngài thấy người ta làm việc sai trái ảnh hưởng đến ơn cứu độ của họ mà không can ngăn cách mạnh mẽ thì làm sao người ta có thể thay đổi được.

Lạy Chúa, có khi chúng con cũng là những kẻ đang đi lạc xa con đường của Chúa mà không nhận ra. Xin Chúa cũng hãy mạnh mẽ chỉ ra lỗi sai của chúng con để chúng con biết quay trở về với Chúa.

Giuse Nguyễn Văn Lý

Thứ Sáu – Ngày 10 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Rm 15,14-21

Tin Mừng : Lc 16,1-8

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’ “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’ “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”

SỐNG KHÔN NGOAN

Trong bài Tin Mừng hôm nay, hành động của người quản lý bất lương trong dụ ngôn của Đức Giêsu đã khiến tôi suy nghĩ về thái độ sống khôn ngoan của con người.

Khôn ngoan, nói một cách chung, là khả năng phán đoán đúng, là năng lực để thấy, hướng về mục tiêu tốt nhất, cao nhất để chọn, tổng hợp tất cả những gì chắc chắn nhất để đạt được.

Đức Giêsu đã không khen ngợi sự dối trá của người quản lý, nhưng Ngài đề cao thái độ sống khôn ngoan, không bị những thất vọng, thất bại khiến mình mù quáng, buông xuôi, mà luôn đứng lên, tiến về phía trước trong sự lựa chọn khôn ngoan.

Nhìn về phía mình, tôi nhận ra  rằng nhiều lúc vì những sai lầm, hoặc những va chạm, tôi cảm thấy chán nản, buông xuôi và muốn từ bỏ tất cả. Và khi suy nghĩ lại, nhiều lúc tôi hối tiếc vì mình đã sống thiếu kiên trì, và không dám tiến lên phía trước.

Lạy Chúa, trong cuộc sống, lắm lúc chúng con thường kêu la, phàn nàn, thậm chí là chối bỏ Chúa vì những thất bại và sai lầm. Xin Chúa ban Thánh Thần, để Ngài luôn hướng dẫn chúng con trong mọi sự, để chúng con luôn biết sống khôn ngoan hơn và ý thức hơn.

Gioan B. Đinh Dương Minh Quân

Thứ Bảy – Ngày 11 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Thánh Máctinô, giám mục. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Rm 16,3-9.16.22-27

Tin Mừng : Lc 16, 9-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” …

 “TIỀN CỦA” và “THIÊN CHÚA” BÊN NÀO NẶNG HƠN?

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được (Lc16,13b). Tiền của, tự bản chất của nó không xấu. Ngày hôm nay, tiền của hỗ trợ cho cuộc sống con người rất nhiều. Tiền của là phương tiện giúp cho nhu cầu của con người và nó được tạo ra bởi con người và cho con người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta có lựa chọn đúng, chọn Thiên Chúa hay chọn tiền của. Từ việc lựa chọn đúng, cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn.

Chúa Giêsu không chê bai tiền của, Ngài nói: Anh em hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè (Lc16,9). Dẫu rằng đồng tiền có giá trị nhất định, nhưng đồng tiền cũng là ma lực làm cho con người sống chết vì nó. Vì muốn có được tiền nên mọi người đổ xô tìm kiếm nó bằng mọi thủ đoạn: Buôn gian bán lận, làm mọi cách để tiêu thụ sản phẩm bẩn, kém chất lượng…

Khi có được đồng tiền thì con người lại sử dụng tiền của vào những việc xấu, dùng tiền để đạt các mục đích xấu. Chính vì tôn thờ đồng tiền để rồi xem nhẹ tiếng lương tâm, xem nhẹ luật Thiên Chúa. Vì đồng tiền mà con người chối bỏ tình người và coi thường sự hiện diện của Thiên Chúa là cuội nguồn phát sinh mọi sự.

Lạy Chúa, dù con luôn tự nhủ mình, Chúa là trên hết mọi sự, thế nhưng, có nhiều lúc con đã vì đồng tiền mà quên Chúa, quên tình thân giữa người với người, quên đi cả chính mình là người Công Giáo. Xin cho con biết ý thức rằng, nếu không có Chúa thì tiền chẳng là gì nơi cuộc sống đời này.

Giuse Hoàng Quốc Phán

Bài trướcCĐ Triết + Thần Ngôi Lời giao lưu bóng đá mừng Lễ Các Thánh – năm 2017
Bài tiếp theoCộng đoàn Thần Học SVD – Lễ cầu cho các Linh Hồn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây