Thường Niên – Tuần XXVII – Năm C

0
472

Chúa Nhật – Ngày 6 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVII

Bài đọc 1 : Kb 1,2-3;2,2-4

Bài đọc 2 : 2Tm 1,6-8.12-13

Tin Mừng : Lc 17,5-10

Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em. “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

ĐỨC TIN CỨU ĐỘ CHÚNG TA

Cha ông ta thường nói: “Mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả”. Niềm tin có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh cuộc đời của chúng ta.

Chúng ta nhớ lại hầu hết những phép lạ xảy ra đương nhiên là nhờ quyền năng của Chúa, nhưng lại khởi đi từ đức tin từ phía con người. Chúa Giêsu qua những phép lạ chữa lành Ngài nói: “Lòng tin của con đã cứu con” (Mt 9,22). Để đề cao tầm quan trọng của đức tin, thánh Phaolô

quả quyết rằng: không phải những gì luật dạy (việc làm), mà chính đức tin mới làm cho con người được nên công chính: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy” (Rm 3,28). Đặc biệt qua bài Tin Mừng trên, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy được sức mạnh của đức tin. Tin vào quyền năng và tình thương của Chúa khiến chúng ta có thể làm được những chuyện ngoài sức của con người.

Archimède đã nói: “Nếu có thể tìm được một điểm tựa bên ngoài vũ trụ, thì với một đòn bẩy, tôi sẽ nâng bổng cả vũ trụ lên”. Có thể nói, điểm tựa của chúng ta là Chúa và đòn bẩy là chính đức tin của chúng ta. Như Chúa đã hứa: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con” (Lc 17,6). Đức tin cho con người có sức mạnh đến nỗi có thể chuyển núi, dời cây. Chúng ta cũng thấy sức mạnh phi thường của niềm tin qua biến cố ông Phêrô đi trên mặt biển (Mt 14, 28-31). Ông đi được trên mặt nước là bởi ông tin vào Chúa và ông bị chìm bởi ông hoài nghi.

Lạy Chúa, chúng con được cứu độ không phải bởi công trạng của mình nhưng là bởi đức tin của chúng con vào tình thương và quyền năng của Chúa. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng con ý thức được sức mạnh của đức tin và xin củng cố đức tin yếu kém của chúng con.

Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Thứ Hai – Ngày 7 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVI

Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Cv 1,12-14; hoặc Gl 4,4-7

Tin Mừng : Lc 1,26-38

[…] Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

XIN VÂNG

Hôm nay Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta cùng suy niệm lại biến cố sứ thần truyền tin cho Đức Maria, đặc biệt là lời đáp trả “xin vâng” của Mẹ. Bởi chính lời đáp trả đó đã làm thay đổi cả cuộc đời của Mẹ.

Có lẽ khi thốt lên lời xin vâng, trong lòng Mẹ cũng chất chứa biết bao lo lắng và có phần sợ hãi. Nhưng với một niềm tin vững mạnh, Mẹ đã vượt qua những lo lắng của phận người để một lòng đáp trả và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Đối với Mẹ, mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời chính là để Thiên Chúa thực hiện chương trình của Người nơi Mẹ. Vì thế, Mẹ luôn đón nhận với một lòng tín thác và phó dâng cho Chúa.

Nhìn vào mẫu gương của Mẹ và soi vào đời sống của mỗi người, chúng ta nhận thấy nhiều điều phải suy nghĩ. Đặc biệt là thái độ của chúng ta trước những gian nan, thử thách trong cuộc sống. Chúng ta đã biểu lộ niềm tin của mình thế nào? Chúng ta có coi đó như là một cơ hội để củng cố đức tin và tìm thánh ý Chúa, hay chúng ta lại kêu than và oán trách?

Thiết nghĩ, thái độ của chúng ta phụ thuộc vào chiều sâu đức tin của mỗi người. Nếu có đủ đức tin thì chúng ta sẽ biết đón nhận những gian nan với tấm lòng tín thác và phó dâng cho Chúa. Những gian nan và sợ hãi của chúng ta sẽ được an ủi và vơi đi phần nào. Trái lại, tâm hồn chúng ta sẽ đầy những bất an, lo lắng và than trách.

Trong ngày mừng lễ Mẹ Mân Côi, xin cho mỗi người chúng ta luôn biết nhìn vào đời sống của Mẹ, để canh tân lại đời sống của mình, đặc biệt là đời sống đức tin, để mỗi ngày chúng ta luôn biết đón nhận và tìm gặp thánh ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống.

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, biết cất lời xin vâng trước mọi biến cố trong cuộc đời chúng con.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Thứ Ba – Ngày 8 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVII

Bài đọc : Gn 3,1-10

Tin Mừng : Lc 10,38-42

Khi ấy, Đức Giêsu vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta

thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

Tựa đề “Chọn Phần Tốt Nhất” dễ làm cho chúng ta liên tưởng ngay đến cái tật xấu không mấy thiện cảm hằn sâu trong đời sống của mỗi con người và rất khó để loại trừ nó ra. Đó là thói quen tranh giành chọn lựa, luôn tìm mọi cách thế để chọn cho mình được phần tốt nhất.

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc “chọn phần tốt nhất” của cô Maria, nhưng sự chọn lựa đó không phải là một tật xấu mà là một phẩm tính tốt lành và khôn ngoan và là điều cần thiết nhất trong đời sống của người con Chúa. Chọn lựa của cô Maria là “ngồi bên chân Chúa”. Động thái “ngồi” trong Kinh Thánh rất giàu ý nghĩa: ngồi là thái độ của bậc tiến sĩ và thầy dạy; ngồi cũng là thái độ của người lắng nghe; đó cũng là thái độ của con người chiêm niệm và cầu nguyện; ngồi còn là tư thế hồi tâm, phản tỉnh chính mình và chiêm ngắm Chúa. Trong khung cảnh tiếp đón Chúa của hai chị em Mácta và Maria thì tư thế ngồi bên chân Chúa của Maria là để được ở với Chúa, được cận kề bên Chúa, được tiếp chuyện với Chúa, được nghe Chúa nói, mong muốn nhận được lời giáo huấn của Người. Đó là phần tốt nhất mà suy cho cùng đối với con cái của Thiên Chúa thì không có gì hạnh phúc và sung sướng cho bằng được ở với Chúa và nên một với Người.

Cô Mácta đã có thái độ không bằng lòng khi cô Maria chỉ biết ngồi bên chân Chúa mà không màng chi đến những việc làm tất bật của mình. Cô Mácta xem ra quá băn khoăn và lo lắng những chuyện không phải là phần tốt nhất. Có lẽ điều đó cũng phần nào phản ánh thái độ sống của mỗi người chúng ta. Điều cần thiết và cái phần tốt nhất thì ta lại không chọn lựa, nhưng lại tiêu tốn thời gian và loay hoay vào những thứ phù phiếm vô bổ, không đem lại lợi ích thiêng liêng cho bản thân và tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dành thời gian đến với Chúa, ngồi bên Chúa, chiêm ngắm Ngài và lắng nghe Lời Ngài thầm thì muốn nói vì đó là nguồn sống đích thực cho linh hồn chúng con.

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Tư – Ngày 9 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVII

Thánh Điônysiô, giám mục, và các bạn, tử đạo (Đ).

Bài đọc : Gn 4,1-11

Tin Mừng : Lc 11,1-4

Khi ấy, Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

THA THỨ

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng  “Kinh Lạy Cha”. Tuy lời kinh này chúng ta đọc hằng ngày, nhưng tha thứ như lời kinh dạy thì chúng ta đã thực sự thực hiện chưa? Phải chăng chúng ta cầu xin Chúa tha thứ nhưng chúng ta chưa thật sự tha thứ cho anh chị em mình?

Chuyện kể rằng gia đình nhà văn Louis Steven có thói quen đọc “Kinh Lạy Cha” trước bữa ăn tối. Rồi một buổi tối nọ, Steven đã rời khỏi bàn ăn khi gia đình chuẩn bị đọc “Kinh Lạy Cha” với vẻ mặt không bình thường. Vợ của ông chạy theo ra ngoài vì nghĩ rằng chồng mình bị ốm. Nhưng ông ta giải thích: “Không, anh không ốm! Nhưng hôm nay có một người lăng mạ anh và tới bây giờ anh vẫn chưa tha thứ cho anh ta. Bởi thế, anh không thể đọc câu: ‘Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Vậy thì anh thà đừng đọc thì hơn. Nếu anh đọc câu kinh đó trong khi anh chưa thật sự tha thứ cho người đó, tức là anh đang nói dối và xúc phạm đến Chúa”.

Chúng ta hiểu sự cần thiết của việc tha thứ, nhưng thứ tha không phải là điều dễ dàng thực hiện, đặc biệt là đối với những người thường xuyên xúc phạm đến chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy khó tha thứ thì hãy nhìn lên Thánh Giá Chúa mà học về sự tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Hơn nữa, Chúa cũng dạy chúng ta tha thứ không phải bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, tức là tha thứ luôn mãi.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn biết học cách tha thứ, vì chỉ khi tha thứ, chúng con mới được Chúa thứ tha.

Lm. Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

Thứ Năm – Ngày 10 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVII

Bài đọc : Ml 3,13-20a

Tin Mừng : Lc 11,5-13

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả‘; mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’ ? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”  

LẦM TƯỞNG

Trong đời sống, hẳn là ai trong chúng ta cũng có những lúc tỏ ra khó hiểu và thậm chí là không bằng lòng với Chúa vì chúng ta thành tâm cầu nguyện cùng Người mà chẳng thấy đâu kết quả. Ngay cả khi những lời cầu của chúng ta thật rất tốt lành, hoàn toàn vì tha nhân, và tỏ ra đầy tin tưởng.

Vậy có lạ lùng không khi Đức Giêsu khẳng định trong Tin Mừng hôm nay rằng, “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho?” Có lẽ là không. Sự thật là chúng ta thường hay lầm tưởng trong khi cầu nguyện, rằng chỉ có xảy ra như ước nguyện của mình mới là điều tốt cho chúng ta hay cho ai đó, trong khi chỉ có Chúa mới biết điều gì thật sự tốt và Người sẽ ban khi “đúng thời đúng buổi.” Chúng ta cũng lầm tưởng rằng khi chúng ta tự thấy mình đầy tin tưởng nơi Chúa là đã tin mãnh liệt mà quên rằng tin thật nơi Chúa là dám trao phó đời mình với muôn sự sướng khổ và tăm tối của cuộc đời cho Người. Chúng ta cũng lại quên không trả lại cho Chúa những gì thuộc về Ngài, vì chúng ta cứ muốn Chúa làm theo ý mình, dám dành lấy tự do của Người trong việc Người quan phòng và chăm sóc chúng ta. Và chúng ta cũng quên rằng khi chúng ta có Chúa trong cuộc đời mình thì chính Người là nguồn hạnh phúc viên mãn của chúng ta. Lời Thánh Vịnh 37 quả khẳng định điều này: “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng” (Tv 37,4).

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và lòng khiêm nhường cho chúng con, để chúng con dám trao vào tay Chúa mọi sự, kể cả mạng sống chúng con. Xin đừng để chúng con tìm kiếm điều gì theo ý con nhưng tìm Chúa và điều Chúa muốn dành cho chúng con.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Thứ Sáu – Ngày 11 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVII

Thánh Gioan XXIII, giáo hoàng (Tr).

Bài đọc : Ge 1,13-15;2,1-2

Tin Mừng : Lc 11,15-26

Khi ấy, Đức Giêsu trừ một tên quỷ, nhưng có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ.” Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được…

QUỶ PHẢN CÔNG

Không ít người trước đây vốn đạo đức sốt sắng nhưng nay lại thờ ơ, nguội lạnh. Thậm chí họ còn chạy theo lối sống phù phiếm, vô luân. Điều này có lẽ cũng tương tự như câu chuyện quỷ phản công làm cho nạn nhân trở nên tệ hại hơn mà Tin Mừng hôm nay đề cập.

Được đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, người tín hữu trở thành con cái Chúa, nhưng không vì thế mà “miễn nhiễm” trước các thói hư tật xấu. Ma quỷ không bao giờ ngủ yên; chúng luôn tìm dịp thuận tiện để ra tay. Chính vì thế, tỉnh thức và cầu nguyện vừa là phương dược hữu hiệu để đối phó với Xatan, vừa giúp ta nên hoàn thiện.

Tuy nhiên, không ít Kitô hữu lơ là, chủ quan trước sức mạnh của quỷ dữ. Thay vì ra sức tập luyện các nhân đức, làm nhiều việc lành để nuôi dưỡng đức tin, thì người ta lại biếng nhác. Một khi tâm hồn trống rỗng không có chỗ cho các việc lành thì các thói hư nết xấu có điều kiện trỗi dậy phản công. Một căn phòng được quét tước dọn dẹp sạch sẽ, nhưng nếu không biết cách sắp xếp lại gọn gàng thì chẳng mấy chốc nó lại trở nên bề bộn. Cũng vậy, tâm hồn của tín hữu nếu thiếu vắng đức ái để nuôi dưỡng đức tin thì sẽ là căn nhà rộng rãi để ma quỷ chất đầy các thói hư tật xấu.

Đứng trước sức mạnh của ma quỷ, con người dễ bị thua cuộc nếu không cậy nhờ “ngón tay Thiên Chúa”. Chủ quan, thiếu lòng trông cậy và tín thác vào Chúa khi đứng trước cám dỗ của ma quỷ, lắm khi rất ngọt ngào và tinh vi, con người có thể “mất linh hồn”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn bằng việc tập luyện các nhân đức để Xatan không thể phản công.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Thứ Bảy – Ngày 12 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVII

Bài đọc : Ge 4,12-21

Tin Mừng : Lc 11,27-28

Khi ấy, Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

ĐÂU LÀ PHÚC THẬT?

Theo quan niệm người đời, chữ  “phúc” ám chỉ những may lành hay những điều thiện hảo mà người ta nhận được trong đời. Phúc thường gắn liền với tiền tài, danh vọng và sức khỏe; phúc mang lại niềm vui và hạnh phúc; phúc là niềm khao khát của tất cả mọi người. Còn theo nhãn quan của Chúa Giêsu thì chữ phúc có nghĩa gì?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một định nghĩa mới về chữ phúc: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Như vậy, “phúc” của Chúa Giêsu không còn gắn liền với những bậc thang giá trị theo kiểu thế gian, nhưng gắn liền với những tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Kẻ được Chúa chúc phúc không phải là người giàu sang, quyền thế nhưng là những ai biết lắng nghe và tuân giữa Lời Thiên Chúa.

Quả thật, Lời Chúa là sự thật và là sự sống. Kẻ lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành thì được ví như xây nhà trên đá, mưa sa bão tố không làm sao phá đổ. Lời Chúa cũng được ví như bảng chỉ đường, phúc thay những ai biết dõi theo đó, bởi họ sẽ tìm được cõi trường sinh. Lời Chúa là lời hằng sống, Lời ấy tồn tại mãi và không bao giờ mai một. Dù cho thời gian, ngôn ngữ, văn hóa biến thiên, thì Lời Chúa vẫn còn mãi, không bao giờ đổi thay.

Cái phúc đặt nền trên việc sống Lời Chúa là cái phúc vững bền, vì không thể bị bào mòn bởi thời gian, không mai một do thời tiết, không lung lay vì giông tố, không mất đi vì sự đổi thay của lòng người. Đó thật là phúc thật!

Lạy Chúa,

“Lời Ngài là sức sống của con;

Lời Ngài là ánh sáng đời con;

Lời Ngài làm chứa chan hy vọng;

Là đường để con hằng dõi bước.

Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui;

Trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi;

Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời;

Lời Ngài hạnh phúc cho đời ai.”

(Lắng Nghe Lời Chúa)

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

 

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, tuần 27 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoTang Lễ Linh mục Đaminh Đặng Trung Hiếu, SVD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.