Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, tuần 27 Thường Niên – Năm C

0
503

Bài Ðọc I: Kb 1, 2-3; 2, 2-4

“Người công chính sẽ sống được nhờ trung tín”.

Trích sách Tiên tri Khabacúc.

Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.

Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều con thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng, để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!” (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. – Ðáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Ðáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Meriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta; họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 6-8, 13-14

“Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.

Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Con hãy lấy những lời lành lẽ phải, con đã nghe cha nói, làm mẫu mực trong đức tin và lòng mến nơi Ðức Giêsu Kitô. Con hãy cậy nhờ Thánh Thần là Ðấng ngự trong chúng ta mà gìn giữ kho tàng tốt đẹp.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 5-10

“Nếu các con có lòng tin”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con.

“Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: ‘Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa’, mà trái lại không bảo nó rằng: ‘Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống’. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TỪ ĐỨC TIN ĐẾN PHỤC VỤ

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay có thể chia làm hai chủ đề lớn, một chủ đề nói về lòng tin, chủ đề kia nói về sự phục vụ. Lòng tin là cái ẩn kín bên trong, thuộc bình diện tâm linh; còn phục vụ lại là cái được thể hiện bên ngoài, thuộc bình diện mục vụ. Lòng tin đóng vai trò như là kim chỉ nam, quyết định thái độ và cách thức phục vụ của mỗi người. Những mục tử không hề có đức tin, không hề được liên kết với Vị Mục Tử Nhân Lành sẽ đối xử như thế nào với đàn chiên? Liệu rằng họ có thể xả thân phục vụ tín hữu trong tư cách là tôi tớ khiêm nhường của Đức Kitô hay là trở thành những con sói đói mồi, xâu xé và bóc lột đoàn chiên?

Trong lịch sử cứu độ, các ngôn sứ chính là thủ lãnh tinh thần và đôi khi cũng là người lãnh đạo đất nước. Họ có quyền nhưng sử dụng quyền ấy để phục vụ chứ không phải để thống trị. Các ngôn sứ ý thức rằng chính Thiên Chúa mới là người lãnh đạo đích thực, còn họ chỉ là tôi tớ, là vị đại diện của Chúa. Chính niềm tin vào Thiên Chúa đã biến các ngài thành người phục vụ chứ không phải nhà thống trị. Trong tất cả các vua trong Cựu Ước, có thể nói vua Đavít là vị minh quân tài ba, lỗi lạc và đẹp lòng Chúa nhất. Ông đã gây dựng sự nghiệp dựa trên nền tảng của đức tin, và cũng chính nhờ đức tin ấy, ông đã củng cố và giữ vững ngai vàng. Khi ngồi lên vị trí cao nhất của vương quốc, vua Đavít ý thức rằng những gì mình có đều là do Thiên Chúa ban tặng, chứ không phải do tài năng bản thân hay sự giúp đỡ của người đời. Vua tin rằng mình chỉ là tôi tớ, là vị đại diện mà Chúa cất nhắc để lãnh đạo dân. Niềm tin đó đã hướng dẫn cung cách điều hành, lãnh đạo và phục vụ của vua. Vì thế, vua Đavít được ca ngợi là một vị minh quân, phục vụ dân theo đường hướng của Đức Chúa.

Rồi khi thời gian tới hồi viên mãn, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người để hoàn tất chương trình cứu độ. Người là vua, không phải là vua một dân tộc, nhưng là vua toàn thể vũ trụ. Người đến thế gian không phải để thống trị, nhưng là để phục vụ đến nỗi hiến mạng sống vì con người. Sau khi hoàn tất chương trình cứu độ, Chúa Giêsu đã trao quyền lãnh đạo dân Chúa cho các tông đồ. Noi gương Thầy Chí Thánh, các tông đồ đã sống trọn sứ mạng tông đồ trong tư cách là những tôi tớ khiêm tốn phục. Các ngài có quyền, có địa vị, có uy tín, nhưng tất cả chỉ là công cụ để phục vụ chứ không phải là phương tiện để thống trị. Niềm tin vào Thiên Chúa là Cha và Đức Kitô phục sinh là Con cùng Chúa Thánh Thần đã trở thành kim chỉ nam hướng dẫn toàn bộ cung cách, thái độ phục vụ của các ngài.

Tiếp nối sứ vụ của các tông đồ, Giáo Hội được thiết lập gồm cơ cấu phẩm trật để đảm nhận vai trò lãnh đạo dân Chúa. Dù là giáo hoàng, hồng y, giám mục hay linh mục, họ đều được ví như là mục tử, những người chăn dắt đoàn chiên. Thiết nghĩ rằng, cung cách và thái độ phục vụ của các mục tử phải được xây trên nền tảng đức tin. Một khi ý thức và tin tưởng vào ơn gọi của mình, các mục tử từ bỏ những quyến luyến trần thế, dấn thân phục vụ Thiên Chúa, phục vụ tha nhân trong khiêm tốn. Đức tin và đức ái chính là kim chỉ nam hướng dẫn các ngài trong sứ vụ lãnh đạo đoàn chiên. Ngược lại, một mục tử mà không có đức tin sẽ là mối nguy hại lớn cho đoàn chiên; người ấy có thể sẽ biến thành sói, xâu xé và bóc lột đoàn chiên. Giáo Hội đã và đang phải đối mặt với nhiều ung nhọt xuất phát từ hàng giáo sĩ. Hiện trạng này chắc chắn có nhiều lý do, nhưng thiết nghĩ giả như những mục tử đó cắm rễ sâu trong niềm tin vào Đức Kitô thì có lẽ Giáo Hội Chúa đã bớt đi những tai tiếng không đáng có.

Xét về phương diện đức tin, Giáo Hội có thể tồn tại và phát triển qua một thời gian dài, dẫu cho muôn vàn thử thách bách hại đó là vì Giáo Hội được chính Chúa Giêsu thiết lập và dẫn dắt. Nhưng xét về mặt trần thế, sở dĩ Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển là bởi vì vẫn còn đó những mục tử dám hiến thân phục vụ, hy sinh tất cả để bảo vệ, nuôi dưỡng, dẫn dắt đoàn chiên. Sở dĩ họ có thể làm được như vậy là vì các ngài cắm rễ sâu niềm tin vào Thiên Chúa, niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Nguyện xin Chúa thương ban cho Giáo Hội những vị mục tử có đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và đức ái dạt dào.

 

 

Bài trướcLinh mục Đaminh Đặng Trung Hiếu, SVD
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXVII – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.