Chúa Nhật – Ngày 16 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Bài đọc 1 : Is 50,5-9a
Bài đọc 2 : Gc 2,14-18
Tin Mừng : Mc 8,27-35
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. […]
Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
THẦY LÀ AI?
Tường thuật của bài Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay nhấn mạnh đến lời tuyên xưng đức tin của tông đồ trưởng Phêrô. Đây quả thực là một lời tuyên xưng hùng hồn, mạnh mẽ và cũng là lời tuyên xưng đẹp ý Chúa.
Vì không theo sát và không biết rõ về Đức Giêsu nên người ta mới nói Ngài là “Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một vị ngôn sứ nào đó” (Mc 8,28) và tất cả những câu trả lời đó đều mang tính hồ nghi, thiếu chắc chắn. Còn với Phêrô thì khác, ông đã mạnh mẽ tuyên xưng một cách chắc chắn niềm tin vào Đức Giêsu của chính ông cũng như của các anh em đồng môn. Sở dĩ ông tuyên xưng như vậy là vì ông đã theo sát Đức Giêsu, đã đồng hành với Ngài. Và câu trả lời của ông chính là điều mà Đức Giêsu muốn nghe: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,30).
Quả thế, Đức Giêsu muốn tất cả chúng ta phải có cái nhìn riêng của mình về chính Ngài; Ngài không muốn chúng ta suy nghĩ lệch lạc, đoán già đoán non, thiếu sự chắc chắn trong đức tin. Hơn thế nữa, Ngài muốn chúng ta tin vào Ngài bằng chính đức tin của mình chứ không phải dựa vào đức tin của người khác để tin theo hay nói về Ngài.
Cuộc sống bộn bề thường làm cho đức tin của chúng ta chao đảo, nghiêng ngả. Lắm lúc chúng ta dễ dàng hùa vào hay a dua theo đám đông mà không sống theo chính căn tính của mình. Qua bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa Chúa muốn nhắc nhở chúng ta nhìn lại đức tin bằng chính con tim và chính kiến của mình.
Lạy Chúa, xin Chúa ban Thần Khí của Ngài, để nhờ ơn Chúa, chúng con có thể nhận ra Chúa trong cuộc sống của chúng ta bằng một đức tin mạnh mẽ và một tình yêu mến. Và xin cho chúng con biết can đảm tuyên xưng đức tin bằng chính đời sống của chúng con. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD
Thứ Hai – Ngày 17 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Bài đọc : 1 Cr 11,17-26
Tin Mừng : Lc 7,1-10
[…] Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
KHIÊM TỐN ĐỂ TIN
Lý giải cho việc viên sĩ quan Rôma nhận mình không xứng đáng để đến gặp Đức Giêsu cũng như không xứng đáng đón Ngài vào nhà, các nhà chú giải cho rằng: một đàng ông không muốn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của giới sĩ quan Rôma; đàng khác, ông sợ rằng việc vào nhà ông có thể khiến Đức Giêsu lỗi luật thanh sạch của Do Thái giáo, vì ông là người ngoại giáo. Điều này là dễ hiểu. Thế nhưng Đức Giêsu lại tấm tắc khen ngợi ông trước mặt các môn đệ, rằng Ngài chưa thấy ai, dù trong dân Do Thái, có niềm tin mạnh như người ngoại này (x. Lc 7,9). Và rồi, từ nơi cách xa nhà ông, Đức Giêsu đã chữa đầy tớ ông khỏi bệnh. Ở đây, tuy mấu chốt của phép lạ là đức tin, nhưng để có được đức tin đó, viên sĩ quan đã có một con tim và cung cách rất khiêm tốn, vì rằng ông chỉ còn biết cậy dựa nơi lòng trắc ẩn của Đức Giêsu.
Khiêm tốn là khởi nguồn cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa giữa con tim với con tim. Một con tim kiêu căng tự đại không hề có chỗ cho Thiên Chúa. Khi về quê Nadarét, Đức Giêsu đã “chẳng thể làm được dấu lạ nào” (Mc 6,5) vì họ tự phụ biết Ngài; thế mà, với một đức tin yếu đuối của người cha của đứa con động kinh, “Tôi tin, nhưng xin Ngài nâng đỡ niềm tin yếu kém của tôi” (Mc 9,23tt), phép lạ lại xảy đến.
Trong đời, chúng ta cần khiêm tốn để thấy mình bất toàn và bất lực trước sự dữ lớn lao, để chỉ còn biết cậy dựa nơi sức mạnh và lòng thương xót của Thiên Chúa. Khiêm tốn cũng là để biết dành cho tha nhân chỗ đứng cao trọng, để thấy mình còn “cần đến nhau” trong tương quan, và để nhận về những bài học khôn ngoan từ người khác.
Lạy Chúa, xin dạy con biết nhận ra mình nhỏ bé, thấp hèn, để thấy Chúa và anh em con trong từng biến cố đời con.
Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD
Thứ Ba – Ngày 18 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Bài đọc : 1 Cr 12,12-14.27-31a
Tin Mừng : Lc 7,11-17
Khi ấy, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Đức Giêsu đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.
SỰ SỐNG VĨNH HẰNG NƠI THIÊN CHÚA
Trải qua bao thế kỷ, con người vẫn luôn cố gắng tìm kiếm cho kỳ được một loại thuốc trường sinh bất tử, với hy vọng không phải giáp mặt thần chết. Hơn thế nữa, ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người cũng đã dùng đủ mọi phương cách để ngăn cản những thứ bệnh tật, yếu đau… với hy vọng được sống dài lâu nhưng tất cả đều vô vọng khi bệnh tật và cái chết vẫn là một thực tế trần trụi.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ cho một thanh niên sống lại: “Này người thanh niên, tôi bảo anh, hãy trỗi dậy”. Việc Người làm cho anh ta sống lại không chỉ đơn giản là hồi sinh một người chết, nhưng qua đó Chúa Giêsu muốn cho thấy quyền năng tối thượng của Người trên tất cả vạn vật. Qua đó, Người còn bày tỏ cho thấy sứ vụ của Người ở trần gian, đó là mang ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu cho con người.
Hơn nữa, đoạn Tin Mừng còn giúp chúng ta nhận ra chân dung Đấng Cứu Thế, đến để bày tỏ tình yêu và lòng xót thương những người nghèo hèn, khốn khổ mà bà góa là một ví dụ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra Chúa là chân thiện mỹ, là sự sống vĩnh hằng. Và xin cho chúng con luôn đặt niềm hy vọng và sự tin tưởng vào quyền năng của Chúa giữa thế gian tạm bợ này, ngõ hầu chúng con được phục sinh với Chúa.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD
Thứ Tư – Ngày 19 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Bài đọc : 1 Cr 12,31 – 13,13
Tin Mừng : Lc 7,31-35
Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông về ông Gioan rằng: “Tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.’ “Thật vậy, ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”
THẾ HỆ CỨNG LÒNG
Chúa Giêsu trách thế hệ của Ngài khi họ khước từ lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả kêu gọi hãy ăn năn sám hối mà tin vào Tin Mừng. Ông Gioan Tẩy Giả có một đời sống khổ hạnh; ông rao giảng và nêu cao tinh thần sám hối nhưng những kẻ chống đối lại cho ông là người bị quỷ ám, nên họ không đón nhận lời rao giảng sám hối.
Trái lại, Đức Giêsu sống hoà đồng, bình dị, cùng ăn cùng uống với mọi người; Ngài sống tinh thần tình thương cứu độ và được dân chúng mến phục, thì người ta lại bảo Ngài sống bê tha, buông thả, tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và người tội lỗi, nên họ đã không tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, không đón nhận lời giáo huấn của Ngài.
Thay vì nhận trách nhiệm về những tội lỗi của mình để hoán cải, người ta tìm mọi lý lẽ biện minh cho mình và đổ lỗi cho người khác. Khi chối bỏ và không dám đối diện với sự thật của lòng mình, người ta tìm mọi cách để lấp liếm; hậu quả là họ không thể đón nhận sứ điệp của Đức Kitô.
Chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác là điều dễ thấy trong xã hội ngày nay. Người ta thường biện minh cho hành động sai trái của mình, đùn đẩy hơn là nhận trách nhiệm về mình. Là người Kitô hữu chúng ta nên sống như thế nào để cho mọi người thấy chúng ta là con Thiên Chúa thực sự.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng khiêm nhường, để chúng con biết đón nhận cái hay cái tốt nơi người khác, để hoà hợp và cộng tác với mọi người mà xây dựng lợi ích chung, và cộng tác với Chúa để công trình cứu độ của Ngài tiếp tục được thể hiện trong thế giới này.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD
Thứ Năm – Ngày 20 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang và các bạn tử đạo. Lễ nhớ (Đ).
Bài đọc : 1 Cr 15,1-11
Tin Mừng : Lc 7,36-50
Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!” Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”. […] Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”. Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.
GIÁ TRỊ CỦA SỰ THA THỨ
Quan điểm của người Do Thái xưa đối với những người tội lỗi thật quá khắt khe. Họ dường như đóng hết tất cả mọi cánh cửa đối với người tội lỗi. Họ kỳ thị những người tội lỗi cũng y như với những người mắc bệnh lây nhiễm. Điều này tốt hay xấu?
Sự kỳ thị, ghen ghét thực ra chỉ dẫn đến hệ quả tiêu cực mà thôi. Những người đang sống trong tội nếu không được người khác đón nhận trở lại sẽ càng tội lỗi hơn. Bởi lẽ, họ chỉ được chào đón bởi những người cùng cảnh ngộ. Và kết quả là mù dắt mù thì không thể không rơi xuống hố. Tha thứ là con đường dẫn đến sự hòa giải. Nếu tội lỗi khiến người ta xa cách nhau, xa cách Thiên Chúa thì tha thứ chính là cách thức để nối lại mối dây bị cắt đứt đó. Quả thật, người ta sẽ không thể đến được với nhau, hay quay trở về với Thiên Chúa nếu họ không cảm nhận được sự tha thứ phát xuất từ Thiên Chúa và người khác.
Đức Giêsu luôn đi bước trước trong việc tha thứ. Không như những người Do Thái, Đức Giêsu luôn chào đón những kẻ tội lỗi. Nói đúng hơn, Người quan tâm những kẻ tội lỗi đặc biệt hơn bất cứ ai. Đó là lý do Người nói rằng: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Con người không có quyền gì trên nhau. Họ không thể luận phạt hay cứu chuộc người khác. Vì thế, thay vì xét đoán, ghen ghét nhau, chúng ta nên sống yêu thương và tha thứ cho nhau để không bị Thiên Chúa luận phạt.
Lạy Chúa, xin giúp con biết tha thứ như Chúa dạy để cuộc sống của con thêm hạnh phúc và vui tươi hơn.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD
Thứ Sáu – Ngày 21 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
THÁNH MÁTTHÊU, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MƯNG. Lễ kính. (Đ).
Bài đọc : Ep 4,1-7.11-13
Tin Mừng : Mt 9,9-13
Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu
đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA
Bài tường thuật Tin Mừng trong ngày lễ thánh Mátthêu tông đồ hôm nay cho thấy cảm nhận sâu sắc của thánh nhân về sự chữa lành mà Chúa Giêsu dành cho chính bản thân ngài. Tác giả dùng hình ảnh “người khỏe mạnh” và “người đau yếu”, để nói đến sứ mạng của Đức Giêsu; Người đến để làm cho những “người đau yêu” trở nên những “người khỏe mạnh”.
Hẳn thánh Mátthêu ý thức mình là “người đau yếu” một kẻ tội lỗi công khai vì làm việc cho đế quốc Rôma; hơn nữa công việc thu thuế được xem là công việc nhơ bẩn, thấp hèn đối với người Do Thái. Vì thế, đối với Mátthêu, câu nói đầy lòng nhân từ của Chúa Giêsu “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13) chính là phương thuốc chữa lành hữu hiệu nhất. Thánh Mátthêu đã được đụng chạm vào lòng nhân từ của Đức Giêsu; sự đụng chạm ấy đã giúp ngài biến đổi cuộc đời và ngài sẵn sàng bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu.
Nhiều lần trong đời tôi cảm nhận mình được lòng nhân từ của Thiên Chúa chạm đến, nhất là những lúc tinh thần sa sút, yếu đuối, tội lỗi. Nhờ sức mạnh của lòng nhân từ Chúa mà tôi được biến đổi để trở nên mạnh mẽ và xác quyết hơn trên hành trình theo Chúa, nhất là khi được trao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì nhờ sứ mạng của Người mà con được nâng đỡ trong cuộc sống. Mỗi khi con yếu đuối, con sa ngã xin cho con lại được cảm nhận cách rõ ràng về lòng nhân từ của Chúa dành cho con để con được biến đổi nên tông đồ nhiệt thành như thánh Mátthêu.
Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD
Thứ Bảy – Ngày 22 – Tháng 9
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIV
Bài đọc : 1 Cr 15,35-37.42-49
Tin Mừng : Lc 8,4-15
[…] Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.” Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu. “Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.
GIEO LỜI
Bài Tin Mừng hôm nay đánh động tôi bởi câu, “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình”. Đó là hình ảnh đẹp về một người đi rao truyền Nước Thiên Chúa.
Nhiều nhà truyền giáo đã ra đi để gieo hạt giống Nước Trời. Thành công có, thất bại có nhưng điều quan trọng là tinh thần dấn thân của họ. Đối với các tu sĩ Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, truyền giáo là một sứ mạng không thể chối từ hay thoái thác. Thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Hội Dòng, ước mong cho mọi dân tộc trên thế giới được biết đến Danh Thiên Chúa. Thánh Giuse Freinademetz, vì mong muốn cho Tin Mừng được loan truyền khắp nơi, nên đã dấn thân đi truyền giáo cho dân tộc Trung Hoa. Tiếp bước các ngài trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, liệu chúng ta có đủ can đảm để ra đi? Tôi cảm thấy rất tự hào vì chúng ta ngày càng có nhiều nhà truyền giáo dám dấn thân cho sứ vụ mà Hội Dòng trao phó. Hơn thế nữa, những tin tức về các nhà truyền giáo Việt Nam đang làm việc khắp nơi trên thế giới được đánh giá rất cao và đã có những thành công nhất định.
Nhìn vào bản thân, có nhiều lúc tôi thấy mình có chút sợ hãi khi phải đối diện với những khó khăn trong sứ vụ tương lai. Thế nhưng tôi vẫn luôn cố gắng giữ cho ngọn lửa truyền giáo trong tôi không bị lụi tàn. Những tấm gương truyền giáo của các bậc đàn anh đang làm việc khắp nơi trên thế giới luôn là điều khích lệ và là động lực để tôi vươn tới. Mong rằng tôi và tất cả anh em chúng ta, những tu sĩ truyền giáo luôn giữ được nơi mình ngọn lửa nhiệt huyết để dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn là khí cụ làm cho “Danh Cha được cả sáng”.
Lạy Chúa, xin cho con thêm lòng can đảm và tình yêu của Chúa để con sẵn sàng dấn thân cho con người trong thế giới hôm nay.
Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD