Chúa Nhật – Ngày 22 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI
(Không cử hành lễ Thánh Nữ MAĐALÊNA.)
Bài đọc 1 : Gr 23,1-6
Bài đọc 2 : Ep 2,13-18
Tin Mừng : Mc 6,30-34
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
HÃY TÌM CHỖ NGHỈ NGƠI
Trong cuộc sống ngày nay, con người luôn đối diện với rất nhiều khó khăn, và thách đố. Dường như cuộc sống con người đang bị cuốn theo dòng xoáy của cuộc đời, với sự bon chen và hưởng thụ, với sự chạy đua của tiền tài danh vọng hay cơm áo gạo tiền, làm cho con người ngày càng căng thẳng và ức chế. Giữa cuộc sống bộn bề công việc, đôi khi cũng làm cho chúng ta mệt mỏi, chán chường. Có lẽ nhu cầu nghỉ ngơi giải trí để giảm thiểu căng thẳng, mệt mỏi là điều rất cần thiết.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các tông đồ: “Anh em hãy tìm một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Ngài đòi các ông phải trút bỏ mọi công việc, mọi tính toán và suy nghĩ trong lòng, và xa lánh chốn ồn ào, để nhìn lại chính mình, để tìm những giây phút bình yên trong cuộc sống. Như thế, không những Chúa Giêsu muốn các ông nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe thể xác mà quan trọng hơn là sức khỏe tinh thần. Ngài muốn các ông cùng nghỉ ngơi với Chúa, cùng hiệp thông cầu nguyện, và tạ ơn Thiên Chúa Cha trong hành trình truyền giáo vừa qua. Do đó, đây là khoảng thời gian quý báu để các môn đệ dành cho nhau và cho Chúa. Đây là những giây phút để các ông tìm lại được sức sống trong Chúa để có thể tiếp tục phụng sự Chúa qua tha nhân.
Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn nhắn nhủ với mỗi người chúng ta trong cuộc sống này: “Anh em hãy đến một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút” để Chúa thêm sức và ban ơn. Có như thế, chúng ta mới có sức chịu đựng và sống một cách viên mãn hơn.
Lạy Chúa Giêsu, với cuộc sống xô bồ và nhiều biến động, xin Chúa hãy thêm sức cho chúng con trong cuộc sống này, để mỗi khi chúng con làm việc mệt mỏi biết chạy đến bên Chúa là nguồn mạch bình an và thiện hảo.
Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD
Thứ Hai – Ngày 23 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI
Bài đọc : Mk 6,1-4.6-8
Tin Mừng : Mt 12,38-42
Khi ấy, có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.
ĐÒI HỎI DẤU LẠ
Trong cuộc sống chúng ta thường nghe nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Và thực tế chứng mình điều đó thường luôn đúng. Các kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đòi Chúa Giêsu một dấu lạ nhưng đã bị Người chối từ. Tại sao vậy?
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thực hiện nhiều điềm thiêng dấu lạ, nhưng nhiều lần dân Ítraen vẫn không tin vào Ngài. Trong khi dân Chúa không tin vào những phép lạ, thì những người ngoại giáo lại tin như trường hợp dân Ninivê (x. Gn 3,5-8) và nữ hoàng Phương Nam [nữ hoàng Sơva] (x. 1 V 10,1-13). Phép lại không chắc là bảo đảm cho đức tin, nhất là đối với ai không sẵn sàng mở lòng ra với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu Phục Sinh đã nhẹ nhàng trách Tôma lúc ông không chịu tin vì chưa được thấy Chúa hiện ra sau khi Ngài sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, điều Chúa Giêsu nhắn nhủ Tôma là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Chúa Giêsu đòi hỏi một cái gì đó cao hơn, sâu sắc hơn nơi niềm tin của mỗi chúng ta. Bản thân Chúa Giêsu là một dấu lạ mà con người cần tự mình ngắm nhìn, khám phá và xác tín, chứ không chỉ là những dấu lạ bên ngoài.
Bản thân tôi cũng giống như các kinh sư, luôn xin các dấu lạ để biện hộ cho niềm tin yếu kém của mình mà quên mất rằng những dấu lạ chỉ được Chúa mặc khải qua các biến cố của cuộc sống hằng ngày mà tôi đang đối diện. Chỉ là tôi không chịu mở con mắt đức tin của mình ra để đọc các dấu chỉ đó mà thôi.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì những gì Chúa đã ban cho con trong cuộc sống này, những điều con thấy được và cả những điều con chưa thấy được. Xin củng cố đức tin yếu kém của con. Amen.
Tu sĩ Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD
Thứ Ba – Ngày 24 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI
Bài đọc : Mk 7,14-15.18-20
Tin Mừng : Mt 12,46-50
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: “Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia”. Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”.
ĐẠI GIA ĐÌNH THIÊN CHÚA
Mối giây liên hệ máu mủ trong gia đình, nhất là tương quan mẫu tử, luôn là điều thiêng liêng dù trong bất kỳ văn hóa nào. Khi chấp nhận sinh ra trong một gia đình nhân loại, mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng không nằm ngoài qui luật chung đó. Nhưng tại sao Chúa Giêsu có vẻ không mấy quan tâm khi “mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia”?
Trước hết, chúng ta tự hỏi Chúa Giêsu có coi nhẹ tình mẫu tử? Ngay từ nhỏ, thái độ của Chúa Giêsu đối với cha mẹ được thánh Luca mô tả là “hằng tuân phục các ngài” (Lc 2,51), dù trước đó có những biến cố mà cha mẹ Ngài chưa hiểu được. Trong thời gian rao giảng, Chúa Giêsu đã từng phê phán các kinh sư và người Pharisêu vì đã dựa vào truyền thống mà hủy bỏ điều răn “thờ cha kính mẹ” của Thiên Chúa (Mt 15,1-6). Ngoài ra, Chúa Giêsu còn làm phép lạ để trả lại đứa con thân yêu cho bà mẹ góa bụa vì Người hiểu được sự thiêng liêng của tình mẫu tử (x. Lc 7,11-15).
Sau nữa, khi Chúa Giêsu tuyên bố “hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”, Người muốn ngụ ý điều gì? Trước hết và trên hết Chúa Giêsu muốn đề cao Đức Mẹ như là người luôn vâng nghe theo ý định của Thiên Chúa, vì hơn ai hết cả cuộc đời mẹ là tiếng “xin vâng” trọn vẹn và tuyệt hảo nhất.
Ngoài ra, Chúa Giêsu còn muốn nhấn mạnh đến mối dây liên kết và hiệp nhất trong đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó mọi người đều qui hướng về Thiên Chúa là Cha và thực thi ý Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu không những không coi nhẹ mối giây liên kết gia đình nhân loại, mà còn mở rộng và nâng cao gia đình nhân loại thành đại gia đình Thiên Chúa, một đại gia đình yêu thương vô điều kiện nên không có sự phân biệt máu mủ, màu da, giai cấp hay chủng tộc.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết đón nhận nhau như anh chị em của cùng một Cha trên trời trong đại gia đình của Chúa Cha, nơi chúng con có Mẹ Maria là gương mẫu và là chuẩn mực cho đời sống theo ý Chúa.
Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD
Thứ Tư – Ngày 25 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV
THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. (Đ).
Bài đọc : 2 Cr 4,7-15
Tin Mừng : Mt 20,20-28
Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được […]
VỊ THẾ CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ
Xét theo cái nhìn của con người, chúng ta luôn muốn được đề cao, được tôn trọng, được người khác phục vụ. Thế nên trong cuộc sống và cách riêng trong công việc, chúng ta luôn muốn phấn đấu để đạt vị thế cao nhất có thể. Hiểu như vậy, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy hai môn đệ Gioan và Giacôbê cùng mẹ mình đến xin Chúa được ngồi bên tả và bên hữu Chúa trong Nước của Người.
Suy nghĩ của đời thường là như thế, nhưng các môn đệ nói chung và hai môn đệ Gioan và Giacôbê nói riêng, là những người thân tín đi theo Chúa ngay từ đầu, sống chung với Thầy, nghe lời Thầy giảng dạy, nhìn thấy cách Thầy sống (khiêm nhường phục vụ và hiến dâng cả mạng sống vì người khác), đáng lẽ các ông không suy nghĩ tới địa vị, không xin như thế mới phải. Thay vì trách các ông, Chúa đã nhắc lại, đã dạy lại cho các ông bài học về sự tự hủy, về sự khiêm nhường phục vụ: “Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.
Chúa đã thay đổi cung cách sống, quan niệm sống của các môn đệ và cũng là của mỗi người chúng ta, đó chính là phục vụ. Cung cách sống này không dựa trên sự áp đặt, cai trị bằng quyền nhưng là bằng hy sinh phục vụ. Ai càng hy sinh, phục vụ, hiến dâng vì người khác người đó càng trở nên cao trọng trước mặt Chúa và trong Nước của Người.
Lạy Chúa, lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay luôn là lời nhắc nhở, là kim chỉ nam, là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống của mỗi người chúng con.
Tu sĩ Phêrô Hán Duy Hạp, SVD
Thứ Năm – Ngày 26 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI
Thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria. Lễ nhớ (Tr).
Bài đọc : Gr 2,1-3.7-8.12-13
Tin Mừng : Mt 13,10-17
Khi ấy, các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”
“HIỂU” ĐỂ PHỤC VỤ
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cắt nghĩa vì sao Người dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng. Thánh Luca thuật lại: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa, còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.” (Mt 13,11-12). Các môn đệ là những người theo Chúa, được Chúa ban cho đặc ân hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, được Chúa ân thưởng cho hạnh phúc sau này trên Thiên đàng với Người. Đó là món quà dành cho những ai quảng đại dâng hiến cuộc đời cho Chúa cách đặc biệt.
Động từ “hiểu” ở đây là từ then chốt để giúp ta hiểu được những phần kế tiếp. Hiểu mầu nhiệm Nước Trời không chỉ là hiểu những điều bí nhiệm, cao siêu, mà hiểu để biết sẵn sàng sống những giây phút hiện tại trong tinh thần yêu thương và phục vụ anh chị em mình mà không so đo tính toán; hiểu để biết xây dựng những giá trị của Nước Trời ngay từ trong cuộc sống trần thế này.
Lạy Chúa, chúng con cảm thấy còn nhiều bất toàn, chưa thực hiện tất cả những điều mình hiểu là phục vụ hoàn toàn vô vị lợi cho anh chị em của mình. Xin Chúa ban cho chúng con biết mở rộng lòng mình, sẵn sàng cho đi và mở ra với đời bằng đời sống dấn thân, phục vụ cùng yêu thương đồng loại như Chúa đã yêu chúng con. Nhờ đó, mai này chúng con được Chúa ân thưởng trên Nước Chúa.
Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD
Thứ Sáu – Ngày 27 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI
Bài đọc : Gr 3,14-17
Tin Mừng : Mt 13,18-23
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
LÀM “LỜI’ TRỔ SINH
Hôm nay Chúa Giêsu mượn hình ảnh người gieo giống quen thuộc để nói với chúng ta về mầu nhiệm Nước Trời. Khi đón nhận lời giáo huấn của Đức Giêsu, chúng ta có thái độ thế nào?
Chúa Giêsu đã giải thích rất rõ ràng cho chúng ta về dụ ngôn người gieo giống. Chúng ta cần suy xét xem chúng ta thuộc loại hạt giống nào? Hạt giống được gieo bên vệ đường hay trên sỏi đá? Được gieo vào bụi gai hay trên đất tốt?
Mỗi người chúng ta khi được sinh ra đều được Thiên Chúa đặt để một khát khao tìm kiếm Chúa, tìm kiếm Lời của Ngài. Chúng ta có tự do để có thể chọn lựa chấp nhận hay chối từ Lời của Ngài. Lời của Chúa thì dồi dào nhưng kết quả chúng ta thu lượm được bao nhiêu là tùy ở mức độ đón nhận của chúng ta. Nếu chúng ta không hiểu hoặc đón nhận Lời cách hờ hững thì cũng giống như hạt giống gieo bên vệ đường. Hay nếu chúng ta đón nhận Lời của Chúa cách nhanh chóng, vui vẻ nhưng hời hợt thì Lời của Chúa như hạt giống sớm chết yểu giống như hạt giống rơi bên vệ đường, hoặc nơi sỏi đá.
Chúng ta cần làm sao để hạt giống Lời của Chúa lớn mạnh và phải trổ sinh nhiều hoa trái? Chỉ khi chúng ta mở lòng đón nhận Lời của Chúa cách chủ động và hăng hái, để cho Lời được bén rễ sâu qua từng ngày sống, chăm bón cho Lời được phát triển và để cho Lời biến đổi cuộc đời chúng ta, thì Lời mới thật sự sinh hoa kết trái.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn chứa chan niềm hy vọng rằng hạt giống Lời trong chúng con sẽ trổ sinh hoa trái nếu chúng con biết sống và tuân giữ Lời Người.
Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD
Thứ Bảy – Ngày 28 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI
Bài đọc : Gr 7,1-17
Tin Mừng : Mt 13,24-30
Khi ấy, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”
THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG
Trong cuộc sống, có những lúc tôi muốn gạt bỏ đi tất cả cỏ lùng, những khuyết điểm để mảnh đất tâm hồn tôi luôn toàn những lúa tốt. Tôi cũng cố gắng loại bỏ cả lỗi lầm, thiếu xót của người khác nữa. Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay giúp tôi có cái nhìn bao dung của Thiên Chúa: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13,29-30).
Tôi hiểu được chính Thiên Chúa là người gieo những hạt giống tốt vào cánh đồng là chính tâm hồn tôi. Hạt giống tốt là những ưu điểm mà Thiên Chúa đã phú ban cho tôi. Cỏ lùng chính là những khuyết điểm, những lỗi phạm tôi đã làm mất lòng Chúa, lỗi phạm đến tha nhân. Kẻ thù chính là những cám dỗ mà tôi phải chống trả, nhưng những lúc không thắng được bản thân, hay là những lúc ngủ mê, tội đã xâm chiếm tâm hồn tôi. Hiểu được như vậy, giúp tôi biết đón nhận chính con người yếu đuối của mình, và biết rằng dù tốt, dù xấu nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và đón nhận tôi. Điều này giúp tôi mạnh mẽ hơn, biết đề phòng và tỉnh táo hơn trong những lúc tôi ngủ mê, những lúc rơi vào cám dỗ.
Dụ ngôn cỏ lùng mà Đức Giêsu kể cho dân chúng nghe hôm nay giúp tôi khám phá ra và hiểu hơn về chính bản thân mình. Tôi nhận ra mình có nhiều ưu điểm nhưng cũng không thiếu những khuyết điểm. Qua đó, tôi có cái nhìn bao dung hơn, biết chấp nhận và quyết tâm hơn trong cuộc sống, để rồi sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu của mình.
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra rằng Ngài vẫn yêu con, dù con tỏ ra yêu mến Ngài cách thực sự hay những lúc con yếu đuối, lỗi phạm. Xin gìn giữ và giúp con tiếp bước trong ơn gọi làm con Chúa cho đến ngày sau hết.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD