Dòng Ngôi Lời: Thánh Lễ Kết Thúc Tổng Tu Nghị Thứ 18

0
373

TỔNG TU NGHỊ THỨ 18 – THÁNH LỄ KẾT THÚC

(Thứ bảy, ngày 14 tháng 07 năm 2018)

“Nhân danh Ngài – Những định hướng cho người môn đệ (Tám mối phúc thật)”

Các anh em, các sơ và các cộng tác viên truyền giáo thân mến,

Nhân dịp chúng ta tụ họp lại vào cuối Tổng tu nghị thứ 18 để tạ ơn Thiên Chúa, nhân danh Dòng Ngôi Lời, tôi cũng muốn cám ơn tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây, cũng như các anh em trong dòng, các sơ, các cộng tác viên truyền giáo, các ân nhân và mọi người mà chúng ta đồng hành với họ ở khắp nơi trên thế giới, về tất cả những gì mà anh chị em đã chia sẻ cách quảng đại để làm cho sứ vụ của Chúa Giêsu trở nên có thể thực hiện được. Không có anh chị em Dòng Ngôi Lời ngày nay sẽ không là gì và sẽ không có khả năng làm được những điều mà nó đang làm ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, sẽ không thể phục vụ mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là người nghèo. Lời mời gọi của Tổng tu nghị này là và sẽ vẫn còn là sự tái định hướng, để tìm thấy “các định hướng cho người môn đệ” bằng cách chiêm ngắm về đời sống và sứ vụ của chính Ngôi Lời. Chúng ta sẽ phải tiếp tục cầu xin sự hướng dẫn của Ngài.

Hãy cho phép tôi đưa thêm một vài tư tưởng vào Bài Tin mừng mà chúng ta đã chọn cho thánh lễ kết thúc này, Tám mối phúc thật. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 nói rằng: “Tám mối phúc thật trình bày một loại tiểu sử còn được che khuất bên trong của Chúa Giêsu, một loại chân dung của Ngài. Chúng là những định hướng cho người môn đệ…” [Đức Giêsu Nagiarét (74)]. Và gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô thêm vào: “Tám mối phúc thật giống như thẻ căn cước của người Kitô hữu” và ngài kết luận rằng “chúng ta phải thực hiện, mỗi người theo cách riêng của mình, những gì mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Bài giảng trên núi” [Tông huấn Hân Hoan và Nhảy Mừng (GE), 63] Việc canh tân và thay đổi đòi hỏi việc quay trở lại đời sống và mẫu người của chính Chúa Giêsu. Từ đây, “linh đạo thay đổi” có thể có được định hướng của nó.

Tám mối phúc thật – Mát-thêu 5, 1-12

Mát-thêu 5,1-2: “Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ” – Nói cách đơn giản, trong những thập niên vừa qua, đối với nhiều anh em đến Nemi để tham dự các khóa canh tân hay Tổng tu nghị, việc nhìn lại cuộc sống truyền giáo của cá nhân họ và của hội dòng đã là một loại kinh nghiệm lên núi, một cuộc gặp gỡ mới với chính Chúa; một thời gian để suy nghĩ lại và để học lại. Điều này có thể cũng đúng với Tổng tu nghị thứ 18.

Mát-thêu 5,3: Đức Giêsu nói “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ

  1. Việc học cách chấp nhận sự nghèo khó của mình trước Thiên Chúa là việc quan trọng đối với chúng ta với tư cách là những tu sĩ truyền giáo. Một vài anh em đã nói với tôi sau các khóa học ở Nemi rằng họ đã tái khám phá ý nghĩa thật sự của cuộc sống họ, ý nghĩa thật sự của việc phục vụ Thiên Chúa; và họ đã tái khám phá điều này với tất cả sự nghèo khó của họ, với những giới hạn và tội lỗi của họ, nhiều lần họ bước đi và rơi vào bóng tối, họ không biết cách chính xác con đường này sẽ đi về đâu và Thiên Chúa đang hướng dẫn họ đi tới đâu.

Nhiều anh em đến Nemi và trở về nhà với kinh nghiệm này. Một lần nữa họ nhận ra rằng không phải chính họ là những người có trách nhiệm nhưng chính Thiên Chúa sẽ chăm sóc đối với những gì mà chúng ta không thể làm hay đối với “những gì mà chúng ta đã làm hỏng” như Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Đây là kinh nghiệm về việc chỉ là khí cụ, rằng chúng ta có thể phó thác phần còn lại cho chính Thiên Chúa. Cũng vậy điều này đã được thực hiện trong nhiều Tổng tu nghị.

  1. Với tư cách là một Hội dòng, mặc dù chúng ta có cơ sở hạ tầng rộng lớn, các quỹ tín dụng, các việc đầu tư kinh doanh và các chính sách bảo hiểm, trước mặt Thiên Chúa, chúng ta phải nhận biết sự nghèo khó của chúng ta. Cuối cùng mọi sự tùy thuộc vào Ngài. Nếu không có ơn gọi, hội dòng sẽ không tồn tại lâu dài; nếu Ngài không chạm vào những tâm hồn của các người quảng đại, chúng ta sẽ không có phương tiện để làm công việc của Ngài; nếu Ngài không ban ân sủng hòa giải của Ngài, thì sẽ không có sự chữa lành và cộng tác. Việc để cho Thiên Chúa hướng dẫn, việc tạm ngừng, phân định và chất vấn “Ngài muốn chúng ta làm gì?” sẽ mang đến những sự canh tân và đổi mới được hình dung trước. Đối với những ai chấp nhận sự nghèo khó trong tinh thần, Chúa Giêsu nói: “Nước Trời là của họ.”

Mát-thêu 5,4: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”

  1. Bài sai truyền giáo đầu tiên của tôi ở Miền Nam của Philippines đã mang đến sự trải nghiệm về nhiều bạo lực. Đó là thời điểm kết thúc quân luật năm 1986, thế nhưng cuộc chiến và sự đàn áp vẫn tiếp diễn với tất cả những ảnh hưởng, vốn được biết từ những tình huống tương tự ở những nơi khác của thế giới. Tôi đã học biết nhanh chóng rằng bạo lực không phải là sự đáp trả thích hợp đối với bạo lực, nhưng tôi cũng biết rằng không có hòa bình mà không có công lý và do đó không có sự phát triển. Từ đó ý nghĩa của hòa giải đối với tôi đã trở nên một sứ điệp cốt yếu trong niềm tin Kitô giáo.

Anh chị em sẽ có kinh nghiệm của riêng mình. Thật khó để tha thứ và trên hết là quên đi tất cả trừ khi công lý được thực hiện.

  1. Trong các cuộc thăm viếng của tôi suốt sáu năm qua, tôi đã có những cuộc nói chuyện với các anh em trong dòng, các anh em xuất tu, các cộng sự viên truyền giáo giáo dân và đặc biệt là những người được trao phó cho chúng ta trong các công việc mục vụ của chúng ta, vốn chịu bạo lực và bất công. Việc không đáp trả bạo lực bằng bạo lực và việc tìm kiếm công lý và các cách hòa giải là một thách đố liên tục trong thời gian tới, sau Tổng tu nghị. Chúng ta được mời gọi để giải quyết các xung đột ở mọi cấp độ, có thể là ở cấp độ cá nhân, cấp độ cộng đoàn hay trên thế giới rộng lớn hơn. Chúa Giêsu nói rằng hãy tin tưởng vào Ngài, điều mà chúng ta không thể đạt được bằng những phương tiện con người thì sẽ được ban cho như là một hồng ân.

Mát-thêu 5,5: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

  1. Sự sầu khổ như chúng ta biết là một phần đau khổ của cuộc sống. Không ai sẽ được miễn cho. Chúng ta đau buồn vì nhiều lý do. Sự mất mát những người thân yêu làm rung chuyển nền tảng hiện hữu của chúng ta. … Tuy nhiên, sầu khổ thường mang đến một món quà; đó là món quà về sự nhạy cảm cao hơn đối với việc cần người khác. Anh chị em sẽ nhớ lại những câu chuyện sầu khổ của riêng mình. Bên cạnh sự mất mát những người thân yêu và những người quan trọng đối với chúng ta, có những kinh nghiệm về việc phải từ bỏ bạn bè, những công việc mục vụ yêu thích, những bài sai công việc và cả những cơ sở. “Các nhà truyền giáo luôn phải nói ‘tạm biệt’,” như một lần kia một anh em đã nói với tôi.
  2. Trong số những điều buồn nhất, vốn gây ra rất nhiều đau buồn trong lịch sử gần đây của Giáo Hội nói chung cũng như của Hội dòng chúng ta là các trường hợp lạm dụng tình dục, đặc biệt là các trường hợp lạm dụng tình dục đối với các trẻ vị thành niên, việc quản lý kém về tài chính, sự không nhạy cảm về văn hóa của một số anh em, sự thờ ơ đối với hoàn cảnh khó khăn của người nghèo và sự thiếu cởi mở của anh em đối với việc thay đổi những gì cần được thay đổi cách khẩn thiết. Tuy nhiên, việc đối diện với những vấn đề này đã khiến nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là những người trong các vị trí lãnh đạo, nhạy cảm hơn với nhu cầu của các nạn nhân và của tất cả những người chịu đau khổ.

Bên cạnh việc làm những gì mà chúng ta có thể làm để giải quyết và chữa lành tất cả những vấn đề này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tín thác vào sự hiện diện đầy quan phòng và thay đổi của Thiên Chúa. Ngài nói, những người thực sự sầu khổ và học cách từ bỏ sẽ được ủi an.

Mát-thêu 5,6: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.”

  1. Anh chị em cảm thấy đói khát sự công chính khi anh chị em sống gần với dân chúng, đặc biệt là gần gũi với người nghèo. Thường thì các cơ chế và cơ sở của dòng tu giữ chúng ta ở một khoảng cách an toàn với dân chúng. Và vì thế sự đói khát này không còn! Tôi thường nghe điều này, “chúng ta đã làm đủ” hay “chúng ta không thể thay đổi bất cứ điều gì.” Với tư cách là các tu sĩ truyền giáo, chúng ta có thể tự vấn “Sự đói khát điều công chính này có còn là một phần cuộc sống của chúng ta/tôi không?” Trong quá khứ, các khóa canh tân tại Nemi đã giúp nhiều anh em sống lại sự đói khát điều công chính này. Cũng như trong suốt thời gian sau Tổng tu nghị, việc tái khám phá sự đói khát điều công chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ tiến trình canh tân nào.
  2. Một Hội dòng truyền giáo như Hội dòng chúng ta – tại nhiều quốc gia, chúng ta hiện diện gần gũi với những người chịu đau khổ, vốn đang bị khai thác và đang bị làm nghèo đi – không thể để mất sự đói khát điều công chính này. Nếu thế, Hội dòng sẽ nhanh chóng trở thành không thích đáng. “Chúng ta có thể đóng góp điều gì để làm cho thế giới này trở thành nơi tốt đẹp hơn… để làm cho mọi sự trở nên công chính?” … Những người cầu xin “được thỏa lòng” như Chúa Giêsu nói.

Mát-thêu 5,7: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”

  1. Nhiều câu chuyện Kinh Thánh cho thấy lòng thương xót và trắc ẩn rất cụ thể của Thiên Chúa. Câu chuyện người Samari là một ví dụ. Nó đưa ra một sự thay đổi trong cái nhìn. Câu hỏi đầu tiên sẽ không phải là “điều gì xảy ra cho chúng ta khi chúng ta dừng lại và giúp đỡ” nhưng là “điều gì xảy ra cho người đang có nhu cầu nếu chúng ta đi qua?” (Martin Luther King). Một tội lỗi thật sự là thường xuyên đi ngang qua nơi mà chúng ta có thể dừng lại và giúp đỡ. Điều này thật sự đúng với việc đi ngang qua những người đang cần sự giúp đỡ cũng như việc nhắm mắt trước môi trường đang chịu đau khổ (Laudato Si). Chúng ta có thể nhớ lại những câu chuyện riêng của mình mà trong đó chúng ta đã bỏ đi qua, cũng như nhiều câu chuyện mà trong đó chúng ta đã dừng lại và giúp đỡ. Nó cũng rất quan trọng để nhận ra rằng chúng ta không luôn luôn là người Samari nhân hậu và rằng chính chúng ta thường cần người Samari nhân hậu.
  2. “Thế giới mà không có các hội dòng như Dòng Ngôi Lời sẽ là một nơi rất nghèo nàn.” Như tôi đã chia sẻ nhiều lần, tư tưởng này đã đến trong đầu tôi khi đi thăm các anh em và các quốc gia trên toàn thế giới. Càng hiển nhiên hơn rằng Thiên Chúa đang dùng Hội dòng này như khí cụ của Ngài để giúp đỡ nhiều người đang có nhu cầu; để củng cố niềm tin của họ, để tìm ý nghĩa trong cuộc sống, để nhận được sự giáo dục đúng đắn, để được thông tin, để được chữa trị, để có công lý và nhiều thứ khác mà thiếu chúng con người không thể sống; đặc biệt là lòng thương xót và sự trắc ẩn. Chúa Giêsu nói, những ai không đi qua, người thương xót, sẽ nhận được lòng thương xót.

Mát-thêu 5,8: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”

  1. Việc có thể nhìn thấy Thiên Chúa xảy ra với điều kiện khó gặp, là tâm hồn trong sạch. Chúng ta biết khó khăn như thế nào để đưa vào những thay đổi lâu dài và bền vững trong cuộc sống của chính chúng ta, đơn giản là để thay đổi những thói quen xấu hoặc những gì sai trái … Chúng ta xưng thú những tội “trong tư tưởng, lời nói và việc làm…”. Có một nhiệm vụ hoán cải liên lỉ nào đó.
  2. Điều cần được thực hiện để làm trong sạch “tâm hồn của Dòng Ngôi Lời” là gì? Hãy làm cho nó trong sạch một lần nữa. Hãy chữa lành những thành viên bị thương tích. Hãy đối diện với những người vô trách nhiệm. Hãy thay đổi những thói quen xấu. Hãy để cho những cơ cấu và chương trình không thích đáng chết đi và bắt đầu cách mới mẻ. Giáo hội và mỗi hội dòng cần sự canh tân này. Thời gian chín muồi chưa? Các anh em đã sẵn sàng chưa? Tôi đã sẵn sàng chưa? Đây là những câu hỏi mà chúng ta có thể hỏi chính mình vào thời điểm kết thúc Tổng tu nghị thứ 18 này và sau này nữa. Chỉ khi chúng ta để điều này xảy ra, chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa! Cuộc sống và sứ vụ của Ngài cũng có thể trở thành cuộc sống và sứ vụ của chúng ta một lần nữa.

Mát-thêu 5,9: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

  1. Hãy sống trong bình an. Hãy trở về nhà cách bình an sau Tổng tu nghị tại Nemi và hãy tái học biết nơi nào và thế nào để tìm thấy bình an. Điều này đã diễn ra đối với nhiều người đã đến đây trước kia. … Nhiều anh em bình an với chính họ, với người khác, và với Thiên Chúa, là những chứng nhân quan trọng trong các cộng đoàn tu sĩ truyền giáo quốc tế và liên văn hóa của chúng ta. Nó quan trọng đối với các cộng tác viên giáo dân của chúng ta, nhưng cũng quan trọng đối với thế hệ Ngôi Lời trẻ để tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống tu sĩ truyền giáo của họ. Chắc chắn nó sẽ góp phần giúp cho những người trẻ tham gia và làm cho những người khác kiên trì. Việc sống trong bình an sẽ tạo nên sự khác biệt trong cách thức mà chúng ta sống và làm việc chung…
  2. Đối với nhiều thế hệ và tại nhiều nơi trên thế giới, Hội dòng chúng ta đã đóng góp cho việc xây dựng hòa bình, nhưng như chúng ta biết ngày nay thế giới chúng ta thiếu hòa bình biết bao nhiêu. Chúng ta sẽ tiếp tục cầu nguyện cho điều này, nhưng chúng ta phải làm bổn phận của chúng ta. Chúng ta, những con cái của Thiên Chúa duy nhất…

Mát-thêu 5,10: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

  1. Chủ đề công chính trở lại lần thứ hai. Chúng ta biết sự công chính quan trọng như thế nào trong đời sống của chúng ta và hơn thế nữa. Tuy nhiên, còn có nhiều điều không công chính trong đời sống cá nhân của chúng ta, trong đời sống của Hội dòng chúng ta và trong thế giới rộng lớn.
  2. Làm thế nào để giải quyết những điều ấy, làm thế nào để cho những điều ấy được đúng đắn trong thế giới nói chung và trong Hội dòng chúng ta, làm sao để cổ vũ các anh em đi ra khỏi các vùng thoải mái của họ, không được thỏa mãn với mức tối thiểu … là một thách thức mà chúng ta cần cầu nguyện. Nó cũng đòi hỏi một sự đối thoại và đối diện chân thành. Nó là một tiến trình dài, liên tục và suốt đời. Nó sẽ không kết thúc với Tổng tu nghị này.

Mát-thêu 5,11-12: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”

  1. “Vì danh Thầy” … Chỉ ở cuối, Đức Giêsu đặt chính Ngài làm trọng tâm. Bận rộn với nhiều thứ trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta quên rằng đó là của Ngài và không chỉ là sứ vụ của chúng ta. Như Mẹ Têrêsa đã nói về công việc của các nữ tu của Mẹ, “Chúng tôi không làm việc này vì điều gì đó, nhưng vì ai đó.” Và từ “ai đó” này đòi chúng ta đặt Ngài trở lại trung tâm trong suốt Tổng tu nghị thứ 18 tại Nemi này. Như trong cuộc sống của cha Janssen của chúng ta, chỉ sự đơn sơ trong cuộc sống và niềm tin sâu sắc nơi Ngài sẽ mang lại sự canh tân cần thiết và sẽ làm cho chúng ta có thể kiên trì.
  2. Canh tân không có nghĩa gì khác hơn là đặt Đức Gie6su trở lại trung tâm. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô làm với chương trình nghị sự gấp ba lần của ngài như chúng ta đã biết: “Đặt Đức Giêsu/Tin mừng trở lại trung tâm và điều này sẽ kéo theo sự hoán cải, sự xoay chuyển, sự thấy Thiên Chúa, và việc nhớ rằng chính Ngài đã và đang kêu gọi chúng ta một lần nữa; để đi ra ngoài lần nữa và thực thi sứ vụ nhân danh Ngài.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “… mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Người đã đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: ‘Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa…’.” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 3). Và trong Tông huấn sau đó, Đức Thánh Cha viết [bằng cách trích dẫn Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II]: “Nếu chúng ta thật sự bắt đầu lại từ việc chiêm niệm về Đức Kitô, thì chúng ta phải học cách nhìn thấy Người đặc biệt là trên khuôn mặt của những kẻ mà chính Người muốn được đồng hoá với” (Tông huấn Hân Hoan Nhẩy Mừng, số 96); những người nghèo và các người bị loại ra bên lề xã hội. “Khi bám chặt vào Người, chúng ta được hứng khởi để đem tất cả các đặc sủng của mình ra phục vụ tha nhân.  Nguyện xin cho chúng ta luôn cảm thấy được tình yêu của Người thúc đẩy (2Cr 5,14)” (Tông huấn Hân Hoan Nhẩy Mừng, số 130). Đấng sáng lập của chúng ta, thánh Arnold Janssen, khích lệ chúng ta rằng: “Hãy tiến tới với sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và hãy quyết tâm lần nữa để xây dựng cuộc đời anh em trong sự khiêm nhường thánh thiện, và vì thế Thiên Chúa sẽ ở với anh em.”

Heinz Kulüke

Lm. An tôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Trưởng ban dịch thuật chuyển ngữ

Bài trướcVIDEO: Nghi Thức Gia Nhập Tập Viện Ngôi Lời Việt Nam 2018 (Thứ Tư, ngày 11/07/2018)
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XVI – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.