Chúa Nhật – Ngày 16 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV
Bài đọc 1 : Is 55,10-11
Bài đọc 2 : Rm 8,18-23
Tin Mừng : Mt 13,1-23
Khi ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”[…]
HẠNH PHÚC THAY NGƯỜI THỰC THI “LỜI”
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói về các mầu nhiệm Nước Trời. Những dụ ngôn này có lẽ khó hiểu với nhiều người Do Thái thời Đức Giêsu, nhưng với các Tông Đồ, và nhất là mỗi người Kitô hữu chúng ta, điều đó được hiểu cách tỏ tường, vì Chúa đã trưng dẫn và giải thích cách rõ ràng (x. Mt 13,10). Thế nhưng, hiểu Lời là một đàng, còn thực hành Lời lại là chuyện khác.
Albert Einstein (1879 – 1950), người Đức, là nhà khoa học vĩ đại trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Ông là người đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, cùng với thuyết lượng tử, là một trong hai cột trụ của vật lý hiện đại. Thế nhưng, Einstein lại là người theo chủ thuyết bất khả tri (agnosticisim). Cho nên, một con người vĩ đại như thế, nhưng cả cuộc đời của mình, cho đến lúc chết, ông vẫn không trả lời nổi ba câu hỏi: Con người bởi đâu mà có? Con người sẽ đi về đâu? Tại sao con người lại hiện hữu trên trái đất này? Những câu hỏi mà nhà vật lý vĩ đại Einstein không có câu trả lời, thì chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta đã có thể trả lời từ lúc 6 tuổi, cái tuổi mà chúng ta được dạy về các mầu nhiệm đức tin trong mỗi lớp giáo lý!
Chúng ta may mắn hơn Einstein và nhiều người khác, vì chúng ta được dạy dỗ và nuôi dưỡng đức tin từ khi còn nhỏ. Chúng ta được nuôi dưỡng bằng Lời Sự Sống và Bánh Thần Linh. Dù vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng thực hành Lời một cách trọn vẹn như được dạy dỗ. Để rồi, nhiều khi, Lời khi được gieo xuống thì bị quỷ dữ cướp mất; bị nắng thiêu đốt; bị bụi gai bóp nghẹt (x. Mt 13,18-22).
Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa hôm nay đánh động tâm hồn con, giúp con thực thi Lời một cách mau mắn trong chiều sâu đức tin, để Lời luôn được sinh hoa kết quả dồi dào trong tâm hồn con.
Giuse Nguyễn Công Lai
Thứ Hai – Ngày 17 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV
Bài đọc : Xh 1,8-14.22
Tin Mừng : Mt 10,34-11,1
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được […]
CHIA RẼ
Tin Mừng phải đem đến bình an hạnh phúc cho bất cứ ai đón nhận, nhưng hôm nay Đức Giêsu lại nói đến một nghịch lý: “Thầy đến để gây chia rẽ”. Nếu vì Tin Mừng mà gây chia rẽ chống đối nhau thì liệu có còn là tin vui hay tin buồn?
Mục đích của Tin Mừng là làm cho người ta hiệp nhất nên một, nhưng khi đón nhận chúng ta phải đối diện với những giằng co lựa chọn, chọn Chúa hay thỏa hiệp với những dễ dãi của bản thân; chọn Chúa hay là tìm cách làm vừa lòng người thân, nhất là khi trong một gia đình mà niềm tin tôn giáo không như nhau thì chia rẽ chống đối là điều dễ xảy ra, kẻ thù chính là người nhà. Trước tình cảnh này, người theo Chúa phải có thái độ dứt khoát, phải chọn Chúa trên tất cả (x. Mt 10,37). Chọn Chúa thì phải chấp nhận đánh đổi, không có chuyện thỏa hiệp nửa vời. Đức Giêsu không chủ trương sống vô ơn, bất hiếu với cha mẹ, hoặc lạnh lùng vô tình với người thân, nhưng trên bậc thang giá trị thì người môn đệ phải đặt Ngài lên hàng đầu. Mức độ từ bỏ cứ tăng dần, người môn đệ không những phải yêu Chúa hơn cả người thân, mà còn phải từ bỏ chính mình chấp nhận những thua thiệt và bách hại, có khi phải trả giá bằng mạng sống.
Hành trình của người môn đệ là hành trình thập giá, luôn bị xâu xé giữa lựa chọn và từ bỏ. Hành trình ấy cứ dai dẳng suốt đời khi quyết định chọn Chúa hay chính mình, chọn Chúa hay người thân… Tự sức con người thì khó để vượt qua vì “tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 10,38), nhưng ta tin rằng “ơn Thầy đủ cho con”(2 Cr 12,9) thì ta sẽ biết khôn ngoan và dứt khoát chọn Chúa, chấp nhận những chia rẽ, kì thị và chê bai của người đời.
Lạy Chúa, giữa muôn vàn chọn lựa, xin cho con can đảm chọn Chúa, dù lắm khi con phải chịu thiệt thòi, hoặc thậm chí bị chống đối, nhưng con tin Chúa sẽ có cách bù đắp cho con.
Giuse Nguyễn Văn Linh
Thứ Ba – Ngày 18 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV
Bài đọc : Xh 2,1-15a
Tin Mừng : Mt 11,20-24
Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
ƠN LÀNH VÀ TRÁCH NHIỆM
Thời Cựu Ước, Tia và Xơđôm là hai thành phố ngoại giáo đã từng bị các ngôn sứ nguyền rủa. Khôradin và Bếtxaiđa là hai thành có đời sống thịnh vượng. Chúa Giêsu nhiều lần qua lại và rao giảng Tin Mừng ở hai thành này. Tuy nhiên, dân hai thành này không đón nhận lời Chúa. Chúa Giêsu quở trách dân thành vì họ được chứng kiến phần lớn phép lạ Người đã thực hiện, nhưng lại không sám hối. Thành Xơđôm đã bị thiêu rụi vì những tội ác ghê tởm mà dân thành xúc phạm đến Thiên Chúa. Ấy thế mà Chúa Giêsu cho biết: Nếu các phép lạ mà Chúa đã làm ở Caphácnaum cũng được thực hiện ở Xơđôm, thì thành ấy đã không bị tiêu diệt.
Thiên Chúa không muốn tiêu diệt con người, nhưng chỉ có con người cứng lòng, cứ muốn đi theo con đường dẫn đến diệt vong. Chúa Giêsu là cầu nối để tôi ý thức về vị trí của mình trong cõi đời này. Bước đi trong luật Chúa dạy, tôi được đón nhận nhiều ơn lành hơn là gánh nặng. Vậy tôi phải ý thức lướt thắng cám dỗ và dứt khoát theo Chúa. Việc sẵn sàng đón nhận lời Chúa dạy, cũng là đón nhận tình thương để được sống. Thói ích kỷ và ưa phạm tội khiến tôi sợ phải gần Chúa; đó là con đường dẫn đến diệt vong. Chúa luôn nhân từ với những ai giữ lòng tin yêu Ngài. Thật bi kịch cho tôi nếu tôi nằm trong số đông dân thành Xơđôm trác táng để rồi bị hủy diệt. Tôi phải biết trông cậy vào ơn lành Chúa ban để từ đó mới có thể tin tưởng và làm chứng cho lời Chúa trong tư cách người môn đệ.
Lạy Chúa, xin tha thứ những lần con xa lánh Chúa; xin cho con luôn biết cậy trông vào ơn trợ lực của Chúa để con dám dấn thân mạnh mẽ hơn.
Gioan B. Phan Lĩnh
Thứ Tư – Ngày 19 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV
Bài đọc : Xh 3,1-6.9-12
Tin Mừng : Mt 11,25-27
Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA – ƠN DÀNH CHO NGƯỜI BÉ MỌN
Thiên Chúa tỏ lộ chính mình qua công trình tạo dựng và qua chính Đức Kitô, Con Một của Người. Những chân lý mặc khải này được nhận biết không chỉ do sự nỗ lực của con người nhưng còn là hồng ân Thiên Chúa ban cho những người bé mọn, khiêm tốn.
Cùng khám phá thế giới, người khiêm
tốn nhìn ra giới hạn của mình trước vũ trụ bao la và dùng khả năng của mình để nhận biết Thiên Chúa biểu lộ qua sự khôn ngoan của Người nơi vũ trụ, nhưng kẻ kiêu ngạo coi vũ trụ là nhỏ bé trước sự khôn ngoan của con người. Cũng vậy, lời rao giảng về Đức Kitô chịu đóng đinh trở nên điên rồ đối với người khôn ngoan theo kiểu thế gian, nhưng đây lại là phương thế mà Thiên Chúa muốn dùng để cứu độ người có tâm hồn đơn sơ, bé mọn (x. 1 Cr 1,18-21).
Như vậy, trong kế hoạch yêu thương, Thiên Chúa muốn tất cả mọi người nhận biết Người để được cứu độ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu được những mầu nhiệm Nước Trời, nắm bắt được những chân lý mặc khải nhưng chỉ những người bé mọn, khiêm tốn được Thiên Chúa ban cho ơn đó. Và đó là điều đẹp ý Thiên Chúa.
Sống với tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn là điều cần thiết, để chúng ta thấy được sự hữu hạn của con người, để Thiên Chúa trợ giúp chúng ta vượt qua những hữu hạn để đạt tới thực tại siêu hình là Nước Trời nhờ mặc khải của Người.
Lạy Chúa, chúng con không ngừng tạ ơn Chúa vì Người đã ban ơn đức tin cho chúng con và xin Người cũng ban ơn ấy cho tất cả chúng sinh.
Gioan B. Phan Tuấn Thể
Thứ Năm – Ngày 20 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV
Bài đọc : Xh 3,13-20
Tin Mừng : Mt 11,28-30
Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
SỐNG KHIÊM NHƯỜNG, ĐƠN SƠ
Chúng ta thật may mắn và hạnh phúc vì được biết Chúa và có Chúa. Ngài là Thiên Chúa đầy quyền năng, nhưng lại có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Ngài là Thiên Chúa cao cả, nhưng lại có ách êm ái và nhẹ nhàng. Ngài luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống. Trong những lúc ta buồn chán, cô đơn và thất vọng, khi mọi người xa lánh và phê phán ta thì lúc đó Chúa lại luôn hiện diện; Ngài ân cần và nâng đỡ chúng ta. Cùng với sự hiền hậu và nhẹ nhàng, Ngài mang đến cho ta sự bình an, thoải mái và niềm hy vọng. Và quả thật chỉ trong Chúa ta mới tìm thấy được tình yêu và sự an ủi đích thực.
Mỗi người chúng ta đã được Chúa trao ban tình yêu thương để sống vui và bình an. Không những thế, Ngài cũng đã luôn chở che và nâng đỡ mỗi khi ta gặp thất bại và đau khổ. Đáp lại tình yêu đó, mỗi người chúng ta cũng phải biết chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ nhau, sẵn sàng giúp đỡ khi người khác cần đến mình.
Xã hội hôm nay đầy dẫy bất công và bạo lực. Con người luôn phải sống trong ưu tư và khắc khoải. Là Kitô hữu, noi gương Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta hãy trở nên “muối” cho đời, bằng đời sống đầy tình liên đới với tất cả mọi người. Chúng ta phải trở nên hiền hậu, luôn có sự khiêm nhường và phải biết hy sinh để có thể trở nên êm ái và nhẹ nhàng hơn với mọi người, đặc biệt là những người đau khổ và bất hạnh.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết ý thức về thân phận của mình, để biết sống hiền hậu, khiêm nhường và nhẹ nhàng với anh chị em, để cuộc sống luôn là những niềm vui và hạnh phúc.
Phêrô Nguyễn Văn Thìn
Thứ Sáu – Ngày 21 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV
Bài đọc : Xh 11,10-12,14
Tin Mừng : Mt 12, 1-8
Khi ấy, vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát.”
LÒNG NHÂN
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7).
Lễ tế dâng Chúa là để tỏ lòng kính mến và tri ân Thiên Chúa về mọi ân lộc Ngài đã thương ban. Nhưng khi lễ tế thiếu đi tấm lòng người dâng thì cũng chẳng khác chi bao của cải khác. Thiên Chúa há lại ưa thích của cải trần gian? Xưa nay người ta vẫn thường nói, cách cho thì quý hơn của cho, âu cũng đúng vậy.
Đức Giêsu đã dâng một hiến lễ vẹn toàn là chính sinh mạng Ngài, để tỏ bày tình yêu tuyệt đối với Cha và để cứu rỗi nhân loại. Đó là lòng nhân cao cả nhất. Lòng nhân của Ngài cũng được biểu lộ qua việc không ngừng thi ân giáng phúc cho mọi người, nhất là những người bé mọn, bị bỏ rơi, bất cứ đâu Ngài đi qua. Lòng nhân ấy cũng biểu lộ qua việc Ngài không biết mệt mỏi loan Tin Mừng cứu độ.
Là môn đệ của Ngài, chúng ta được mời gọi để ‘bước đằng sau Thầy, đến những nơi Thầy đến, và làm những việc Thầy đã làm’. Đôi khi một việc làm nhỏ nhưng với con tim lớn cũng đã là một cách thế biểu lộ lòng nhân với tha nhân. Bớt đi một lời nói gắt gỏng, hay hàm ý hạ thấp người khác, bớt đi một hành động gây phiền hà cho kẻ khác, hay giúp đỡ người khác trong khả năng với tinh thần vui tươi, hoặc cầu nguyện cho người khác, dầu đó là người mình không ưa,… vì lòng mến Chúa và vì anh em, thiết nghĩ đã là những hành động của lòng nhân chân thật rồi. Chính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là một tấm gương điển hình như thế.
Lạy Chúa, lắm khi chúng con đến với nhau chỉ bằng mặt mà không bằng lòng, cho nhau nhiều thứ mà tấm lòng lại chẳng chịu cho. Xin giúp chúng con luôn biết sống thật lòng với nhau.
Phanxicô X. Nguyễn Du Trí
Thứ Bảy – Ngày 22 – Tháng 7
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV
THÁNH NỮ MAĐALÊNA.
Lễ kính. (Tr).
Bài đọc : Xh 12,37-42
Tin Mừng : Mt 12,14-21
Khi ấy, nhóm Pharisêu ra khỏi hội đường, bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu. Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.
MUÔN DÂN ĐẶT NIỀM HY VỌNG NƠI NGƯỜI
Đức Giêsu đến trần gian để giải thoát con người khỏi đau khổ của tội lỗi. Người là vị cứu tinh muôn dân ngóng chờ và hy vọng.
Tôi thiết nghĩ, ai trong chúng ta cũng muốn được sống tự do và hạnh phúc. Khi Đức Giêsu đến trần gian để thi hành sứ vụ của mình cũng là lúc con người được hưởng trọn vẹn sự tự do. Sự tự do đích thực mà Người mang đến đó chính là giải thoát nhân loại khỏi ách tội lỗi. Làm sao con người có thể được hưởng hạnh phúc khi phải sống trong cảnh tù đày của tội lỗi.
Con người ngày nay mải mê tìm kiếm cho mình sự tự do và hạnh phúc chóng qua. Họ quên rằng Thiên Chúa mới là niềm vui vĩnh cửu của cuộc sống mai hậu, là cùng đích của mỗi con người. Cám dỗ về vật chất và danh vọng đã làm con người đánh mất chính giá trị mà Thiên Chúa đã trao ban thuở ban đầu. May thay, còn đó một Giáo Hội với sự hiện diện của Đức Kitô để chữa lành và đem họ về cùng Thiên Chúa. Sẽ là niềm vui cho những ai biết chạy đến cùng Thiên Chúa qua Giáo Hội mà được hưởng sự tự do và hạnh phúc đích thực.
Chỉ có Đức Kitô mới đem lại cho con người nguồn hy vọng và sự bình an. Cuộc sống con người sẽ ra sao nếu gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Vì cuộc sống dương gian chỉ là tạm bợ và chóng qua còn Thiên Chúa mới là cùng đích vĩnh cửu.
Lạy Đức Kitô nguồn hy vọng của nhân loại, xin cho chúng con biết cậy trông và tín thác cuộc sống của chúng con vào trong Ngài. Xin cho chúng con biết chọn Ngài làm gia nghiệp mãi mãi.
Giuse Lê Văn Tuấn