Chúa Nhật – Ngày 12 – Tháng 8
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX
Thánh nữ Mácta. Lễ nhớ. (Tr).
Bài đọc 1 : 1 V 19,4-8
Bài đọc 2 : Ep 4,30 – 5,2
Tin Mừng : Ga 6,41-51
Khi ấy, những người Do Thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống’”.
Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.
“Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
TẤM BÁNH BẺ RA CHO CON NGƯỜI
Diễn từ trong bài Tin Mừng hôm nay cho ta hiểu rõ nguồn gốc của Đức Giêsu khi Người mặc khải chính mình là Bánh Hằng Sống đến từ trời. Người là tấm bánh bẻ ra cho con người qua Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, đến ban sự sống cho thế gian. Người là bánh đích thực nên những ai đến với Người không hề phải đói, ai tin vào Người chẳng khát bao giờ.
Nội dung diễn từ của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống trong đoạn Tin Mừng này có thể ví như một bài thuyết trình về Bí tích Thánh Thể, là tặng phẩm thần linh tuyệt hảo giữa muôn vàn tặng phẩm. Thiên Chúa trao ban chính sự sống của mình cho con người.
Mọi Kitô hữu được mời gọi là tấm bánh bẻ ra, hiến trao cho người khác bằng đời sống chứng tá, dấn thân phục vụ, là muối men cho đời. Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta được đi vào cõi thâm sâu của ơn thánh, nuôi dưỡng linh hồn và giúp chúng ta có sức mạnh để vượt qua cám dỗ, thử thách; đồng thời sống xứng đáng là Kitô hữu đích thực.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con biết ý thức sứ mạng của mình trong đời sống chứng tá hằng ngày. Và nhất là xin cho chúng con biết năng đến với Bí tích Thánh Thể, để Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng đời sống hồn xác chúng con, để chúng con luôn sống trong ân nghĩa Chúa.
Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD
Thứ Hai – Ngày 13 – Tháng 8
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX
Lễ thánh Pontianô, giáo hoàng, tử đạo, và thánh Hippôlytô, linh mục, tử đạo
Bài đọc : Ed 1,2-5.24-28c
Tin Mừng : Mt 17,22-27
Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ tụ họp ở miền Galilê, Người nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. Khi thầy trò tới Caphácnaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phêrô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giêsu hỏi đón ông: “Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phêrô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giêsu liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
THẬP GIÁ VÀ PHỤC SINH
Có lẽ ai trong đời cũng có những kinh nghiệm về sự chia ly với những người thân yêu. Có những cuộc chia ly rồi lại gặp nhau ở trong chính cuộc sống trần gian này. Nhưng cũng có cuộc chia ly mà ngày gặp lại chỉ có ở trong niềm tin vào Thiên Chúa. Đó là sự chết.
Tôi nghĩ các môn đệ của Chúa Giêsu là những người thực sự may mắn. Bởi trước khi đi vào cuộc Vượt Qua, chính Chúa đã tiên báo cho các ông đến ba lần về sự kiện tột đỉnh của tình yêu này. Người đã chuẩn bị cho các ông một tâm lý để sẵn sàng đối diện với giờ phút đó. Tuy nhiên, các môn đệ không hiểu.
Tôi không được may mắn như các môn đệ của Chúa xưa kia. Lần cuối cùng tôi gặp cha tôi khi người còn có thể nói được là ở phi trường. Khi đó người tiễn tôi lên đường đi thực tập mục vụ.
Lời tiên báo của Đức Giêsu: “Con người sẽ bị giết chết nhưng ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy” cho thấy mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô là trọng tâm của niềm tin mà tôi được ơn lãnh nhận. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa đã nhập thể làm người, mang lấy thân phận con người phải chết. Qua cái chết ấy, Người đưa loài người lên với Chúa Cha. Đây là niềm hi vọng vững chắc cho những ai tin vào Đức Kitô. Tôi thực sự may mắn vì có được niềm hi vọng vững chắc này. Niềm hi vọng giúp tôi bình thản hơn khi phải đối diện với sự chia ly với người tôi thương mến.
Lạy Chúa, xin cho chúng con vững tin rằng không có gì có thể chia tách chúng con ra khỏi Chúa và ra khỏi nhau. Xin cho chúng con biết sống với nhau bằng cả con tim để sau này chúng con lại gặp nhau và mỉm cười với nhau trong nước Chúa.
Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD
Thứ Ba – Ngày 14 – Tháng 8
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX
Thánh Maximilianô linh mục, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).
Bài đọc : Ed 2,8 – 3,4
Tin Mừng : Mt 18,1-5.10.12-14
Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: “Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. “Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Ðấng ngự trên trời. “Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.
ĐỘNG LỰC THEO CHÚA
Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Câu hỏi của các môn đệ cho thấy mối bận tâm của các ông về chỗ đứng trong Nước Trời. Sau một thời gian theo Thầy, có lẽ các ông muốn biết mình sẽ có một vị trí nào trong Nước Trời. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ gặp tư tưởng này nơi Phêrô: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27).
Tư tưởng của các môn đệ còn nặng về vật chất. Các ông đã theo Chúa cho đến lúc này mà vẫn chưa hiểu được Thầy, chưa nhận ra được giá trị của Tin Mừng. Ngày nay có nhiều người theo đạo chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ vì những lợi lộc về tinh thần cũng như vật chất. Đây là động lực mang tính con người. Tuy nhiên, với thời gian Chúa sẽ biến đổi và làm cho họ nhận ra tình yêu của Ngài, vì Thiên Chúa có thể viết thẳng trên những đường cong.
Trong thời gian mục vụ hè, tôi được biết có một gia đình đến xin cha xứ theo đạo. Họ là dân di cư mới đến và ở gần một xóm đạo. Họ thấy đám tang của người Công Giáo có bà con láng giềng đến an ủi, cầu nguyện và đưa đi chôn rất đông. Ngoài ra còn có ông cha xứ đến làm các nghi thức, cử hành thánh lễ một cách long trọng. Do đó, họ muốn xin được gia nhập đạo để khi chết có người đến chia sẻ và cầu nguyện.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy nhìn lại xem mình theo Chúa với động lực nào? Cho tới bây giờ tôi đã thực sự đi theo Chúa vì yêu mến chưa?
Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con, để chúng con có thể yêu Chúa và sống xứng đáng với tình yêu của Ngài. Còn về phần thưởng ở đời này hay đời sau trong Nước Trời, con tin Chúa sẽ lo liệu cho chúng con.
Lm. Gioan Baotixita Trần Vui, SVD
Thứ Tư – Ngày 15 – Tháng 8
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX
ĐỨC MẸ LÊN TRỜI. Lễ trọng. (Tr).
Bài đọc 1 : Kh 11,19a.12,1-6a.10ab
Bài đọc 2 : 1 Cr 15,20-27
Tin Mừng : Lc 1,39-56
Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người…
TÂM TÌNH TẠ ƠN
Tâm tình tạ ơn có thể được xem là bản chất của con người. Bởi vậy, một trong những bài học đầu đời mà ông bà, cha mẹ dạy cho con cái, cháu chắt là “lời cảm ơn”. “Lời cảm ơn” dẫu là đầu môi chót lưỡi nhưng lại diễn tả tấm lòng biết ơn sâu sắc của người thụ ơn. Bản thánh ca Magnificat của Đức Maria là một lời tạ ơn và chúc tụng tuyệt vời nhất dâng lên Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Mẹ biết bao điều kỳ diệu.
Với một tâm hồn dâng tràn niềm vui và hạnh phúc qua lời sứ thần Gáprien báo tin vui trọng đại, Đức Maria đã không nén nổi niềm hân hoan khôn tả và diễm phúc cao trọng mà Thiên Chúa dành riêng cho mình. Mẹ đã vội vã lên đường để chia sẻ niềm vui đó với gia đình người chị họ là bà Êlisabét. Trong bầu khí gặp gỡ giữa hai tâm hồn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, Đức Maria đã thốt lên lời tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa. Mẹ tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa vì Mẹ được diễm phúc hơn mọi người phụ nữ (x. Lc 1,42). Mẹ đã cảm nhận được rằng Thiên Chúa đã ưu ái đoái thương và dành riêng cho Mẹ tước vị làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của Đấng Cứu Thế. Mẹ tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa vì đã nhận ra rằng mình cũng chỉ là “phận nữ tỳ hẹn mọn”, rất đỗi bình thường, có thể nói là vô danh tiểu tốt, nhưng Thiên Chúa đã ưu ái gọi tên Mẹ và tuyển chọn Mẹ để cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại. Đó là hồng ân vô giá và cao trọng.
Nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, tôi cũng cảm nhận được rằng tôi không là gì và cũng chẳng xứng đáng chi mà Thiên Chúa đã mời gọi và tuyển chọn tôi trở nên người phụng sự Người và rao giảng Tin Mừng cứu độ. Đây là hồng ân vô giá mà tôi đã nhận được nhưng không nhờ tình thương và sự ưu ái của Đấng đã tác thành nên tôi.
Lạy Chúa, xin cho con biết lấy cả cuộc đời mình làm nên một bài ca tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa không ngơi vì những hồng ân mà Ngài đã ban cho con trong suốt hành trình làm người và làm con Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD
Thứ Năm – Ngày 16 – Tháng 8
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX
Bài đọc : Ed 12,1-12
Tin Mừng : Mt 18,21-19,1
Khi ấy, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ…
THA THỨ SỰ BIỂU ĐẠT CỦA TÌNH YÊU
Tin Mừng Mátthêu hôm nay cho chúng ta thấy được lòng khoan dung của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi. Thiên Chúa là người Chủ nhân hậu, luôn sẵn sàng tha thứ ngay cả khi chúng ta “mắc nợ mười ngàn yến vàng”. Chính vì thế, Chúa muốn chính chúng ta cũng phải có lòng rộng lượng, khoan dung và đầy lòng xót thương đối với anh em mình.
Chúa muốn chúng ta hãy tha thứ và học cách tha thứ cho nhau vì nguồn cội của sự tha thứ bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người tha thứ cho nhau vô điều kiện và không giới hạn vì chính Ngài đã tha thứ cho con người trước. Chúa dạy con người phải biết tha thứ vì tha thứ chính là sự biểu đạt của tình thương yêu.
Trước hết, tha thứ là yêu thương chính mình. Sau nữa, tha thứ là yêu thương người được thứ tha. Tình yêu chính là con người, là bản chất của chúng ta. Hãy để cho tình yêu được biểu lộ, được hoạt động theo trái tim đầy yêu thương. Tha thứ là một trong những cách tốt nhất chứng tỏ tình yêu thương đối với chính mình và với người khác; là lòng quảng đại với bản thân và với tha nhân.
Lạy Chúa, Chúa đã yêu chúng con đến chết; luôn luôn tha thứ dù chúng con đã trót phạm tội nhiều lần. Còn chúng con thì lại luôn chấp nhất, để bụng, và thù hằn anh em mình vì những lỗi lầm nhỏ nhặt. Xin Chúa đoái thương hướng dẫn và dạy chúng con mỗi ngày để chúng con luôn biết yêu thương, tha thứ cho anh em mình như chính Chúa đã yêu thương, khoan dung và luôn tha thứ cho chúng con.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD
Thứ Sáu – Ngày 17 – Tháng 8
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX
Bài đọc : Ed 16,1-15.60.63
Tin Mừng : Mt 19,3-12
Khi ấy, có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” Các môn đệ thưa Người : “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” […]
ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
Câu chuyện về sáng tạo trong sách Sáng thế kết thúc ở bối cảnh thiết lập hôn nhân. “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy làm cho cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2,18). Bởi thế người đàn ông sẽ từ bỏ cha mẹ để sống gắn bó yêu thương vợ mình và cả hai trở nên “một xương một thịt”. Vậy hôn nhân Kitô giáo là một bí tích được Thiên Chúa thiết lập, chứ không phải bởi quy ước hay luật lệ của con người đặt ra cho nhau. Khi những người Pharisêu chất vấn về vấn đề hôn nhân, Chúa Giêsu đã tìm về với Cựu Ước trong sách Sáng Thế. Ngài đã xác quyết đặc tính tuyệt đối và bất khả phân ly của hôn nhân. Ngài cũng khẳng định rằng luật Môsê nhân nhượng cho phép rẫy vợ, bởi vì “lòng chai dạ đá” của các ông.
Thật vậy, bản chất của hôn nhân lúc ban đầu vốn dĩ toàn vẹn, nguyên ủy, tinh tuyền. Bằng giao ước mới thiết lập trong Máu mình, Đức Giêsu trở nên Tân Lang của Giáo hội. Giáo hội tùng phục Đức Kitô và Đức Kitô tự hiến vì yêu Giáo hội: hai hành động này hỗ tương cho nhau tạo nên khuôn mẫu sống động cho các đôi vợ chồng noi gương bắt chước. Tuy nhiên, từ khi tội lỗi xâm nhập thế gian, vì tội lỗi nhân loại, hôn nhân đã bị lu mờ và mất đi căn tính toàn thiện của thuở ban đầu. Chính vì để khắc phục tình trạng này, Thiên Chúa đã dùng luật để giáo dục và ràng buộc hôn nhân. Bài Tin Mừng hôm nay một lần nữa Chúa Giêsu đã khẳng định lại điều này “ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” Luật nghiêm khắc đến nỗi các môn đệ phải thốt lên như thế thà đừng lấy vợ còn hơn.
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương nhân loại mà Chúa đã tự hiến thân mình để gánh lấy tội lỗi của chúng con. Xin cho các cặp vợ chồng cũng biết hy sinh, chịu khó gánh lấy những bất toàn của nhau, để mọi người trong gia đình luôn sống trong cảnh an vui và hạnh phúc.
Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD
Thứ Bảy – Ngày 18 – Tháng 8
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX
Bài đọc : Ed 18,1-10.13b.30.32
Tin Mừng : Mt 19,13-15
Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
NƯỚC TRỜI LÀ CỦA TRẺ EM
Trẻ em đối với nhiều nền văn hóa có một vị trí rất trân trọng và được bảo vệ, nâng niu. Đối với người Việt nam thì chúng được xem như là “búp non trên cành” cần được dưỡng dục để trở thành những người có ích cho xã hội. Nhưng trong xã hội Do Thái thời Đức Giêsu, trẻ em không được nhìn nhận cách lạc quan như vậy. Khi thấy những trẻ em được đưa đến với Đức Giêsu, “các môn đệ la rầy chúng”. Tuy vậy, Đức Giêsu lại muốn các trẻ em đến với Người: “Cứ để trẻ em đến với Thầy” bởi vì Người muốn chúc lành cho chúng.
Đức Giêsu đối xử với các trẻ em thật tuyệt vời và hành động này khiến cho mỗi người chúng ta nhận ra chân giá trị từ nơi các trẻ em. Các trẻ em vốn vô tư, cần sự bảo bọc vì chúng không biết nhiều về những gì đang diễn ra quanh chúng. Chúng hành động theo sự tò mò, cảm xúc hơn là dùng lý trí phân biệt. Và chính vì vậy, chúng được Đức Giêsu đón nhận, đề cao và khẳng định “Nước trời là của những ai giống như chúng”. Thực ra Đức Giêsu cũng đã nói với các môn đệ Người: “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên giống trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3) và “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15).
Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta quan tâm nâng đỡ các trẻ em. Đồng thời, mỗi người chúng ta cần có một tâm hồn như trẻ em, để biết luôn tin cậy phó thác vào Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn sẵn sàng đón nhận trẻ em như Chúa đón nhận và chúc phúc cho chúng, và xin cho mỗi người chúng con biết đặt đời chúng con vào trong tay Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời.
Tu sĩ Gioan Trần Nam Phong, SVD