Chúa Nhật – Ngày 20 – Tháng 5
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Lễ trọng (Đ)
Bài đọc 1 : Cv 2,1-11
Bài đọc 2 : 1 Cr 12,3b-7.12-13
Tin Mừng : Ga 20,19-23
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
BIẾN ĐỔI
Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ. Ngài trao ban Thánh Thần và ơn bình an, giúp các ông được mạnh mẽ và hân hoan làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.
Sau khi chứng kiến cái chết của Thầy mình, các môn đệ đã suy sụp và thất vọng ê chề. Như con thuyền không lái, các ông mất phương hướng; những hoài bão ấp ủ trong tim trở nên dang dở. Chính trong thời khắc này, Đức Giêsu đã hiện ra với các ông. Người đã xóa tan mọi nỗi ưu sầu, thất vọng, và làm bừng lên ngọn lửa hy vọng, để những giấc mơ dang dở lại được thắp lên. Người ban cho các môn đệ bình an và Thánh Thần, sai các ông đi chia sẻ niềm tin và niềm hy vọng cứu thoát.
Chính Đức Kitô Phục Sinh đã đưa các môn đệ ra khỏi ngôi mộ của sự sợ hãi, của ích kỷ, của những sai lầm, để tự tin bước vào lòng thế giới. Quả thật, Đức Giêsu không giải thoát các môn đệ khỏi những ưu phiền của thế gian, nhưng ban cho các ông sự vững vàng không lay chuyển trước sóng gió cuộc đời. Người không hứa sẽ giữ gìn các ông khỏi những bách hại của thế gian, nhưng ban cho các ông sự bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần và bình an của Đức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ đã biến đổi tận căn. Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi, các môn đệ trở nên can đảm làm chứng cho Đức Giêsu trước mặt đám đông. Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, các ông trở nên khôn ngoan, hiểu rõ mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó. Từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, các ông trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hy vọng. Sự biến đổi ấy là hành trang và là lợi khí để các môn đệ dấn thân trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi qua.
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin biến đổi và thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong lòng con, để con hân hoan ra đi, đem bình an và Tin Mừng Phục sinh đến cho mọi người.
Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD
Thứ Hai – Ngày 21 – Tháng 5
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII
Bài đọc : Hc 1,1-10
Tin Mừng : Mc 9,14-29
[…] Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” Đức Giêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giêsu quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!” Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi […]
THIÊN CHÚA – ĐẤNG CHỮA LÀNH
Người Do Thái quan niệm bệnh tật là do tội của chính đương sự hay của người thân nào đó gây ra (x. G 4,7; Ga 9,2). Thế nên, người có bệnh phải mang hai nỗi đau lớn: nỗi đau thể xác do bệnh tật và nỗi đau tinh thần vì bị liệt vào hàng tội nhân. Nỗi đau đó không chỉ riêng người có bệnh mang lấy nhưng còn là nỗi đau, nỗi khổ, nỗi nhục của cha mẹ, của anh em họ hàng nữa.
Hơn ai hết, Đức Giêsu hiểu cảnh cùng khổ này của con người. Ngài chạnh lòng thương cho tất cả. Cho nên Ngài đã đến trần gian để xoa dịu và giải thoát con người khỏi cảnh cùng khốn ấy (x. Lc 4,18). Ngài không chỉ chữa lành bệnh tật trong thân xác mà thôi nhưng còn xoa dịu và giải thoát con người khỏi bệnh tật của linh hồn; Ngài phục hồi cho con người phẩm giá ban đầu, làm trung gian để đưa con người đến cùng Thiên Chúa và trả lại cho con người thân phận làm con Chúa bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Nhưng mà bệnh tật, đau khổ, sự dữ là một thực tại hiển hiện trên cõi trần này. Đã mang thân phận con người nghĩa là phải đối diện với những điều chẳng ai muốn ấy. Đứng trước vấn nạn của sự dữ và đau khổ nhiều khi chúng ta không thể tìm ra được một câu trả lời thoả đáng.
Song, con người không phải đơn côi chống lại với bệnh tật, đau khổ, sự dữ hay tuyệt vọng vì không còn cách nào để thoát khỏi chúng. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian, đã tẩy trừ mọi tội lỗi, đã trả lại cho nhân loại những gì đáng được hưởng ngay từ thuở “tạo thiên lập địa”. Tin Mừng hôm nay chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. Và Thiên Chúa không chỉ chữa lành vết thương thể xác mà thôi nhưng còn chữa lành vết thương của tâm hồn nữa.
Lạy Chúa, xin hãy chữa lành con, không chỉ nỗi đau thể xác mà thôi nhưng còn cả vết thương tâm hồn nữa. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD
Thứ Ba – Ngày 22 – Tháng 5
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII
Thánh Rita Cascia, nữ tu (Tr).
Bài đọc : Gc 4,1-10
Tin Mừng : Mc 9,30-37
[…] Đức Giêsu đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giêsu
và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
QUYỀN LỰC VÀ VINH QUANG
Quyền lực luôn là một cám dỗ rất lớn đối với con người. Các môn đệ cũng không thoát khỏi cám dỗ ấy. Trong khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó mà Người sắp phải chịu, các ông lại tranh nhau cãi xem ai là người lớn nhất.
Theo lẽ thường, người làm lớn luôn được người khác kính trọng, có danh tiếng và có quyền hành. Tư tưởng của các môn đệ cũng đang gắn chặt với cái lẽ thường tình ấy. Tin Mừng cho thấy giữa các ông đang có một cuộc tranh cãi gay gắt để xem ai là người lớn hơn cả. Đức Giêsu biết rõ điều mà các môn đồ của mình đang tranh luận. Người không quở trách, cũng chẳng la mắng nhưng ôn tồn dạy dỗ các ông: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Như thế, giá trị của lẽ thường ở đời về người đứng đầu đã bị đảo ngược. Người có chức vụ lớn không phải để đè đầu cưỡi cổ người khác nhưng ôm ấp nơi mình trách nhiệm phục vụ, hướng dẫn và lo lắng cho những người bé mọn trong dân thánh. Vinh quang của người đứng đầu không thể hiện nơi quyền lực nhưng được tỏ lộ trong việc chu toàn trách nhiệm phục vụ.
Quyền lực và vinh quang trần thế như một cám dỗ luôn đeo bám những người theo Chúa. Để rũ bỏ được nó, không khác gì hơn là phải thay đổi hẳn lối nhìn về người đứng đầu. Đây là điều khó khăn cho các môn đệ và cho chính chúng ta nữa. Chỉ có đức khiêm nhường để đưa chúng ta vào vai trò phục vụ Chúa và phục vụ Tin Mừng chứ không phải phục vụ vinh quang của bản thân. Đức Giêsu đã trở nên gương mẫu cho sự phục vụ: Con Thiên Chúa đến trần gian không phải để được phục vụ nhưng là phục vụ mọi người (x. Mt 22,28). Vinh quang của Thiên Chúa được tỏ lộ cách trọn hảo nơi thập giá trên đồi Gôngôtha. Người cũng mời gọi chúng ta hãy học hỏi theo mẫu gương ấy: “Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức khiêm nhường, để chúng con biết phục vụ người khác như chính Chúa đã phục vụ.
Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD
Thứ Tư – Ngày 23 – Tháng 5
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII
Bài đọc : Gc 4,13-17
Tin Mừng : Mc 9,38-40
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con”.
KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ
Không muốn bị lu mờ, muốn cho mình có địa vị cao là tâm lý chung của con người. Chúa Giêsu không trách các môn đệ về việc họ tranh cãi xem ai là người lớn nhất. Nhưng Ngài đã ân cần dạy bảo họ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” ( Mc 9, 35 ).
Có lẽ điều Chúa dạy trong bài Tin Mừng hơi khó áp dụng trong hoàn cảnh xã hội hôm nay. “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết” ( Mc 9,35) là điều khó chấp nhận vì nó đi ngược lại với bản tính tự nhiên của con người. Theo lẽ thường, người làm lớn luôn được người khác kính trọng, có danh tiếng và có quyền hành. Chúa lại dạy điều ngược lại rằng muốn làm người đấng đầu thì phải làm người rốt hết, người phục vụ.
Phải hiểu ý Chúa muốn nói gì với ta? Chúa muốn nói với mỗi người là hãy có đức khiêm nhường: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chúa muốn mỗi người có trong mình đức khiêm nhường để phục vụ chính mình và người khác. Làm người đứng đầu không phải để lên mặt, dùng quyền đè nén người khác nhưng là ân cần phục vụ người khác khi họ cần.
Sống trong thế giới hôm nay, con người cần lắm thái độ khiêm nhường. Có thái độ khiêm nhường thì con người không còn đấu đá lẫn nhau, không còn tranh đua, thống trị, nghi ngờ, ghen ghét, bạo lực… Khiêm nhường để tôn trọng nhân vị của người khác. Khiêm nhường để đón nhận người khác, đón nhận những điều không được như mình mong muốn. Khiêm nhường để đón nhận thánh ý của Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn.
Lạy Chúa, xin giúp con tô thắm đức khiêm nhường mà Chúa ban, để con sống xứng danh là con Chúa và biết phục vụ người khác như chính Chúa đã phục vụ.
Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD
Thứ Năm – Ngày 24 – Tháng 5
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII
Bài đọc : Gc 5,1-6
Tin Mừng : Mc 9,41-50
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.”
CHỌN LỰA THEO TIN MỪNG
Gây cớ vấp phạm là tạo ra một hoàn cảnh, một điều kiện làm cho người khác phạm lỗi. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc đến nhiều cái cớ gây ra sự vấp phạm, và đòi hỏi chúng ta tránh trở nên cớ vấp phạm cho người khác, bằng cách sống theo tinh thần Tin Mừng.
Trước hết, cớ vấp phạm là một điều xấu vì nó đi ngược lại với tinh thần bác ái, nên cần phải dứt khoát loại trừ. Cách nói “chặt tay, chặt chân, móc mắt” không thể hiểu theo nghĩa đen vì đó không phản ánh tinh thần của Tin Mừng, mà cần được hiểu như là thái độ dứt khoát và quyết liệt cần phải có để loại trừ những cớ gây vấp phạm cho những người khác.
Hơn nữa, mục đích mà Chúa Giêsu đòi buộc phải quyết liệt để loại trừ cớ vấp phạm là để bảo vệ “những kẻ bé mọn đang tin”. Điều này có nghĩa là tất cả những ai đang tin vào Thiên Chúa đều được Thiên Chúa lưu ý và tôn trọng. Vì thế, người ta không thể coi thường những kẻ bé mọn đang đặt niềm tin vào Chúa, vì tất cả họ đều đang giá trước mặt Thiên Chúa.
Sau cùng, điều Chúa Giêsu muốn là các môn đệ của Ngài hãy giữ muối trong lòng và sống hòa thuận với nhau (x. Mc 9,50). Tất cả những cố gắng của các môn đệ để không gây vấp phạm cho nhau đều nhằm xây dựng tình huynh đệ và giữ cho muối yêu thương và bác ái đừng bị nhạt đi. Đó thật sự là những gì tinh túy nhất của tinh thần Tin Mừng vậy!
Lạy Chúa, xin cho chúng con vì tinh thần bác ái của Tin Mừng mà không gây cớ vấp phạm cho nhau, nhất là những người bé mọn; và xin cho chúng con biết gìn giữ để muối yêu thương, bác ái đừng phai nhạt đi.
Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD
Thứ Sáu – Ngày 25 – Tháng 5
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII
Bài đọc : Gc 5,9-12
Tin Mừng : Mc 10,1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ
Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”. Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
TRUNG THÀNH
Hiện tượng ly dị ngày càng nhiều đang làm mất đi những giá trị cao đẹp của việc xây dựng một gia đình hạnh phúc. Một trong những giá trị nền tảng quan trọng nhất trong đời sống hôn nhân, gia đình là sự trung thành. Chính Chúa Giêsu cũng đã muốn con người gắn bó trung thành với nhau khi Ngài nói với những người thuộc nhóm Pharisêu rằng : “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt…” (Mc 10,6-8).
Đối với tôi, sự trung thành là một đức tính cao đẹp và rất ý nghĩa cho đời sống ơn gọi của mình. Tôi sống đời tu trì để được nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Kitô. Và để sống lý tưởng cao đẹp ấy, tôi chọn sự trung thành là đức tính nền tảng để nghe, để biết, để hiểu và để yêu Chúa suốt đời tôi.
Đời sống ơn gọi của tôi cũng đầy dẫy những khó khăn và có khi, những thử thách ấy làm cho sự trung thành của tôi bị lung lay và méo mó. Đã có những lúc tôi để cho xác thịt đưa đẩy đến những vũng lầy tối tăm của tội lỗi, đã đặt để lòng mình vào những kho tàng vật chất của thế gian, đã đu đeo theo những lời cám dỗ của ma quỷ. Những cám dỗ ngày đêm rình mò nhằm đánh tan sự trung thành trong tôi. Nhưng tôi nhận ra rằng, càng có nhiều chông gai thử thách, thì sự trung thành của tôi dành cho chúa càng có giá trị. Tôi chẳng cố quay cuồng để đương đầu hay né tránh những cám dỗ. Việc chấp thuận hay từ chối những cám dỗ đó hệ tại ở lòng trung thành của tôi dành cho Chúa có đủ lớn để vượt thắng chúng hay không thôi.
Lạy Chúa, xin Chúa gìn giữ các gia đình để họ biết trung thành với Chúa và với nhau; và xin cho con luôn trung thành với Chúa, vì Chúa chính là gia nghiệp đời con. Amen.
Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD
Thứ 7 – Ngày 26 – Tháng 5
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII
Thánh Philipphê Nêri, linh mục. Lễ nhớ (Tr).
Bài đọc : Gb 5,13-20
Tin Mừng : Mc 10,13-16
Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
SỰ ĐƠN SƠ CỦA TRẺ NHỎ
Không ai trong chúng ta đã trưởng thành mà không phải trải qua giai đoạn tuổi thơ với sự đơn sơ, trong sáng. Là trẻ thơ nên chẳng phải bận tâm lo lắng về cuộc sống, và luôn tin tưởng phó thác đời mình nơi cha mẹ.
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp cảnh người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng. Nhưng hành động xin chúc phúc cho các trẻ nhỏ bị các tông đồ ngăn cản, nên Đức Giêsu mời bực mình lên tiếng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”. Quả vậy, Nước Trời thuộc về những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ, luôn biết cậy trông, tín thác vào lòng từ bi và quan phòng của Thiên Chúa.
Hơn nữa, cũng như trẻ nhỏ cần sự nâng đỡ, chở che của cha mẹ trong mọi sự, Đức Giêsu cũng muốn mời gọi chúng ta hãy đến với Chúa để người nâng đỡ, bồi dưỡng tâm hồn, nhất là những khi chúng ta quỵ ngã trước những cơn cám dỗ của tội lỗi, những khốn khó trong cuộc đời. Thêm vào đó, người có tâm hồn đơn sơ bé nhỏ thì dễ dàng cảm nhận được tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho mình.
Trong cuộc sống hôm nay, khi thế giới đạt được những thành tựu và tiến bộ về nhiều mặt, con người dễ có xu hướng tự phụ và kiêu căng. Vì lẽ đó, người ta quên mất tinh thần bé nhỏ và lòng tín thác; người ta không muốn sống khiêm nhường để rồi sợ đánh mất chính mình giữa xã hội ồn ào, đầy ảo tưởng và lắm hư danh. Có lẽ điều này cũng không ít lần đã len lỏi trong suy nghĩ và hành động của chúng ta khi chúng ta mải miết đi tìm những cái hư danh của cuộc đời làm điểm tựa, thay vì tìm đến Chúa để cậy trông vào tình thương và lòng từ ái của Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Xin cho con ý thức được những yếu đuối của bản thân để biết tín thác vào Ngài luôn mãi. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD