Thường Niên – Tuần IV – Năm B

0
506

Chúa Nhật – Ngày 28 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc 1: Ðnl 18,15-20

Bài đọc 2: 1 Cr 7,32-35

Tin Mừng:  Mc 1,21-28

Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

 “THẾ NGHĨA LÀ GÌ!”

Khi Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường và dùng lời quyền năng của Người để trừ quỷ, thiên hạ sửng sốt trước Lời của Người, đến nỗi họ phải thốt lên: “Thế nghĩa là gì!”

Người ta kinh ngạc trước Lời của Người vì giáo lý thì mới mẻ và lời dạy lại có uy quyền, đến nỗi mọi loài phải kính sợ, ngay cả thần ô uế cũng phải nghe lời và tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa.

Tác giả thư Hípri đã từng khẳng định: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Hr 4,12). Quả vậy, Lời ở trong Kinh Thánh không chỉ là lời Thiên Chúa phán mà còn có thể ám chỉ Đức Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể, là Lời của Thiên Chúa Cha, là chứng minh chứng sống động về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Lời Chúa thấu suốt tâm tình cũng như mọi tư tưởng của lòng con người. Lời cũng là kim chỉ nam, là ánh đèn soi dẫn những ai tin vào Đức Giêsu, như lời Thánh vịnh: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).

“Với bản thân là một tu sĩ, hơn thế nữa là tu sĩ mang danh Ngôi Lời, tôi sẽ không xứng hợp nếu như tôi không say mê và yêu mến Lời. Nhờ Lời cuộc đời của tôi được chữa lành và biến đổi trở để nên giống Đức Kitô hơn mỗi ngày.

Lạy Chúa Giêsu là Lời Nhập Thể, xin hướng dẫn cuộc đời con, thanh tẩy tâm hồn con, và gìn giữ con bằng lời quyền năng và yêu thương của Người. Amen.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Thứ Hai – Ngày 29 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Thánh Giuse Freinademetz – Lễ nhớ

Bài đọc :

Tin Mừng : Lc  10,1-9

Sau đó, Chúa cử thêm bảy mươi [hai] người khác, và sai họ, cứ từng hai người, đi trước Ngài đến mọi thành và nơi chốn Ngài định đến. Ngài bảo họ: “Mùa màng nhiều, thợ gặt ít! Vậy các ngươi hãy xin Chủ mùa sai thợ gặt đồng lúa của Người. Các ngươi hãy đi! này Ta sai các ngươi như chiên vào giữa sói. Ðừng mang ví tiền, bao bị, giày dép; cũng đừng chào hỏi dọc đường. Hễ vào nhà nào, trước tiên hãy nói; Bình an cho nhà này! Nếu ở đó, có con cái của phúc bình an, thì bình an các ngươi chúc sẽ đậu xuống trên đó, nhược bằng không, nó sẽ quay trở lại trên các ngươi. Hãy lưu lại nhà ấy, và ăn uống những gì họ có, vì làm thợ thì đáng được công. Ðừng có hết nhà này lại sang nhà nọ. Vào thành nào người ta tiếp đón các ngươi, thì họ dọn gì, các ngươi hãy ăn. Và hãy chữa các kẻ ốm đau trong thành; hãy bảo họ: “Nước Thiên Chúa đã gần bên các ngươi!”

TỪNG HAI NGƯỜI MỘT

Ở đâu đó người ta vẫn nói tới câu chuyện kể rằng: Một người Việt Nam làm việc tốt hơn một người Nhật Bản, nhưng hai người Nhật Bản lại làm việc tốt hơn hai người Việt Nam. Câu chuyện có dụng ý rằng sự cộng tác giữa các thành viên của người Nhật tốt hơn người Việt. Chính nhờ sự cộng tác tốt giữa các thành viên này, vị thế của đất nước Nhật mới được ngưỡng mộ như ngày hôm nay.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai nhóm bảy mươi hai đi trước Chúa tới các làng mạc, nơi Người sẽ đến. Họ được chỉ định đi thành từng cặp, hai người một. Họ được sai đi để dọn đường cho Chúa, và “gặt lúa” về. Vì đồng lúa đã chín vàng. Họ ra đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Điều đó có nghĩa là họ đi vào những chỗ nguy hiểm nhất đang rình chờ họ. Tuy nhiên, họ ra đi với mệnh lệnh “đừng mang theo gì cả”. Hành trang của họ chỉ có Chúa và người bạn đồng hành. Sứ điệp của họ mang theo là “Bình an”. Bình an với Chúa và bình an với nhau.

Quả thực, sự hòa hợp và sống bình an giữa hai người được sai đi đủ để làm chứng cho những người họ gặp gỡ rằng: Thiên Chúa đang ở giữa họ. Và Thiên Chúa của bình an chính là món quà, cũng là sứ điệp của người môn đệ Chúa cho muôn dân. Vì thế, một cộng đoàn yêu thương và tôn trọng nhau là điều cần thiết phải xây dựng, để sứ điệp bình an của Chúa được biểu lộ cho mọi người.

Lạy Chúa, con đang trên đường theo Chúa, xin cho con biết kết hợp với Chúa và sống hòa thuận với anh em, để từ đó, bình an của Chúa được lan tỏa qua đời sống của con. Amen.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Ba- Ngày 30 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc : Hr 12,1-4

Tin Mừng : Mc 5,21-43

Khi ấy, Đức Giêsu xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người. Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”…

SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả cho chúng ta hai sự kiện về việc chữa lành và làm cho người chết sống lại.

Sự kiện thứ nhất cho chúng ta biết về người đàn bà bị băng huyết đã hai mươi năm. Bà đã quyết tìm đến với Chúa Giêsu với niềm tin là chỉ cần sờ vào tua áo của Người là hy vọng được sạch, và niềm tin đó của bà đã cứu chữa bản thân khi Đức Giêsu nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”.

Sự kiện tiếp theo đó là Chúa Giêsu làm cho con gái ông trưởng hội đường sống lại. Lúc bấy giờ người nhà của ông trưởng hội đường đến báo rằng: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”. Nhưng Đức Giêsu bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.

Như vậy, đối với người Kitô hữu niềm tin là một minh chứng để được cứu rỗi và chữa lành trong tình yêu của Chúa. Tuy nhiên, để sống cho một niềm tin giữa xã hội đang bị tục hóa và chạy theo vật chất với lối sống hưởng thụ như hôm nay quả là một điều không dễ dàng. Người ta có thể bị cuốn vào cơn lốc đó nếu không có niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa.

Qua việc học hỏi, tìm hiểu và sống Lời Chúa mỗi ngày, mỗi người Kitô hữu giống như hạt giống tốt được gieo mầm trong nơi đất tốt sẽ sinh hoa kết quả dồi dào. Tuy nhiên, để sống và làm chứng cho niềm tin của mình mỗi Kitô hữu cần dựa vào ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, biết khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm của mình để có thể luôn được biến đổi và có đức tin ngày càng trưởng thành hơn.

Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của chúng con còn quá yếu đuối và mỏng manh. Chúng con cần được Ngài ban Thánh Thần Chúa đến để thánh hóa và dìu dắt mỗi ngày để chúng con có thể vững bước trong niềm tin và tình yêu của Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Tư- Ngày 31 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Thánh Gioan Boscô, Linh mục. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : 2 Sm 24,2.9-17

Tin Mừng :  Mc 6,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy,

nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.

HỌ VẤP NGÃ VÌ NGƯỜI

Trên đời, có những thứ hiểu biết làm cho người ta đi đúng hướng thì cũng có những thứ hiểu biết làm cho người ta rơi vào sai lầm. Sự hiểu biết làm cho người ta có thể đi đúng hướng là sự hiểu biết về chân lý; và để có được sự hiểu biết này người ta cần phải có lòng khiêm nhường để mở lòng mình mà đón nhận chân lý.

Những người đồng hương của Chúa Giêsu tại làng Nadarét trong bài Tin Mừng hôm nay biết Chúa Giêsu. Hơn nữa, họ còn biết rõ gốc gác, bà con thân thuộc và có lẽ biết cả nghề nghiệp của Người. Tuy nhiên, sự hiểu biết này chưa đủ, vì Đức Giêsu không chỉ là một con người thuần túy, nhưng còn là Thiên Chúa làm người. Và để có được “cái biết” này, con người cần đến ân ban của đức tin.

Hơn nữa, đám đông xưa kia còn nhận ra sự khôn ngoan của Đức Giêsu qua những lời Người giảng dạy; họ tin nhận những phép lạ Chúa làm. Nhưng vì “cái biết” bị dán nhãn nên họ không thể nhận ra được nguồn gốc đích thực của Người. Thế nên, họ đã vấp ngã vì Người.

Ta hãy khoan trách dân làng Nadarét bởi thực tế đôi khi chính chúng ta đã để cho những hiểu biết của thời đại gạt bỏ Chúa ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Lời Chúa hôm nay nói với tôi hãy học sống khiêm nhường để nhận ra Thiên Chúa và quyền năng của Người, bằng không tôi sẽ chặn hết nguồn ân sủng mà Người muốn tuôn đổ xuống trên cuộc đời tôi. Một khi cố chặn hết nguồn ân sủng này, tôi sẽ bị “vấp ngã” vì Người như họ.

Lạy Chúa, con đang sống trong một xã hội luôn đề cao lý trí và khoa học cách thái quá, đến nỗi người ta muốn loại bỏ Chúa ra khỏi mọi hoạt động sống của con người. Xin giúp con để những sự hiểu biết làm cho con tới gần Chúa chứ đừng để chúng làm con xa Ngài, vì Chúa chính là nguồn chân lý đích thực của con. Amen.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Năm – Ngày 01 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc :  1 V 2,1-4.10-12

Tin Mừng :  Mc 6,7-13

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

NHÀ TRUYỀN GIÁO HÔM NAY

Hành trang mang theo trên hành trình truyền giáo của người môn đệ được Đức Giêsu sai đi rất đơn sơ, giản dị: không mang gì đi đường; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; không được mặc hai áo; ngoài ba vật dụng thật sự cần thiết để thực thi sứ vụ là gậy, dép và mặc một chiếc áo

(x. Mc 6,8). Tất cả những đòi hỏi đó nhằm hướng đến sứ vụ cấp bách là làm sao Tin Mừng được đón nhận khắp mọi nơi.

Để làm được điều đó, người môn đệ truyền giáo phải là người rao giảng không chút sợ hãi, luôn ý thức sứ mạng của mình và tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa. Chính các ông là những sứ giả mang Lời đi nhưng chính Thánh Thần mới là Đấng cảm hóa tâm hồn và trí tuệ của những ai đón nhận Lời. Vì thế, người môn đệ không có gì để tự hào hay khoe khoang ngoài tình yêu họ được đón nhận từ Đấng đã sai họ đi.

Ngày nay, phương tiện kỹ thuật, nhất là kỹ thuật vi tính và truyền thông đã và đang được sử dụng trong hoạt động truyền rao Tin Mừng theo nhiều cách thế. Đó là điều đáng khích lệ và cần phát huy. Tuy nhiên, sẽ là không đúng nếu người môn đệ đánh mất đi lòng tín thác nơi Thiên Chúa để cậy dựa vào phương tiện kỹ thuật; đánh mất đi lòng khắc khoải gặp gỡ và kinh nghiệm về chính Thiên Chúa trong sâu thẳm lòng mình; đánh mất đi sự nhạy bén trước hoàn cảnh éo le của phận người bởi bức tường ngăn cách của sự tiện nghi, dễ dãi do vật chất và phương tiện hiện đại mang lại.

Lạy Chúa, xin cho các nhà truyền giáo luôn khắc khoải và hành động để làm sao Tin Mừng được công bố cách hữu hiệu nhất.

Tu xi Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Thứ Sáu- Ngày 02 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH – LỄ NẾN. Lễ Kính (Tr).

Bài đọc : Ml 3,1-4 hoặc Hr 2,14-18

Tin Mừng :  Lc 2,22-40

… Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.”…

THUỘC VỀ CHÚA

Ở đời không ai có thể sống một mình, nhưng phải thuộc về một ai đó, một tổ chức nào đó. Việc dâng Chúa Giêsu trong đền thánh đã nói lên điều này.

Trước hết ta thấy sự vâng phục Thiên Chúa theo luật Môsê của Đức Maria và thánh Giuse trong việc dâng Chúa: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ítraen, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta.” (Xh 13,1-2) Việc dâng Chúa cho thấy Đức Giêsu hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa; Ngài đến thế gian để thi hành sứ vụ mà Chúa Cha trao cho Ngài.

Sách Samuen quyển I đã mô tả việc bà Anna dâng đứa con đầu lòng là Samuen cho Chúa, vì Chúa đã nhậm lời bà cầu xin. Kể từ đây, Samuen là người thuộc về Chúa với sứ vụ mới là phụng sự Chúa trong trách nhiệm của mình (x. 1 Sm 1).

Mỗi người Kitô hữu chúng ta khi lãnh nhận bí tích rửa tội cũng được thánh hiến cho Thiên Chúa. Chúng ta thuộc về Chúa, là con cái của Thiên Chúa và là anh em với Đức Giêsu là trưởng tử. Do vậy, chúng ta cũng nhận lấy một sứ vụ mới mà Chúa trao phó, đó là từ đây, chúng ta sống cho Chúa và làm chứng cho Chúa giữa dòng đời.

Trong sứ điệp “Hoà bình dưới thế”, Đức Gioan XXIII, mô tả sứ vụ của người Kitô hữu như sau: “Mỗi một tín hữu trong thế giới của chúng ta là một mảnh sao băng, là một điểm hội tụ của tình yêu, là một thứ men sống động giữa những người anh em của mình. Nếu người tín hữu đóng trọn vai trò ấy, họ sẽ là người Kitô hữu chân chính.”

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con ơn được làm con Chúa, được thuộc về Chúa. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với ơn huệ này bằng cách thi hành bổn phận mà Chúa đã trao phó.

Lm. Gioan Baotixita Trần Vui, SVD

Thứ Bảy – Ngày 03 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Thánh Blasiô, giám mục, tử đạo (Đ).

Thánh Ansgariô, giám mục (Tr).

Bài đọc : Hr 13,15-17.20-21

Tin Mừng : Mc 6,30-34

Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

NGHỈ NGƠI

Con người thường quan tâm đến công việc nên dễ bị lôi cuốn vào vòng xoáy lo lắng, bận rộn, hoặc say sưa với những thành công và thường khó ngồi yên để nghỉ ngơi lượng giá lại mọi sự cách thấu đáo. Các môn đệ của Chúa Giêsu dường như cũng không phải là ngoại lệ khi họ vây quanh Thầy để kể lại tất cả những gì họ đã dạy, đã làm. Chính vì thế, Đức Giêsu

mới hối thúc các ông: “anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31).

Nghỉ ngơi ở nơi thanh vắng để cho tâm hồn được bình thản mà nhìn lại những gì đã trải qua nhằm khắc phục những hạn chế và tìm những hướng đi phù hợp cho tương lai. Đức Giêsu khuyên bảo các môn đệ đến nơi thanh vắng để nghỉ ngơi có lẽ không đơn thuần là tránh những ồn ào xáo động thể lý, nhưng còn muốn họ đi vào “sa mạc của tâm hồn”, nơi chỉ còn đối diện với Chúa để người môn đệ tránh được nguy cơ chạy theo hào nhoáng của những thành công ban đầu. Sau những kết quả khả quan của việc truyền giáo, có thể các môn đệ sẽ được nổi tiếng, được người ta ca ngợi… Điều này có nguy cơ làm họ tự đắc nghĩ rằng đó là do tài khéo của mình, mà quên đi vai trò của Chúa. Đây cũng là cám dỗ của người làm công tác mục vụ tông đồ hôm nay khi quyết định chọn Chúa hay chọn công việc của Chúa. Thông thường, chọn Chúa thì ít người biết đến, còn chọn công việc của Chúa thì dễ nổi tiếng, và sau nổi tiếng ấy thường có các bổng lộc đi kèm. Những điều này ban đầu có vẻ vô hại, nhưng dần già sẽ làm người ta quên Chúa mà chỉ lo đánh bóng hình ảnh của mình qua thành quả của công việc. Chính vì thế, người môn đệ của Chúa ở mọi thời đại cần biết cân đối giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữa lao động và cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bị nô lệ bởi công việc, trong khi lo lắng mưu sinh cũng biết nghỉ ngơi dành thời gian để thờ phượng ca tụng Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Bài trướcNghi thức Gia nhập Thỉnh viện Ngôi Lời, niên khóa 2017 – 2019
Bài tiếp theoHọp mặt quý ông bà cố Ngôi Lời, thuộc Gp. Đà Lạt, lần thứ II

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.