Phục Sinh – Tuần IV – Năm A

0
391

Chúa Nhật – Ngày 07 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH

Bài đọc 1 : Cv 2,14a.36-41

Bài đọc 2 : 1 Pr 2,20b-25

Tin Mừng : Ga 10,1-10

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. Vậy, Đức Giêsu lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy những chất tố hình thành nên một mục tử nhân lành.

Trước hết, người mục tử nhân lành phải là người nghe, biết và bước theo để trở nên đồng hình động dạng với Đức Kitô. Cụ thể, là người dẫn đường chỉ lối cho đoàn chiên tới nguồn suối mát trong lành là chính Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự.

Thứ đến, người mục tử nhân lành cũng là người bảo vệ đoàn chiên, thậm chí chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình; đồng thời mục tử nhân lành dẫn đàn chiên đến với Đức Giêsu Kitô vì Ngài là “cửa cho chiên ra vào”, để ai qua Ngài mà vào thì “sẽ được cứu”.

Chúng ta là những người đang bước theo tiếng gọi yêu thương của Chúa, vì thế, phải trở nên những mục tử của Đức Kitô, vừa biết bảo vệ đàn chiên của Chúa, vừa biết cách dẫn đàn chiên đến vị mục tử đích thật là Đức Kitô. Đồng thời, mục tử của Đức Kitô còn là người biết dẫn đàn chiên đến nguồn nước trong lành là các Bí Tích để cho đoàn chiên được no thoả ân sủng trong cuộc lữ hành trần thế.

Lạy Chúa, Hội Thánh đang không ngừng cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Xin cho nhiều người trẻ biết quảng đại đáp trả lời kêu mời của Thiên Chúa, để trở thành những mục tử tốt lành mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người qua mọi thời đại.

Thứ Hai – Ngày 08 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 11,1-18

Tin Mừng : Ga 10,11-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên […]

MỤC TỬ MANG MÙI CHIÊN

Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người chăn chiên và đoàn chiên để giới thiệu về mình: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

Đâu là sự khác biệt giữa mục tử nhân lành và người chăn thuê? Đó chính là tình yêu hiến dâng. Sói là hình ảnh biểu tượng cho những cám dỗ, quyền lực sự dữ, những thử thách cuộc đời. Khi đoàn chiên bị “sói” tấn công, người mục tử sẽ bảo vệ đàn chiên đến cùng và dám hy sinh mạng sống mình vì chúng. Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, đã hiến dâng cho đoàn chiên bằng cái chết tự nguyện của Ngài trên thập giá, bởi vì “không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của kẻ hiến mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Mục tử nhân lành là mục tử sống lòng thương xót trọn vẹn với đoàn chiên. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong các buổi nói chuyện, các bài giảng và đặc biệt trong đời sống phục vụ của mình, đã khuyên những người có trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên Hội Thánh rằng mục tử phải là người gần gũi với con chiên, là người cha, người anh em với sự dịu hiền, kiên nhẫn và thương xót; là người không có tâm lý của ông hoàng; là người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ khi đoàn chiên có hiểm nguy đe dọa; và nhất là làm cho niềm hy vọng được lớn lên.

Mục tử nhân lành là mục tử mang trong mình mùi chiên. Đó là vị mục tử đồng hành và chia sẻ tất cả với đoàn chiên, dám sống chết vì đoàn chiên. Vị mục tử mang mùi chiên sẽ hiện diện giữa đoàn chiên và làm cho đoàn chiên “được sống và sống dồi dào” trong ân sủng. Mục tử mang mùi chiên là nhân chứng sống động về lòng thương xót của Thiên Chúa, lôi kéo người ta đến với điều thiện hảo, là sứ giả cho công lý hòa bình.

Lạy Chúa, qua hình ảnh người chăn chiên, Chúa đã mặc khải cho chúng con một tình yêu hiến dâng và vô vị lợi. Xin Chúa ban cho Giáo Hội nhiều mục tử có tấm lòng yêu thương, và sẵn lòng hy sinh dấn thân phục vụ cho đoàn chiên Chúa trao phó.

Thứ Ba – Ngày 09- Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 11,19-26

Tin Mừng : Ga 10,22-30

Khi ấy, ở Giêrusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Salômôn. Người Do Thái vây quanh Đức Giêsu và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”

LÀM CHỨNG BẰNG HÀNH ĐỘNG

Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD

Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi” (Ga 10,25).

Việc làm là chứng từ mạnh mẽ nhất để chứng minh cho lời nói. Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Nói đi đôi với làm thì người ta mới phục, mới tin chứ không phải bằng lời nói suông.

Ngày hôm nay, làm chứng cho Chúa không đòi hỏi ta phải đổ máu, hy sinh mạng sống mình như các thánh ngày xưa. Nhưng chúng ta làm chứng cho Chúa bằng chính những việc làm cụ thể hàng ngày trong cuộc sống, trong gia đình, cộng đoàn, trong giáo xứ, làng xóm… Mỗi khi ta nở nụ cười để tha thứ cho những sai lầm của người khác, mỗi khi ta biết thăm hỏi những người nghèo neo đơn, mỗi khi ta biết chạnh lòng thương trước những nỗi khổ đau của anh em … như thế là ta đã làm chứng cho Chúa rồi. Tưởng chừng những việc làm đó thì quá nhỏ bé, đơn giản chẳng đâu vào đâu, ai cũng có thể làm được. Thế nhưng, tâm lý ai cũng muốn làm những việc lớn, chứ những việc nhỏ không ai muốn làm. Nếu ta không có sự khiêm nhường để làm những việc nhó bé, thì tự hỏi khi làm những việc lớn, lòng khiêm nhường của ta ở đâu? Bởi, “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10). Một khi chúng ta biết quên mình phục vì người khác là khi đó ta đang làm chứng cho Chúa vậy.

Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con là những chứng nhân sống động cho Chúa. Thế nhưng, dường như chúng con đang làm chứng cho Chúa nhân danh chúng con chứ chưa làm chứng để nhân danh Cha. Xin Chúa tha thứ và ban cho chúng con sự khiêm nhường để chúng con biết làm chứng nhân danh Cha, chứ đừng nhân danh chúng con.

Thứ Tư – Ngày 10 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 12,24-13,5a

Tin Mừng : Ga 12,44-50

Khi ấy, Đức Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”

TIẾNG NÓI CỦA NGÔN SỨ

Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD

Trong đoạn Tin Mừng này, tôi được đánh động bởi câu: “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì”. Qua đây, tôi thấy được tiếng nói của ngôn sứ đích thực là nói Lời của Thiên Chúa chứ không phải nói lời của chính mình.

Chúa Giêsu là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật mà Người vẫn trung thành nói lại những lời nói của Chúa Cha. Lẽ thường, một người muốn thuyết phục ai về một điều gì họ thường trích dẫn một ý tưởng hay mượn câu nói của một người có thế giá để chứng minh cho điều mình nói. Nhưng Chúa Giêsu là Chúa, người không cần mượn danh ai để chứng minh cho lời nói của mình, vậy mà Người vẫn khiêm nhường để cho ý Chúa Cha được thể hiện cách trọn vẹn.

Còn tôi là ai, địa vị của tôi là gì mà dám tự cao tự đại cho lời của mình là lời chân thật? Tôi là ai mà dám phán xét người khác? Chỉ cần là một người bình thường thôi thì họ cũng phải có nhiệm vụ nói lời chân lý. Huống chi, tôi là một tu sĩ, là người đi theo và noi gương Chúa Giêsu thì việc nói lời ngôn sứ cần thiết và quan trọng biết chừng nào!

Lạy Chúa Giêsu là khuân mẫu nói lời ngôn sứ, xin cho con biết ý thức mình chỉ là thụ tạo của Chúa, nhỏ bé, mỏng dòn, bất toàn và hay kiêu ngạo để con biết cậy dựa vào Chúa mọi điều, để con chỉ sống và nói lời ngôn sứ là lời của Chúa mà thôi.

Thứ Năm – Ngày 11 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 13,13-25

Tin Mừng : Ga 13,16-20

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

TÌNH YÊU PHỤC VỤ

Tu sĩ Phaolô A Hóa, SVD

Công Công Đồng Vatican II Khẳng định “Tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo”. Tất cả mọi người Kitô hữu được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng cách sống động trong sự hy sinh phục vụ.

Trong bài Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu đã xoá bỏ khoảng cách địa vị chủ – tớ mà hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ, một cử chỉ yêu thương phục vụ trọn tình vẹn nghĩa. Đây thật sự là một bài học cho tất cả chúng ta là những môn đệ của Ngài. Chúng ta được mời gọi hãy bắt chước hành động của Chúa Giêsu, hạ mình phục vụ anh em mình trong yêu thương. Chỉ khi chúng ta phục vụ trong yêu thương, chúng ta mới có thể khiêm tốn hạ mình xuống để làm với tất cả niềm vui và sự tận tình.

Trong đời sống thực tại, con người dường như đã đánh mất sự tận tâm phục vụ cách vô vị lợi. Mỗi khi làm việc gì, người ta suy nghĩ, tính toán xem việc này có lợi cho mình hay không hoặc làm việc gì cũng đều dựa trên hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cho bản thân, gia đình.

Lạy Chúa Giêsu là Vua tình yêu, xin hãy thánh hóa chúng con mỗi ngày để chúng con có thể noi gương Chúa mà sống tình yêu thương phục vụ trong đời sống hằng ngày cách tốt đẹp theo tinh thần Tin Mừng.

Thứ Sáu – Ngày 12 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 13,26-33

Tin Mừng : Ga 14,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi. Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.

ĐỪNG XAO XUYẾN

Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD

Đức Giêsu mời gọi các Tông Đồ: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Nhưng tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy để làm gì? Đó là để “anh em đừng xao xuyến.”

Đoạn Tin Mừng hôm nay thuộc phần “những lời cáo biệt” của Đức Giêsu với các Tông Đồ. Đức Giêsu thấy được nỗi sợ hãi, thấy được sự hoang mang, xao xuyến, mất phương hướng của các ông trong tương lai, khi mà Người không còn ở cùng các ông nữa. Bởi thế, Đức Giêsu đưa ra cho các Tông Đồ một phương thế vượt qua sự lo lắng, sợ hãi, xao xuyến, đó là: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Tại sao Đức Giêsu lại khẳng định như vậy?

Bởi vì chính Đức Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống”. Đức Giêsu là con đường dẫn đưa ta đến mục đích tối hậu của cuộc sống này. Chính Người là sự sống của chúng ta. Và chính Người cũng là sự thật, là chân lý của cuộc sống.

Bởi thế, cuộc sống chúng ta sẽ trở nên xao xuyến, lo lắng, sợ hãi, mất phương hướng nếu ta không quy hướng về Đức Kitô. Nếu ta luôn biết quy hướng về Người, tin tưởng, phó thác nơi Người thì cuộc sống của ta sẽ được bình an, hạnh phúc, và ta sẽ tìm được ơn cứu độ.

Lạy Chúa, Chúa chính là cùng đích, là chân lý sự sống, là khát vọng của đời con. Xin cho con luôn biết dâng tất cả vui buồn, lo âu, xao xuyến trong đời con lên cho Chúa. Xin cho đời con luôn biết quy hướng về Chúa với trọn vẹn con người con để cuộc đời con ngập tràn niềm vui và bình an. Và đặc biệt, xin cho con được sống trong sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thứ Bảy – Ngày 13 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 13,44-52

Tin Mừng : Ga 14,7-14

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm […]

THẤY THẦY LÀ THẤY CHA

Tu sĩ Gioan B. Phan Tuấn Thể, SVD

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ biết mối tương quan giữa Người với Chúa Cha: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy, và mời gọi họ tin vào Người.

Trong cách hiểu thông thường của con người, tương quan gắn liền giữa hai chủ thể tách biệt nhau: Con là con, và cha là cha. Chính vì thế, xem ra yêu cầu “xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” của ông Philipphê là chính đáng. Nhưng thực ra, nơi Thiên Chúa thì khác, Con thì phân biệt với Cha nhưng Cha – Con lại hiệp nhất nên một: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Vì thế, “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” bởi “Thầy và Chúa Cha là một” (x. Ga 10, 30). Mối tương quan giữa Cha và Con nơi Thiên Chúa gây khó khăn cho con người trong việc đón nhận. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chỉ cho thấy có con đường khác để đón nhận mạc khải về tương quan này. Đó là hãy tin vì công việc Đức Giêsu làm.

Nhưng tại sao tin vào việc Đức Giêsu làm thì chúng ta có thể thấy Chúa Cha? Tình yêu là bản tính của Cha, tình yêu không chỉ hiện hữu nơi nội tại Ba Ngôi mà thôi, nhưng còn chuyển thông ra bên ngoài bằng việc thương yêu con người và muốn cứu độ con người. Tình yêu ấy tỏ lộ một cách rõ ràng qua lời nói và hành động cứu độ của Đức Giêsu, Con của Người. Khi chúng ta nhận ra và tin những việc Đức Giêsu làm là vì tình yêu thì chúng ta thấy Chúa Cha vì Cha là tình yêu (x.1 Ga 4,8).

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con thấy được Chúa Cha nơi Chúa Con qua lời nói và công việc Người làm.

Bài trướcGiáo họ Pơng Drang mừng Lễ Bổn mạng Thánh Giuse thợ (1-5-2017) và Làm phép Khánh thành Nhà máy Nước Lọc
Bài tiếp theoNgày hội Cộng tác viên Truyền giáo Ngôi Lời 2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.