Mùa Thường Niên – Tuần VI – Năm A

0
476

Chúa Nhật – Ngày 12 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc 1: Hc 15,16-21

Bài đọc 2: 1 Cr 2,6-10

Tin Mừng : Mt 5,17-37

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi…

KIỆN TOÀN LUẬT

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Luật được thiết định là để bảo đảm và giữ ổn định trật tự cho đời sống xã hội và bảo vệ con người. Bởi vậy, khi  chúng ta tuân giữ luật thì luật sẽ bảo vệ chính chúng ta. Phân đoạn Lời Chúa hôm nay khá dài và trình bày cho chúng ta cách thế giữ luật, sống luật với tâm tình và tinh thần mới mà Đức Giêsu muốn kiện toàn.

“Ta đến không phải để bãi bỏ luật Môsê nhưng là để kiện toàn”. Chiếu theo lời khẳng định của Đức Giêsu và dựa trên ý nghĩa của đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy Ngài chân nhận luật của Môsê nhưng luật ấy chưa hoàn hảo, cần được kiện toàn. Kiện toàn ở đây có nghĩa là Ngài muốn làm cho lề luật đó có đầy đủ ý nghĩa của nó. Ngài kiện toàn luật Môsê bằng cách mặc cho nó một linh hồn, một tinh thần và một sức sống mới; làm cho luật đó trở nên hoàn hảo, có ý nghĩa và giá trị. Nói khác là Đức Giêsu muốn công bố ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa được diễn tả ngang qua Lề Luật, đó là luật “yêu thương”. Ngài muốn đặt nền tảng cho mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người đối với nhau là tình yêu thương. Tất cả mọi lề luật được khởi đi từ tình yêu thì luật đó sẽ trở nên hoàn hảo và ý nghĩa.

Một khía cạnh khác mà Đức Giêsu muốn kiện toàn lề luật là giúp cho người Do Thái nói riêng và cho chúng ta nói chung hiểu và sống đúng luật theo tinh thần mới đó. Việc giữ luật không chỉ dừng lại ở việc tuân giữ một cách chi li, tỉ mỉ, máy móc, không chút tâm tình, thiếu khoan dung, thiếu tình người nhưng ngược lại việc giữ luật phải được đặt nền tảng và khởi đi từ tâm tình yêu mến: mến Chúa và yêu thương anh chị em mình. Ngài muốn con người thể hiện lòng từ bi thương xót đối với nhau. Đó mới là tâm tình và tinh thần mới của luật được kiện toàn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống và tuân giữ luật với một tinh thần và sức sống mới, đó là luật mến Chúa và yêu người mà Ngài đã thiết định.

Thứ Hai – Ngày 13 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : St 4,1-15.25

Tin Mừng : Mc 8,11-13

Khi ấy, những người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

DẤU LẠ

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Người Pharisêu xin Chúa Giêsu một dấu lạ từ trời để thử Người. Nhưng Người đã không cho họ một dấu lạ nào. Thực ra, Chúa Giêsu đã ban cho họ rất nhiều dấu lạ nhưng họ đã không nhận ra bởi lòng tự cao, thích quyền lực và khăng khăng giữ luật một cách cứng nhắc của họ.

Còn đối với chúng ta, câu hỏi được đặt ra là nếu Chúa Giêsu xuất hiện vào thời đại này, chúng ta có đòi Chúa Giêsu một dấu lạ không? Quả thực, những điều mà Chúa Giêsu khiển trách người Pharisêu thì cũng thường gặp nơi mỗi người chúng ta. Lúc đầu, chúng ta giữ đạo một cách sốt sắng, thánh thiện, hăng hái tham gia các hội đoàn, siêng năng làm việc tông đồ, ước muốn trở thành một tu sĩ hay linh mục. Thế nhưng, khi đã đạt được ước vọng rồi, chúng ta trở nên một con người tự kiêu, tự đại. Chúng ta chỉ muốn làm theo ước muốn của bản thân mà quên mất nghĩa vụ của mình là làm cho tình yêu của Thiên Chúa được trổ sinh hoa trái. Chúng ta tự cho mình là người có có quyền được phán xét trên người khác. Chúng ta đã lảng tránh hay không nhận ra những dấu lạ của Chúa Giêsu. Bởi vì, trong Giáo Hội ngày nay, có rất nhiều những chứng nhân giúp cho chúng ta nhận ra những dấu lạ của Chúa Giêsu như Mẹ Têrêxa Calcutta, một nữ tu chân chính, yêu thương người nghèo; hay Đức Giáo hoàng Phanxicô, một con người khiêm nhường, bác ái, đồng cảm với nỗi đau của nhân loại và đặc biệt là người nghèo.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra những dấu lạ mà Ngài gửi đến cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết ý thức sự yếu đuối của bản thân và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Từ đó, chúng con sẽ thật sự yêu mến Ngài một cách khiêm tốn và nhận ra mình là anh em của người nghèo khổ và kẻ tội lỗi.  

Thứ Ba – Ngày 14 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : St 6,5-8.7,1-5.10

Tin Mừng : Mc 8,14-21

Khi ấy, các môn đệ Đức Giêsu quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”.

CHIẾC BÁNH CỦA TÌNH YÊU

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Người Việt Nam có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Câu nói đã toát lên tầm quan trọng của lương thực hàng ngày để nuôi sống con người. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc các tông đồ về chuyện những chiếc bánh đã từng làm cho dân chúng thỏa lòng. Tuy vậy, thứ bánh mà Chúa Giêsu muốn nói còn có ý nghĩa sâu xa hơn.

Chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều, các môn đệ Đức Giêsu và nhiều người đã phần nào thấy quyền năng của Chúa. Nhưng họ không hiểu rằng Chúa làm phép lạ đó không chỉ để giải quyết cái đói trước mắt nhưng nó còn thể hiện lòng thương xót, tình yêu của Người dành cho dân chúng. Điều quan trọng hơn cả không phải là Ngài muốn ban một thứ lương thực mau hư nát, mà là một thứ bánh thần thiêng, bánh của tình yêu, một thứ bánh ăn vào không bao giờ phải đói và khát nữa. Những người đi theo Ngài không hiểu điều đó, vì các môn đệ và dân chúng còn mang nặng chất “thế gian” nơi mình. Họ không hiểu bánh mà Chúa muốn nói tới là bánh hằng sống, tức Mình và Máu Ngài.

Con người ngày nay có đầy đủ điều kiện vật chất nhưng họ chỉ biết sống cho mình, cho gia đình mình và nhóm lợi ích mà thôi. Vì vậy, tình yêu và lòng thương xót hình như luôn vắng bóng đối với họ. Hình như họ bị men Pharisêu và men Hêrôđê tác động làm cho tâm hồn họ luôn bị xơ cứng trước nỗi khổ đau của tha nhân.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết đâu là men của lòng xót thương, men tình yêu của Chúa và đâu là lòng ghen tị, sự phô trương và chỉ biết đến những giá trị vật chất của men Pharisêu và men Hêrôđê.

Thứ Tư – Ngày 15 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : St 8,6-13.20-22

Tin Mừng : Mc 8,22-26

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đến Bếtxaiđa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giêsu sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.” Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”

NIỀM VUI ĐƯỢC CHỮA LÀNH

Tu sĩ Antôn P. Nguyễn Văn Khoát, SVD

Người ta thường nói: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Có nhiều người lại nói: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Trình thuật của thánh Máccô về việc Đức Giêsu chữa người mù trong đoạn Tin Mừng hôm nay đã nói lên tình thương của Người trước sự đau khổ do bệnh tật gây nên.

Ánh sáng rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Ánh sáng xua tan bóng đêm, đem lại một ngày tươi sáng, giúp con người sảng khoái yêu đời. Ánh sáng còn tô đẹp thiên nhiên, giúp cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở, muôn chim ca hát. Ngược lại, bóng tối ám chỉ sự chết chóc, đau thương, sợ hãi và là sự thất vọng trong cuộc đời. Anh mù cũng đã cảm nghiệm được điều đó, khi mọi thứ xung quanh anh điều là bóng tối. Không chỉ riêng đôi mắt của anh không nhìn thấy được mà chính cả tâm hồn anh cũng bị mù. Anh không có một hy vọng nào để thay đổi cuộc đời. Nhưng cuộc sống của anh đã được biến đổi khi gặp Chúa Giêsu. Anh không chỉ được lành đôi mắt mà hơn thế nữa tâm hồn của anh cũng được chữa lành. Chính Lòng Thương Xót của Chúa đã cứu chữa con người khỏi mù, chữa lành tâm hồn con người khỏi bóng đêm của tội lỗi. Và khi đó, con người sẽ không còn bước đi trong bóng tối của tội lỗi nữa, mà bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

Đây cũng là lời nhắn nhủ cho tôi. Dù không mù bằng thể lý, nhưng nhiều lúc tôi đang mù trong tâm hồn. Những lúc tôi xem trọng của cải vật chất, sống xa hoa, ghen ghét, hận thù… là tôi đã làm cho cuộc sống trở nên mù lòa.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tìm kiếm ánh sáng trong Đức Kitô, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới là ánh sáng thật. Chỉ khi nào đi trong ánh sáng của Chúa thì con mới có thể tìm được hạnh phúc và bình an.

Thứ Năm – Ngày 16 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : St 9,1-1

Tin Mừng : Mc 8,27-33

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ rời Bếtxaiđa để đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

VỚI TÔI ĐỨC KITÔ LÀ AI?

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Sinh ra trong một gia đình Công giáo, được rửa tội từ nhỏ, sống trong môi trường toàn tòng, lớn lên lại bước theo Chúa trong đời tu, được học và được tôi luyện trong “lò đạo”, thế nên với tôi, trả lời cho câu hỏi: “Đức Kitô là ai?” (Mc 2,27) không mấy khó khăn.

Thánh Phêrô sau khi theo Chúa một thời gian, chứng kiến các phép lại Người làm, và với sự mạc khải của Thần Khí, ông đã mạnh dạn tuyên tín: Thầy là Đấng Kitô (Mc 2,29). Có lẽ, vào lúc thốt lên lời xác quyết ấy, ông cũng chẳng hiểu và chẳng biết về Đức Kitô bao nhiều. Nhưng, khi ông đã quả quyết điều đó, nghĩa là ông dám đặt và phó mặc cuộc đời mình nơi Thầy.

Cuộc đời tôi cũng đã gắn bó với Đức Kitô, đã xác tín Người là Thiên Chúa. Thế nhưng, gắn bó đến mức như Chúa đòi hỏi, xác tín đến mức như đức tin dạy, không phải lúc nào tôi cũng làm được. Nhiều khi trong đời, Đức Kitô được uốn nắn theo những nét vẽ và ý muốn của riêng tôi; Đức Kitô trong tôi được nhìn nhận và phác thảo theo cái nhìn của người khác… Những điều đó, trong một mức nào đó, cũng đem lại cho tôi một hình ảnh về Đức Kitô. Song, một Đức Kitô như là chính Người, do chính tôi khám phá là điều không phải lúc nào tôi cũng làm được. Cho nên, khi đời là màu hồng thì Đức Kitô là Thiên Chúa của tôi, là Đấng tôi hết lòng yêu mến và tin tưởng; nhưng khi đời là mây đen ảm đảm thì Đức Kitô bị “biến dạng”, lòng tôi chao đảo, thậm chí than trách Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết khám phá và tín thác vào Ngài bằng chính sự xác tín của con. Và hơn hết, xin cho con vững lòng theo Ngài dù đời đôi khi sẽ gặp phong ba.

Thứ Sáu – Ngày 17 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : St 11,1-9

Tin Mừng : Mc 8,34-9,1

Khi ấy, Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.

MỘT ĐÒI HỎI KHẮT KHE

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Trong bài Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra một kiểu tuyển dụng chẳng giống ai. Ngài không hứa hẹn mà lại đòi hỏi: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Một tiêu chuẩn quá khắt khe, khó đáp ứng với bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài. Nhưng thật kỳ lạ là gần hai nghìn năm qua vẫn có nhiều người bị quyến rũ, bị thôi thúc để liều lĩnh dấn thân theo Ngài.

Đức Giêsu rất tôn trọng tự do của bất cứ ai đến với mình. Ngài không nài ép mà chỉ mời gọi “ai muốn theo tôi”, tức là tùy thuộc hoàn toàn vào sự chọn lựa của người muốn làm môn đệ. Một khi đã chọn Đức Giêsu đồng nghĩa với việc phải từ bỏ những thứ khác một cách dứt khoát, không có chuyện “chân trong chân ngoài” hay “bắt cá hai tay”. Đức Giêsu đòi hỏi phải từ bỏ cách triệt để là “từ bỏ chính mình”, nghĩa là không còn quyền sở hữu cho riêng mình bất cứ thứ gì, kể cả mạng sống, nếu như việc sở hữu ấy cản trở bước chân của người môn đệ, bất lợi cho việc loan báo Tin Mừng.

Vác thập giá mình mà theo: nói đến thập giá người ta thường nghĩ đến đau khổ, nhục nhã, chết chóc nên tránh được thì càng tốt. Tuy nhiên, tôi muốn nhìn thập giá trong hai mối tương quan: thanh ngang là tương quan giữa tôi với người khác, nơi đó niềm vui cũng có mà phiền toái cũng nhiều, dù muốn dù không tôi vẫn phải đón nhận mà không được phép loại trừ bất cứ ai. Thanh dọc là tương quan tôi với Chúa, nơi ấy tâm hồn muốn vươn lên nhưng thể xác lại thích sự dễ dãi khiến tôi phải giằng xé (Rm 7,19). Như vậy, vác thập giá chính là sống hài hòa hai mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân; nếu bỏ một trong hai để thập giá nhẹ hơn thì đó không còn là thập giá nữa.

Lạy Chúa, xin Chúa ban niềm tin và sức mạnh để con lướt thắng chính mình, đừng bao giờ tìm một Đức Giêsu không có thập giá để rồi lại chỉ gặp thập giá mà chẳng thấy Đấng Kitô.

Thứ Bảy – Ngày 18 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : Hr 11,1-7

Tin Mừng : Mc 9,2-13

Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.”  […]

ĐỨC GIÊSU HIỂN DUNG

Tu sĩ Gioan B. Phan Lĩnh, SVD

Xu hướng sống nghiêng về tiêu thụ dường như đã khiến con người ngày nay có những lệch lạc trong việc định hướng các giá trị. Thay vì ca tụng Thiên Chúa, nhiều người thích sự hào nhoáng chóng qua hơn là việc lựa chọn Đấng ban sự sống vĩnh cửu.

Khi suy niệm về Chúa Hiển Dung, tôi suy nghĩ về vinh quang Thiên Chúa như là giá trị vĩnh cửu. Vì thế, tôi được mời gọi tìm kiếm không gian thiêng liêng, lên núi để gặp gỡ Thiên Chúa. Tôi cần phải đáp trả lời mời gọi của Chúa Kitô, cùng lên núi với Người. Dám đồng hành với Người là dám vượt lên trên những tầm thường, nhỏ nhen, chóng tàn. Chúa Hiển Dung hé mở vinh quang trên Thiên Quốc cho các môn đệ (x. Mc 8,3). Người Kitô hữu được kêu gọi luôn sống gắn bó trong mối tương giao với Thiên Chúa. Tuy sống trong lòng nhân thế, nhưng tôi phải luôn ý thức mình đang hiện diện trước nhan Chúa, cùng với Người, tôi đang bước trong một cuộc hành trình. Tôi còn phải biết mình yếu đuối, dễ sa ngã trong cuộc hành trình mình đã chọn. Thánh Phêrô và các môn đệ đã quá sung sướng vì được thấy vinh quang Thiên Chúa nên ông xin dựng lều để được ở mãi trong giây phút ấy. Nhưng các ông phải xuống núi. Xuống núi là tiếp tục con đường, tiếp tục cuộc hành trình thường nhật của đời người môn đệ. Xuống núi là tiếp tục đối diện với thử thách, gian truân. Tưởng rằng, việc được thấy ánh vinh quang của Chúa có thể khiến các môn đệ bền tâm luôn mãi. Nhưng không, người tông đồ trưởng sau này vẫn sa ngã vì sợ hãi. Chúa Giêsu hiểu và luôn cảnh báo hướng dẫn những ai đi theo Người rằng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn (Lc 9,13).

Lạy Chúa, trước những thử thách trên đường đời, con làm sao trung tín với Ngài là tiêu chuẩn vĩnh cửu mà con đã chọn? Lạy Ngài, đã bao lần con chỉ nghe, chỉ biết rồi để mọi sự trôi qua hờ hững như nhân thế ngày nay? Xin ánh sáng Hiển Dung Con Chúa chiếu soi và xin ánh vinh quang Chúa cuốn hút hồn con, để con luôn trung tín với Ngài như tiêu chuẩn con đã lựa chọn.

Bài trướcBà cố ANNA NGUYỄN THỊ ĐƯỜNG, Thân mẫu Lm.Phêrô Nguyễn Trọng Hiếu,SVD và Lm.Stêphanô Nguyễn Hồng Ân,SVD
Bài tiếp theoCông bố Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.