MÙA GIÁNG SINH (tiếp theo 1) – NĂM A

0
368

Chúa Nhật – Ngày 05 – Tháng 1

CHÚA NHẬT – CHÚA HIỂN LINH
Lễ Trọng (Tr). Lễ cầu cho giáo dân.

Bài đọc 1 : Is 60,1-6
Bài đọc 2 : Ep 3,2-3a.5-6
Tin Mừng : Mt 2,1-12

Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” […] Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

BƯỚC THEO CHÂN LÝ

Cuộc hành trình dương thế của mỗi người là chuỗi dài những ngày tìm kiếm chân lý. Trong đoạn Lời Chúa hôm nay, thánh Mátthêu thuật lại hành trình của ba nhà chiêm tinh đi tìm kiếm chân lý đích thực nơi Đức Giêsu – Vua tình yêu.
Các nhà chiêm tinh là những người giàu có, ngoại đạo, nhưng hiểu biết thiên văn và khao khát chân lý. Theo dấu chỉ của ánh sao lạ tại Phương Đông, họ lên đường đi tìm vị vua mới được sinh ra của dân Do Thái. Người được tôn phong là Vua muôn vua, Chúa các chúa. Theo sách ngôn sứ, Đấng Kitô ấy được sinh ra ở Bêlem, miền đất Giuđa (x. Mt 2,5).
Bước theo dấu chỉ được mặc khải qua thiên nhiên, để diện kiến Vua Giêsu, ba nhà chiêm tinh phải thực hiện một cuộc từ bỏ thực sự. Họ phải gác lại mọi công việc và kế hoạch thường ngày, vượt qua bao thử thách trong chuyến hành trình đầy gian khổ với hành trang là lòng khao khát và niềm tin. Thế nhưng, khi gặp được Hài Nhi, họ đã không ngần ngại dâng tất cả những vật phẩm cao quí nhất mà họ có là vàng, nhũ hương, mộc dược như là sự thần phục và tôn kính Vua Trời. Bởi họ đã gặp được Đấng là Chân Lý vô tận cho cuộc đời của họ.
Đối với tôi, khi bước vào hành trình dấn thân trong ơn gọi của dòng truyền giáo là tôi cũng đang bước vào cuộc hành trình của ba nhà chiêm tinh năm xưa. Đó là hành trình của một cuộc lột xác, đi ra khỏi con người mình, bỏ lại sau lưng mọi vấn vương của trần thế, đến những vùng ngoại biên để thực hiện một mục tiêu duy nhất là làm một ngôi sao dẫn đường cho nhiều người đến với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, ngày xưa qua hình ảnh ngôi sao, Chúa đã mặc khải cho các nhà chiêm tinh bước đến diện kiến Chúa. Ngày nay, xin Chúa cũng giúp con biết sống vai trò chứng nhân hầu trở nên ánh sao dẫn đường cho nhiều người nhận biết và trở về cùng Chúa, là Vua của tình yêu và là Chân Lý vĩnh hằng.
Tu sĩ Giuse Cao Thế Vĩnh, SVD

Thứ Hai – Ngày 06 – Tháng 1

THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH

Bài đọc : 1 Ga 3,22 – 4,6
Tin Mừng : Mt 4, 12-17.23-25

Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xyri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ. Từ miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.

CHỨNG TÁ HẰNG NGÀY

Bài Tin Mừng hôm nay đánh động tôi bởi câu: “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xyri” (Mt 4,24). Đó như là một lời thức tỉnh, một lời mời gọi tôi sống chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa.
Trong suốt ba năm thực thi sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã phải bôn ba khắp nơi để rao giảng Nước Trời. Bằng lời nói, hành động và nhất là qua cung cách phục vụ, người ta nhận ra Người là một Đấng đầy yêu thương và uy quyền đến từ Thiên Chúa. Đức Giêsu đã sống giữa nhân loại, Ngài yêu thương và quan tâm đến từng phận người nhỏ bé. Ngài sống chân thành và cởi mở để rồi ‘dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Ngài’ (x. Mt 4,25).
Để con người ngày nay nhận ra và tin vào Thiên Chúa, cần lắm thái độ và cung cách sống theo khuôn mẫu của Đức Giêsu. Giáo Hội luôn cổ võ việc ra đi rao giảng Tin Mừng, và đó vẫn là nhiệm vụ quan trọng để mở rộng Vương Quốc Tình Yêu. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày nay, việc sống chứng tá giữa đời cũng là một cách thức quan trọng không kém.
Truyền giáo hay mở rộng Nước Chúa không gì khác hơn là làm cho muôn dân tin và nhận biết Thiên Chúa để được lãnh nhận ơn cứu độ. Khi tôi biết sống chân thành, yêu thương và giúp đỡ người khác, thì đó là dấu chỉ hữu hiệu thể hiện tình yêu của Thiên Chúa. Cách sống ấy sẽ làm triển nở mối dây tương quan của tôi với tha nhân, đồng thời cũng là dịp để tôi nói về Chúa cho những người tôi gặp gỡ. Thế nhưng, liệu tôi có đủ can đảm, đủ ý chí để sống quảng đại như gương mẫu mà thầy Giêsu Chí Thánh để lại?
Lạy Chúa, xin ban cho con có thêm nghị lực và lòng dũng cảm, để con dám sống vì Chúa và vì tha nhân. Từ đó, danh Chúa được loan truyền cho con người trong thế giới hôm nay.
Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Thứ Ba – Ngày 07 – Tháng 1

THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH

Bài đọc : 1 Ga 4,7-10
Tin Mừng : Mc 6,34-44

Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao ?” Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.” Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thể hiện lòng thương xót của Chúa đối với dân chúng. Ngài thấy họ “như bầy chiên không người chăn dắt” và đã “chạnh lòng thương” họ. Ngài không chỉ dạy dỗ họ nhiều điều mà còn làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để xua tan cơn đói khi thời gian đã quá muộn.
Chúa Giêsu không do dự khi Ngài truyền cho các môn đệ “hãy cho họ ăn”. Có lẽ Ngài muốn thử lòng các ông, vì biết các ông không đủ khả năng để lo cho một đám đông lên tới năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ con. Các môn đệ đã phản ứng nhưng Ngài muốn các ông cộng tác để cùng với Ngài lo cho dân chúng.
Thế giới hôm nay có biết bao người đang cần được Chúa “chạnh lòng thương”. Bên cạnh đó, Chúa cũng đang mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Chúa để thực hiện lòng thương xót của Ngài. Họ là những người nghèo, mồ côi, neo đơn, bệnh tật, bị bỏ rơi, ở bên lề xã hội… Chính Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta “hãy cho họ ăn” không chỉ bằng của ăn vật chất mà còn bằng của ăn tinh thần qua việc nâng đỡ, an ủi và đồng hành với họ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chạnh lòng thương trước đám đông như đàn chiên không người chăn dắt. Xin cho chúng con cũng biết chạnh lòng thương trước những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó để nhờ đó chúng con góp phần với Chúa qua việc ban phát lòng thương xót của Ngài cho mọi người.
Tu sĩ Gioan Baotixita Trần Anh Tuấn, SVD

Thứ Tư – Ngày 08 – Tháng 1

THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH

Bài đọc : 1 Ga 4,11-18
Tin Mừng : Mc 6,45-52

Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bếtxaiđa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa Biển Hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều : lòng trí các ông còn ngu muội!

ĐỪNG SỢ!

Con người sợ hãi và lo âu nhiều thứ trong cuộc đời. Nỗi sợ gây thiệt hại nhiều hơn những hiểm nguy có thực. Lo âu làm cạn khô máu nhanh hơn là tuổi già. Chúa Giêsu an ủi các môn đệ: “Hãy yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ” (Mc 6,50).
Các môn đệ là những con người bình thường, nên các ông sợ hãi trước tất cả các mối nguy hiểm đe dọa sự sống mình. Các ông đang đối diện với hai nỗi sợ hãi: họ sợ sức mạnh của thiên nhiên, họ sợ quyền lực của ma quỉ.
Ngày nay, hiện tượng trái đất nóng dần lên, mực nước biển dâng nhanh. Những cơn bão, siêu bão, sóng thần, động đất xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của nó khiến ai cũng rùng mình khiếp sợ. Bên cạnh đó nạn khủng bố và bạo lực ngày càng leo thang khiến con người ngày nay phải đối diện với nỗi sợ hãi tột cùng.
Các tông đồ ngày xưa cũng vậy. Họ theo Chúa, họ tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Nhưng khi thấy giông tố ập đến thì các ông cuống lên vì sợ hãi. Hôm nay Đức Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Một khi đã có Đức Giêsu đồng hành, ta sẽ không còn phải sợ hãi bất cứ quyền lực nào: sóng gió phải yên lặng, ma quỉ phải nghe lời, điều không thể trở thành có thể. Vấn đề còn lại là ta có tin tưởng và phó thác vào Ngài hay không? Khi ta chưa đặt niềm tin vào Đức Giêsu, thì cho dù Ngài có nói đến cả trăm câu cũng vô ích.
Lạy Chúa, cuộc đời con lúc nào cũng đầy những sóng gió trong công việc, trong bổn phận, trong các mối tương quan… Xin cho con nhận ra Chúa đang ở với con, nâng đỡ và giúp con vượt qua những sóng gió cuộc đời ấy.
Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Thứ Năm – Ngày 09 – Tháng 1

THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH

Bài đọc : 1 Ga 4,19 – 5,4
Tin Mừng : Lc 4,14-22a

Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

LỜI GIẢI THOÁT

Khi Chúa Giêsu rao giảng tại Nadarét, thái độ ban đầu của các độc giả được miêu tả theo chiều hướng tích cực: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22a). Vậy đâu là lý do?
Chúa Giêsu thường giảng dạy trong các hội đường nên Người được nhiều người biết đến. Đây là lý do khiến cho lời của Người dễ được mọi người chú ý hơn. Mặt khác, lời của Chúa Giêsu đã đánh động các độc giả bởi vì Người được quyền năng Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nghĩa là lời Người giảng dạy đầy uy quyền và được các phép lạ Người làm xác nhận.
Lời của Chúa Giêsu là những lời mang ý nghĩa tốt đẹp. Lời của Người chính là lương thực cho đời sống, là sự thật, là nguồn mạch cho niềm vui và là ngọn đèn soi sáng cho tâm hồn mỗi người tín hữu. Lời Người ý nghĩa đến nỗi các tín hữu cần học hỏi, gìn giữ và để cho lời Chúa làm tâm điểm cuộc đời mình.
Lời của Đức Giêsu là những lời mang lại sự tự do đích thực: “Người sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Cụm từ “trả lại tự do cho người bị áp bức” muốn ám chỉ đến việc Chúa Giêsu mang lại sự giải thoát đích thực, và “trả tự do” cũng là cụm từ tóm tắt rõ nhất sứ mạng của Đức Giêsu. Người muốn mọi người được giải thoát khỏi xích xiềng của tội lỗi và sự dữ để được tự do thờ phượng Người.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra mình đang đói khát lời Ngài, thức tỉnh con để con biết hăng say tìm hiểu, dấn thân để khám phá tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, một tình yêu mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại qua lời của Người.
Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Sáu – Ngày 10 – Tháng 1

THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH

Bài đọc : 1 Ga 5,5-13
Tin Mừng : Lc 5,12-16

Khi ấy, Đức Giêsu đang ở trong một thành kia; có một người đầy bệnh phong vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh. Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

TÌM ĐẾN CHÚA TRONG CẦU NGUYỆN

Khi danh tiếng Chúa Giêsu đang lan rộng, khi mà người ta lũ lượt kéo đến với Người thì Người lại lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.
Bằng tình yêu thương bao la vô bờ, Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh cho người bị phong hủi có niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Dân chúng thấy vậy thì lũ lượt kéo đến để được Người chữa bệnh và nghe Người giảng dạy. Trong mắt dân chúng, Chúa Giêsu như một vị thần y hay như một Đấng đầy quyền năng có thể chữa bệnh và cho họ bánh để được ăn no nê. Người ta chạy đến với Chúa không để tìm lấy của ăn nuôi sống linh hồn nhưng là để thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Chính vì vậy họ đã muốn tôn ngài lên làm vua (Ga 6, 15).
Chúa Giêsu đã không màng đến những danh lợi đó, vì Ngài đến trần gian không phải để tìm vinh quang cho riêng mình, mà là để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Vậy nên sau khi chữa lành bệnh cho người phong hủi, Người đã lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện, để chuyện trò cùng với Chúa Cha, bỏ lại sau lưng những lời tôn vinh, những phù hoa của trần gian này.
Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng tìm kiếm nhưng danh lợi và tiếng tăm. Làm việc gì chúng ta cũng mong được những lời khen ngợi hơn những lời góp ý hay sửa sai. Chúng ta thường thích phô trương những thành tích của mình, thích là trung tâm điểm giữa nơi đông người. Ngày hôm nay, Chúa dạy hãy gạt bỏ những thứ đó qua một bên, trước hết hãy tìm đến với Thiên Chúa để cảm tạ những gì Người đã ban cho; đồng thời, múc lấy nguồn sức mạnh nội tâm để thực thi sứ vụ theo ý Chúa chứ không theo danh lợi riêng cho mình.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tìm đến Chúa không chỉ những lúc khó khăn hay vấp ngã, mà ngay cả những lúc con được hạnh phúc và vinh quang, để con biết tránh xa những cám dỗ lợi lộc trần gian này mà sống trọn vẹn cho Chúa hơn.
Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD

Thứ Bảy- Ngày 11 – Tháng 1

THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

Bài đọc 1 : 1 Ga 5, 14-21
Tin Mừng : Ga 3,22-30

Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đi tới miền Giuđê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gioan, ông cũng đang làm phép rửa tại Ênôn, gần Salim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. Lúc ấy, ông Gioan chưa bị tống giam. Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gioan và một người Do Thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gioan và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.” Ông Gioan trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”.

CHÚA CÓ ĐƯỢC NỔI BẬT LÊN?

Trong vai trò “dọn đường cho Chúa”, ông Gioan Tẩy Giả đã tha thiết kêu gọi dân chúng sám hối, lãnh nhận phép rửa để dọn mình đón Chúa đến; và khi Chúa Giêsu xuất hiện thì ông đã vui vẻ giới thiệu Ngài cho mọi người. Ngang qua những lời giới thiệu của ông, danh của Đức Giêsu được biết đến nhiều hơn, nhiều môn đệ đã tìm đến và đi theo Ngài, còn ông Gioan thì lặng lẽ rút lui về phía sau. Quả thật, ông Gioan đã sống trọn vẹn cho sứ vụ, như lời ông tuyên bố: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
Thiết nghĩ, câu nói của ông Gioan phải trở nên kim chỉ nam cho đời sống của người Kitô hữu, những người có sứ mạng giới thiệu Chúa cho muôn dân. Thế nhưng, cách nào đó cách sống của chúng ta đang che khuất Chúa từng ngày. Mỗi lần trong cuộc sống chúng ta ngại nói về Chúa hay không dám sống chứng tá cho niềm tin vào Ngài và những lời Ngài dạy là những lúc chúng ta để Chúa bị lu mờ đi. Bên cạnh đó, việc quá lo vun vén cho bản thân trong danh vọng, tiền của và những giá trị phù phiếm bên ngoài hay thậm chí là còn gây nên biết bao nhiêu gương mù, gương xấu cho người khác cũng là cách khiến Chúa chẳng thể nào nổi bật lên. Vậy chẳng phải Ngài đang ngày càng bị lu mờ đi trước thế giới đang ngày càng được trang hoàng lộng lẫy hay sao?
Lạy Chúa, lời mời gọi canh tân của Giáo Hội luôn là sự thúc đẩy chúng con nhìn lại sứ vụ của mình và soi chiếu nó vào trong đời sống để thấy mình đã làm được gì. Xin Chúa trợ lực chúng con để chúng con biết ý thức và can đảm sống chứng tá cho Chúa giữa lòng thế giới hôm nay, để Ngài thực sự được nổi bật lên mỗi ngày.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Đình Trường, SVD

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcGx Mỹ Sơn: Làm Phép và Khánh thành Nhà Giáo Lý
Bài tiếp theoCĐ Ngôi Lời Hòa Khánh: Đến với anh chị em lương dân Mùa Giáng Sinh 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây