Chú Giải Tin Mừng Canh Thức Vượt Qua, Năm A (Mt 28,1-10)

0
310

ĐI XEM MỘ – GẶP SỨ GIẢ THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Mt 28,1-10)

Việt Hy Lạp
1 Sau ngày Sabát, vào lúc bình minh ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Magđalênê và một bà Maria khác đi xem (nhìn vào) ngôi mộ.

2 Và kìa, có một trận động đất lớn xảy ra, vì sứ giả Thiên Chúa đi xuống từ trời và đi đến lăn tảng đá ra và ngồi lên trên nó.

3 Vẻ bề ngoài của ông như là ánh sáng và y phục của ông trắng như tuyết.

4 Vì nỗi sợ hãi ông, những người canh mộ run rẩy và trở nên như những người chết.

5 Để đáp trả, vị sứ giả nói cùng những người phụ nữ: “Đừng sợ, vì tôi biết là chi em tìm Đức Giêsu chịu đóng đinh.

6 Người không ở đây nữa, Người đã trỗi dậy như Người đã nói, hãy đến nhìn xem nơi người ta đã đặt Người.

7 Và ngay lập tức, hãy đi nói cho cho các môn đệ của Người rằng: Người đã trỗi dậy từ cõi chết. Kìa! Người sẽ đi đến Galilê trước anh em. Ở đó anh em sẽ thấy Người, Này, tôi nói cùng chị em.”[1]

8 Và họ lập tức ra đi khỏi ngôi mộ với nỗi sợ hãi và niềm vui vĩ đại, chạy đi báo cho các môn đệ của Người.

9 Và kìa! Đức Giêsu gặp họ nói rằng: “Hãy vui lên!”, và họ đến giữ lấy chân của Người và bái lạy Người.

10 Và Người nói cùng họ rằng: “Đừng sợ, hãy đi báo cho những người anh em của Thầy để họ đi đến Galilê, ở đó họ sẽ thấy Thầy.”

1 Ὀψὲ δὲ σαββάτων, τῇ ἐπιφωσκούσῃ εἰς μίαν σαββάτων ἦλθεν Μαριὰμ ἡ Μαγδαληνὴ καὶ ἡ ἄλλη Μαρία θεωρῆσαι τὸν τάφον.

2 καὶ ἰδοὺ σεισμὸς ἐγένετο μέγας· ἄγγελος γὰρ κυρίου καταβὰς ἐξ οὐρανοῦ καὶ προσελθὼν ἀπεκύλισεν τὸν λίθον καὶ ἐκάθητο ἐπάνω αὐτοῦ.

3ἦν δὲ ἡ εἰδέα αὐτοῦ ὡς ἀστραπὴ καὶ τὸ ἔνδυμα αὐτοῦ λευκὸν ὡς χιών.

4 ἀπὸ δὲ τοῦ φόβου αὐτοῦ ἐσείσθησαν οἱ τηροῦντες καὶ ἐγενήθησαν ὡς νεκροί.

5 Ἀποκριθεὶς δὲ ὁ ἄγγελος εἶπεν ταῖς γυναιξίν· μὴ φοβεῖσθε ὑμεῖς, οἶδα γὰρ ὅτι Ἰησοῦν τὸν ἐσταυρωμένον ζητεῖτε·

6 οὐκ ἔστιν ὧδε, ἠγέρθη γὰρ καθὼς εἶπεν· δεῦτε ἴδετε τὸν τόπον ὅπου ἔκειτο.

7 καὶ ταχὺ πορευθεῖσαι εἴπατε τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ ὅτι ἠγέρθη ἀπὸ τῶν νεκρῶν, καὶ ἰδοὺ προάγει ὑμᾶς εἰς τὴν Γαλιλαίαν, ἐκεῖ αὐτὸν ὄψεσθε· ἰδοὺ εἶπον ὑμῖν.

8 Καὶ ἀπελθοῦσαι ταχὺ ἀπὸ τοῦ μνημείου μετὰ φόβου καὶ χαρᾶς μεγάλης ἔδραμον ἀπαγγεῖλαι τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ.

9 καὶ ἰδοὺ Ἰησοῦς ὑπήντησεν αὐταῖς λέγων· χαίρετε. αἱ δὲ προσελθοῦσαι ἐκράτησαν αὐτοῦ τοὺς πόδας καὶ προσεκύνησαν αὐτῷ.

10 τότε λέγει αὐταῖς ὁ Ἰησοῦς· μὴ φοβεῖσθε· ὑπάγετε ἀπαγγείλατε τοῖς ἀδελφοῖς μου ἵνα ἀπέλθωσιν εἰς τὴν Γαλιλαίαν, κἀκεῖ με ὄψονται. (Matt. 28:1-10 BGT)

 

Bối Cảnh

Mt 28,1-10, được trích ra từ phần đầu tiên của loạt những trình thuật về biến cố phục sinh của Đức Giêsu. Trình thuật này chia sẻ chung nguồn với Tin Mừng Máccô và Luca với nhiều chi tiết khác biệt. Nhiều chi tiết trong trình thuật này của tác giả Mátthêu cho phép nối kết với những dữ liệu trước đó của cùng tác giả. Chi tiết Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết được diễn tả là “như Người đã nói” có ý móc nối đến ít nhất bốn lần cụ thể Đức Giêsu dạy các môn đệ về biến cố này trước đó. Nhân vật những người canh mồ chính là những nhân vật được các Thượng Tế và những người Pharisêu đặt để canh giữ mô sau khi Đức Giêsu được chôn cất (Mt 27,62-66). Những người này lại xuất hiện trong trình thuật về âm mưu nói sai sự thật của các Thượng Tế và Kỳ Lão (Mt 28,11-15). Danh xưng “Đức Giêsu chịu đóng đinh” nối kết với sự kiện Đức Giêsu chịu đóng đinh được tường thuật trước đó. Tảng đá mà sứ giả Thiên Chúa từ trời lăn ra chính là tảng đá đã được Giuse Arimathêa lăn đến cửa ngôi mộ ở Mt 27,60 và được các Thượng Tế và Kỳ Lão niêm phong (Mt 27,66). Hai nhân vật Maria Magđalênê và một người Maria khác đã hiện diện trong cuộc thương khó. Họ theo Đức Giêsu từ Galilê, chứng kiến Người chết và ngồi trước ngôi mộ khi Người được chôn cất (Mt 27,61). Việc hẹn gặp mặt ở Galilê đã được Đức Giêsu nói trước trong 26,32. Như thế, rất nhiều chi tiết và nhân vật ở câu chuyện này đã được tác giả Mátthêu chuẩn bị từ trước.

 

Cấu trúc

Giới thiệu (1): Thời gian và nhân vật

I. GẶP GỠ SỨ GIẢ TỪ TRỜI (2-8):

Sứ giả xuất hiện (2-3):

Một trận động đất lớn xảy ra

sứ giả Thiên Chúa đi xuống từ trời và đi đến lăn tảng đá và ngồi lên trên

Vẻ bề ngoài của ông như là ánh sáng và y phục của ông trắng như tuyết

Phản ứng của những người canh mồ (4):

Sợ hãi, run rẩy, trở nên như người chết

Thông điệp và chỉ thị (5-7):

Đừng sợ,

Người không ở đây nữa, Người đã trỗi dậy như Người đã nói,

Hãy đến nhìn xem nơi người ta đã đặt Người.

ngay lập tức, hãy đi nói cho các môn đệ của Người:

Người đã trỗi dậy từ cõi chết.

Người sẽ đi đến Galilê trước anh em.

Ở đó anh em sẽ thấy Người,

Này, tôi nói cùng chị em.

Làm theo chỉ thị (8):

Ngay lập tức ra đi khỏi ngôi mộ với nỗi sợ hãiniềm vui vĩ đại,

chạy đi báo cho các môn đệ của Người.

II. GẶP GỠ ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH (9-10):

Hãy vui lên

họ nắm lấy chân của Người và bái lạy Người

Đừng sợ, hãy đi báo cho các anh em của Thầy

họ đi đến Galilê, ở đó họ sẽ thấy Thầy

 

Một số điểm chú giải

  1. Các nhân vật: Tác giả Mátthêu nói rằng “Maria Magđalênê và một bà Maria khác” (Μαριὰμ ἡ Μαγδαληνὴ καὶ ἡ ἄλλη Μαρία), trong khi đó những nhân vật này theo tác giả Máccô là Maria Magđalênê, Maria mẹ của ông Giacôbê, và bà Salômê. Ngoài Maria Magđalênê và Maria mẹ ông Giacôbê (giống Máccô), tác giả Luca thêm bà Gioana và “những người phụ nữ còn lại”, nhưng bỏ đi bà Salômê (Lc 24,10). Xem ra, về các nhân vật đi ra mộ sáng hôm ấy, các tác giả không đồng nhất quan điểm về số lượng và danh tính. Tuy nhiên, người phụ nữ duy nhất được cả bốn tác giả Tin Mừng nêu tên là bà Maria Magđalênê. Tác giả Tin Mừng thứ tư cho biết là chỉ có một mình bà Maria Magđalênê đi ra mộ (Ga 20,1) và cũng chỉ một mình bà gặp gỡ Đấng Phục Sinh (Ga 20,11-18). Tuy nhiên, trong câu tường thuật lại cho ông Phêrô và Người môn đệ Chúa yêu, bà lại dùng động từ ngôi thứ nhất số nhiều: “Người ta đã mang Chúa đi khỏi mồ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2: οὐκ οἴδαμεν ποῦ ἔθηκαν αὐτόν). Tác giả Mátthêu liệt kê nhiều người phụ nữ đứng nhìn cảnh Đức Giêsu chịu đóng đinh: Những đi theo Người từ Galilê để giúp đỡ Người, trong đó có bà Maria Magđalênê, Maria mẹ của ông Giacôbê và Giuse, và mẹ của các con ông Dêbêđê (Mt 27,55-56). Tuy nhiên, chỉ có hai bà được tác giả kể tên là ngồi trước mộ Đức Giêsu lúc Người đã được an táng (Mt 27,61)[2] và đây cũng chính là hai người phụ nữ đi đến mồ Đức Giêsu sớm nhất, theo Mátthêu.
  2. Thời gian: Các tác giả đều đồng thuận với nhau là sự kiện này xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần. Riêng tác giả Mátthêu và Máccô nhấn mạnh thêm mệnh đề thời gian “sau ngày Sabát”, nghĩa là sau ngày nghỉ Lễ. Theo truyền thống Nhất Lãm, Đức Giêsu chết vào chiều thứ Sáu, ngày chuẩn bị của ngày Nghỉ Sabát (Mc 15,42; Mt 27,62). Mệnh đề thời gian “sau ngày Sabát” (Máccô nói là ‘Sau khi ngày Sabát qua đi”), cùng với hai mệnh đề “ngày thứ nhất trong tuần” và “lúc bình minh” diễn tả một khoảng thời gian sớm nhất mà người ta có thể đến mộ Chúa ngay sau ngày nghỉ Lễ theo luật. Đây cũng là khoảng thời gian sớm nhất mà họ đã khám phá ra là Đức Giêsu không còn ở đó nữa. Ngày Sabát kết thúc vào chiều tối, và có lẽ vì người ta không thể đi ra mộ vào ban đêm được, nên phải đợi đến lúc bình minh.[3]
  3. Một trận động đất lớn: Khác với các tác giả khác, Mátthêu cho biết tại thời điểm ấy có một trận động đất lớn (σεισμὸς ἐγένετο μέγας) đã xảy ra. Đây là hiện tượng báo hiệu một sự xuất hiện của sứ giả từ trời. Hiện tượng này được tác giả giải thích bằng một liên từ chỉ lý “vì” (γὰρ) sứ giả của Thiên Chúa đi xuống từ trời. Tác giả Mátthêu thường mô tả sự kiện kèm theo những hiện tượng lạ lùng như vậy.[4] Trong trình thuật về cảnh Đức Giêsu chết trên thập giá, Mátthêu là tác giả duy nhất mô tả hiện tượng “đất rung chuyển, và đá nứt ra, các mồ mả được mở ra, và nhiều xác của các thánh, những người đang yên giấc được trỗi dậy” (Mt 27,51-52). Danh từ “trận động đất” (σεισμὸς) được dùng trong cảnh Đức Giêsu chết, được lặp lại ở cảnh này.
  4. Sứ giả Thiên Chúa[5]: Tác giả Máccô mô tả rằng trên đường những người phụ nữ đi đến mộ, họ lo lắng không biết ai sẽ giúp họ lăn tảng đá ra. Nhưng khi họ ngước mắt nhìn lên thì thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi cửa mồ. Khi vào trong mồ, họ thấy một chang trai trẻ mặc áo trắng, ngồi bên phải (Mc 16,3-5). Tác giả Luca cho biết là họ đã khám phá tảng đá đã được lăn ra, và họ gặp hai người đàn ông đứng bên họ (Lc 24,2.4). Chỉ có tác giả Mátthêu nói rõ ràng đó là một sứ giả Thiên Chúa, đi xuống từ trời, và vì thế có trận động đất xảy ra. Tác giả Mátthêu như muốn diễn tả rõ ràng là ai đã lăn tảng đá ra và lăn ra thế nào. Những chi tiết như “vẻ bề ngoài của ông như là ánh sáng và y phục của ông trắng như tuyết” tô điểm thêm về dáng vẻ của sứ giả Thiên Chúa, đến từ trời. Cách mô tả này tương tự như cách mà tác giả mô tả Đức Giêsu trong cảnh biến hình (Mt 17,1-7), trong đó, “mặt của Người chiếu sáng như mặt trời” và y phục Người được mô tả “trắng như ánh sáng”. Nếu như tác giả Máccô và Luca bỏ ngỏ về thời điểm và tác nhân lăn tảng đá to đi, thì tác giả Mátthêu mô tả rất rõ, chính sứ giả từ trời đã đến “lăn tảng đá ra và ngồi trên nó”. Dữ liệu này của tác giả Mátthêu như muốn lập đầy chỗ trống của những thắc mắc về danh tính nguồn gốc của chàng thanh niên trong Máccô hay là hai người đàn ông trong Luca và cách thức mà tảng đá đã được lăn ra. Sự hiện diện của vị sứ giả này rất quan trọng, vì ông chính là người giải thích cho hai người phụ nữ biết lý do về sự biến mất của Đức Giêsu và qua đó long trọng loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các bà.
  5. Những người canh mộ: Đây là chi tiết riêng của tác giả Mátthêu. Sở dĩ tác giả Mátthêu có chi tiết này là vì trước đó tác giả cũng đã có trình thuật về sự việc các Thượng Tế và những người Pharisêu xin phép quan Philatô cho lính canh mồ, phòng khi các môn đệ của Đức Giêsu lấy trộm xác Người và phao tin rằng Người đã trỗi dậy từ cõi chết (Mt 27,62-68). Những người canh mộ được sai đến, cùng với việc niêm phong ngôi mộ (Mt 27,66), tượng trưng cho sự bảo đảm chắc chắn là các môn đệ không thể đến lấy trộm xác được. Giờ đây, những người canh mồ có lẽ đã chứng kiến toàn bộ hiện tượng động đất và sứ giả Chúa đi xuống lăn tảng đá ra. Vì quá sợ hãi, họ run rẩy và trở thành như người chết (Mt 28,4). Những toan tính để bảo đảm rằng xác Đức Giêsu không bị lấy đi của nhóm lãnh đạo đã đổ bể hoàn toàn. Những người này sau đó đã đi vào thánh báo tin cho các Thượng tế về tất cả những điều đã xảy ra. Dĩ nhiên, những người canh mồ và các Thượng Tế biết rõ việc xác Đức Giêsu biến mất không phải do các môn đệ lấy trộm. Tuy nhiên, vì đã nhận một số tiền lớn của các Thượng Tế và các Kỳ Lão, những người canh mồ đã nói đối theo ý của họ: Đang đêm, lúc chúng tôi đang ngủ, các môn đệ của ông ta đã đến lấy trộm xác” (Mt 28,13). Hình ảnh những người canh mồ trở thành như người chết, cùng với việc vị sứ giả của Thiên Chúa làm lơ họ, mà chỉ nói cùng những người phụ nữ, cho thấy sự hiện diện của họ là vô tác dụng và kế hoạch của nhóm lãnh đạo Do Thái bị phá sản, thậm chí còn phản tác dụng vì những người canh mồ đã vô tình chứng kiến sự thật lạ lùng.
  6. Đức Giêsu chịu đóng đinh: Đức Giêsu được định danh là “người chịu đóng”, danh xưng gắn liền mới cuộc khổ nạn mà Đức Giêsu vừa trải qua.[6] Trong lời tiền báo về cuộc khổ nạn Đức Giêsu cũng đã báo trước Người sẽ chịu đóng đính vào thập giá (Mt 20,19; 26,2). Đó cũng chính là khổ hình dành cho những vị ngôn sứ được Chúa sai đến (Mt 23,34). Trong phiên tòa, dân chúng đã hô vang bản án dành cho Đức Giêsu “Đóng đinh nó vào thập giá” (Mt 27,22; Mc 15,13.14; Lc 23,21.23). Khổ hình này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong trình thuật thương khó: “Trao cho họ đóng đinh vào thập giá (Mt 27,26; Mc 15,15)”; “Điệu Người đi đóng đinh vào thập giá” (Mt 27,31; Mc 15,20); “Đóng đinh Người vào thập giá xong” (Mt 27,35; Mc 15,25 ghi chú lúc họ đóng đinh Người là giờ thứ ba); “Cùng chịu đóng đinh với Người” (Mt 27,44; Mc 15,27; 15,32; Lc 23,33). Tác giả Luca còn kéo dài ngôn từ liên quan đến khổ hình “chịu đóng đinh” trong câu chuyện của hai môn đệ trên đường về Emmaus (Lc 24,6.7). Trong bài giáo lý căn bản của các Tông Đồ được ghi lại trong sách Công Vụ, Đức Giêsu cũng được gắn liền với danh xưng Đấng chịu đóng đinh: “Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, Đấng mà quý vị đả đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (Cv 4,10). Trong giáo huấn của mình, tác giả Phaolô nhiều lần nhấn mạnh đến khổ hình “chịu đóng đinh” của Đức Giêsu. Phaolô khẳng định là “chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23). Vị Tông Đồ còn khẳng định tính độc tôn của của kiến thức này: “Khi còn ở giữa anh em tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Kitô mà là Đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2.8; 2 Cr 13,4; Gl 3,1). Giáo huấn về mầu nhiệm “chịu đóng đinh” được áp dụng cho các tín hữu với những ý nghĩa mới: “Con người cũ nơi chúng ta bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, nhờ vậy, con nguời tội lỗi đã bị hủy diệt” (Rm 6,6); “Tôi cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô” (Gl 2,19); “Ai thuộc về Đức Kitô thì đã chịu đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với những dục vọng và đam mê” (Gl 5,24). Hình ảnh Đức Kitô chịu đóng đinh vừa mang tính lịch sử để những người phụ nữ nhận dạng ra Người, vừa gợi lên ý tưởng cứu độ qua khổ hình thập giá, và mời gọi cùng chịu đóng đinh những thói hư tật xấu, đam mê xác thịt để được sống đời sống mới cùng với Đấng Phục Sinh.
  7. Không còn ở đây…đã trỗi dậy: Thông điệp chính yếu, nền tảng là “Người đã trỗi dậy”. Mệnh đề “Người không còn ở đây” đối lại với mục đích ban đầu của hai người phụ nữ “đi xem mộ”. Đi xem mộ, hay đi để nhìn vào mộ, là hành vi tiếp nối với hành vi trước đó của hai bà, đó là, “ngồi phía trước ngôi mộ” (Mt 27,61). Sự gắn bó với Đức Giêsu làm cho họ không muốn rời khỏi mộ, và khi rời khỏi rồi, thì muốn trở lại thăm sớm nhất có thể. Điều mà sứ giả từ trời mời gọi hai người phụ nữ đến mà xem là “nơi Người đã từng được đặt” (τὸν τόπον ὅπου ἔκειτο). Động từ “đặt” ở thì vị hoàn (ἔκειτο), diễn tả một hành động đã từng xảy ra trong qua khứ. Người đã từng được đặt ở đây. Điều mà hai người phụ nữ muốn nhìn thấy là ngôi mộ mà trong đó vẫn còn xác của Đức Giêsu. Giờ đây, họ chỉ còn thấy ngôi mộ, nơi Người đã từng được đặt. Người không còn ở đó nữa. Tất cả các chi tiết chỉ để làm rõ rằng: “Người đã phục sinh”, điều mà hai người phục nữ chưa từng nghĩ đến. Hai người đàn ông trong trình thuật của tác giả Luca đặt câu hỏi rằng: “Tại sao các chị lại tìm người sống giữa những kẻ chết?” Đức Giêsu là “người sống” và không còn ở đây nữa.

Sự kiện Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết đã được Đức Giêsu bật mí không những một lần mà ba lần. Thật vậy, cứ mỗi lần Người tiền báo về cuộc khổ nạn thì Người đều bật mí về sự sống lại: “Ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 16,21; 17,23; 20,19).[7] Tuy nhiên, có lẽ, vì Đức Giêsu công bố thông điệp này cùng với mầu nhiệm khổ nạn, nên không ai để ý đến và nhớ đến, ngay cả các Tông Đồ. Chỉ có các Thượng Tế và những người Pharisêu nhớ đến bí mật này, nhưng họ nghĩ rằng đó là lời nói của người bịp bợm (x. Mt 27,63.64).

  1. Đừng sợ (μὴ φοβεῖσθε) … Hãy vui mừng (χαίρετε): Hai người phụ nữ có lẽ cũng có nỗi sợ hãi giống những người canh mồ, khi chứng kiến cảnh động đất cùng với sự xuất hiện lạ lùng của sứ giả từ trời. Trước khi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, sứ giả Thiên Chúa trấn an những người phụ nữ là “đừng sợ”. Sau lời trấn an của sứ giả Thiên Chúa, dường như hai bà vẫn chưa hết sợ nhưng có thêm “nỗi vui mừng lớn”: “Họ rời khỏi mộ với nỗi sợ hãi và niềm vui lớn”. “Hãy vui mừng” (χαίρετε) là lời đầu tiên Đức Giêsu Phục Sinh nói với các ba khi Người hiện ra. Tuy nhiên, dường như Đức Giêsu nhận ra nỗi sợ hãi vẫn còn nơi các bà nên sau đó Người trấn an họ là “đừng sợ” (Mt 18,10). Tâm trạng của hai người phụ nữ lẫn lộn giữa niềm vui và nỗi sợ. Lý do cho sự vui mừng rõ ràng là vì Chúa đã Phục Sinh. Nỗi lo sợ có thể có sự biến chuyển: Lúc đầu là do hiện tượng lạ (động đất và sứ giả Thiên Chúa xuất hiện), nhưng về sau nỗi sợ còn lại có thể là do cảm xúc của con người trước kinh nghiệm gặp gỡ thế giới thần linh, đặc biệt là kinh nghiệm đầu tiên về sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
  2. Lập tức hãy đi loan báo cho các môn đệ: Sau khi đã lãnh nhận Tin Mừng phục sinh, những người phụ nữ được mời gọi “đi nói cho các môn đệ của Người”. Thông điệp mà họ phải loan báo là: “Hãy đi nói cho cho các môn đệ của Người rằng Người đã trỗi dậy từ cõi chết. Kìa! Người sẽ đi đến Galilê trước anh em. Ở đó anh em sẽ thấy Người”. Không chỉ là thông điệp về sự phục sinh của Đức Giêsu nhưng còn là thông báo về cuộc gặp gỡ tại Galilê.

Trạng ngữ “lập tức” (ταχὺ) được đặt trước cụm động từ “đi nói” diễn tả mức độ khẩn cấp của thông điệp. Mệnh lệnh khẩn cấp của vị sứ giả Thiên Chúa đã được các bà thực thi cách khẩn cấp: “lập tức, họ rời khỏi mộ vời nỗi sợ và niềm vui lớn, chạy đi loan báo cho các môn đệ của Người”. trạng từ “lập tức” được lặp lại cùng với động từ “chạy” cho thấy mức độ khẩn cấp trong hành động của các bà.

Theo trình thuật của tác giả Máccô, các bà “ra khỏi mồ, mà chạy trốn, vì họ run rẩy và sợ ngất người ra. Và họ đã chẳng nói với ai một lời, vì họ sợ” (Mc 16,8). Như vậy, tác giả Mátthêu đã mô tả thái độ của các bà cách tích cực hơn khi đối diện với Tin Mừng Phục Sinh. Có lẽ, tác giả Mátthêu nhận ra rằng vấn đề không thể kết thúc trong sự sợ hãi của những người phụ nữ.[8] Tương tự, tác giả Luca cũng cho thấy sau khi trở về từ ngôi mộ, các bà đã “loan báo cho toàn bộ mười một môn đệ và tất cả những người còn lại” (Lc 24,9) và “nói đi nói lại những điều này cho các Tông Đồ” (Lc 24,10).

Mệnh lệnh của sứ giả Thiên Chúa được Đức Giêsu nhắc lại một lần nữa. Nội dung mệnh lệnh của Đức Giêsu không có thông điệp Phục Sinh, nhưng làm rõ mục đích của việc loan báo: “Hãy đi loan báo cho các môn đệ của Thầy để họ có thể khởi hành đi Galilê, họ sẽ thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10). Sở dĩ Đức Giêsu không nhắc lại thông điệp phục sinh, vì họ đã gặp Người tận mắt và họ sẽ kể cho các môn đệ điều họ thấy. Danh xưng Đức Giêsu dùng để gọi các môn đệ rất đặc biệt: “Những người anh em của Thầy”. Các Tông Đồ là những “người anh em” của Đức Giêsu. Tương quan giữa Đức Giêsu và họ là tương quan “người thân”, không còn chỉ là Thầy – trò nữa.[9] Cách gọi này thực ra không mới mẻ lắm. Trong Mt 12,46-50, Đức Giêsu đã mở rộng tương quan gia đình ra đến “những người thi hành ý muốn của Cha trên trời”. Hơn nữa, trong câu chuyện về ngày cánh chung, Đức Giêsu đã gọi những người đói, khát, trần truồng, tù nhân, khách lạ và đau bệnh, là những “người anh em bẻ nhỏ nhất” của Người: “Những gì các ngươi làm cho một trong những người anh em bé nhỏ của Ta là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

  1. Galilê, điểm hẹn: Sự kiện “Đấng Phục sinh đến Galilê” và “các môn đệ sẽ gặp Người ở đó” được lặp lại hai lần trong đoạn văn này (Mt 28,7.10; Cf. Mc 16,7). Sự lặp lại này có rất nhiều ý nghĩa. Trước tiên, trong bối cảnh trực tiếp, sự lặp lại này cho thấy điểm thống nhất trong mệnh lệnh của sứ giả Thiên Chúa và mệnh lệnh của chính Đức Giêsu. Điều này bảo đảm rằng, sứ giả đã nói đúng ý định của Đức Giêsu. Kế đến, sự lặp lại này cho thấy sự nối kết chặt chẽ trong giáo huấn và hoạt động của Đức Giêsu. Quả vậy, trước đó, Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ biết là sau khi sống lại Người sẽ đi Galilê trước các ông: “Sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đi Galilê trước anh em” (Mt 26,32; Mc 14,28). Sau đó, phần kết sách Tin Mừng cho biết là “mười một môn đệ đi tới Galilê, đến ngọn núi nơi mà Đức Giêsu truyền cho các ông đến” (Mt 28,16).[10] Cuộc gặp gỡ tại Galilê là những dữ liệu riêng của tác giả Mátthêu, không có trong Tin Mừng Máccô. Theo tác giả Luca, không có chuyện các môn đệ đến Galilê. Đức Giêsu của tác giả Luca căn dặn các môn đệ là “hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49).[11] Sau khi Đức Giêsu lên trời, họ “trở về Jêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,52-53). Theo truyền thống của sách Công Vụ (của tác giả Luca), Thánh Linh hiện xuống lúc các môn đệ đang ở trong Nhà Tiệc Ly tại Jêrusalem. Sứ vụ của các Tông Đồ là tiến triển theo hướng ly tâm khỏi Jêrusalem: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, tại Jêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Galilê quả là một địa danh rất đặc biệt với tác giả Mátthêu. Theo truyền thống Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ tại miền Galilê và kết thúc sứ vụ tại Jêrusalem. Tuy vậy, chỉ có một mình tác giả Mátthêu lưu ý rằng Đức Giêsu “lui về miền Galilê” và khởi đầu sứ vụ tại đó là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia rằng: “Này Dơvulun và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giorđan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại. Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong bóng tối tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiều rọi” (Mt 4,15). Tác giả Mátthêu cũng cho biết rằng gia đình Nadarét lui về miền Galilê dưới chỉ dẫn của sứ giả trong giấc mơ của ông Giuse (Mt 2,22). Dĩ nhiên, Galilê không phải là một vùng đất hoàn toàn dân ngoại. Galilê chỉ là dân ngoại so với Giuđê, nơi có trung tâm tôn giáo Jêrusalem và đền thờ, nơi có bề dày về truyền thống đạo đức hơn và các lãnh đạo tôn cao cấp sống ở đó.  Kết thúc Tin Mừng Mátthêu, chính tại Galilê, các môn đệ nhận sứ vụ “làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Và rất có thể sứ vụ của các môn đệ cũng bắt đầu tại Galilê giống với Đức Giêsu.

Bình luận tổng quát

Maria Magđalênê và một bà Maria khác là hai trong nhiều bà đã theo Đức Giêsu từ Galilê đến Jêrusalem để giúp đỡ Người trên hành trình sứ vụ. Hai bà đã hiện diện trong cảnh Đức Giêsu được mai táng với tư cách là những người ngồi trước mồ của Người. Nhưng rồi, họ cũng phải trở về nhà nghỉ lễ theo luật. Tuy nhiên, trong thâm tâm họ vẫn muốn trở lại thăm ngôi mộ sớm nhất có thể. Những yếu tố thời gian như “sau ngày Sabát”, “Ngày thứ nhất trong tuần”, “lúc bình mình”, như muốn nhấn mạnh đến khoảng thời gian sớm nhất những người phụ nữ này có thể tận dụng để quay trở lại mộ sớm nhất. Có lẽ họ có ý định tiếp tục ngồi trước ngôi mộ. Tuy nhiên, một cảnh tượng kinh hoàng đã xảy ra, khiến họ hoảng sợ. Có một trận động đất bất thường vì có một sứ giả từ trời đến lăn tảng đá ra khỏi mộ. Sứ giả đã cho họ biết một thông tin lạ lùng: Đức Giêsu, đấng chịu đóng đinh đã trỗi dậy rồi, Người không còn ở đây nữa. Tin Mừng này thật ra không lạ lẫm gì vì chính Đức Giêsu đã báo trước đến ban lần, nhưng vì không biết, không nhớ, không hiểu nên nó vẫn là điều bất ngờ đối với tất cả. Thay vì, xem ngôi mộ, họ được mời gọi xem nơi Đức Giêsu đã từng được đặt mà nay đã không còn nữa. Họ được mời gọi nhanh chóng đi loan báo cho các môn đệ của Đức Giêsu rằng: Người đã sống lại, và sẽ đến đi đến Galilê trước các môn đệ, ở đó họ sẽ được gặp Người. Hai người phụ nữ mang theo cảm giác sợ hãi và đầy vui mừng, nhanh chóng đi báo cho các môn đệ. Đang khi đi, họ được gặp chính Đức Giêsu Phục Sinh. Điều đầu tiên Người mời gọi họ là “hãy vui mừng” và trao ban thông điệp tương tự như thông điệp họ đã nhận từ vị sứ giả.

Sự kiện những người phụ nữ được kể tên trong biến cố trọng đại Thương Khó – Phục Sinh quả là rất đặt biệt. Trong thế giới mà người phụ nữ không được xem trọng, thì việc nhắc đến tên những người phụ nữ này nhiều lần nơi trình thuật quan trọng như vậy, cho thấy đây là một sự kiện lịch sử đã in sâu vào ký ức nhóm kitô hữu sơ khai và các tác giả Tin Mừng không thể bỏ qua.[12] Vai trò chứng kiến cũng như chứng nhân của Maria Magđalênê và những người phụ nữ khác là rất quan trọng. Chính họ là những người đã theo chân Đức Giêsu từ Galilê để giúp đỡ Người, rồi theo Người đến nơi tử nạn, ngồi đối diện mộ sau khi Người được đặt vào, đi ra mộ trước hết, là những người đầu tiên chứng kiến ngôi mộ trống và gặp gỡ Đấng Phục Sinh, nhận lãnh sứ vụ loan tin cho các môn đệ. Họ thực sự là những người môn đệ, những người theo Chúa, và là những tông đồ, người được sai đi.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Phụ lục

Đối chiếu bản văn về biến cố ngôi mộ trống

Mc 16,1-8 Mt 28,1-10 Lc 24,1-10 Ga 20,1-10
1 Khi ngày Sabát đã trôi rồi, thì Maria Magđalênê và Maria mẹ Giacôbê, cùng Salômê, mua hương liệu để xức xác Người. 2 Sáng sớm tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, họ đi đến mồ, lúc mặt trời hé mọc. 3 Và họ nói với nhau: “Ai sẽ vần viên đá ra khỏi cửa mồ cho ta?” 4 Nhưng khi nhìn lên, họ thấy tảng đá đã được lăn ra rồi. Một tảng đá thật lớn! 5 Khi vào trong mồ, họ thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng, và họ hoảng sợ. 6 Nhưng người ấy nói với họ: “đừng hoảng sợ! Các bà tìm ông Giêsu Nadarét, đã bị đóng đinh thập giá: Người đã sống lại! Người không có đây. Này xem: Chỗ người ta đặt Người. 7 Nhưng các bà hãy đi nói với các môn đệ của Người và Phêrô rằng: Người đi trước anh em tới Galilê: Ở đó anh em sẽ thấy Ngài, như Ngài đã nói với anh em. 8 Họ ra khỏi mồ, mà chạy trốn, vì họ run rẩy và bị ngất. Và họ đã chẳng nói với ai một lời, vì họ sợ… 1 Sau ngày Sabát, vào lúc bình minh ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Magđalênê và một bà Maria khác đi xem ngôi mộ.

2 Và kìa, có một trận động đất lớn xảy ra, vì sứ giả Thiên Chúa đi xuống từ trời và đi đến lăn tảng đá và ngồi lên trên nó.

3 Vẻ bề ngoài của ông như là ánh sáng và y phục của ông trắng như tuyết.

4 Vì mỗi sợ hãi, những người canh mộ run rẩy và trở nên như những người chết.

5 Để đáp trả, vị sứ giả nói cùng những người phụ nữ: Đừng sợ, vì tôi biết các bà tìm Đức Giêsu chịu đóng đinh.

6 Người không ở đây nữa, Người đã trỗi dậy như Người đã nói, hãy đến nhìn xem nơi người ta đã đặt Người.

7 Và ngay lập tức, hãy đi nói cho cho các môn đệ của Người rằng Người đã trỗi dậy từ cõi chết. Kìa! Người sẽ đi đến Galilê trước anh em. Ở đó anh em sẽ thấy Người, này! tôi nói cùng chị em.

8 Và họ lập tức ra đi khỏi ngôi mộ với nỗi sợ hãi và niềm vui vĩ đại, họ chạy đi báo cho các môn đệ của Người.

9 Và kia! Đức Giêsu gặp họ nói rằng: Hãy vui lên, và họ đến bắt lấy chân của Người và bái lạy Người

10 Và Người nói cùng họ rằng: Đừng sợ, các bà hãy đi báo cho các anh em của Thầy để họ đi đến Galilê, ở đó họ sẽ thấy Thầy.

1 Vào sáng sớm tinh sương, ngày thứ nhất trong tuần, họ đi đến ngôi mộ, mang theo dầu thơm mà họ đã chuẩn bị.

2 Họ đã khám phá ra tảng đá đã bị lăn ra khỏi mộ,

3 Khi đi vào trong, họ không tìm thấy thân xác của Chúa Giêsu

4 Khi họ đang phân vân về điều này, thì kìa! Có hai người đàn ông ăn mặc sáng chói đang đứng bên họ.

5 Khi họ đang sợ hãi và sấp mặt xuống đất, thì hai người đàn ông nói cùng họ: “Tại sao chị em lại tìm người sống giữa những người chết?

6 Người không ở đây, nhưng đã sống lại, hãy nhớ lại điều mà Người đã nói với chị em khi Người còn ở Galilê,

7 nói rằng: Con Người phải chịu trao nộp vào tay những người tội lỗi và sẽ chịu đóng đinh, rồi ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”

8 Và họ nhớ lại lời của Người.

9 Rồi, sau khi trở về từ ngôi mộ, họ loan báo cho toàn bộ mười một môn đệ và tất cả những người còn lại.

10 Họ là bà Maria Magđalênê,  Gioana và Maria mẹ của ông Giacôbê và những người phụ nữ còn lại, cùng với họ, nói đi nói lại những điều này cho các Tông Đồ.

 

1 Ngày thứ nhứt trong tuần, Maria người Magđala đi đến mồ lúc sáng sớm, trời vẫn còn tối, và thấy viên đá đã cất khỏi mồ. 2 Bà chạy đi gặp Simôn Phêrô và người môn đồ kia, người Ðức Yêsu yêu dấu, và nói với họ: “Người ta đã cất Chúa khỏi mồ, mà chúng ta không biết họ đặt Ngài ở đâu?”

3 Vậy Phêrô ra đi cùng với môn đồ kia, họ đi về phía mồ, 4 cả hai chạy với nhau. Nhưng môn đồ kia chạy lanh hơn lấn trước Phêrô, nên đã đến mồ trứơc tiên. 5 Cúi nhìn vào, ông thấy những dải vải còn đó; nhưng ông không vào. 6 Phêrô theo sau cũng đến nơi, và ông vào mộ, và thấy dải vải vẫn đặt, đó, 7 còn tấm thượng khâm phủ đầu Ngài thì lại không đặt chung với dải vải, nhưng được cuộn riêng một chỗ. 8 Bấy giờ môn đồ kia, người đã tới mộ trước tiên, cũng đi vào. Ông đã thấy, và ông đã tin. 9 Là vì họ chưa hiểu lời Kinh thánh là Ngài phải sống lại từ cỏi chết. 10 Các môn đồ lại trở về nơi họ ở.

 

 

Chú thích

[1] “The angel’s final words to the women (see p. 1069, n. 9), literally “Look, I have told you,” are reminiscent of the frequent OT formula, “The Lord has spoken” (Isa 1:2; 25:8; Joel 3:8 etc.) or “I, the Lord, have spoken” (Num 14:35; Ezek 5:15, 17, etc.). The formula marks an authoritative pronouncement (perhaps even that the angel speaks for God), and also functions now as a call to action. The message has been delivered, and now it is up to the women to act on it” [R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 1101].

[2] “According to T. R. W. Longstaff, ‘The Women at the Tomb: Matthew 28:1 Re.examined,’ NT5 TJ (1981) 277-82, it was a Jewish custom to watch the tomb of a loved one until the third day after death to ensure that premature burial had not taken place” [D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP1; Collegeville 1991) 409].

[3] “In context Matthew goes on to describe events which belong in all the traditions to Sunday morning. Thus, the next clause towards dawn must be understood as meaning “when the sabbath had already passed into the next day” [W.F. Albright & C.S. Mann, Matthew. Introduction, translation, and notes (New Haven – London 2008) 358.

[4] “Indeed Matthew’s connective “for” suggests that the quake is itself the result, or at least the context, of the angel’s coming, so that emphasis falls on the angel rather than the earthquake” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 1099).

[5] “Just as angels were prominent in the infancy narratives in communicating and clarifying God’s will, so the angel here explains what happened and what the women are to do” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 409).

[6] “The poignant description of Jesus as “the one who has been crucified” leaves no room for doubt of the real death of the one who is now alive again. But the absence of his body from the place where it had been (as the women knew, 27:61) shows that his resurrection is no less real and physical than his death” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 1100).

[7] “It is explained simply by the fulfillment of Jesus’ repeated predictions that he would “be raised,” using the same verb as in 16:21; 17:9, 23; 20:19; 26:32 (cf. also 27:63, 64)” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 1100).

[8] “Matthew has realized that the matter cannot be left where it is at Mark 16:8. Even without the further instruction from Jesus in v. 10, the women are already on their way to deliver their message” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 1102).

[9]Brethren are not the biological brothers of Jesus, but rather his disciples (see verse 16). One way to translate is “my disciples, who are like brothers to me,” but this is a little cumbersome. “My closest friends” has also been used, and “the ones I love like brothers” is another possibility” [B.M. Newman & P.C. Stine. A handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New York 1992) 880.

[10] “The repetition serves the function of placing even more emphasis on the climactic appearance in Galilee (Matt 28:16-20)” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 410); “The result of this repetition is that the importance of the coming meeting in Galilee is further underlined, so that the reader is well prepared for the climactic scene of the gospel in vv. 16–20” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 1102).

[11] “In Luke 24 and John 20 the appearances of the risen Jesus take place in the area of Jerusalem. In Matt 28:16-20 and John 21 he appears in Galilee” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 409).

[12] “All the gospels stress the significance of the women as the first witnesses of the empty tomb. This is hardly likely to be a fictional invention, in a society where women were not generally regarded as credible witnesses, especially as the singling out of the women for this honor detracts from the prestige of the male disciples” [R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 1098).

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Vọng Phục Sinh – Năm A
Bài tiếp theoCÁO PHÓ: Tu sĩ Antôn Trần Đình Lệ, SVD