TÂM TÌNH MẠC KHẢI (CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, NĂM C)

0
294
Photo: Salt and Light Ministries

Bài đọc 1: Cv 15,1-2.22-29

Bài đọc 2: Kh 21,10-14.22-23

Tin Mừng: Ga 14, 23-29

Đức Giêsu đáp:“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’ Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

 

—– BÀI GIẢNG —–

TÂM TÌNH MẠC KHẢI (Lm. Antôn Nguyễn Tất Bính, SVD)

Đời sống đức tin của các tín hữu công giáo gắn liền với những ân ban từ chính Thiên Chúa. Do đó, việc canh tân đời sống thiêng liêng gắn liền việc nỗ lực canh tân đời sống bản thân với việc nối kết với Chúa Ba Ngôi trong mối tương quan tình yêu hiệp thông. Cụ thể là yêu mến Chúa Giêsu, tuân giữ lời Người, tức là Lời của Chúa Cha (x. Ga 14,24) và đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, “Đấng sẽ dạy anh em mọi điều”. Làm như thế, người tín hữu sẽ gặp được hạnh phúc không chút ngờ vực, được kết tinh và đống ấn bởi chính Thiên Chúa. Như vậy, mỗi cuộc sống Kitô hữu là chứng nhân đích thực của Đức Kitô, trở thành một nơi chốn mà ở đó Thiên Chúa tự tỏ mình ra bằng những hoa quả linh thiêng là dấu ấn của ngài.

  1. Ai Yêu Mến Thầy, Thì Sẽ Giữ Lời Thầy

Tình yêu không thể là lý thuyết suông. Tình yêu không đòi hỏi sự khôn ngoan nhân loại, sự lý luận của khối óc con người. Nhưng tình yêu chân thành hệ tại ở việc biết lắng nghe và chỉ muốn làm theo ý người mình yêu và tự đặt mình trong tình trạng luôn sẵn sàng và tự trang bị một khả năng dễ chịu, dễ nghe, dễ bảo, dễ chiều, dễ thương đối với người yêu. Do đó, Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu mến Chúa không bằng tâm tình trừu tượng nhưng bằng việc làm cụ thể là tuân giữ những lời Chúa truyền dạy. Theo kiểu nói Phúc Âm, các môn đệ biết rằng yêu Chúa Giêsu đầu tiên cốt tại “giữ lời Ngài”, nghĩa là nhận ra trong sứ điệp của Ngài những đòi hỏi và những ân huệ của tình yêu Thiên Chúa và đáp trả bằng sự dấn thân cả đời sống cách đích thực và quảng đại.[1] Khi thực hành như thế người tín hữu được bước vào trong mối tương quan hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Đây là sự hiện diện trực tiếp của chính Thiên Chúa trong nội tâm và tình yêu; lời hứa tuyệt vời của Đức Giêsu là vậy. Những ai chối từ tình yêu Thiên Chúa thì không thể thấu triệt việc Thiên Chúa Ba Ngôi đến cách vô hình mà Chúa Giêsu vừa loan báo cho những ai yêu mến Ngài. Những ai khước từ việc tuân giữ lời Chúa cũng đồng nghĩa với việc không biết Chúa Giêsu, và do đó cũng không thể biết được Chúa Cha – Đấng là nguồn của những thông điệp mà Chúa Giêsu loan báo. Như vậy, chính nhờ yêu (giữ lời Chúa) mà đời sống người Kitô hữu có giá trị. Chính vì yêu mà việc giữ đạo có mục đích. Chính bởi tình yêu mà đời sống người Công Giáo có ý nghĩa và cũng chính trong tình yêu mà việc sống đạo được thực hiện. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể yêu mến và tuân giữ lời Chúa nếu không được hướng dẫn.

  1. Được Hướng Dẫn Bởi Thánh Thần.

Khi ở với các môn đệ Chúa Giêsu đã đào tạo và dạy dỗ họ, tỏ cho họ biết chương trình của Thiên Chúa trên nhân loại. Các môn đệ cần phải đào sâu và thực hiện những điều Chúa Giêsu đã truyền dạy. Nhưng sự đào sâu và thực hiện ấy không phải là kết quả của những nỗ lực suy tư và hiểu biết nhân loại, nhưng là nhờ “Đấng Bảo Trợ, là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến” (Ga 14,26). Chính Thánh Thần sẽ dạy họ mọi điều và sẽ làm cho họ nhớ lại tất cả những điều Chúa Giêsu đã dạy dỗ họ. Bởi có rất nhiều khía cạnh của cuộc đời và sứ điệp của Chúa Kitô mà các đồ đệ chưa hiểu thấu: “Lúc đầu, các môn đệ không hiểu những điều ấy” (Ga 12,16). Và Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ sẽ giúp họ.

Thánh Thần: Thần Khí của Thiên Chúa được xác định rõ ở đây là Thánh Thần. Hạn từ “Thánh” ở đây mang một nghĩa kép, vừa chỉ phẩm chất vừa chỉ hoạt động của Thần Khí: Thần Khí là thánh và Đấng tác thánh. Người đến từ Thiên Chúa nên Người hoàn toàn khác biệt với mọi thực tại phàm nhân: Người là Thánh. Người thuộc về cảnh vực thần linh. Nhưng đồng thời, Người cũng là Đấng làm nên sự tách biệt, tức là Người là Đấng hiến thánh, Đấng tác thánh. Người tách biệt con người khỏi tối tăm, khỏi thế gian sa đọa, đưa họ vào vùng ánh sáng và vào cõi sống là thế giới của Thiên Chúa.[2]

Đấng Bảo Trợ: “Đây là một từ ngữ của giới pháp đình: một kẻ đến gần để giúp đỡ, che chở, bảo vệ, bào chữa, ủi an, cố vấn”[3].  Như vậy, Thần Khí của Thiên Chúa cũng được xác định là một thực tại năng động và bản vị. Người là Đấng Bảo Trợ do Chúa Cha sai đến. Người sẽ dạy các đồ đệ mọi điều. Hoạt động của Người sẽ trải dài trong thời gian. Nhưng Người không nói tự mình, mà là nhắc nhở và làm cho các đồ đệ Đức Giêsu hiểu thấu những gì mà Đức Giêsu đã dạy họ.

Đức Giêsu quả quyết: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Thánh Thần giúp Hội Thánh dần dần hiểu thấu đáo và sâu xa hơn những điều chính Chúa Giêsu đã truyền dạy và mạc khải. Tức là Thánh Thần sẽ làm cho người ta nhận biết Chúa Giêsu và sẽ xác nhận công trình của Chúa Giêsu. Vì thế, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Hội Thánh và mỗi người tín hữu luôn được mời gọi làm mới mình.

  1. Đức Tin Vào Chúa Ba Ngôi Là Nền Tảng Của Đời Sống Đạo Của Người Kitô Hữu.

Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Và “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều”… (Ga 14,26). Như thế, giữa Chúa Cha, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần có một mối liên kết và hiệp thông sâu xa. Mầu nhiệm liên kết và hiệp thông sâu xa ấy là nguồn mạch ơn cứu độ của chúng ta. Bằng những thổ lộ này, Chúa Giê su đã mặc khải những điểm thần học quan trọng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Và đây chính là nền tảng căn bản của đức tin chúng ta. Tuy nhiên, người tín hữu ít khi được nghe giảng về niềm tin vô cùng quan trọng này. Một trong những nguyên do là giáo lý Ba Ngôi thường được trình bày một cách siêu hình, trừu tượng, khô khan, thiếu mạch lạc và thiếu những áp dụng thực tiển. Do đó, chúng ta, người tín hữu hôm nay cần khơi dậy đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi trong các buổi cử hành phụng vụ cụ thể. Chẳng hạn, người tín hữu cần ý thức sâu sắc với việc làm dấu thánh giá: Nhân Danh Cha, và Con và Thánh Thần mỗi khi thưc hiện như một sứ điệp cứu độ và trung tâm của đời sống. Nếu chúng ta ý thức về Chúa Ba Ngôi trong lời kinh nguyện, chúng ta sẽ thấy Đức Kitô cùng với Thánh Thần đáng được phụng thờ như Thiên Chúa, và chúng ta sẽ nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mà quy về Chúa Cha mọi lời chúng tụng và tôn vinh.

Ngoài ra, khi tuyên xưng vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi chúng ta cần phải diễn tả sự hiệp thông với Giáo Hội. Trở nên người Kitô hữu tức là đáp trả những mạc khải của Thiên Chúa và tiếp nhận đức tin từ Giáo Hội. Ý thức được những điều đó, chúng ta mới nghiêm túc nói về một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, nhờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là chính mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi.

Nói tóm lại, việc yêu mến Chúa Giêsu bằng việc sống lời Ngài, người tín hữu sẽ bước vào trong mối tương quan hiệp thông mật thiết của Chúa Cha và Chúa Con. Đây là khẳng định của Chúa Giêsu. Do đó, mỗi Kitô hữu chúng ta, bằng tình yêu chứ không phải sợ hãi, phải chấp nhận đổi mới và hoán cải, bước theo Chúa Kitô bằng cách đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần để Ngài ghi khắc vào trong tâm hồn mỗi người hình ảnh thanh khiết của Ba Ngôi Thiên Chúa. Để Ngài điều hướng tư duy, và hành động của chúng ta theo những yêu sách của Ngài. Và như thế chúng ta sẽ có một sự bảo đảm tối hậu về sự phong phú có tính cách nhân linh và tâm linh của một người con Chúa để sống, phục vụ, ngợi khen, cảm tạ và suy niệm.

————–

[1] Xc. om/chgpvinh.cua-nhat-vi-phuc-sinh-nam-c-cac-bai-suy-niem-chu-giai-loi-chua-5755#CN6PS-C_66

[2] Nguyễn Thê Hiện, Thánh Thần Sẽ Dạy Anh Em Mọi Điều, http://dcctvn.org/thanh-than-se-day-anh-em-moi-dieu-ga-1423-29-cn6-ps/

[3] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học Viện Đa Minh 2012, tr. 175.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, C (Ga 14, 23-29)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (22/5, Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm C)