ƠN GỌI (6/2, CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – C)

0
300
Photo: Brent Borup (LDS Bookstore)

(Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11)

Bài giảng:

ƠN GỌI (Lm. Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD)

Trong Giáo Hội ngày hôm nay, thực trạng chung là rất ít các bạn trẻ dấn thân theo con đường ơn gọi tận hiến, thậm chí là sẵn sàng bỏ đạo, không muốn sống đời sống của người Kitô hữu nữa. Đối diện với tình trạng đó, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao các bạn trẻ không còn quý mến và bị cuốn hút bởi đời sống ơn gọi? Trong Tông Huấn Christus Vivit, số 277, Đức Thánh Cha nói: “Trong một thế giới căng thẳng và liên tục bắn phá con người bằng nhiều thứ kích thích khác nhau, con người không còn ch cho sự thinh lặng nội tâm mà cảm nhận được ánh mắt của Đức Giêsu và nghe tiếng gọi của Người. Trong khi đó nhiều lời mời gọi hấp dẫn và thú vị, mặc dầu với thời gian chúng sẽ chỉ khiến con người cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi và cô đơn”. Thế nhưng, các bạn trẻ vẫn chấp nhận xa Chúa, xa đời sống thánh thiện của người Kitô hữu, để bước vào cuộc phiêu lưu thú vị mà cuộc phiêu lưu này sẽ dẫn đưa họ đến sự diệt vong về mặt tâm hồn. Chính vì vậy, phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy “ơn” được Chúa gọi và đáp trả lại lời mời gọi của Chúa mang nhiều màu sắc khác nhau nhưng tất cả đều được quy hướng về việc sẽ trở thành người môn đệ để đem Chúa đến với người khác, và để tất cả mọi người đều được hưởng vinh phúc mai sau.

Trong bài đọc một, trích sách tiên tri Isaia, chính Isaia đã mô tả ơn gọi của ông qua một thị kiến: Trong thị kiến, Isaia đã chứng kiến một quang cảnh thật vĩ đại, uy nghi, hùng vĩ: “tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa”. Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói”. Quang cảnh đó làm cho tiên tri phải khiếp sợ: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Và Isaia nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,1-8). Tự thuật của Isaia cho chúng ta thấy ơn gọi của vị tiên tri thật ấn tượng. Ấn tượng ở việc ông cảm nghiệm được rằng con người tội lỗi như ông lại được vinh quang và sự thánh thiện của Đức Chúa bao phủ. Con người tội lỗi như ông lại được Đức Chúa là Vua và là Chúa của trời đất, đoái thương nhìn đến. Và hình ảnh thần Xêraphim gắp than hồng chạm vào miệng ông, diễn tả một sự thanh tẩy nhờ vinh quang và thánh thiện của Đức Chúa.[1] Chính nhờ vào tình thương mến của Đức Chúa, Isaia đã hăng hái lên đường trở thành vị ngôn sứ của Thiên Chúa, một người thay mặt Chúa nói với dân tội lỗi về tình trạng của họ, kêu họ sám hối và trở về với Thiên Chúa.

Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, thánh sử tường thuật sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, đó là hai cặp anh em: Anrê và Phêrô; Giacôbê và Gioan, được xen kẽ vào phép lạ “Mẻ Cá Lạ Lùng” nhằm khuất phục các môn đệ. Thấy Mẻ Cá Lạ Lùng đó, Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Mẻ cá làm Phêrô run rẩy nhận ra mình tội lỗi, và nhận ra Ðấng ở gần bên không phải là một con người bình thường, nhưng có uy quyền của Thiên Chúa. Ông cũng nhận ra Đấng ấy biết tất cả những gì ông suy nghĩ trước khi ông thả lưới bắt cá. Vì thế, ông chấp nhận thân phận yếu đuối, hèn hạ của mình, và khiêm nhường quì gối xuống xin tránh xa ông, giống như ngôn sứ Isaia khi chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và đã hạ mình xuống là kẻ tội lỗi. Điểm đặc biệt giống nhau giữa ơn gọi của ngôn sứ Isaia và bốn môn đệ đầu tiên là tất cả đều bỏ mọi sự mà theo Chúa. Có nghĩa các ông đã từ bỏ tất cả những gì các ông đang có: bỏ con thuyền, bỏ nghề nghiệp, bỏ cuộc sống ổn định, bỏ cả cha già và gia đình để đi theo Chúa. Từ bỏ nhiều như thế, liệu người trẻ ngày nay dám tử bỏ hay không? Còn hơn thế nữa, sau này các môn đệ còn từ bỏ ý riêng của mình để nghe theo sự dạy dỗ của Chúa Giêsu, để trở thành người môn đệ chân chính và đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Chúa. Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, các môn đệ sẽ gặp muôn vàn khó khăn, thử thách mà các ông bắt buộc phải vượt qua.

Chính vì vậy trong bài đọc thứ hai, chúng ta chiêm ngưỡng những khó khăn đó trong ơn gọi của thánh Phaolô. Chính thánh Phaolô đã trình thuật hành trình rao giảng của ngài bị nhiều người chống đối, chê bai đủ điều và cho rằng ngài không xứng đáng để trở thành Tông Đồ. Phaolô không chối cãi, không đôi co hay tìm cách kháng chế, nhưng ngược lại, ngài đã luôn nhận mình là con người thấp hèn vì đã bắt bớ, hành hạ Giáo Hội một thời, hơn nữa lại được chọn và gọi sau hết so với các Tông Đồ, nên bản thân tự nhận chỉ như là đứa trẻ sinh non… Nhưng nhờ ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, nên ngài đã trở nên vị Tông Đồ lừng danh về mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Hành trình ơn gọi của Phaolô diễn tả sự khó khăn, sự bắt bớ, sự hiểu lầm, sỉ vả, sự quy chụp… mà người môn đệ của Chúa khi thi hành sứ vụ sẽ phải chịu như vậy.

Qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, hành trình ơn gọi được diễn tả qua mọi thời kỳ, thời Cựu Ước (bài đọc I), thời Tân Ước (Tin Mừng), thời hậu Phục Sinh của Chúa Giêsu (bài đọc II). Trong thời đại hôm nay, người Kitô hữu chúng ta đang sống trong thời của Chúa Thánh Thần. Ơn kêu gọi vẫn đang xảy ra ở mọi nơi trên thế giới. Vấn đề đặt ra là chúng ta có dám từ bỏ mọi sự mà theo Chúa không? Từ bỏ mọi sự ở đây không nhất thiết phải là ơn gọi đời sống thánh hiến mà còn bao hàm cho tất cả mọi Kitô hữu ở trong bậc sống hay ơn gọi nào. Vì vậy, chúng ta phải dứt khoát chọn lựa Chúa hoặc chối từ Người. Bởi lẻ, chúng ta đừng để Người đi ngang qua đời chúng ta mỗi ngày, và lúc nào Ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó, sống vô định, không có một mục đích cho cuộc đời, sống một đời sống chóng qua, chỉ biết chạy theo xu thế của thời đại, tôn sùng những giá trị ảo tưởng, bấp bênh mà không biết chăm lo cho cuộc sống mai hậu. Chúng ta phải khắc ghi trong tâm hồn mình rằng Chúa vẫn luôn tha thiết và quảng đại mời gọi chúng ta và Người chờ đợi lời đáp trả quảng đại và mau mắn của chúng ta. Bởi vì, chúng ta là Kitô hữu là người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, và qua Bí Tích ấy, chúng ta cũng được Chúa mời gọi thông dự vào ba chức vị: NGÔN SỨ – TƯ TẾ – VƯƠNG ĐẾ, nghĩa là Thiên Chúa trao ban cho chúng ta sứ vụ rao giảng Tin Mừng là đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người; chúng ta cũng được diễm phúc trở nên con cái của Thiên Chúa là Vua cả trời đất và muôn vật muôn loài; trở nên những vị tư tế để phục thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân theo gương của Người. Ngoài ra, đối với những ai “từ bỏ mọi sự mà theo Chúa” để sống đời tận hiến, chúng ta phải luôn luôn ước ao có Chúa Thánh Thần thổn thức trong tâm hồn rằng: “Này con đây, xin hãy sai con đi”. Con sẽ trở nên khí cụ hữu hiệu trong tay bàn tay Chúa; con sẽ cố gắng kêu gọi người ta sám hối và tin vào Người. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đáp lại lời mời gọi mà Chúa đã gọi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống đúng ơn gọi của chúng con, ơn gọi làm con Chúa và là môn đệ của Chúa. Xin cho chúng con biết sống phó thác và có một lòng tin vững mạnh vào Chúa, một lòng trông cậy, một lòng mến chân thành như các ngôn sứ và môn đệ của Chúa khi xưa, để từ đó, chúng con mới hoàn thành được sứ vụ mà Chúa trao ban cho chúng con là đem Chúa đến cho những ai chưa nhận biết Chúa. Amen.

———-

[1] Xc. Widyapranawa, S. H. (1990). The Lord is Savior: Faith in national crisis: A commentary on the Book of Isaiah 1-39. International theological commentary. Grand Rapids; Edinburgh: Eerdmans; Handsel Press. ( trích từ phần mềm Libronix Digital Library Sysem).

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, mồng 1 Tết Nhâm Dần)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (6/2, Chúa Nhật V, TN C)