Lời Chúa + Bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô – Năm B (CN IX TN)

0
1141

Bài Ðọc I: Xh 24, 3-8

“Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).

Hoặc đọc: Alleluia

Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Ðáp.

2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi. – Ðáp.

3) Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 9, 11-15

“Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta”.

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 14, 12-16. 22-26

“Này là Mình Ta. Này là Máu Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.

Ðó là lời Chúa.

 

Bài giảng chủ đề:

MÌNH CHÚA LÀ CỦA ĂN – MÁU CHÚA LÀ CỦA UỐNG (Ts. Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD)

Giáo Hội cử hành Thánh Lễ hằng ngày là cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa, là cử hành Bí tích của tình yêu – Bí tích mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Một cách đặc biệt trong hôm nay, Giáo Hội lại muốn chúng ta mừng trọng thể Lễ “Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”, để đặc biệt suy tôn và thờ lạy Thánh Thể Chúa.

Như chúng ta đã biết, ý nghĩa trước tiên của Bí tích Thánh Thể là hiện tại hóa Hy tế thập giá, Hy tế tạ ơn. Thiếu giá trị Hy tế, Thánh Thể chỉ có ý nghĩa và giá trị của một cuộc gặp gỡ thân hữu, trong một bữa tiệc thông thường, giữa anh chị em với nhau mà thôi (x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia De Eucharistia ‘Giáo Hội Từ Bí Tích Thánh Thể’, 2003, số 10).

Hiến chế Phụng vụ thánh, số 12 có viết: “Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy tế Thập giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người: Đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai.”

Mầu nhiệm này không phải là sự xuất hiện ngẫu nhiên, nhưng đã nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa từ trước. Bài đọc thứ nhất trong sách Xuất Hành đã cho ta thấy hình ảnh ngôn sứ về giao ước tình yêu này khi ông Môsê “sai các thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Chúa … rồi ông Môsê còn lấy máu rảy trên dân và nói: ‘Đây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em” (x. Xh 24, 4-5.8).

Tình yêu ấy, giao ước ấy được nâng lên một cách trổi vượt và trọn vẹn hơn nơi Đức Kitô được diễn tả trong bài đọc hai. Máu giao ước từ đây không còn là máu từ các con dê, con bò nữa mà là chính máu của Đức Kitô, máu của Đấng Cứu Chuộc, “máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết … Người là trung gian của Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi chúng ta.” (x. Hr 9, 14- 15). Vì tình yêu mà Chúa đã hiến mình chịu chết và trở nên của ăn, của uống thiêng liêng để nuôi sống linh hồn chúng ta, để mang lại sự sống đời đời cho chúng ta. Đây đúng là một hồng ân quá lớn lao, hồng ân vô giá mà không ai trong chúng ta có thể coi nhẹ hay xem thường.

Tuy vậy, thế giới ngày nay dường như đang xa lìa Thiên Chúa. Nhiều nơi, việc tôn thờ Thánh Thể gần như bị lãng quên. Sự tục hóa và tội lỗi mỗi ngày một gia tăng bởi thiếu đi sự hiện diện của Thánh Thể Chúa. Nhiều người đi lễ chỉ vì luật buộc. Có nhiều người không đi lễ nữa và họ quên mất giá trị của Thánh lễ, của Hiến tế Thập giá, và quên việc rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô để kết hợp nên một với Người và nên một với anh chị em. Họ quên rằng, Thánh Thể mới đem lại bình an và hạnh phúc đích thực, và trên hết đem lại sự sống vĩnh hằng. Do đó, sứ vụ của chúng ta – những nhà thừa sai Thánh Thể, những nhà truyền giáo hôm nay là khơi lại niềm tin và việc tôn thờ, yêu mến Thánh lễ, Thánh Thể Chúa, trước hết là nơi chính mình, rồi lan tỏa đến cộng đoàn và môi trường nhân sinh mà chúng ta đang sống.

Thứ nhất, một vị thừa sai Thánh Thể cần có được sự kết nối sâu sắc với Chúa qua việc cử hành và tham dự Thánh Lễ mỗi ngày để được kết hợp với Thánh Thể Chúa; tâm sự, lắng nghe, chiêm ngắm và cảm nghiệm tình yêu Đức Giêsu qua Thánh Thể để múc lấy sức mạnh, ơn thánh, và sự bình an.

Thứ hai, vị thừa sai giới thiệu Thánh Thể Chúa cho người khác qua việc Chầu Thánh Thể, tổ chức rước kiệu Thánh Thể, mục đích là để Đức Giêsu Thánh Thể được đến với mỗi tâm hồn, mỗi nhà, mỗi khu xóm và môi trường chúng ta đang sống.

Thứ ba, vị thừa sai làm chứng cho Thánh Thể Chúa qua đời sống chứng tá của mình, bằng tình yêu thương và sự phục vụ đối với mọi người.

Ước gì Thánh Thể Chúa luôn ở với chúng ta. Ước gì chúng ta cảm nghiệm thâm sâu được tình yêu ngọt ngào của Thánh Thể Chúa, ngõ hầu chúng ta không bao giờ lãng quên những hồng ân cao trọng và vô giá mà Thánh lễ mang lại cho mỗi nhà thừa sai, mỗi người trong chúng ta. Vì như thánh Maria Vianey nói: “Mọi việc lành họp lại cũng không thể so sánh với thánh lễ Misa, vì mọi việc lành là của loài người, còn Thánh lễ là của Thiên Chúa.” Amen.


 

THÁNH THỂ – QUÀ TẶNG ( Linh mục Antôn Lê Sơn, SVD)

Hôm nay chúng ta mừng lễ Mình – Máu Thánh Chúa Kitô trong bối cảnh thế giới có rất nhiều mối bận tâm. Chết chóc do dịch bệnh Côvít 19. Đói khát do thất nghiệp. Nghi ngờ, mâu thuẫn giữa con người với nhau, giữa quốc gia này với dân tộc khác vì những thiên tai, nhân tai và muôn vàn lý do khác. Thiết nghĩ đã là con người ai cũng khao khát được sống bình an, nhất là phải sống có ý nghĩa và hạnh phúc. Vậy, đâu là cứu cánh cho con người trong thời đại này? Ngày 27/03/2020 Đức Thánh Cha Phaxicô qua phép lành “Urbi et Orbi” đã mời gọi dân thành Rôma và toàn thế giới hãy hướng về Thánh Thể Chúa. Ngài đã kêu gọi mọi người hãy chiêm ngắm và cậy trông vào Chúa Kitô. Đây chính là thông điệp linh thánh, thiết thực và hiệu nghiệm nhất của Giáo Hội không chỉ trong lúc này mà xuyên suốt mọi thời đại và mọi biến cố. Vì Thánh Thể đã được tiên báo từ xa xưa trong lịch sử cứu độ, được chính Đức Giêsu thực hiện và để lại như một chứng tích của Mầu Nhiệm Tình Yêu.

  1. Những Lời Tiên Báo

Bài trích sách Xuất Hành hôm nay: sau khi ông Môsê đón nhận lề luật thánh và truyền cho dân, ông đã lập bàn thờ cho mười hai chi tộc Ítraen và đã dâng lễ tế lên Đức Chúa. Lễ vật hôm đó là chiên bò, kẻ dâng lễ tế là một con người trong số phàm nhân (x. Xh 24,3-8). Hy lễ này sẽ được kiện toàn nơi hy tế thập giá của Đức Kitô sau này.

Ngày nay các nhà thần học và Kinh Thánh vẫn coi Manna là thứ bánh Chúa thiết đãi dân Người trong cuộc lữ hành tiến về đất hứa (x. Xh 16,1-31), là tiên trưng cho Bánh Thánh của Chính Đức Kitô sau này. Thánh Phaolô qua đoạn thư Hípri đã khẳng định: “Người đã vào cung thánh một lần và đã thay thế máu dê, bò bằng chính máu của mình” (Hr 9,12). Như vậy, điểm khác biệt căn bản nhất giữa hiến lễ Cựu Ước và hy tế Tân Ước của Đức Kitô chính là ý nghĩa sâu xa và giá trị của lễ tế. Hiến lễ Cựu Ước chỉ mang tính tạm thời, của lễ, bàn thờ và chủ sự cử hành hy hiến là những thành phần tách rời được liên kết lại. Giá trị của hiến tế Cựu Ước trước hết là để đền tội cho chính bản thân người dâng lễ tế, sau đó là thay dân để tạ tội và cầu phúc cho mọi người. Còn hiến lễ Tân Ước của Đức Kitô thì chủ tế, của lễ và bàn thờ chỉ là một và hiến tế này diễn ra chỉ duy một lần nhưng có giá trị vĩnh viễn. Nếu máu chiên bò trong hy tế cũ được rảy lên dân để diễn tả nghi lễ thanh tẩy và nói lên khát vọng của cuộc vượt qua khỏi ách nô lệ Ai Cập thì máu Thánh Đức Kitô sẽ tẩy trừ mọi tội lỗi cho nhân thế và giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết. Đây là hiến tế vẹn toàn, tinh sạch có sức mạnh tẩy rửa bằng Thánh Thần làm cho mọi tâm hồn người thế được biến đổi cách tinh tuyền và vĩnh viễn.

  1. Một Sáng Kiến Vượt Thời Gian

Lại một lần nữa, chúng ta ngạc nhiên về cái tài sắp xếp công việc của Đức Giêsu trước sự kiện này. “Hai môn đệ ra đi, vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói” (Mc 14,16). Điều đáng bận tâm trong “trong bữa tiệc cuối cùng” của thầy trò hôm đó là việc Đức Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Đây là một thứ quà tặng hết sức lạ lùng và độc đáo: “Thiên Chúa không thể làm điều gì vĩ đại hơn thế nữa. Ngài đã thực hiện một giấc mơ hết sức điên rồ, là phân thây, xẻ thịt người con yêu dấu để trao tặng cho chúng ta” (một nhà tu đức học). Thánh Gioan cũng quả quyết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính người con một yêu quý, để ai tin vào người con ấy sẽ được sống đời đời” (Ga 3,16). Một bữa tiệc đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà con người thực sự được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ và sự chết, được tái phục hồi địa vị thiên tử và chính thức tham dự vào sự bất diệt của Thiên Chúa nhờ giao ước mới được ký kết bằng Máu Thánh Đức Kitô.

Trong sử liệu của Trung Quốc lưu truyền một câu chuyện về hành trình lưu vong của quân thần Trùng Nhĩ cùng với bề tôi Giới Tử Thôi và đoàn tùy tùng. Khi trải qua những chặng đường dài gian khổ, mệt mỏi và đói khát vì lương thảo hết sạch đã lâu. Lúc họ không còn lê bước được nữa vì đói khát. Cả đoàn dừng lại kiếm rau dại trong rừng để luộc ăn. Bổng đâu Giới Tử Thôi đem một bát thịt tươi nóng sốt đến hầu Trùng Nhĩ. Trùng Nhĩ vui sướng nhận lấy và ăn một cách ngon lành. Sau khi ăn xong Trùng Nhĩ hỏi Giởi Tử Thôi: Giữa nơi hoang vắng ngươi đã lấy đâu ra thịt ngon cho ta? Giới Tử Thôi chỉ vào đùi mình và trả lời: Thưa Vương chủ, “người hiếu từ bỏ thân thờ cha, người trung thần bỏ thân thờ vua. Nay công tử đói không có gì để ăn nên tôi cắt thịt đùi của tôi để dâng cho công tử” (Nhân vật Đông Châu, 1968, tr. 324). Không gì có thể so sánh với tình yêu bao la, vĩ đại mà Đức Giêsu đã dành cho nhân loại. Nhưng qua câu chuyện này để chúng ta phần nào dễ hình dung hơn về sự trung tín với Chúa Cha và tình yêu tự hiến mà Đức Giêsu đã trao ban cho nhân loại.

  1. Con Người Thời Nay Thờ Ơ Với Thánh Thể

Thánh Laurensô Giustinianô: “lưỡi loài người không thể kể hết ơn phúc của Thánh Lễ, nào là tội nhân được giao hòa với Thiên Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xóa sạch, nết xấu được giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của ma quỷ bị bẻ gãy”. Ngày nay rất nhiều Kitô hữu chỉ coi thánh lễ Misa như một thứ gì đó xa xỉ và không cần thiết. Căn do từ đâu, vì cuộc sống có quá nhiều thứ để bận tâm, con người của thời đại này đang bị cuốn vào vòng xoáy của tình – tiền – tài. Người ta chạy đua tích trữ kho tàng dưới đất, nhưng lại quên làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Thánh lễ Misa là vô giá nhưng có lẽ đang dần bị quên lãng. Nơi bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu khao khát lấy thịt máu mình để hòa quyện nên một với chúng ta, nhưng lại bị con người lãnh đạm và thờ ơ. Thật thế, tiếp nối Mana trong hoang mạc, Thánh Thể trở thành lương thực thiết yếu bất khả thay thế trong cuộc lữ hành trần thế của dân tộc mới là Giáo Hội. Cũng như Manna sau khi được ăn no nê, mọi thứ vật chất trên đời cũng chỉ giúp người ta sống tạm, mà không bao giờ thỏa mãn và lấp đầy khát vọng vĩnh cửu. Tự thâm sâu của kiếp nhân sinh tất cả chúng ta ai cũng muốn chiếm hữu sự sống đó, nhưng điều nghịch lý là chúng ta đang xa lánh nguồn mạch đích thực là Lời Hằng sống và Bánh Thánh Ban Sự Sống.

Thánh Thể mời gọi hiệp thông. Hiệp lễ không chỉ làm cho nên một với Đức Kitô, nhưng còn mời gọi chúng ta trở thành tấm bánh bẻ ra, chia sớt cho đời; thông hiệp trong yêu thương và chia sẻ. Tuy nhiên, để sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông đúng nghĩa như Đức Kitô thì không hề đơn giản. Hy sinh và thập giá là nền tảng cốt yếu về sự trao ban chính mình cho tha nhân. Cũng vậy, nếu không có tử nạn và phục sinh như Đức Kitô, làm sao chúng ta có thể trở nên tấm bánh để bẻ ra cho tha nhân.

Đương thời trong một lần thăm viếng Liên Xô, Thánh Têrêxa Calcutta đã đề nghị với chính quyền hai điều: một là cho một khu đất để làm trụ sở cho các xơ ở để phục vụ, hai là phải có linh mục tại trụ sở đó để dâng lễ. Điều thứ nhất họ dễ dàng chấp nhận, điều thứ hai họ lại chần chừ. Mẹ đã giải thích cho họ: “nguồn sức mạnh và sự hy sinh phục vụ của các nữ tu chúng tôi chính là Thánh Thể Chúa. Không có thánh lễ làm sao chúng tôi có được Chúa Giêsu mỗi ngày để có sức mạnh và phục vụ?” Khi nào người tín hữu cảm nghiệm được sức mạnh của Thánh Thể thì lúc đó mới có thể sống tình hiệp thông và dám bẻ cuộc đời mình ra như một hiến lễ chính Đức Kitô đã thực hiện.

Xin cho mỗi người Kitô chúng con luôn biết nối kết hiệp thông với nhau trong Thánh Thể Chúa. Xin biến đổi chúng con trở nên những tấm bánh hữu dụng để bẻ ra cho đời, vì chính chúng con đã đón nhận quà tặng tình yêu từ Thánh Thể Chúa vậy. 


 

MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ (Lm. Giuse Lâm Văn Việt, SVD)

Chúng ta có thể quả quyết rằng: Mỗi Thánh Lễ đều là lễ “Mình Máu Thánh Chúa”. Tuy nhiên, ngày lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa được Giáo Hội ấn định hàng năm vào ngày Chúa Nhật liền sau Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi, phải có lý do. Đúng, đây là cơ hội đặc biệt để chúng ta tìm hiểu và suy niệm cách sâu xa hơn về mầu nhiệm này: một mầu nhiệm đức tin và cũng là mầu nhiệm tình yêu.

Thông thường, khi sắp chia ly nhau, người ta muốn tặng cho nhau một món quà kỷ niệm đặc biệt. Món quà quý giá cao trọng chừng nào thì thể hiện tấm lòng yêu thương chừng ấy của người tặng quà.

Bài Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu đã biết trước giờ sắp ra đi của mình, nên Người đã chủ động chuẩn bị chu đáo cho bữa ăn Vượt Qua cuối cùng của Người với các môn đệ. Đó là một căn phòng rộng rãi trên lầu, kín đáo riêng tư để Thầy trò tâm sự.

Trong bữa ăn mừng Lễ Vượt Qua này, Đức Giêsu đã trao tặng cho các Tông Đồ yếu quý, và cho cả nhân loại một món quà quý giá qua việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Kể từ nay, con người được đón nhận các mối phúc và được mời gọi sống trong tương giao dựa trên lòng yêu mến. Chính bữa ăn này đã đúc kết toàn bộ lịch sử của dân Ítraen và mở ra một trang sử mới. Bữa ăn này là một biến cố làm đảo lộn cả lịch sử mọi thời.

Như vậy, mỗi lần Hội Thánh cử hành Thánh Thể là mỗi lần được sinh ra trong Máu của Đức Giêsu, trong Giao ước vĩnh cửu. Do vậy, mỗi người Kitô hữu khi tham dự Thánh Lễ đều được mời dự phần vào mầu nhiệm sự chết của Đức Kitô. Chính cái chết này mở ra con đường dẫn đến vương quốc sự sống.

Thánh Lễ là cuộc tái diễn bữa ăn đặc biệt này, trong đó Đức Giêsu tiếp tục nhắc lại Giao ước với toàn thể nhân loại cũng như với từng người. Khi cử hành và tham dự Thánh Lễ, nhân loại một lần nữa đi vào Giao ước của Thiên Chúa qua cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Giao ước ấy đã được thực hiện một lần trong lịch sử, một lần là đủ, nhưng cần được nhắc lại để nhân loại luôn nhớ đến tình yêu đã cứu chuộc mình, và tình yêu ấy vẫn đang cứu chuộc để đưa nhân loại đến sự sống vĩnh cửu.

Khi qui tụ xung quanh bàn tiệc Thánh Thể mỗi người chúng ta đang được hưởng niềm vui và bình an. Chính nơi bàn tiệc ấy, chúng ta có thể trao đổi, chung chia cho nhau những khúc quanh cuộc đời, đồng cảm và đồng hành với nhau trong hành trình tiến về Nước Trời. Chính nơi ấy chúng ta được nâng đỡ và lớn lên trong tình yêu của Đức Kitô.

Vâng, mỗi người chúng ta đã được ánh nến Phục Sinh thắp sáng trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội; Ánh sáng ấy đã sưởi ấm và soi dẫn chính cuộc đời mỗi người.

Nhiệm vụ của chúng ta là hãy giữ lấy những nguồn sáng ấy để có thể làm muối, làm men cho đời. Nếu chất Kitô hữu ấy đã nguội lạnh hoặc đã bị biến dạng thì chẳng khi nào chúng ta có thể trở thành những gia vị hữu ích cho đời. Nếu có dịp ngồi thầm lặng trước một ánh nến leo lét trong nơi cô tịch nào đó, chúng ta sẽ khám phá ra được rất nhiều điều về chất Kitô hữu của mình. Khi ngọn lửa đã được thắp lên thì chất sáp sẽ bị hao mòn nhưng điều tuyệt diệu ở đây là căn phòng được sưởi ấm và bừng sáng.

Chất Kitô hữu ấy đã kết nên tấm bánh đời mình để rồi hàng ngày chúng ta dâng lên Cha những niềm vui và chén đắng cuộc đời. Từng tấm bánh và chén đắng cuộc đời ấy tạo nên một bữa tiệc huynh đệ xung quanh bàn tiệc Thánh Thể. Nơi ấy, chúng ta cùng được dâng lời tạ ơn, cùng ăn một tấm bánh là chính cuộc đời của nhau và cứ như thế, chúng ta lại nhào nặn, bẻ ra và trao cho anh chị em chính cuộc đời của mình… Cuộc đời của người Kitô hữu sẽ được diễn ra như vậy!

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn mong muốn mọi người kết hợp với nhau trong một cộng đoàn đức tin. Nơi đó, mọi người cùng đồng tâm nhất trí, chung một lời nguyện, cùng tham dự Bàn Tiệc Thánh và cùng nhận một sứ vụ ra đi loan báo Tin Mừng.

Và như thế, từ Bàn Tiệc thánh, Thiên Chúa mời gọi chúng ta ra đi thi hành sứ vụ, đến với tất cả các anh chị em khác để chia sẻ với họ những tâm tình của mình và cùng nhau xây dựng một nhiệm thể Đức Kitô trong một cộng đoàn đức tin. Một cộng đoàn luôn ý thức rằng, chúng ta được sai đi để chữa lành, gây niềm cảm hứng, trao tặng niềm hy vọng cho anh chị em mình. Đây không phải là việc biểu diễn một kỹ năng độc đáo, nhưng là một sự diễn tả niềm tin của mình cho tất cả những người được Đức Giêsu quy tụ và ủy thác cho chúng ta. Đức Giêsu đã sống lại và hiện diện với mỗi người theo cách thức khác nhau.

Ngày hôm nay, chúng ta còn có rất nhiều cách để làm chứng cho mọi người biết là Chúa vẫn đồng hành và yêu thương chúng ta. Sứ vụ loan báo đích thực không chỉ là cho đi nhưng còn có nghĩa là đón nhận. Sứ vụ loan báo Tin Mừng chỉ có thể được thi hành một cách bền bỉ khi người ta ý thức cả hai chiều kích ấy, “được người khác quan tâm và biết quan tâm đến người khác”. Bởi chưng, người cho đi vẫn cảm thấy mình cần phải lãnh nhận và kẻ lãnh nhận cũng biết mình cần phải cho đi; Một tương quan như thế ắt hẳn sẽ làm cho biên giới lòng mến dần dà trải rộng.

Đã bao lần tôi ý thức rằng, khi tôi lãnh nhận lương thực hằng sống là tôi được hiệp thông với Chúa Kitô. Của ăn vật chất bồi dưỡng cho thân xác, cũng vậy, khi tôi rước lễ, Mình Thánh Chúa cũng sẽ làm cho đời sống thiêng liêng của tôi thêm tăng trưởng, tránh xa được mọi tội lỗi và được qui tụ cùng với anh em mình làm nên một Hội Thánh.

Chúa Giêsu đến và ở trong tôi. Mình Máu Ngài đã nuôi dưỡng đời tôi. Thế nhưng, tôi đã không ý thức, tôi đã đón nhận Ngài như một thói quen, chứ không như một nhu cầu thiết yếu cho đời sống của tôi. Sự vô cảm ấy ngăn cản tôi sống trong Ngài và Ngài sống trong tôi. Mỗi khi chúng ta ăn và uống Mình Máu Chúa là chúng ta đụng chạm tới Ngài. Chúng ta đụng chạm tới Chúa để được chữa lành các tội lỗi và nết xấu của chúng ta. Ngài hiện diện đó như lương thực thần linh đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Ngài hiện diện như một của lễ, để chúng ta được cùng với Ngài dâng lên Chúa Cha.

Hằng tuần, hằng ngày, người Kitô hữu khi đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu được tiếp nhận sức sống của Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên giống Chúa, như tấm bánh bẻ ra trao cho người khác, qua việc hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích của tha nhân. Chúa muốn chúng ta sẵn sàng hy sinh thời giờ để giúp đỡ một người đang cần chúng ta hướng dẫn trong công việc, hay an ủi khi cô đơn.

Nói cách khác, trong xã hội đang tôn thờ chủ nghĩa cá nhân như hiện nay, có biết bao người đang đói khát bánh tình yêu, muốn bánh chân lý, bánh cộng đồng, bánh hy vọng. Vì thế, muốn loan báo Tin Mừng hiệu quả, chúng ta hãy sống như Giêsu đã sống, yêu như Giêsu đã yêu, để những người đang đói khát tìm được Đức Giêsu và cảm được tình yêu của Chúa hiện diện nơi chúng ta.

Hôm nay mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tâm tình chúng ta cần phải có là dâng lên Chúa lòng biết ơn sâu sắc vì đã lập phép Thánh Thể để ở lại với chúng ta; Đồng thời chúng ta hãy quyết tâm  từ đây tận dụng phép Thánh Thể, khai thác phép Thánh Thể để có lợi nhiều nhất cho cuộc sống giữ đạo của ta.

Ước gì, mỗi ngày khi qui tụ xung quanh bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta biết dâng lên Cha những chén đắng cuộc đời để cùng chung chia cho nhau những khúc quanh cuộc đời và cùng hòa vang niềm tạ ơn với đời, với người; Để rồi những gì chúng ta đang nâng niu, đang chọn lựa sẽ trở thành hiện thực; Để rồi mỗi ngày chúng ta biết xác tín hơn vào con đường mình đã chọn và hơn nữa chúng ta cố gắng để trở nên tấm bánh tình yêu được bẻ ra và trao ban, nhờ đó chúng con biết sẵn sàng sống yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (CHÚA NHẬT, LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA, Tuần 9 TN, năm B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 9 TN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.