Lời Chúa & Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 3 – Thường Niên – Năm A

0
431

Bài Ðọc I: Is 9, 1-4 (Hr 8, 23b – 9, 3)

“Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Lúc đầu, đất Giabulon và Nephthali rất hèn hạ, trong tương lai dần dần trở thành đường biển, bên kia sông Giođan trở thành Galilêa các dân tộc. Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết. Người đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người, như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm. Vì ách đã đè trên họ, đòn ngang nằm trên vai họ, và gậy của kẻ lạm thu họ, Người đã bẻ gẫy tất cả như trong ngày Mađian.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ; tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? – Ðáp.

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. – Ðáp.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 10-13. 17

“Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: “Tôi, tôi thuộc về Phaolô; – “Tôi về phe Apollô”; – “Còn tôi, tôi về phe Kêpha”; – “Và tôi thuộc về phe Chúa Kitô”. Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 4, 12-23 (bài dài)

“Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”.

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!”

Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Mt 4, 12-17

“Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

SÁM HỐI (Lm. Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD)

Ngày nay, với sự lên ngôi của nền văn hoá hưởng thụ, con người bị cuốn theo ma lực của tiền tài, danh vọng, chức quyền cùng với sự dễ dãi, thoải mái với bản thân. Điều đó dẫn tới hậu quả dẫn là lôi kéo mỗi người đi ra xa cái “tâm” của mình, làm cho con người mất đi khả năng phản tỉnh, ý thức về chính mình và thậm chí không còn thấy mình có tội để cần phải hoán cải, canh tân. Đức Cố Giáo Hoàng Pi-ô XII đã nhận định về thực trạng của con người hôm nay: “Tội lớn nhất của thời đại hôm nay là con người đánh mất ý thức về tội”. Do đó, một trong những đòi hỏi khẩn thiết của con người thời nay là phải biết phản tỉnh để nhận ra thực trạng của mình, để từ đó có sự quyết tâm sám hối. Lời mời gọi sám hối cũng là thông điệp căn bản của Tin Mừng, cách riêng trong trình thuật Tin Mừng hôm nay.

  1. Sám Hối Là Gì?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng động từ “μετανοέω,” theo bản văn Hy-Lạp, để kêu gọi sám hối. Theo nghĩa mặt chữ, “μετανοέω” có nghĩa là thay đổi tâm trí, não trạng. Tuy nhiên, “μετανοέω” không chỉ có nghĩa là thay đổi tâm trí mà là sự thay đổi toàn diện, tận căn, triệt để.

Thật vậy, sám hối không chỉ ở chiều kích luân lý, bỏ điều dữ làm điều lành, nhưng cơ bản là chiều kích thần học: Thiên Chúa mới chính là nền tảng và mục đích của việc hoán cải. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót, mà căn bản là hiệp thông với Thiên Chúa, nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Người.

Như vậy, khi Chúa Giê-su mời gọi ta sám hối, có nghĩa là mời gọi ta làm mới lại toàn diện cách sống của mình: từ bỏ tội lỗi; sống tốt đẹp, lành thánh hơn; đi vào mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và sẵn sàng cho cuộc sống Nước Trời mai sau.

  1. Hãy Sám Hối Vì Nước Trời Đã Đến Gần

“Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Ở đây, Chúa Giê-su cho thấy hai đặc tính của thực tại Nước Trời là đã đến và gần đến. Và dấu chỉ của Nước Trời ở đây chính là sự hiện diện của Chúa Giê-su. Người đã đến rồi, đến với địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, đến với nhân loại. Không những thế, Người cũng sẽ gần đến trong lần thứ hai, ngày Cánh Chung.

Chúa Giê-su cũng xác định rõ: Nước Trời chính là động lực của việc sám hối, chứ không phải bất cứ động lực nào khác. Chỗ khác, Người cũng khẳng định: Nước Trời là cùng đích của người theo Chúa. Bởi thế phải phải ưu tiên tìm kiếm Nước Trời trước hết (x. Lc 12,31); sẵn sàng hy sinh tất cả và bằng mọi giá để vào được Nước Trời (x. Mt 13,44-46)

Lời mời gọi của Chúa Giê-su cũng cho thấy tầm quan trọng của việc sám hối, nó chính là điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời, để được cứu độ. Nghĩa là, không sám hối thì không được vào Nước Trời. Nước Trời chỉ dành cho những ai biết ăn năn sám hối, biết khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi và sửa đổi đời sống ngày càng trở nên tốt lành, thánh thiện hơn. Tóm lại, sám hối là “tấm vé thông hành” để vào Nước Trời.

  1. Sám hối, món quà của ân sủng

Việc sám hối không chỉ là những nỗ lực của con người mà trước tiên là một món quà của ân sủng. Thật vậy, không phải chính chúng ta giao hòa với Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, đã hòa giải chúng ta với Người (x. 2 Cr 5,8). Ngoài ra, trong nỗ lực sám hối, con người luôn luôn bị chi phối bởi tội lỗi, bất công, thiếu hòa bình, tự do. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành thâm tâm con người và ban cho họ một trái tim mới (x. Gr 31,33; Ed 36,26).

Không những thế, lịch sử cứu độ muốn nói lên rằng: Thiên Chúa là Đấng chạy theo và tìm kiếm con người. Người không bỏ rơi con người, nhưng luôn nói với mỗi người: Ta muốn giúp con, muốn thanh luyện con, muốn cứu rỗi con. Người luôn đi bước trước, cần mẫn đi tìm mỗi người để chữa lành, ban ơn tha thứ, để đưa chúng ta trở về. Nói cách khác, Thiên Chúa luôn ban dồi dào ân sủng và mời gọi chúng ta hãy từ bỏ con đường xấu xa tội lỗi để trở về với kế hoạch yêu thương của Người.

  1. Giá Trị Của Sự Sám Hối

Người Hồi Giáo thích kể cho nhau nghe câu chuyện này: Ngày kia Đức A-la truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức A-la. Nhưng xem ra Đức A-la không hài lòng mấy. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian”.

Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức A-la mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn”. Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích:

“Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức A-la chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời.” (Trích từ Món Quà Giáng Sinh)

  1. Soi Chiếu Vào Đời Sống Đức Tin

Việc sám hối quan trọng và giá trị như thế, tuy nhiên, nhiều người lại có những quan điểm sai lầm về việc này. Có người ảo tưởng nghĩ rằng, chỉ cần sám hối một lần là đủ. Thế nhưng, họ quên rằng, lòng người thường “đổi trắng thay đen,” “nay chăng mai chớ.” Hôm nay có thể ta đang sống trong “nẻo chính đường ngay,” thế nhưng ngày mai đã “lầm đường lạc lối”. Hơn nữa, đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu là một hành trình tiến tới việc kết hiệp với Thiên Chúa. Bởi thế, sám hối phải là một tiến trình liên tục suốt cả cuộc đời: sám hối mỗi ngày và trong từng phút giây của cuộc sống. Còn sống, còn trên hành trình dương thế, con người cần phải hoán cải để trở về cùng Chúa.

Có người lại hồn nhiên cho rằng: mình còn nhiều thời gian để sám hối. Bây giờ, ta cứ “ăn chơi nhảy múa,” khi tới già ăn năn sám hối cũng còn kịp chán. Tiếc thay, họ quên một sự thật rằng: cái chết có thể “ngó nhìn” chúng ta bất cứ lúc nào. Kinh nghiệm từ đại dịch Covid cho thấy: sống nay chết mai, bất kể bạn là ai và đang ở độ tuổi nào. Do đó, tất cả phải đối diện với Đấng Phán Xét bất cứ lúc nào, khi nào. Bởi vậy, mỗi giây phút sống trên đời đều mang tính khẩn trương, cấp bách: đây có thể là ngày cuối, giờ cuối, phút cuối cho ta trước khi ra trình diện Đấng Phán Xét.

Trên bước đường trở về cùng Chúa, một trong những thách đố lớn nhất mà ta cần phải vượt qua đó là chính mình. Nhiều người chúng ta sợ phải sám hối, sợ phải thay đổi. Bởi vì đã quá quen với lối sống cũ, chúng ta sợ phải ra khỏi lâu đài an toàn giả tạo của mình. Có người lại không thể tha thứ được cho chính mình, kể cả Thiên Chúa, bởi vì họ nghĩ rằng tội lỗi của mình quá khủng khiếp. Tuy nhiên, họ đã quên rằng: tội dù có lớn đến đâu đều được bao phủ bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Tội lỗi có hạn nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô hạn.

Xét cho cùng, đối với người Ki-tô hữu, sám hối, hoán cải canh tân là một điều rất quan trọng và cần thiết bậc nhất trong đời sống. Bao lâu còn sống đức tin, thì bấy lâu ta cần phải hoán cải, cần phải quay trở về cùng Thiên Chúa. Bao lâu còn muốn Nước Trời làm gia nghiệp, thì bấy lâu ta cần phải thay đổi tâm can.

Xin cho mỗi người chúng ta có được một sự cam đảm và quyết tâm, để thay đổi đời sống, để đi vào mối hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, ngõ hầu đạt được vòng nguyệt quế là vinh phúc Nước Trời mai sau. Amen.


 

ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO  VÀ SỰ ĐÁP TRẢ (Tu sĩ Giuse Trần Thanh Hải, SVD)

Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay trình thuật cho chúng ta biết Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ tại Caphácnaum, miền Galilê, sau khi Gioan Tẩy Giả bị nộp. Và để thực hiện công trình cứu chuộc toàn thể nhân loại, Người đã kêu gọi và chọn một số Tông Đồ và các môn đệ để cùng cộng tác, chia sẻ sứ mạng với Người, “ở với Người, được Người huấn luyện và sai đi[1]. Vậy, thái độ đáp trả của các ngài như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu và phân tích.

Trong khung cảnh của một ngày sống bình thường, khi các Tông Đồ đang hành nghề đánh cá, đang vá lưới trong thuyền thì Đức Giêsu trông thấy và cất tiếng gọi: “Các anh đi hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Nghe tiếng Chúa, các ông liền bỏ tất cả mọi sự: bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà đi theo Người. “Các ông đi theo Người một cách tin tưởng mà không hỏi xem Người sẽ dẫn các ông đi đâu và tương lai sẽ thế nào.”[2] Các ông tin vào lời Đức Giêsu đã hứa, là từ bây giờ Người sẽ làm cho các ông thành những “ngư phủ lưới người”, những kẻ thu phục người ta, những kẻ bắt sống người ta; các ông sẽ theo Chúa, sống bên Chúa, chia sẻ buồn vui, sướng khổ với Chúa, ghi nhớ những gì Chúa đã dạy và làm chứng về những việc Người đã làm.

Được Đức Giêsu kêu gọi, các Tông Đồ đã đáp trả cách mạnh mẽ và dứt khoát bằng cách từ bỏ lối sống xưa cũ, bỏ lại đằng sau những gì gắn bó và hấp dẫn mình bấy lâu nay, những bận rộn lo toan về ‘cơm áo gạo tiền’ của cuộc sống hằng ngày, và ngay cả những gì thân thiết nhất như người thân trong gia đình, để “hướng tới một mục tiêu cao cả và bền vững hơn”[3] là trở thành những kẻ lưới người. Các ông sẽ “dấn thân với nhiệm vụ vĩnh cửu, hầu mang mọi người về với Nước Thiên Chúa”[4].

Khi xưa, các Tông Đồ đã đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu cách nhanh chóng và với tất cả sự tự do, không bị gượng ép hay do dự. Còn những Kitô hữu chúng ta hôm nay thì sao? Trước lời mời gọi yêu thương của Đức Giêsu, chúng ta có thái độ nào? Chúng ta có tin tưởng và sẵn sàng để cho Chúa và Lời của Ngài lôi kéo chúng ta không?

Trong cuộc sống ngày hôm nay, lời mời gọi của Đức Giêsu vẫn còn giá trị và trở nên cấp thiết hơn cho những ai muốn theo Người làm môn đệ. Chúa vẫn gọi mỗi anh chị em chúng ta tiếp tục sứ vụ của Người là trở thành những “ngư phủ lưới người” giữa lòng thế giới này, nhằm làm cho nhiều người biết Chúa hơn. Nhưng nhiều khi chúng ta làm ngơ, vì chúng ta sợ phải hy sinh, sợ phải từ bỏ những thứ đang chiếm hữu lòng ta như của cải vật chất, tiền bạc, tiện nghi, sự an toàn của bản thân, và ngay cả những của cải tinh thần như tiếng tăm, uy tín, địa vị, quyền lực, tài năng và sự thành công nữa. Vậy thì làm sao ta có thể từ bỏ để theo Chúa? Vì từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Người là giá trị cao nhất, vượt lên trên mọi giá trị. Như một trong những đặc tính quan trọng nhất của đức mến theo Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là tình yêu) là: Lòng yêu mến Thiên Chúa vượt trên tất cả. Nghĩa là con người phải yêu mến Thiên Chúa hơn tất cả mọi thụ tạo, lớn hơn tình yêu dành cho cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, và hơn cả chính mạng sống mình (x. Lc 14,26). Bởi lẽ, Thiên Chúa là nguyên ủy và cùng đích của tất cả.

Do đó, theo Chúa đòi buộc chúng ta cần phải có một tình yêu, một niềm tín thác, tin yêu thật lớn lao nơi Người; nhờ vậy, ta mới có thể hy sinh từ bỏ những gì ta đang ôm ấp và sở hữu, ngay cả khi chấp nhận từ bỏ một điều tốt để chọn lấy một điều tốt hơn theo ý Chúa muốn. Bởi vì làm môn đệ Đức Giêsu không có nghĩa là thoát khỏi thân phận yếu hèn, tội lỗi và cũng không đương nhiên là có cuộc sống đạo đức hơn những người khác. Nhưng làm môn đệ Đức Giêsu là phải làm sao để cố gắng đi theo Ngài, họa lại cuộc đời của Ngài và trở nên giống Ngài mỗi ngày một hơn.

Nói tới đây, tôi nhớ đến một câu chuyện do đương sự kể lại, tôi không nhớ trọn vẹn nguyên văn, nhưng đại ý thế này: Cha Đức, một việt kiều tại Mỹ, sinh ra trong một gia đình ngoại giáo đã can đảm vượt qua mọi sự dị nghị, đàm tiếu và ngăn cản của những người xung quanh để trở lại đạo Công Giáo vào năm 1995. Hai năm sau đó, cha tiếp tục đáp lại tiếng gọi của Chúa, cha muốn trở thành linh mục trong khi công việc của mình đang tỏa sáng: một kỹ sư máy tính với mức lương 36 USD/giờ tại Mỹ lúc bấy giờ là ước mong của biết bao người. Hơn nữa, khi cha muốn làm linh mục thì gia đình cha hết sức phản đối vì họ cho rằng cha đi tu như thế là bất hiếu vì không thể phụng dưỡng ba mẹ. Nhưng ngài nói một cách xác tín theo tư tưởng của Đường Hy Vọng, số 340, rằng: “Đi tu không phải là xa lánh thế gian, nhưng ở trong thế gian và cho thế gian”. Cuối cùng, trải qua bao khó khăn, ngài vẫn không chùn bước và đã trở thành linh mục của Chúa vào năm 2001. Hằng năm, ngoài công việc mục vụ, ngài vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để làm công tác từ thiện. Mới đây nhất, tôi có nghe ba mẹ ngài đã trở lại đạo Công Giáo.

Cha Đức có thể là một mẫu gương đáp lại tiếng Chúa trong thế giới chúng ta đang sống hôm nay, một thế giới với nhiều biến động. Thiết nghĩ, điều quan trọng là chúng ta có muốn lắng nghe, muốn nhận ra và đáp lại tiếng gọi thân thương của Chúa hay không mà thôi. Đáp trả ở đây không phải là những lời nói suông mà bằng “một sự hiến dâng liên lỉ thực hiện trong cuộc sống” (Đường Hy Vọng, số 69),từ bỏ và hy sinh vì Đức Kitô và Tin Mừng của Người.

Ước gì qua việc lắng nghe và suy gẫm lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ nhạy bén hơn trước tiếng gọi của Chúa và mau mắn đáp trả trong sự phó thác, tin tưởng, yêu thương và hy vọng. Và khi chúng ta trao gởi đời mình cho Chúa thì Chúa sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta trở nên tuyệt diệu và có ý nghĩa; chúng ta sẽ là những công cụ phi thường trong bàn tay của Người, như thánh Têrêxa Calcutta đã từng thưa lên rằng: “Tôi chỉ là cây bút chì trong tay Chúa, để Chúa viết những gì Chúa muốn”.

[1] Giáo Hoàng Pio X Học Viện Đà Lạt, Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm B, Mùa Thường Niên, 2013, tr. 37.

[2] Phạm Văn Phượng, Chia sẻ Tin Mừng, Chúa Nhật năm B, tr. 48.

[3] Nguyễn Quốc Tuấn, “Những ngư ông của Chúa”, http://daichung vienvinhthanh.com/2012/01/19/chua-nhật-iii-thường-nien-b-những-ngư -ong-của-chua/ truy cập ngày 10-10-2014.

[4]Chân Ngôn, Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và đại lễ – năm B, Học Viện Đa Minh, 2011, tr. 331.


 

HÃY SÁM HỐI VÌ NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN (Lm. Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD)

Đây là trọng tâm sứ điệp Tin Mừng của Chúa Giêsu. Trọng tâm này xuyên suốt các bài giảng của Chúa Giêsu trong các trình thuật của Tin Mừng. Tiêu chuẩn để được vào Nước Trời là phải sống hoàn thiện, sống đức tin kiên định vào Chúa và sống bác ái đối với tha nhân. Đây cũng là thái độ sống mà người Kitô hữu phải có. Tâm tình ấy giúp người Kitô hữu được gắn kết trong tình yêu thương của Thiên Chúa trên hành trình vào Nước Trời. Thực tế trong đời sống trần thế, dường như con người đang cố xa lánh tiêu chuẩn Tin Mừng; con người có xu hướng yêu thích thế gian hơn là một Nước Trời của sự sống vĩnh cửu. Nền văn hóa và tiêu chuẩn sống của con người ngày nay thiên về những lối đi rộng rãi, những lợi lộc nhanh gọn cho phần xác hơn là phải kiên tâm bền chí để có thể thanh luyện tâm hồn hướng đến cõi sống vĩnh cửu trong Nước Trời mai sau.

Khi suy niệm Tin Mừng, tôi phân vân tự hỏi: liệu có phải tiêu chuẩn của Nước Trời đã trở thành gánh nặng cho con người ngày nay? Theo lẽ tự nhiên, tôi thích những gì thoải mái hơn là phải gò ép mình sống theo tiêu chuẩn của Tin Mừng Nước Trời. Chính vì điều này, tôi tự tạo cho mình gánh nặng để rồi chán nản, từ bỏ niềm cảm mến Thiên Chúa, từ đây, tôi nhìn cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa qua Tin Mừng trở thành sự gò bó; tôi tự khép mình lại, đóng kín cõi lòng với Thiên Chúa yêu thương. Tôi sợ gánh nặng bởi những đòi hỏi của việc sống trọn hảo; tôi đồng hóa Nước Trời với những bổn phận, những chữ “phải” vốn nặng nề tâm trí. Dần dần, tôi quên đi ơn nghĩa mà Thiên Chúa đã ban cho tôi, quên đi Thiên Chúa là Cha sáng tạo và hằng gìn giữ tôi, hằng muốn tôi kết hiệp trọn vẹn bằng việc bước theo Con của Ngài. Khi từ chối những tiêu chuẩn của Nước Trời, tôi sống xa dần những mối dây gắn kết mình với những khao khát tốt đẹp, tôi bị mất dần tâm tình yêu mến đối với Đấng đã dựng nên và cứu chuộc tôi. Chính khi tôi xa rời tiêu chuẩn Nước Trời, xa rời Thiên Chúa, tôi đang bước đi trong bóng tối. Mất đi niềm khao khát những gì thuộc về Nước Trời, tôi cũng không còn phấn đấu sống tinh thần Tin Mừng Chúa Giêsu truyền dạy hôm nay. Nếu không nhận ra mình đang ở đâu trong mối tương quan với Thiên Chúa, tôi thật khó mà vượt qua những chướng ngại để bước theo lời mời gọi của Con Thiên Chúa.

Tôi phải làm gì? Để sống tinh thần Tin Mừng, điều chắc chắn là tôi phải lượng giá rõ mình đang đi theo con đường nào. Những lôi cuốn của cuộc đời luôn luôn thường trực trước mặt và ngay cả trong lòng tôi. Còn tình yêu Thiên Chúa và những giá trị vĩnh cửu thì cần phải khổ công tìm kiếm trong niềm tin tưởng phó thác. Vậy vấn đề tiếp theo là tôi có dám đến gần với Thiên Chúa, tôi có khát khao để cho ân sủng Thiên Chúa biến đổi con người mình hay không. Hay là tôi ù lì buông theo những quyến rũ của đời sống loạn chuẩn mực như hiện nay? Nhiều khi tôi tự nhủ sẽ mạnh mẽ đón nhận ân ban của Thiên Chúa. “Tình yêu Thiên Chúa nhắm đến tất cả mọi người, không phân biệt ai cả. Điều cốt yếu là tôi được mời gọi và tôi có tiếp nhận lời mời gọi đó hay không. Về phần chúng ta, đức tin sẽ chủ yếu nằm ở chỗ chúng ta ý thức về sự lệ thuộc tuyệt đối, tin cậy hoàn toàn, sự từ bỏ”.[1] Sự từ bỏ những quyến rũ của những mầm mống gây nên tội lỗi luôn luôn là đòi hỏi của Nước Trời, của Chúa Giêsu. Thập giá là những dính bén trong lòng tôi đối với những cám dỗ ấy. Tôi phải từ bỏ chúng để có thể sống tinh thần giáo huấn của Con Thiên Chúa.

“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Hoán cải là điều kiện trong cuộc hành trình vào cõi sống Nước Trời. Đây là kinh nghiệm khó khăn, chỉ có ơn Chúa mới biến đối tâm hồn tôi. Các bí tích giúp tôi hoán cải và tiến gần đến với Chúa Giêsu. Nhờ lãnh nhận các bí tích, tôi được đón nhận tình yêu thương, ơn tha thứ và sức mạnh linh thiêng để sống niềm vui của người được tha thứ, được gắn kết vào mạch sống từ Con Thiên Chúa.

“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).Cho dù Đức Giêsu đã mang ánh sáng của Thiên Chúa vào thế gian, nhưng không phải mọi người đều đón nhận. Điều đáng buồn là có nhiều lúc, tôi đã từ chối ánh sáng và dứt khoát ở lại trong bóng tối. Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”(Mt 4,17) nhắc nhở tôi nhìn nhận bóng tối của chính mình để mau mắn hoán cải. Lời mời gọi này cũng luôn luôn sống động và có giá trị đối với những người khao khát sự sống, khao khát được gắn kết vào Đức Kitô là nguồn mạch dẫn đến sự sống vĩnh cửu trên Quê Trời.

Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu tha thứ cho những lần chúng ta xa lìa Chúa; xin cho chúng ta biết lắng nghe và tin tưởng vào lời Chúa dạy, để nhờ Chúa, chúng ta được ánh sáng chiếu soi, được gắn kết với Chúa luôn mãi trong cuộc hành trình vào Nước Trời.

[1] x. Pierre Cardon de Lichtbuer, SJ., Các Dụ ngôn về Nước Trời, Nguyên tác Parabolles du Royaume, Tiến Lộc & các dgk, Tôn Giáo, 2011, tr. 540.


 

ĐỨC TIN VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD)

Bối cảnh Tin Mừng hôm nay chính là việc Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai ngay khi ông Gioan Tẩy Giả bị bắt (x. Mt 4,12-17).Tin Mừng kể rằng, đang khi đi dọc biển hồ Galilê, Đức Giêsu đã gặp và mời gọi bốn ngư phủ đi theo mình. Điều khiến chúng ta phải ngạc nhiên là ngay khi nghe lời mời gọi “các anh hãy theo tôi” của Ngài, bốn môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê đã lập tức bỏ cha, bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ công việc để đi theo Chúa.

Trạng từ ‘lập tức’ diễn tả sự dứt khoát, mau lẹ. Các ông ‘lập tức’ chuyển hướng cuộc sống và bỏ lại sau lưng những gì vốn thân quen, gần gũi bấy lâu để đi theo một tiếng gọi bởi một con người xa lạ và một lời hứa đi kèm mà hẳn là các ông cũng không hiểu được lúc bấy giờ: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,21). Chúng ta không thể biết rõ các ông ‘lập tức’ theo Đức Giêsu vì hy vọng đổi đời hay vì bị cuốn hút cách kỳ lạ bởi Đức Giêsu, hoặc các ông được đánh động và thôi thúc trong lòng cách nào, nhưng điều chúng ta không phải nghi ngờ là các ông đã dám theo Đức Giêsu vì đã dám tin mãnh liệt vào Ngài. Đức tin đó đã giúp các ông kiên cường chiến thắng sự lo sợ thất bại, dám bỏ lại sau lưng những gì đảm bảo, để tiến bước hăng hái về tương lai của lời hứa. Đó là đặc tính cốt lõi của niềm tin vào Chúa: tin là phó thác. Đó cũng là đặc tính đầu tiên và tiên quyết của người môn đệ của Đức Kitô: tin là dám phiêu lưu, dám bỏ lại sau lưng những gì là bảo đảm, để mau mắn đáp trả lời mời gọi của Chúa, để theo Chúatrên con đường Ngài đi.

Về phía Đức Giêsu, Ngài đã gởi gắm niềm tin nơi các ngư phủ, những con người rất đỗi bình thường, khi mời gọi họ làm môn đệ mình. Dĩ nhiên Ngàibiết rõ con đường gian nan phía trước, biết những gì đang chờ đợi môn sinh của mình, nhưng Ngài đã không chọn cho mình những người hùng tâm, dũng chí, thay vào đó là các ngư phủ, những người rất đỗi bình thường trong số những người bình thường, để rồi đây tiếp nối sứ vụ của Ngài là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Thế mới biết Thiên Chúa có cách hành động của Người, và Người không đánh giá ai theo nhãn quan thông thường của con người, vì Người nhìn thấu tâm can của họ.

Trong ánh sáng của đức tin Kitô Giáo, chúng ta đều tin rằng, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26-27) và mỗi người là duy nhất, là riêng biệt. Vì thế, những gì Người ban cho từng người cũng khác biệt nhau. Ngay cả khi chúng ta chưa khám phá hết khả năng và sử dụng cách hiệu quả tài năng của mình, Thiên Chúa cũng biết cách biến những vụng về của chúng ta thành công cụ để biểu lộ vinh quang của Chúa trong chính cuộc sống chúng ta, miễn là chúng ta ý thức và hết lòng cộng tác với Người qua lời cầu nguyện, qua lối sống ngay chính và bác ái với tha nhân. Thật vậy, vinh quang của Chúa được biểu lộ trong Nước của Người, tức là Nước Trời. Trong kinh Lạy Cha chúng ta đọc: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Qua lời kinh, chúng ta nguyện cho danh Cha được cả sáng ở dưới đất như danh Cha hằng cả sáng trên trời; và để nước Cha, nước vĩnh hằng trên trời, được thiết lập trong chính thế giới này, khi ý của Cha được thực hiện cả trên trời và dưới đất. Ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, ngay từ thuở tạo thiên lập địa, chính là muốn cho con người được thông phần hạnh phúc với Người khi tạo dựng chúng theo hình ảnh Người và đặt để muôn loài Người đã dựng nên dưới quyền trông coi của con người để họ được sống trong hạnh phúc (x. St 1, 26-28).

Vì thế, bổn phận của chúng ta, những người được rửa tội, đồng thời cũng là những môn đệ của Đức Giêsu, dù là giáo dân,tu sĩ hay giáo sĩ, chúng ta cũng được kêu gọi để xây dựng Nước Trời qua việc rao giảng và sống tinh thần Tin Mừng theo cấp bậc và địa vị của mỗi người. Trong đó, ai làm phận vụ gì thì phải chu toàn phận vụ đó cách quảng đại và yêu mến, đó chính là cách để xây dựng Nước Chúa. Là cha mẹ thì chu toàn bổn phận nuôi nấng, giáo dục và làm gương sáng cho con cái; là nhà buôn thì xây dựng Nước Chúa qua sự trung tín thật thà; là nhà giáo dục thì phải có tâm có tài; là tu sĩ thì phải trung thành với Chúa trong sứ vụ, theo đặc sủng của hội dòng mình,… Miễn là sự sống và nhân phẩm con người được tôn trọng, công bình bác ái được thực thi, và lời Chúa được rao giảng. Nhờ đó, gương mặt yêu thương của Thiên Chúa được tỏ lộ ra trong cuộc sống chúng ta, cho người xung quanh, và cùng nhau, tỏ lộ ra cho thế giới, để Nước Chúa ngày một mở mang trên trái đất này.

Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta biết sống tâm tình tạ ơn vì hồng ân đức tin chúng ta đã được lãnh nhận, đồng thời biết làm chứng cho những gì chúng ta tin với tư cách là người môn đệ của Chúa, để mang Chúa đến cho người khác.

 

 

Bài trướcCÁO PHÓ: Bà cố Maria Nguyễn Thị Thường (Thân mẫu của Lm. GB. Lê Quang Sáng, SVD)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 TN – A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây