LỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 3 TN)

0
218

Tin mừng: Mc 3, 22-30

22 Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, 23 và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”.

24 Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được?

25 Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được?

26 Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong.

27 Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y.

28 Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, 29 nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”.

30 Ðó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”.

 

—– SUY NIỆM —–

PHỦ NHẬN SỰ THẬT (Tu sĩ  Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD)

Chủ nhận những công việc tốt đẹp mà người khác làm là hành vi không tin nhận sự thật. Các Kinh sư không những khước từ những việc Chúa Giêsu đã làm mà còn gán các công việc ấy cho ma quỷ.

Họ tìm cách chỉ trích Chúa Giêsu vì họ không biết cách thức Người hoạt động. Trình thuật Tin Mừng kể lại: Các Kinh sư cho rằng Chúa Giêsu bị quỷ ám và Người dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ (x. Mc 3,22). Họ từ chối tin vào những công việc tốt đẹp Chúa Giêsu đã làm dù họ đã tận mắt chứng kiến. Dường như họ quan tâm đến phép lạ trừ quỷ hơn là chữa lành bệnh tật. Họ đã “nói phạm đến Thánh Thần” bởi họ gán ý đồ xấu của họ cho những việc làm lành thánh của Chúa Giêsu. Nghĩa là họ không chịu tin nhận Thiên Chúa, không tin nhận sự thật. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta ít khi nhận ra những việc tốt đẹp mà người khác làm. Trong một xã hội mà hệ thống đạo đức đang bị đảo lộn, thật giả khó phân minh, đôi khi chúng ta gán những suy nghĩ xấu của mình cho các hành động tốt của người khác. Thay vì khen ngợi một việc làm tốt, chúng ta lại đàm tiếu hay chê bai, có khi là khinh dể. Chúng ta giữ thành kiến của mình đối với tha nhân và áp đặt việc làm của họ bằng suy nghĩ hẹp hòi của mình. Chúng ta giới hạn tha nhân bằng cái nhìn khép kín trong sự vị kỷ.

Do đó, qua trình thuật Tin Mừng, chúng ta, những Kitô hữu, được mời gọi đón nhận sự thật. Tin vào Chúa, chúng ta được mời gọi hãy nhìn nhận những công việc tốt đẹp của tha nhân bằng sự trân trọng. Hơn nữa, với tình bác ái, chúng ta cùng góp sức mình để xây dựng một xã hội chuẩn mực trong sự thật. Nghĩa là dám nói thật, làm thật và tin nhận những gì tốt đẹp nơi tha nhân cũng như chính mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng trí con để con biết nhìn nhận những giá trị tốt đẹp qua việc làm của những người chung quanh. Xin giúp con can đảm để không chỉ tuyên xưng niềm tin bằng môi miệng mà còn bằng chính đời sống của con. Amen.


 

CHIA RẼ VÀ HIỆP NHẤT (Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD)

Chia rẽ là một vấn nạn phá vỡ sự hiệp nhất trong  mọi  thời  đại,  từ  trong chính nội tại bản thân mỗi người, trong gia đình đến các tổ chức tôn giáo hay xã hội dân sự khác nhau. Nhân cơ hội Chúa Giêsu chữa lành cho người bị quỷ ám, mà các kinh sư cho rằng Chúa dùng quyền của tướng quỷ để trừ quỷ, Người dạy cho họ và chính chúng ta hôm nay một bài học về sự chia rẽ và hiệp nhất.

Khuôn mẫu của sự hiệp nhất mà Giáo Hội họa theo là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi. Nhìn vào sự thống nhất và đoàn kết của Giáo Hội Công Giáo khắp nơi trên thế giới chúng ta xác tín được điều Chúa dạy “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền” (Mc 3,24). Quả thật, Giáo Hội đi qua lịch sử hơn hai ngàn năm cho chúng ta tự hào về sự hiệp nhất để tồn tại này.

Trong mọi thời đại, ma quỷ luôn tìm mọi cách để gây đổ vỡ trong Giáo Hội và trong các gia đình. Khi sự chia rẽ và chống đối nhau xảy ra trong nội bộ gia đình, hậu quả là tương quan mọi thành phần trong gia đình bị phá vỡ dẫn tới vợ chồng ly tán, con cái hư hỏng. Ngoài ra, trong các cộng đoàn đức tin và cộng đoàn tu trì cũng không tránh khỏi sự quấy phá của ma quỷ làm cho đời sống đức tin và tu trì bị phá vỡ, làm đảo lộn mọi trật tự ân sủng và tự nhiên, làm hạ cấp những giá trị của Tin Mừng, coi thường những giá trị luân lý. Ma quỷ tìm cách liên kết với nhau để chia rẽ sự hiệp nhất của chúng ta từ trong gia đình, nội bộ Giáo Hội, các cộng đoàn đức tin và tu trì. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa dạy để biết hợp nhất trong Thần Khí mà chống lại sự chia rẽ.

Xin Chúa dạy chúng ta biết luôn lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để hiệp nhất trong một đức tin và đoàn kết trong mối tương quan yêu thương của gia đình, cộng đoàn đức tin và tu trì, hầu chúng ta làm sáng danh Chúa trong sự hiệp nhất Ba Ngôi. Amen.


 

PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN (Tu sĩ Antôn Nguyễn Ngọc Khánh, SVD)

Thánh Phêrô đã nói: “Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8). Quả thế, Thiên  Chúa Tình Yêu không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho con người. Dẫu vậy, không phải mọi tội lỗi của con người đều được tha. Đức Giêsu ngang qua Tin Mừng hôm nay cũng đã xác quyết điều đó.

Trước những dấu lạ và lời giảng dạy đầy uy quyền của Đức Giêsu, thay vì cúi mình tin nhận, các kinh sư lại cho rằng Đức Giêsu bị quỷ ám và những công việc trên đều đến từ uy thế của quỷ vương Bêendêbun. Với sự xúc phạm và vu khống nghiêm trọng ấy, họ đã nói phạm đến Thánh Thần. Bởi lẽ, họ đã chối bỏ tình yêu và quyền năng của Đức Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa. Họ đã cứng lòng, cố chấp trước ơn cứu độ mà Đức Giêsu mời gọi. Họ không nhìn nhận những điều tốt đẹp mà Đức Giêsu đã làm là đến từ Thiên Chúa nhưng cho đó là công việc của ma quỷ. Do đó, tội mà họ đã phạm, “nói phạm đến Thánh Thần”, là chẳng thể nào tha thứ được.

Trong đời sống, lắm khi chúng ta cũng đã cách nào đó phạm đến Thánh Thần. Có thể, chúng ta chẳng hề xúc phạm đến Ngài bằng lời nói nhưng việc làm thì không thiếu những sự chối từ Thánh Thần. Chúng ta được ơn Thánh Thần soi sáng cho thấy Đức Giêsu chính là Đấng cứu độ nhân loại, được soi rọi cho thấy những tội lỗi của bản thân. Thế nhưng, không ít lần chúng ta vẫn cứ ù lì trong tội lỗi, cố chấp và không chịu hoán cải. Chúng ta “vùi mình” trong vũng bùn tội lỗi đến độ không còn nhìn nhận tội lỗi đã phạm để xin ơn tha thứ. Đó là những lúc chúng ta đã phạm đến Thánh Thần mà chẳng hay biết.

Lạy Chúa, Đấng luôn sẵn lòng tha thứ cho con người, xin cho chúng con dám buông bỏ lòng ngờ vực, nhưng biết mở lòng đón nhận tình yêu của Ngài với con tim khiêm nhường. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 TN-B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 3 TN)