Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 2 – Thường Niên – Năm A

0
856

Bài Ðọc I: Is 49, 3. 5-6

“Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc, để ngươi nên ơn cứu độ của Ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta được vinh danh nơi ngươi”.

Và bây giờ, Chúa phán, Người đã huấn luyện tôi khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở nên tôi tớ Người, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel quanh Người. Tôi được ca tụng trước mắt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh của tôi. Người đã phán: “Làm tôi tớ Ta chẳng có là bao, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. – Ðáp.

2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Ðáp.

3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật Chúa ghi tận đáy lòng con. – Ðáp.

4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 1-3

“Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta”.

Khởi đầu thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 29-34

“Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước”. Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Ðấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

NGÔN SỨ KHIÊM NHƯỜNG LÀM CHỨNG

Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay tập trung chủ yếu vào nhân vật Gioan Tẩy Giả, người đã mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu và giới thiệu niềm tin ấy cho dân chúng xung quanh.

Thời ấy, dân Do Thái vẫn còn mong đợi Đấng Cứu Thế đến để giải thoát họ khỏi ách thống trị của người Rôma. Thế mà, một ngày nọ, giữa đám đông những người đến với mình để xin rửa tội hoặc để nghe giảng, hay cũng có thể vì tò mò, ông Gioan lại hùng hồn giới thiệu một nhân vật đang tiến về phía mình là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (x. Ga 1,29). Lời giới thiệu có tính cách tuyên xưng đức tin này, trong bối cảnh xã hội Do Thái lúc bấy giờ, trở nên khó chấp nhận, nếu không muốn nói là chẳng ăn nhập gì vì hai lý do. Thứ nhất, tôn giáo độc thần của Do Thái tin chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và chỉ có Ngài mới có quyền tha tội (x. Mc 2,7), vậy mà ông Gioan lại giới thiệu một nhân vật tại thế có khả năng ‘xóa tội trần gian’; rõ ràng đây là một điều không thể chấp nhận được. Thứ đến, qua những năm dài triền miên oằn lưng mỏi gối chịu đựng sự thống trị của người Rôma, có lẽ trong thâm tâm người Do Thái chờ đợi một nhà giải phóng chính trị hơn là một nhà giải phóng tinh thần. Tình thế trái ngang là thế nhưng ông Gioan, vị ngôn sứ sau cùng của Cựu Ước, vẫn không mảy may có ý định ngừng tuyên xưng niềm tin và ngừng thi hành vai trò ngôn sứ của mình. Ở điểm này chúng ta cần rút ra bài học cho riêng mình. Giống như bao vị ngôn sứ khác trong Cựu Ước, ông Gioan đã hết lòng làm chứng cho sự thật, cho dù sự thật đó có thể không được chấp nhận hay gây nên sự xáo trộn trong niềm tin và nhận thức truyền thống của dân chúng. Vì thế, có thể nói rằng, trong vai trò một ngôn sứ sẽ không có chuyện lấp liếm sự thật hay e dè không dám công bố sự thật. Điều này dẫn tới hệ luận phải chấp nhận hy sinh để có thể làm ngôn sứ đúng nghĩa.

Ngày rửa tội, chúng ta đã được trao cho chức vụ ngôn sứ, đồng thời trở nên môn đệ của Đức Giêsu. Ngày nay, tuy chúng ta không lãnh trách nhiệm để đứng ra cảnh tỉnh dân Chúa, đứng ra truyền đạt ý định của Thiên Chúa một cách công khai như các ngôn sứ thời xưa, chúng ta vẫn còn đó sứ vụ để làm ngôn sứ trong thời đại mới, bối cảnh mới và có thể cách thức mới. Tuy có nhiều cái mới như vậy nhưng tuyệt nhiên có một nhân tố không hề mới đó là tinh thần của người ngôn sứ, tinh thần trung thành với Thiên Chúa và dấn thân cho ý định của Ngài. Trung thành với Thiên Chúa thời nào cũng là sự tin tưởng phó thác nơi Ngài, yêu mến Ngài trên hết mọi sự, và kính mến Ngài trên hết mọi sự (x. Mt 22,37-38). Ý định của Thiên Chúa, từ ngàn đời vẫn là ý định cứu độ, tức là mong muốn cho hết thảy mọi người được hạnh phúc, với tư cách là con cái của Ngài, mang hình ảnh Ngài (x. St 1,27). Vì thế, bằng vào tài năng, địa vị, vai trò và các phương tiện sẵn có, chúng ta, những người lãnh vai trò ngôn sứ, phải không ngừngchiếu tỏa niềm tin sống động vào Thiên Chúa ra cho người khác, qua đời sống yêu thương, tha thứ, chu toàn bổn phận cách quảng đại, tôn trọng sự thật, làm chứng cho sự thật, tôn trọng phẩm giá con người và dấn thân cho việc tôn trọng phẩm giá ấy trong từng giây phút sống và trong các công to việc nhỏ hằng ngày. Đó là một cách thế để rao giảng về Chúa, để làm cho người khác nhận biết và tin vào Chúa.

Đồng thời, chúng ta cũng cần học lấy bài học khiêm tốn nơi ông Gioan Tẩy Giả. Đang lúc uy tín của mình ngày một gia tăng khi người ta lũ lượt đến với mình, khiến các nhà lãnh đạo tinh thần thời ấy phải cử người đến chất vấn thân phận thật sự của ông (x. Ga 1,19-27), vậy mà ông Gioan đã không tự nhận mình cao trọng hay tỏ ra quan trọng trước Đức Giêsu, một người, dưới nhãn quan của dân chúng lúc ấy, là người hoàn toàn bình thường và thậm chí là xa lạ. Bởi đó, trước mặt dân chúng, ông đã tuyên xưng: “Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30). Trong đời sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta phải chấp nhận trở nên nhỏ đi để hướng tới những cái lợi lớn hơn. Cái lợi đó có thể là tri thức khi chúng ta biết khiêm tốn để học hỏi người khác. Cái lợi đó cũng có thể là tình huynh đệ khi chúng ta dám khiêm tốn nhận lỗi, hay đón nhận sự góp ý của người khác, để có thể sống tốt tương quan hằng ngày. Cái lợi đó có lúc là mang đến hạnh phúc cho người khác khi mình dám cho đi cách hào phóng nhưng nhận về cách khiêm tốn vì tự thấy thỏa mãn với những gì đang có. Nhất là, chúng ta cần hướng tới mối lợi to lớn nhất, là để danh Chúa được vinh quang khi chúng ta dám hy sinh, từ bỏ những gì không xứng hợp với đời sống Kitô hữu, để Chúa được nhận biết và yêu mến. Tức là chúng ta phải đặt Chúa lên hàng đầu trong tất cả mọi việc làm hay tương quan của chúng ta với Chúa và với tha nhân. Không những vậy, khi trở nên bé đi về mặt tinh thần, chúng ta sẽ dễ dàng hơn để có được sự sống đời đời, vì như Đức Giêsu đã phán: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con, trong từng ngày sống, biết khiêm nhường để được thăng tiến thành con người trưởng thành mọi mặt. Nhất là khiêm nhường để biết Chúa và biết con, để đặt Chúa là trung tâm điểm của đời sống chúng con. Đồng thời, khi đã để Chúa làm trung tâm điểm cuộc đời, chúng con cũng biết rao truyền lời Chúa và làm chứng cho Chúa.

 

 

 

 

Bài trướcCĐ Nhà Chính SVD: Mừng Lễ Thánh Arnold Janssen – Đấng Sáng Lập Dòng Ngôi Lời (15/1/2020)
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần II – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.