Thường Niên – Tuần II – Năm A

0
548

Chúa Nhật – Ngày 19 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : Is 49, 3. 5-6
Bài đọc 2 : 1 Cr 1, 1-3
Tin Mừng : Ga 1, 29-34

Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

ĐI THEO HƯỚNG CHỈ ĐƯỜNG

Khi Đức Phật chỉ ngón tay về phía mặt trăng, không phải ngài muốn người ta chạy đến nơi chỗ ngón tay của mình, nhưng là muốn người ta theo hướng ngón tay ngài chỉ để tìm con đường giải thoát.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn và đi theo hướng ngón tay chỉ đường của thánh Gioan Tẩy Giả.
Khác với thái độ của các kinh sư, và người Pharisêu muốn loại trừ Chúa vì sợ đám đông bỏ họ mà chạy theo Chúa Giêsu. Khi thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, ông Gioan đã chỉ tay về phía Ngài và giới thiệu cho các học trò của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Ông muốn giới thiệu cho mọi người biết và tin nhận Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Ông không muốn các môn đệ và đám đông dân chúng chỉ tìm đến với ông, nhưng muốn mọi người hãy đi theo hướng ngón tay ông chỉ. Nếu mọi người đi theo hướng ngón tay của ông Gioan thì họ sẽ gặp được Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi tất cả chúng ta học hỏi tinh thần của ông Gioan Tẩy Giả: Biết về Chúa và giới thiệu Chúa cho những người khác. Thật vậy, cần phải biết rõ về Chúa, xác tín và yêu mến Ngài thì mới hăng hái giới thiệu Ngài cho tha nhân. Khi chúng ta đã biết Chúa, chúng ta không giữ Chúa cho riêng mình, không lấy Chúa làm bình phong để tìm vinh quang cho mình, nhưng quảng đại giới thiệu Chúa cho người khác, để Chúa được nhiều người nhận biết, tôn vinh và kính thờ.
Lạy Chúa, hiện nay nhiều người vẫn chưa nhận biết Ngài. Xin Thánh Thần Chúa soi sáng để mỗi người chúng con có tinh thần của ông Gioan Tẩy Giả, biết giới thiệu Chúa cho mọi người bằng chính cuộc sống chứng nhân của chúng con; qua đó, chúng con góp phần đánh thức thế giới nhận biết Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng cứu độ nhân loại.
Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Thứ Hai – Ngày 20 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Fabianô, Giáo hoàng, Tử đạo
Bài đọc 1 : 1 Sm 15, 16-23
Tin Mừng : Mc 2,18-22

Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”.

GẶP CHÚA

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay là cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với một số người về vấn đề ăn chay khi họ thấy các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay.
Trước hết, chúng ta khẳng định rằng: ăn chay là một việc làm đạo đức thiêng liêng tốt đẹp, vì ăn chay không chỉ là để thánh hóa bản thân, nhưng còn là để hướng lòng lên Chúa. Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của việc ăn chay, nhưng nhân cơ hội này Người mở ra cho họ một sự hiểu biết mới của việc ăn chay.
Chúa Giêsu mặc khải cho họ biết, chính Ngài là Đấng phải đến, là Vị Thiên Chúa mà họ đang mong đợi, đang hiện diện giữa họ như chàng rể. Cho nên, các môn đệ của Ngài lúc này không ăn chay, nhưng sống trong tâm tình của niềm vui vì gặp được chính Chúa, gặp được Đấng mà họ hằng mong đợi. Một trong những mục đích của việc ăn chay là hướng lòng mình về Chúa, để được gặp gỡ Ngài, mà giờ đây Chúa Giêsu đang hiện diện giữa họ, nên lúc này không phải là thời điểm các môn đệ cần ăn chay.
Biết bao lần trong cuộc sống, chúng ta cũng có thái độ lên án hoặc chỉ trích người khác; chúng ta lấy mình làm chuẩn mực để phán xét hành vi của người xung quanh. Lắm lúc chúng ta ăn chay nhưng chỉ là hình thức bên ngoài, chứ không thật lòng hoán cải để được gặp gỡ chính Chúa. Mục đích ăn chay là để chu toàn lề luật chứ không phải là khát mong được gặp Chúa, dù Chúa luôn hiện diện và mời gọi chúng ta đến cùng Ngài.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống tâm tình khiêm nhường và quảng đại đối với anh chị em; đồng thời, xin giúp chúng con giữ tâm hồn thanh tịnh bằng cách ăn chay để chúng con gặp được Chúa nơi thẳm sâu lòng mình.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Thứ Ba – Ngày 21 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Anê, Trinh nữ, Tử đạo
Bài đọc 1: 1 Sm 16, 1-13
Tin Mừng : Mc 2,23-28

Vào một ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Người nói tiếp: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”

LUẬT VỊ NHÂN SINH

Trong ý định ban đầu của Đấng ban lề luật, “ngày sabát được tạo nên cho con người”, để cho con người được sống, chứ không phải con người làm nô lệ cho ngày sabát, nghĩa là “luật vị nhân sinh”.
Khi người Pharisêu phàn nàn với Đức Giêsu về việc các môn đệ bứt lúa trong ngày sabát, Người đã lấy dẫn chứng từ 1Sm 21,1-7 về chuyện vua Đavít và thuộc hạ ăn bánh tiến, thứ bánh mà theo luật tế tự, chỉ có tư tế mới được ăn. Trong cuộc chạy trốn sự truy sát của vua Saun, Đavít đói bụng và tư tế Akhimeléc đã đưa bánh thánh hiến cho ông và thuộc hạ ăn. Tư tế chỉ căn dặn một điều là người ăn bánh phải là người giữ cho thân thể mình được thánh, không gần gũi đàn bà. Như vậy, trong trường hợp khẩn cấp vì sự sống con người, hiệu lực pháp lý của luật bị đình chỉ, bị giảm thiểu, chỉ những điều căn cốt được giữ lại.
Cũng thế, việc bứt lúa để ăn là không được phép trong ngày sabát, nhưng vì sự sống, các môn đệ của Đức Giêsu có thể làm điều đó, miễn là các ông vẫn giữ được tinh thần của luật là nghỉ ngơi và có tâm hồn thanh sạch để phụng thờ Đức Chúa trong ngày sabát. Không phải Đức Giêsu bảo vệ “điều sai” của các ông, nhưng Người cho biết: Ai là Chủ của luật? Và luật nhắm đến điều gì? Để từ đó, Người chỉ cho chúng ta cách áp dụng luật trong từng hoàn cảnh trong thực tế.
Bộ Giáo luật có tới 1752 điều khoản nhằm duy trì trật tự, bảo vệ lợi ích và sự sống của từng tín hữu trong công đoàn. Luật cho thấy sự chắc chắn và thiện hảo trên nguyên tắc chung, nhưng càng đi vào chi tiết thì càng có nhiều bất tất (x. ST I-II, q.94, a.4). Vì thế, trong mục vụ, cần có sự phân định và áp dụng cách linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.
Lạy Chúa, xin cho con biết sáng suốt phân định trong việc thi hành luật và xin cho con luôn nhớ rằng: Luật vì sự sống con người.
Lm. Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

Thứ Tư – Ngày 22 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Vinh Sơn, Phó tế, Tử đạo
Bài đọc : 1 Sm 17,32-33.37.40-51
Tin Mừng : Mc 3,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.

GIỮ LUẬT CÁCH HÌNH THỨC

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy người Do Thái tuân giữ luật sabát cách máy móc, hình thức, và họ nghĩ rằng việc giữ luật như thế sẽ làm cho họ trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã phê phán việc giữ luật cách hình thức như thế; Ngài còn chữa lành cho người bại tay trong ngày sabát căn cứ trên luật yêu thương, luật của tấm lòng.
Quả thật, sự công chính không hệ tại ở việc tuân thủ lề luật cách hình thức như những người Pharisêu là những người hay đứng trước mặt Thiên Chúa để tạ ơn vì việc giữ luật của họ (x. Lc 18,11-12). Nhưng dù vậy, họ vẫn không được xem là công chính vì việc tuân thủ lề luật cách hình thức chỉ là là sự tuân thủ cách giả hình.
Việc giữ luật cách hình thức thì bảo đảm cho sự “an ổn”, ít người đàm tiếu và trách móc. Nhưng nếu muốn trở nên công chính mà chỉ tuân thủ lề luật cách hình thức thôi thì chưa đủ. Sự công chính phải xuất phát từ cõi lòng chân thành. Một đồng xu bà góa cũng làm cho bà được Chúa tán thưởng. Lời sám hối muộn màng trên cây thập giá cũng đủ làm người trộm lành được ở trong Nước Trời. Đó là những hành động xuất phát từ tấm lòng và sự sám hối chân thành, không chút hình thức. Họ đã cho đi tất cả chứ không chỉ là tuân thủ. Đâu đó, “sự tuân thủ lề luật cách cứng nhắc” thấp thoáng hình ảnh người con trai cả “chẳng khi nào trái lệnh cha” nhưng chỉ vâng lời cách hình thức; anh không có sự gắn bó với cha, mà chỉ muốn được được lợi lộc riêng khi giữ luật (x. Lc 15). Vì thế, sự thành toàn bản thân dựa trên việc tuân thủ lề luật cách hình thức thì không làm nên sự công chính. Sự công chính hệ tại ở sự kết hiệp với Đức Kitô trong ý muốn của Ngài.
Lạy Chúa, cách sống đạo và giữ lề luật đúng đắn là bằng cả trái tim. Xin cho con đừng quá nệ vào hình thức để con biết hướng đến tình yêu trong hành động. Xin Chúa tiếp tục đồng hành và soi lối cho con.
Lm. Giuse Maria Phạm Văn Thế, SVD

Thứ Năm – Ngày 23 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : 1 Sm 18,6-9; 19,1-7
Tin Mừng : Mc 3,7-12

Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

NHU CẦU TÂM LINH

Con người luôn cố gắng tìm kiếm cho mình một cuộc sống đầy đủ về những tiện nghi vật chất; đồng thời, trong sâu thẳm lòng mình, con người cũng khát khao nhu cầu tâm linh.
Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô thuật lại việc dân chúng lũ lượt kéo đến với Đức Giêsu. Họ không phải là những con người có địa vị, giàu có, quyền cao chức trọng, mà là những con người ốm đau, bệnh tật, và nghèo đói. Họ chạy đến với Chúa để mong được chữa lành, được giải thoát khỏi gông cùm của bệnh tật. Đối diện với đám đông, Chúa Giêsu đã tỏ lộ quyền năng của Ngài với tư cách là Đấng Thiên Sai đến để chữa lành bệnh tật cho muôn dân. Ngài luôn mang tâm thế là người Tôi Trung Đau Khổ đến mang lấy gánh nặng bệnh tật thay cho muôn dân. Vì vậy, mọi người tin và chạy đến với Chúa Giêsu đều được chữa lành khỏi mọi bệnh tật và đón nhận sự bình an của Chúa.
Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, tôi được thôi thúc nhìn lại chính mình. Trước mặt Chúa, tôi cũng là một con người bệnh tật, đau khổ, nghèo nàn. Tôi cần phải có lòng tin tuyệt đối, biết khiêm hạ và đơn sơ chạy đến với Chúa để được chữa lành và đón nhận tình thương của Chúa. Để rồi, tôi cũng có thể là cánh tay nối dài của Đức Kitô đến với nhiều mảnh đời bất hạnh khác trong xã hội đang phải chịu cảnh bi ai của kiếp người. Họ đang khát khao Chúa là nguồn sống và là Đấng giải thoát họ khỏi mọi gông cùm của tội lỗi và nỗi khổ đau của kiếp nhân sinh.
Lạy Chúa, xin hãy giúp con nhận ra Chúa là người cha nhân lành. Xin giúp con thoát ra khỏi vỏ bọc của sự nhút nhát, tự ti, mặc cảm để can đảm đến với Chúa và được Chúa chữa lành bằng cả tình yêu trọn hảo của Chúa. Đồng thời, xin cho con biết giới thiệu Chúa là Đấng cứu độ cho mọi người chưa nhận biết Chúa.
Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD 

Thứ Sáu – Ngày 24 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Phanxicô Salêsiô, GM, TSHT
Bài đọc : 1 Sm 24,3-21
Tin Mừng : Mc 3,13-19

Khi ấy, Đức Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simôn là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan em ông Giacôbê – Người đặt tên cho hai ông là Bôanêghê, nghĩa là con của thiên lôi – rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Ítcariốt là chính kẻ nộp Người.

Ý NGHĨA ƠN GỌI MÔN ĐỆ

Quan niệm Á Đông cho rằng người môn đệ phải chủ động “tầm sư học đạo” nghĩa là tìm một vị thầy để học làm người, học để tiến thân và đặc biệt hơn học trở nên thánh hiền. Điều này càng đúng với tư tưởng của Khổng Giáo và Lão Giáo. Ngày nay tại Việt Nam do ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Á Đông mà rất nhiều người hiểu sai về ơn gọi trở nên môn đệ của Đức Kitô. Nhiều bậc cha mẹ hay ông bà, những người đạo đức thường nghĩ việc trở nên môn đệ của Đức Giêsu là do ý muốn của con người. Thậm chí đáng buồn hơn là ngay cả người môn đệ cũng hiểu sai việc mình trở nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô cũng là do ý muốn và nỗ lực của cá nhân mình.
Đối với Kitô giáo, ơn gọi trở nên môn đệ là do ân sủng của Thiên Chúa. Đức Kitô là vị Thầy đã chủ động muốn và chọn gọi người môn đệ theo Ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô cho ta thấy rõ điều đó: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.” (Mc 3,13). Thật vậy, Đức Giêsu không chọn Nhóm Mười Hai theo cảm tính tự nhiên nhưng theo ý muốn của Chúa Cha qua cầu nguyện (x. Lc 6,12-13).
Như vậy, việc trở nên môn đệ của Đức Giêsu không do ý muốn chủ quan của con người nhưng phát xuất từ Thiên Chúa. Ngài chọn và gọi không dựa trên giàu nghèo, địa vị sang trọng hay thấp kém, tài giỏi hay ngu dốt. Nhóm Mười Hai hầu hết là những thợ thuyền và ngư dân, những người ít học. Ngài chọn họ không phải vì họ tài giỏi mà vì đó là ý muốn của Thiên Chúa.
Do đó, ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu trước tiên phải phát xuất từ ý định của Thiên Chúa; ý định đó vượt lên trên ý muốn con người. Ân sủng Thiên Chúa tác động để khơi lên trong lòng người môn đệ khả năng đáp trả cách tự do. Đồng thời, Thiên Chúa gìn giữ và ban cho người môn đệ những phẩm chất và những năng quyền đủ để thi hành sứ vụ mà Ngài trao.
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã chọn gọi con do tình thường của Ngài. Xin ban ơn thánh hoá và giúp con trở nên môn đệ theo thánh ý Chúa.
Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Thứ Bảy – Ngày 25 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI
Lễ Kính

Bài đọc : Cv 22, 3-16 hoặc Cv 9, 1-22
Tin Mừng : Mc 16, 15-18

Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

HÀNH TRANG VÀ MỤC ĐÍCH

Trong bất kỳ cuộc lữ hành nào, người lữ khách phải luôn chuẩn bị hai thứ: hành trang và mục đích. Ai ai cũng tự hỏi bản thân rằng: Ta cần chuẩn bị gì? Ta sẽ đi về đâu? Mục đích của chuyến đi này là gì?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô chỉ rõ mục đích ra đi của một người môn đệ là “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, nhưng Ngài lại chẳng nhắc gì đến chuyện hành trang cả. Kiến thức, tiền bạc hay ngôn ngữ là hành tranh cần thiết ư? Có thể! Nhưng nó không là tất cả và cũng không là yếu tố chính yếu để dẫn đến thành công trong hành trình truyền giáo. Nhà truyền giáo khác với nhà xã hội học; ta không đến để nghiên cứu về con người, về một vùng đất xa lạ nào đó; ta đến để “ở cùng, sống với” và mang Đức Kitô đến ở với họ. Thánh Phaolô là người có địa vị, có kiến thức trong xã hội thời đó nhưng tất cả những điều đó là vô nghĩa nếu bản thân ngài không chất chứa một tình yêu mãnh liệt: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14).
Vì thế, tình yêu chính là động lực và nền tảng căn bản nhất của một tu sĩ truyền giáo. Khi tình yêu tràn đầy nó sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, dội vào trái tim của những người chưa nhận biết Chúa. Thiết nghĩ con đường ngắn nhất để rao giảng Tin Mừng là “từ trái tim đến trái tim”, dẫu biết rằng, con đường đó không hề dễ dàng và cũng lắm chông gai. Nó có thể khiến ta “ngã ngựa” nhiều lần. Nhưng với tình yêu, một lần ta “ngã ngựa” là một lần ta đứng lên trở lại, một lần ta được tôi luyện để trở nên khí cụ sắc bén hơn trong bàn tay Thiên Chúa.
Lạy Chúa, hôm nay lễ thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, xin cho mỗi người chúng con biết noi gương thánh nhân để trở thành những “chiến binh” trên cánh đồng truyền giáo. Bởi chúng con hiểu rằng “rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất.” (Cha Thánh Sáng Lập Dòng Ngôi Lời Arnold Janssen)
Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD

MỒNG MỘT TẾT NGUYÊN ĐÁN
Cầu Bình An Cho Năm Mới

Bài đọc 1 : St 1,14-18
Bài đọc 2 : Pl 4,4-8
Tin Mừng : Ga 14,23-27

Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.

NĂM MỚI – TINH THẦN MỚI

Xuân xuân ơi, xuân đã về! Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến. Đó là lời của bài hát “Ngày Xuân” mà nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã thốt lên đầy phấn khởi khi mùa xuân đến. Quả thật, xuân mới mang đến cho muôn loài, muôn vật màu sắc mới, không khí mới đầy rực rỡ, niềm vui và hạnh phúc.
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa. Ở lại trong tình yêu giúp chúng ta rũ bỏ đi con người cũ, con người hay sa ngã mà mặc lấy một tinh thần mới nơi Đức Kitô. Đó là tinh thần yêu thương trong tương quan giữa ta với Thiên Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
Thánh Phaolô cũng khuyên chúng ta hãy sửa đổi và đổi mới tinh thần trong tương quan với Thiên Chúa để rồi chúng ta nhận ra thánh ý Ngài và từ đó sống tốt hơn, thánh thiện hơn trong ân nghĩa với Thiên Chúa: “Anh em hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12,2).
Là người Kitô hữu, chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi đổi mới chính mình khi mùa xuân về; đó là bỏ đi con người cũ kỹ với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi để mặc lấy con người mới, sức sống mới, tinh thần mới là chính Thiên Chúa là Chúa của mùa xuân.
Lạy Chúa, trong năm mới này, xin giúp chúng con biết đổi mới chính mình và mặc lấy con người mới, một tâm tình mới, một tinh thần mới, một tương quan mới với Chúa, để gắn bó mật thiết với Chúa và tha nhân hơn.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 2 – Thường Niên – Năm A
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần III – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.